Thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp ở Thành phố Hà Nội: thực trạng và giải pháp

THS. VŨ THỊ CHANH (Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng, Viện Hàn lâm Khoa học - xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT:

Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và tạo điều kiện cải thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp, hiện đại hóa công nghệ sản xuất và nâng cao giá trị nông sản ngành, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp của quốc gia. Hưởng ứng tích cực tinh thần “Quốc gia khởi nghiệp” của Chính phủ, TP. Hà Nội đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, phát triển khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Bài viết này tập trung đề cập đến thực trạng phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của TP. Hà Nội, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy khởi nghiệp phát triển nông nghiệp của Thành phố.

Từ khóa: khởi nghiệp, nông nghiệp, TP. Hà Nội.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, đang nhanh chóng hội nhập với thế giới, kéo theo đó là xu thế tất yếu phải đổi mới sản xuất, đổi mới tư duy trong ngành Nông nghiệp. Tuy nhiên,  thực trạng nông nghiệp Việt Nam với nhiều hạn chế, như: cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, dịch vụ phụ trợ chưa phát triển, cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp chưa có nhiều đột phá, các ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp còn hạn chế về cả số lượng và chất lượng,… Thực tế chứng minh rằng, trong khởi nghiệp, thì khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một những yếu tố then chốt đưa đến sự phát triển của ngành Nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Từ năm 2016 đến nay, công tác hỗ trợ khởi nghiệp được TP. Hà Nội đặc biệt quan tâm. Việc tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của TP. Hà Nội.

2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu được sử dụng chủ yếu trong bài viết này là phương pháp thu thập, phân tích các dữ liệu nghiên cứu từ các đề tài, dự án đã được thực hiện trong các nghiên cứu sơ cấp, nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu phát triển có liên quan đến các nội dung về khởi nghiệp, khởi nghiệp nông nghiệp. Ngoài ra, phương pháp thu thập thông tin thứ cấp dựa trên nguồn thông tin thu thập được từ những báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội (các nghiên cứu đã có về khởi nghiệp trong phát triển nông nghiệp, Niên giám thống kê, Báo cáo kinh tế-xã hội, các báo cáo đánh giá về sản xuất nông nghiệp của Hà Nội, các quy hoạch, kế hoạch và các Chương trình, Đề án triển khai giai đoạn và từng năm, các số liệu, tài liệu, ấn phẩm liên quan đến khởi nghiệp nông nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2020).

Bên cạnh đó, phương pháp thu thập thông tin được sử dụng trong nghiên cứu như phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp, các cán bộ trong các Sở, ngành của TP. Hà Nội.

3. Thực trạng phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp ở TP. Hà Nội

TP. Hà Nội là thủ đô, trung tâm kinh tế - khoa học và công nghệ, đi đầu trong phong trào phát triển doanh nghiệp cả nước. Với 119 trường đại học, cao đẳng, học viện và nhiều trung tâm đào tạo, Thành phố có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm khởi nghiệp. Với số lượng doanh nghiệp đăng ký mới không ngừng tăng lên hàng năm, tính đến ngày 1/1/2020, Hà Nội có 164.632 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 12,05% so năm trước và bình quân giai đoạn 2016-2019 mỗi năm doanh nghiệp tăng 10,64%. Hà Nội là địa phương đứng thứ 2 trong cả nước về số lượng doanh nghiệp (bằng 62,7% số doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh) và chiếm 20% tổng số doanh nghiệp toàn quốc.

Tinh thần khởi nghiệp kinh doanh mạnh mẽ tại TP. Hà Nội thể hiện qua việc liên tục gia tăng số doanh nghiệp thành lập mới và lượng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế. Trong 5 năm liên tiếp (2016-2020), Hà Nội có số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đạt cao nhất trong lịch sử, cao gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015. Năm 2020, có 26.678 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 409,2 nghìn tỷ đồng, đạt mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Hà Nội cũng liên tiếp đứng trong tốp đầu của cả nước từ năm 2017-2020; năm 2019, FDI dẫn đầu cả nước, cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, kể từ khi đổi mới (Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp TP. Hà Nội, 2021). (Bảng 1)

Nguồn: Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp TP. Hà Nội, 2021

Bên cạnh khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ, xu hướng khởi nghiệp nông nghiệp đang bắt đầu được nhiều người quan tâm tại Hà Nội. Thực tế, việc làm rõ về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp tại Hà Nội hiện nay mới chỉ dừng ở mức độ ước tính, chưa có điều tra thống kê đầy đủ. Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hà Nội, mặc dù số lượng doanh nghiệp mới thành lập của Hà Nội tăng trong giai đoạn 2016-2020, nhưng các doanh nghiệp thực sự được xác định là doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp có tính đổi mới sáng tạo không nhiều. (Bảng 2)                                                

Bảng 2. Số doanh nghiệp ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp,

Thủy sản thành lập mới của TP. Hà Nội

Nguồn: Sách trắng doanh nghiệp TP. Hà Nội, năm 2021

Đến cuối năm 2020, TP. Hà Nội đã triển khai 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có 109 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 40 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Thành phố. Trong tổng số 1.054 sản phẩm OCOP được công nhận có 686 sản phẩm thực phẩm (chiếm 65,1%) và 7 sản phẩm dược (chiếm 0,7%). Đây là một trong những lợi thế và cơ hội cho các khởi nghiệp nông nghiệp của Thành phố khi phát triển kinh doanh các sản phẩm hiện có tại địa phương.

Trình độ công nghệ là nền tảng cho tính đổi mới sáng tạo, một trong những yếu tố quyết định việc doanh nghiệp mới thành lập có phải là doanh nghiệp khởi nghiệp hay không. Hà Nội là đầu tàu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trên nền tảng đổi mới công nghệ và áp dụng các hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến, các công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng các tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025” đặt ra một vài chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp bao gồm: Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp đạt hơn 70%; Doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt hơn 50%; Tối thiểu 40% sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.

Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp. Công tác truyền thông khởi nghiệp của Thành phố ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần đưa hoạt động chương trình đi vào thực chất và hiệu quả. Năm 2017, Cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo của Hà Nội tại địa chỉ www.startup.vn được khai trương. Năm 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Trung tâm Chuyển giao trí thức và hỗ trợ khởi nghiệp tổ chức Ngày hội khởi nghiệp Thủ đô thu hút gần 5.000 người là các sinh viên, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các hiệp hội, các tổ chức chính trị xã hội và những người quan tâm đến hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận tham dự. Năm 2020, Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội hỗ trợ 2 đơn vị truyền thông xây dựng 12 phóng sự đăng tải trên các trang website và mạng xã hội chia sẻ các mô hình vườn ươm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo điển hình, thành công nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố; tổ chức 07 Hội thảo kết nối hệ sinh thái, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu năm 2021; hỗ trợ 09 đơn vị truyền thông xây dựng hơn 30 phóng sự, bản tin, tọa đàm, voxpop phát sóng và phát thanh trên các phương tiện thông tin đại chúng; đăng tải trên 50 bài viết trên các báo điện tử, báo giấy truyền thống nội dung tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố.

Về hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN. Vào đầu năm 2017, Hà Nội đã thành lập vườn ươm khởi nghiệp với số vốn 7 tỷ đồng sau khi có Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Vườn ươm khởi nghiệp triển khai một số hoạt động như xúc tiến đầu tư, kết nối các nhà đầu tư, tổ chức các buổi hội thảo công nghệ, diễn đàn đối thoại giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nghiệp đã thành công, cho các bạn trẻ có quyết tâm khởi nghiệp.

Năm 2018, TP. Hà Nội giới thiệu hơn 20 doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tham gia Hội thảo doanh nghiệp Việt Nam -Israel trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xúc tiến thương mại với Israel. Thành phố vận động, giới thiệu hơn 40 doanh nghiệp tham gia trưng bày sản phẩm trong “Không gian Hà Nội” tại triển lãm quốc tế chuyên ngành thiết bị và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp - lâm nghiệp - ngư nghiệp). Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hà Nội phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây lựa chọn các sản phẩm chủ lực để xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm.

TP. Hà Nội có nhiều chính sách hỗ trợ tài chính cho hoạt động khởi nghiệp. Năm 2017, UBND TP. Hà Nội bố trí cho Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư) tổng kinh phí: 18,59 tỷ đồng, để thực hiện: (i) Hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp: 5,3 tỷ đồng; (ii) Tổ chức các hoạt động liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp: 690 triệu đồng; (iii) Tổ chức đào tạo các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố: 12,6 tỷ đồng. Chủ thể không thể thiếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo là các nhà đầu tư cho các startups, đặc biệt là các Quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital Fund) và các nhà đầu tư thiên thần (Angel Investors) nhưng cho đến nay Hà Nội vẫn chưa có các Quỹ đầu tư mạo hiểm trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại một số trường đại học cũng mới dừng lại ở mức ý tưởng thành lập.

4. Những hạn chế phát triển khởi nghiệp nông nghiệp ở TP. Hà Nội

Trong những năm gần đây, lĩnh vực nông nghiệp đã nhận được nhiều hơn những hỗ trợ từ các cấp chính quyền, góp phần thu hút các nhà đầu tư đổ tiền vào nông nghiệp, tuy chưa xứng đáng với tiềm năng cũng như đem lại hiệu quả như mong đợi. Các khởi nghiệp nông nghiệp hiện nay, đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, tiếp cận chính sách, thiếu những lực đẩy từ bên ngoài. Việt Nam nói chung, TP. Hà Nội nói riêng vẫn thiếu các khởi nghiệp nông nghiệp dựa trên nghiên cứu khoa học, là nền tảng để khởi nghiệp có thể phát triển bền vững.

Các chính sách hỗ trợ của TP. Hà Nội chưa tác động đầy đủ đến toàn bộ các giai đoạn hình thành và phát triển của dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hiện chỉ tác động chủ yếu vào giai đoạn tiền ươm tạo; Hiệu quả tác động của chính sách còn chủ yếu theo chiều rộng, chất lượng ươm tạo chưa cao; Nguồn tài chính của ngân sách Thành phố và của xã hội đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, nhất là với với các khởi nghiệp nông nghiệp; Thiếu cơ chế chính sách cho quỹ đầu tư mạo hiểm, số doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp của Hà Nội gọi được vốn từ các quỹ đầu tư rất ít; phần lớn chỉ là doanh nghiệp nhỏ cung cấp sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số, mà chưa phát triển dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo đúng nghĩa.

Các vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức thúc đẩy kinh doanh trên địa bàn Hà Nội hiện tại vẫn hoạt động khá riêng rẽ, chưa được liên kết trở thành mạng lưới tương hỗ lẫn nhau. Điều này rất cần TP. Hà Nội có những định hướng, chính sách quy tụ các thành phần này trở thành mạng lưới liên kết chia sẻ kinh nghiệm, cơ sở, vật chất, đội ngũ các nhà tư vấn, các chương trình đào tạo, chia sẻ mạng lưới các nhà đầu tư,... góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Hà Nội. Đặc biệt, tại thời điểm hiện tại khi các mô hình Quỹ đầu tư mạo hiểm chưa hình thành thì Hà Nội cần thực hiện tốt những gì có thể để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn.

5. Một số giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp ở TP. Hà Nội

Với định hướng đến năm 2025, Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước, UBND Thành phố đã phê duyệt “Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2019-2025” theo Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 9/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo và 150 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm. Việc hoàn thiện chính sách hỗ trợ của TP. Hà Nỗi sẽ tác động tích cực đến toàn bộ các giai đoạn hình thành và phát triển của dự án khởi nghiệp nông nghiệp. TP. Hà Nội cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để quy tụ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp thành mạng lưới liên kết trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cơ sở vật chất, đội ngũ tư vấn, chương trình đào tạo, nhà đầu tư,… Dành các khoản vay ưu đãi, xây dựng các quỹ đầu tư cho dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp; kêu gọi đầu tư, hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp nông nghiệp có tính khả thi cao. Ngoài ra, cần đẩy mạnh triển khai các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử - thành phố thông minh; hỗ trợ các dự án về không gian khởi nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao,… Đồng thời, tạo thuận lợi để các khởi nghiệp nông nghiệp tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn, xúc tiến đầu tư thương mại, tìm kiếm thị trường, cung cấp thông tin,…

Cùng với đó Thành phố cần tiếp tục quan tâm xây dựng và phát triển hệ thống vườn ươm doanh nghiệp; xúc tiến kêu gọi các quỹ đầu tư mạo hiểm, có sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế,… Đầu tư và kêu gọi đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho Hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp, nơi cung cấp không gian làm việc, sáng tạo ý tưởng, kết nối mạng lưới cộng đồng khởi nghiệp, đồng thời còn là mô hình hoạt động, đào tạo, tập huấn, sàn giao dịch ý tưởng cho cộng đồng khởi nghiệp nông nghiệp. Đặc biệt, các cấp, các ngành của Thành phố cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, công khai, minh bạch thông tin về thủ tục hành chính,… Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế thông qua hỗ trợ các tiêu chuẩn hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, áp dụng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu,...

Các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp phải tự nâng cao trình độ, năng lực quản trị, năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ mới, tham gia các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị gia tăng cao,... Muốn vậy, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước và TP. Hà Nội, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần tăng cường liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học,... tiếp cận hợp tác chia sẻ kinh nghiệm với doanh nghiệp khởi nghiệp ở các địa phương khác trong cả nước để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, nhận chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm mới, mở rộng thị trường.

Kết quả nghiên cứu là sản phẩm của Đề tài cấp cơ sở năm 2021 “Thực trạng và giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp trong phát triển nông nghiệp ở TP. Hà Nội”, chủ nhiệm đề tài ThS. Vũ Thị Chanh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Thủ tướng Chính phủ, (2016), Quyết định số 844/QĐ- TTg ngày 18/5/2016 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
  2. Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hà Nội, (2018), Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP. Hà Nội.
  3. Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội, (2021), Báo cáo kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo Đề án 4889 và Đề án 5742.
  4. Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội, (2021), Sách trắng doanh nghiệp Hà Nội.
  5. https://kinhtedothi.vn/khoi-nghiep-nong-nghiep-nhieu-co-hoi-lam-rui-ro-422118.html
  6. Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp thành phố Hà Nội, (2021), Chuyên đề Đánh giá thực trạng doanh nghiệp Hà Nội.

Promoting the growth of agricultural start-ups in Hanoi: Current situation and solutions

Master. Vu Thi Chanh

Institute of Regional Sustainable Development

Vietnam Academy of Social Sciences

ABSTRACT:

Start-ups in the agricultural sector are growing strongly and creating favorable conditions for improving agricultural infrastructure, modernizing production technology and enhancing the value of agricultural products, creating competitive advantages for agricultural products. Responding positively to the ambition of "Start-up nation" of the Government of Vietnam, Hanoi city has had many guidelines and policies to support and develop start-ups, start-up ecosystems, and promote start-up innovations. This paper focuses on the development of agricultural start-ups in Hanoi and proposes some solutions to facilitate the growth of these start-ups.

Keywords: start-up, agriculture, Hanoi city.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25, tháng 11 năm 2021]