Thực hiện cuộc kiểm toán nợ công: Giải pháp góp phần công khai, minh bạch thông tin về nợ công tại Việt Nam

TS. HỒ TUẤN VŨ (Phó trưởng Khoa Kế toán, Trường Đại học Duy Tân)

TÓM TẮT:

Nợ công và những hậu quả của nợ công cũng như thâm hụt ngân sách là vô cùng to lớn cho nền kinh tế. Mặc dù trong nhiều trường hợp, việc tồn tại nợ công và thâm hụt ngân sách có thể kích thích tăng trưởng, nhưng rõ ràng hậu quả mà nó để lại khó có thể coi thường và không có một sự cảnh giác nào. Trong khi đó, việc thực hiện kiểm toán nợ công tại Kiểm toán Nhà nước hiện nay vẫn chưa thực sự được thực hiện một cách đầy đủ như một cuộc kiểm toán độc lập. Do vậy, cần phải thiết lập cơ chế cho cuộc kiểm toán về nợ công do Kiểm toán Nhà nước chủ trì để công khai minh bạch thông tin về nợ công.

Từ khóa: Nợ công, thâm hụt ngân sách, kiểm toán, nợ chính phủ, nợ địa phương.

1. Nợ công và các rủi ro của nợ công tại Việt Nam hiện nay

a. Tình hình nợ công của Việt Nam hiện nay

Báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ công cho biết, trên cơ sở kế hoạch vay và trả nợ công năm 2017 và tình hình thực hiện đến ngày 30/9/2017, dự kiến cuối năm 2017 dư nợ công khoảng 3,1 triệu tỷ đồng, tương đương 62,6%GDP, nếu chia trung bình cho 94 triệu dân, mỗi người dân đang gánh khoảng 33 triệu tỷ đồng. Dư nợ Chính phủ khoảng 51,8% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 45,2%GDP, trong giới hạn được Quốc hội cho phép.

Nếu so sánh với năm 2016, nợ công trên GDP có giảm đi 1 điểm phần trăm. Nhưng nếu xét đến giá trị tuyệt đối thì dư nợ công năm nay tăng thêm 0,26 triệu tỷ đồng. Báo cáo cũng cho biết, Chính phủ dự kiến vay mới trong năm 2018 nhằm bù đắp bộ chi ngân sách Trung ương là 195.000 tỷ đồng, vay mới để trả nợ gốc là 146.770 tỷ đồng và vay nước ngoài về cho vay lại khoảng 40.000 tỷ đồng.

Về vay nợ của chính quyền địa phương, theo khung cân đối ngân sách nhà nước năm 2018, dự kiến vay để bù đắp cho bội chi ngân sách địa phương là 11.149,7 tỷ đồng, vay mới để trả nợ gốc khoảng 9.951 tỷ đồng.

Với các kế hoạch như trên, dự kiến dư nợ công cuối năm 2018 ở mức khoảng 63,9%GDP, dư nợ Chính phủ ở mức khoảng 52,5% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6%GDP. Tỷ lệ này vẫn nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép, theo báo cáo của Chính phủ. Báo cáo cũng nhấn mạnh nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong năm 2016 tiếp tục tăng lên so với năm trước. Căn cứ vào các chỉ số của năm 2016, ước tính của năm 2017, Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh công tác quản lý nợ công. Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục quản lý chặn chẽ việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển, tập trung vào việc huy động vốn bù đắp thiếu hụt ngân sách trong khung cân đối ngân sách và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; thực hiện vay nợ trong phạm vi kế hoạch hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; vay cho đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ việc vay về cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ trong phạm vi chỉ tiêu an toàn nợ được Quốc hội cho phép [1].

b. Các rủi ro của nợ công tại Việt Nam hiện nay

Trước thực trạng của nợ công hiện nay, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra 6 rủi ro cơ bản của nợ công hiện nay là:

- Một là, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ Chính phủ/thu ngân sách nhà nước và nghĩa vụ trả nợ công/thu ngân sách nhà nước đang ở mức cao và có xu hướng tăng, ảnh hưởng lớn đến sự an toàn nợ công.

- Hai là, cân đối nguồn trả nợ trong ngân sách nhà nước không đủ, vay để trả nợ gốc ngày càng tăng. Vay trả nợ gốc năm 2014 gần 80.000 tỷ đồng; năm 2015 là 130.000 tỷ đồng. Ngân sách luôn thâm hụt không đủ trả nợ nên đã phải đảo nợ, vay nợ mới để trả cho nợ cũ.

- Ba là, bội chi lớn hơn đầu tư phát triển, làm giảm tính bền vững nợ công và tạo ra rủi ro lớn cho ngân sách nhà nước trong trung và dài hạn. Nợ công của Việt Nam tính theo GDP có thể chưa cao nhưng theo thu ngân sách thì đã là cao. Xếp hạng của Ngân hàng Thế giới cho thấy, giá trị nợ công Việt Nam năm 2015 đã lên tới 206% thu ngân sách nhà nước.

- Bốn là, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam cao hơn nhiều so với mức bình quân của các nước đang phát triển và các nước trong khu vực. Năm 2016, dư nợ công ước khoảng 64,73% GDP đã sát trần 65% GDP. Nợ công lúc nào cũng sát ngưỡng nên không còn cho dự phòng bất trắc. Với nợ đã ở mức này muốn vay thêm cũng khó, vay được thì phải chịu lãi suất cao. Đã vậy, tỷ lệ nợ công này chưa tính đến các khoản nợ Ngân hàng Nhà nước, nợ của doanh nghiệp nhà nước tài chính và phi tài chính, nợ của tổ chức bảo hiểm và an sinh xã hội… Và còn các khoản nợ khác như: Nợ ngầm định (là các khoản nợ tự vay, tự trả mất khả năng thanh toán của các đơn vị khu vực công (các đơn vị hành chính sự nghiệp công tự chủ về tài chính, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng nhà nước và cổ phần nhà nước chi phối), nếu rủi ro thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm trả thay nên cần phải tính vào nợ công; Nợ bất thường: Ngân sách nhà nước phải chi như hỗ trợ thiên tai, thảm họa quốc gia, hỗ trợ nhân đạo vượt quá mức dự trữ Nhà nước; các chi phí đột xuất về an ninh quốc phòng… Dự phòng cho nợ bất khả kháng thông thường tối đa khoảng 5% tổng nợ công trong nước.

- Năm là, rủi ro trong quản lý và sử dụng nợ công. Tỷ lệ nợ công Việt Nam đang tăng nhanh, mức tăng trung bình trong 5 năm qua là 18,4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đã vậy, vay tiền về nhưng phân bổ không kịp, giải ngân chậm không khác gì vay tiền về để trong kho. Giải ngân chậm một ngày là nợ đó không tạo ra tài sản mới làm nợ công tăng lên.

- Sáu là, nguy cơ “chưa giàu, đã già lại nợ nần nhiều”. Việt Nam có thu nhập trung bình thấp, dân số đang già hóa nhanh, năng suất lao động bình quân thấp và đã giảm dần gây áp lực lớn lên tăng quy mô nợ công nhanh hơn. Vay nợ của Việt Nam chắc chắn còn tăng nữa khi mà dân số già đi, gánh nặng các quỹ sẽ đè nặng, còn khả năng tạo thu nhập mới giảm đi.

Bên cạnh 6 rủi ro chính nêu trên còn có các rủi ro khác nữa như: Rủi ro thông thường; Rủi ro không trả được nợ từ các khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp; Rủi ro lớn từ nợ xấu có khả năng mất vốn của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân vay vốn ngân hàng trực tiếp hoặc gián tiếp sẽ chuyển thành nợ công; Rủi ro hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ tác động tiêu cực đến nợ công và ngược lại; Rủi ro nợ đọng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp chuyển thành nợ công; Rủi ro quản lý và sử dụng vốn vay kém hiệu quả, dẫn đến khả năng trả nợ khó khăn; Rủi ro về tỷ giá, lãi suất làm tăng nghĩa vụ trả nợ công; Rủi ro tăng trưởng kinh tế giảm sút và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam thấp đẩy tỷ lệ nợ lên cao [7] .

Để có sự công khai, minh bạch và gắn được trách nhiệm với nợ công, để nợ công được vay, sử dụng hiệu quả, an toàn, cần áp dụng thông lệ quốc tế về thống kê nợ công, có cơ chế quản lý tốt hơn nợ của doanh nghiệp nhà nước và nợ từ hệ thống tín dụng. Minh bạch và trách nhiệm là yếu tố tiên quyết để đảm bảo quản lý tốt nợ công nên cần tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý nợ công.

2. Kiểm toán nợ công của Kiểm toán Nhà nước

Vai trò cơ bản của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm toán nợ công là thực hiện xác nhận tính trung thực của thông tin trên báo cáo vay nợ do các cơ quan quản lý nợ lập theo định kỳ và đột xuất. Thực hiện vai trò này giúp cho việc cải thiện tính minh bạch và công khai thông tin về nợ công và công tác quản lý công. Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước sẽ cảnh báo, khuyến cáo khả năng có thể xảy ra rủi ro tài chính quốc gia xét ở tầm vĩ mô và giúp Chính phủ, Quốc hội có được một bức tranh toàn diện về thu, chi, quản lý và sử dụng các khoản nợ, đánh giá tính bền vững của các khoản nợ, từ đó có các biện pháp và quyết định phù hợp. Kiểm toán Nhà nước có thể thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền về những trường hợp bất thường hoặc thâm thủng trong quản lý và sử dụng các khoản nợ công thông qua kiểm toán tính tuân thủ, tính kinh tế, tính hiệu quả, hiệu lực giúp cho việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các khoản nợ công trong từng trường hợp cụ thể.

Trên thực tế, kể từ khi Kiểm toán Nhà nước được thành lập đến nay, công tác kiểm toán nợ công đã bắt đầu được chú ý tuy mức độ và phạm vi có khác nhau qua từng thời kỳ. Ngay từ khi mới thành lập Kiểm toán Nhà nước (ngày 11/7/1994 theo Nghị định 70/CP) đã có kiểm toán chuyên ngành: Kiểm toán đầu tư dự án, các khoản viện trợ, vay nợ Chính phủ. Tuy nhiên, việc triển khai kiểm toán nợ Chính phủ của Kiểm toán Nhà nước còn khác xa so với yêu cầu cũng như dự tính được đặt ra. Kiểm toán Nhà nước chưa thực hiện kiểm toán nợ công với tư cách là một cuộc kiểm toán độc lập mà được thực hiện cùng với kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm. Kể từ năm ngân sách 2002, khi luật ngân sách sửa đổi được ban hành và có hiệu lực với quyết toán ngân sách năm 2002, khi kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước, Kiểm toán Nhà nước luôn đề cập đến quản lý nợ Chính phủ cũng như có một vài nhận định đánh giá về nợ Chính phủ. Khi kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương, Kiểm toán Nhà nước luôn quan tâm xem các địa phương có đưa vào cân đối ngân sách hay không, có báo cáo đầy đủ hay không? việc trả lãi vay ra sao? sử dụng các khoản vay vào mục đích gì, và có đảm bảo mức vay theo luật định hay không? Kiểm toán Nhà nước cũng đã chú trọng đến kiểm toán các khoản vay về cho vay lại và mục đích sử dụng các khoản vay để đảm bảo quản lý chặt chẽ. Thông qua kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra một số ý kiến mang tính cảnh báo đối với tình hình vay nợ của ngân sách địa phương từ đó thu hút sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng và công chúng. Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Luật Quản lý nợ công được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội Khóa XII, đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nợ công tiến hành nghiệp vụ. Trên cơ sở này, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành lồng ghép kiểm toán nợ công trong hoạt động kiểm toán hàng năm, để xác định tính trung thực, hợp lý của các báo cáo vay nợ do cơ quan quản lý lập; đánh giá sự tuân thủ các quy định pháp luật về vay nợ có liên quan của cơ quan quản lý; đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng các khoản nợ, nhằm đạt được các mục tiêu đưa ra. Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra thực tế việc quản lý và sử dụng các nguồn vốn vay có bảo đảm được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, không xâm lấn lợi ích của thế hệ sau, giúp tăng tính bền vững của ngân sách nhà nước hay không.

Mặc dù chưa phải là cuộc kiểm toán riêng, độc lập về quản lý nợ nhưng đã thành lập Tổ kiểm toán về nợ công và có những kết quả kiểm toán, những nhận định, đánh giá nhất định về nợ công. Ngoài ra, khi kiểm toán ngân sách địa phương, kiểm toán nhà nước đã kiểm toán và có những kiến nghị về việc vay nợ ngân sách địa phương giúp Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng có biện pháp quản lý thích hợp nhằm hạn chế các rủi ro có thể phát sinh từ vay nợ của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, việc kiểm toán nợ công vẫn còn nhiều hạn chế, cụ thể:

- Trong luật Kiểm toán Nhà nước và luật quản lý nợ công chưa có quy định về cơ sở pháp lý cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện hoạt động kiểm toán nợ công và chưa đề cập đến việc cung cấp thông tin của các cơ quan quản lý nợ đến kiểm toán nhà nước để thực hiện kiểm toán.

- Chưa đồng nhất cách tính nợ công. Hiện nay Bộ Tài chính chưa lập báo cáo tài chính về nợ công; việc tổ chức, quản lý nợ công phân tán, việc tổng hợp số liệu nợ chưa kịp thời, việc quản lý cho vay lại, đặc biệt là tiêu chí việc đánh giá rủi ro, nợ xấu của việc cho vay lại chưa đầy đủ, rõ ràng khiến Kiểm toán Nhà nước khó khăn trong thu thập hồ sơ, tài liệu kiểm toán một số số liệu còn được coi là số liệu bí mật quốc gia nên việc cung cấp thông tin cho công tác kiểm toán còn nhiều hạn chế.

- Về phía Kiểm toán Nhà nước, do cách tiếp cận cuộc kiểm toán chưa rõ ràng, chưa tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế; mới tiếp cận bằng loại hình kiểm toán tuân thủ, chưa thực hiện kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động trong kiểm toán nợ công một cách đầy đủ; chưa thực hiện việc kiểm toán nợ công một cách độc lập, riêng biệt (chủ yếu đang thực hiện lồng ghép với cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm); chưa có những phát hiện lớn, kiến nghị mạnh mẽ nhằm tăng cường tính hiệu quả trong quản lý nợ công.

- Kiểm toán Nhà nước chưa có đủ nhân lực am hiểu về quản lý nợ công và kiểm toán nợ công.

3. Một số giải pháp trong kiểm toán nợ công của Kiểm toán Nhà nước nhằm minh bạch và công khai thông tin

Mặc dù nợ công của Việt Nam hiện vẫn đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo các chỉ số nợ có xu hướng gia tăng. Trong tình hình đó, kiểm toán nợ công là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Kiểm toán Nhà nước nhằm đảm bảo tính minh bạch trong quản lý và sử dụng các khoản nợ công cũng như tính hiệu quả và bền vững của quản lý nợ công nói riêng và ngân sách nói chung. Để thực hiện tốt công tác kiểm toán kiểm toán nợ công, nhằm công khai, minh bạch thông tin về nợ công thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

- Thứ nhất, cần có hành lang pháp lý bảo đảm trong việc kiểm toán đối với nợ công hiện nay. Điều này cần thể hiện bổ sung trong Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật ngân sách cũng như Luật quản lý nợ công. Đây chính là cơ sở cho việc thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán nợ công như một chức năng của Kiểm toán Nhà nước trong việc đảm bảo nền tài chính công được an toàn và hiệu quả. Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước cần xác định rõ cách tiếp cận cho cuộc kiểm toán; đào tạo nguồn nhân lực tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng các cẩm nang hoặc hướng dẫn; tổ chức cuộc kiểm toán nợ công một cách độc lập, riêng biệt…

- Thứ hai, cần đồng nhất cách tính toán nợ công giữa các cơ quan quản lý. Kiểm toán Nhà nước nên khuyến nghị Chính phủ “gom” về một đầu mối quản lý nợ công, đảm bảo thống nhất số liệu. Cần cập nhật và công khai thông tin về nợ công thường xuyên trên website của chính phủ. Việc cập nhật và công khai các số liệu về nợ công giúp Chính phủ đưa ra quyết định đúng đắn về vay nợ và cung cấp đầy đủ thông tin về nợ công cho quá trình kiểm toán.

- Thứ ba, cần tổ chức cuộc kiểm toán về nợ công tách bạch khỏi cuộc kiểm toán ngân sách nhà nước hằng năm. Trong cuộc kiểm toán này cần kết hợp kiểm toán báo cáo tài chính (về số liệu nợ công) cũng như kiểm toán tuân thủ (việc chấp hành quản lý nợ công). Phối hợp giữa kiểm toán thường niên và kiểm toán chuyên đề về quản lý nợ công để có thể cung cấp những thông tin chính xác kịp thời về nợ công giúp Chính phủ, Quốc hội ra các quyết định về vay nợ, cân đối ngân chi tiêu ngân sách của Nhà nước. Ngoài ra, còn đánh giá tình hình quản lý nợ ở các đơn vị, địa phương.

- Thứ tư, Kiểm toán Nhà nước nên nghiên cứu, thu thập những bài học từ các quốc gia khác; chọn lọc áp dụng các thông lệ kiểm toán nợ công phù hợp nhất; nên cử một cán bộ chuyên trách thu thập thông tin và tập hợp một nhóm chuyên gia, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu và kế hoạch kiểm toán trên cơ sở kinh nghiệm đã có của kiểm toán nhà nước để thực hiện kiểm toán nợ công tốt nhất.

- Thứ năm, Kiểm toán Nhà nước cần xây dựng xây dựng quy trình kiểm toán nợ công, trong đó hướng dẫn các chỉ tiêu chi tiết, cụ thể để thực hiện kiểm toán đối với các hoạt động cấu thành nên nợ công. Xây dựng các chuẩn mực, hướng dẫn riêng cho kiểm toán nợ công phù hợp với thông lệ quốc tế, tuân thủ pháp luật Việt Nam và bao quát các đặc thù của kiểm toán nợ công.

- Thứ sáu, Kiểm toán Nhà nước phải tạo điều kiện cho cán bộ của mình duy trì và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thông qua việc đào tạo và bồi dưỡng một cách liên tục cả trong và ngoài nước, cả lý luận và thực tiễn kiểm toán; cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài (các lớp ngắn hạn để học hỏi kinh nghiệm, tổng kết áp dụng ngay; các lớp dài hạn để có đội ngũ kiểm toán được đào tạo cơ bản về kiểm toán nợ công nhằm phát triển kiểm toán nợ công một cách bền vững); tổ chức hội thảo để trao đổi học tập kinh nghiệm kiểm toán nợ công (cả hội thảo trong nước và hội thảo quốc tế có sự tham gia của các kiểm toán nhà nước của các nước khác, chuyên gia nước ngoài); tuyển dụng cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn ở các lĩnh vực khác nhau liên quan đến các lĩnh vực có thể tiến hành kiểm toán nợ công, bồi dưỡng thêm về kiến thức kiểm toán nợ công để phục vụ đẩy mạnh kiểm toán nợ công.

- Thứ bảy, tăng cường mối quan hệ với các cơ quan bên ngoài. Kiểm toán nợ công là thực hiện kiểm toán dựa trên thông tin nên cần phải thiết lập tốt mối quan hệ với các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan quản lý, các cơ quan đơn vị được kiểm toán để tạo ra môi trường thông tin phục vụ kiểm toán nợ công; đồng thời để đảm bảo chất lượng cho bằng chứng kiểm toán, báo cáo kiểm toán (tính chính xác, đúng đắn của các kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán) thì các đơn vị liên quan cần được thông tin thỏa đáng về hoạt động kiểm toán (Kiểm toán Nhà nước cần thông báo về những chi tiết của cuộc kiểm toán cho các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm hoặc liên quan với chương trình, chủ đề được kiểm toán, tốt nhất là trước khi bắt đầu kiểm toán).

- Thứ tám, công khai hóa kết quả từ kiểm toán nợ trước Quốc hội để minh bạch hóa thông tin, mặt khác, để giúp các nhà quản lý thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc quản lý nợ công.

4. Kết luận

Nhận định được tình hình nợ công hiện tại và các rủi ro của nợ công mang lại đòi hỏi Chính phủ và Quốc hội phải có nhiều biện pháp phối hợp đồng bộ để giải quyết vấn đề nợ công, một trong những biện pháp tiên phong cần làm là công khai minh bạch thông tin về nợ công. Để công khai minh bạch thông tin nợ công thì công cụ Kiểm toán Nhà nước là hết sức hữu hiệu. Thực hiện tốt các giải pháp để Kiểm toán Nhà nước KTNN có hành lang pháp lý và điều kiện thực hiện cuộc kiểm toán nợ công một cách độc lập sẽ tạo ra kênh thông tin chính thống về nợ công nhằm công khai, minh bạch nợ công hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chính phủ, (2017), Thông cáo báo chí của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017.

2. Kiểm toán Nhà nước, (2016), Báo cáo kiểm toán năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước.

3. Quốc hội Việt Nam, (2015), Luật số: 83/2015/QH13, Luật Ngân sách Nhà nước, ngày 25/06/2015.

4. Quốc hội Việt Nam, (2005), Luật số: 37/2005/QH11, Luật Kiểm toán Nhà nước, ngày 24/06/2005.

5. Quốc hội Việt Nam, (2009), Luật số: 29/2009/QH12, Luật quản lý nợ công, ngày 17/06/2009.

6. http://cafef.vn/no-cong-tiep-tuc-tang-co-the-vuot-31-trieu-ty-dong-20171025110048223.chn

7. http://thoibaonganhang.vn/rui-ro-cua-no-cong-69187.html

AUDIT OF PUBLIC DEBT: THE SOLUTION CONTRIBUTES

TO TRANSPARENT INFORMATION ON PUBLIC DEBT IN VIETNAM

● PhD. HO TUAN VU

Faculty of Accounting, Duy Tan University

ABSTRACT:

Public debt and the consequences of public debt or budget deficit are devastating to the economy. Although in many cases the existence of public debt and budget deficit can stimulate growth, but clearly the consequences that it leaves, needs to be taken in great consideration. Meanwhile, the audit of public debt at the State Audit has not been fully implemented as an independent audit. Therefore, it is necessary to set up a mechanism for auditing public debts led by the State Audit to publicly disclose public debt information.

Keywords: Public debt, budget deficit, audit, government debt, local debt.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 13 tháng 12/2017 tại đây