Nhiều khó khăn, thách thức đối với CNHT trong nước
Thời gian qua, việc triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp CNHT của Chính phủ đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần đáp ứng phần nào nhu cầu cho sản xuất nội địa. Năm 2018, trong lĩnh vực CNHT, cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện và hơn 1.500 doanh nghiệp sản xuất vật liệu cho ngành dệt - may, da - giày (chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo). Các doanh nghiệp CNHT tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động (tương đương với khoảng 8% số lao động toàn ngành chế biến, chế tạo) với doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh trong năm 2018 ước đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh những khởi sắc của toàn ngành công nghiệp nói chung và sự phát triển của CNHT nói riêng, các doanh nghiệp CNHT Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức: Quy mô và năng lực của các doanh nghiệp CNHT hiện nay còn nhiều hạn chế: số lượng ít, năng lực sản xuất còn rất thấp, thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất, nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện, chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.
Doanh nghiệp Việt cần học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản
Nhật Bản đã có các chính sách ưu tiên phát triển CNHT từ rất sớm với hàng loạt những bộ luật. Năm 1949, nước này ban hành Luật về hợp tác với doanh nghiệp với mục đích bảo vệ quyền đàm phán và tạo điều kiện cho các nhà thầu phụ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, nhằm xúc tiến các hoạt động "thầu phụ" (cũng chính là các hoạt động sản xuất CNHT).
CNHT của Nhật Bản phát triển từ những năm 1950, hoàn toàn do doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đảm nhiệm (chiếm tới 99,7%), hiện nằm trong khoảng 200 khu công nghiệp chuyên về sản xuất linh kiện (khu CNHT). Qua ba thập niên phát triển, đầu những năm 1980, CNHT bắt đầu chuyển dần ra nước ngoài. Hiện nay, CNHT tại Nhật Bản chỉ tập trung vào các linh kiện có giá trị cao, đòi hỏi sự chính xác lớn với kích thước nhỏ, tiêu hao nguyên vật liệu ít. Ngoài ra là các linh kiện phục vụ lắp ráp trong nước cho các ngành công nghiệp đòi hỏi công nghệ cao. Tuy nhiên ngành CNHT cơ bản vẫn chiếm vị trí rất quan trọng, ví dụ ngành công nghiệp Sokeizai (Công nghiệp Sokeizai - Công nghiệp Đúc-Rèn Dập) vẫn thu hút trên 200.000 lao động, trên 6800 DN, doanh thu năm 2007 đạt 5,4 triệu yên.
Năm 1952, Nhật ban hành Luật xúc tiến hiện đại hóa DN sản xuất (có 32 tiểu ngành CNHT nhận được một số ưu đãi đặc biệt); Năm 1956: Luật về biện pháp tạm thời đẩy mạnh công nghiệp chế tạo máy móc (tập trung 20 tiểu ngành của công nghiệp cơ khí); Năm 1957: Luật về biện pháp tạm thời khuyến khích công nghiệp điện tử (linh kiện cho công nghiệp điện tử và máy móc cho ngành công nghiệp điện tử với 31 tiểu ngành ưu tiên).
Nhật Bản cũng thực hiện triệt để chính sách hỗ trợ tài chính cho DNNVV: Quỹ tài chính chính sách công Nhật Bản cho các cá thể kinh doanh, DNNVV vay lãi suất thấp ở mức 1-3%/năm (không cần tài sản đảm bảo, không cần người bảo lãnh). Chính phủ thực hiện thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ kinh doanh cho các DNNVV bằng cách gánh hơn nửa các rủi ro đối với DNNVV. Hiệp hội bảo lãnh tín dụng bảo lãnh khoản vay của các DNNVV từ các ngân hàng thương mại để họ có thể dễ dàng vay được vốn hơn.
Thông qua việc tất cả các công ty đều thuộc về một nghiệp đoàn trong từng ngành để chính phủ nắm được hoàn toàn tình trạng ngành công nghiệp hoặc nhu cầu chính sách, từ đó đưa ra các chính sách ngành đồng thời có thể truyền đạt một cách chính xác các thông tin chính sách đến nghiệp đoàn, nâng cao hiệu quả chính sách và sự thích ứng chính sách.
Thúc đẩy đổi mới kỹ thuật bằng việc hỗ trợ nghiên cứu phát triển. Xây dựng các khu CNHT tập trung cho DN thuê với giá giảm 90% trong 5 năm đầu so với các khu công nghiệp thông thường và sử dụng miễn phí một số dịch vụ.
Bên cạnh sự hỗ trợ của chính phủ, các DN Nhật Bản cũng rất có tinh thần tự ý thức, tự phấn đấu rất cao: quá trình hình thành CNHT của Nhật Bản hoàn toàn do hệ thống DN tư nhân phát triển. Chính phủ chỉ có những chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động và phát huy năng lực. Trong bối cảnh của Nhật Bản phát triển theo chiến lược 100% thay thế nhập khẩu, không sử dụng đầu tư nước ngoài mà chỉ mua công nghệ nước ngoài.
Bản thân các DN lớn và các DNNVV của Nhật Bản đều có sự nỗ lực và năng lực làm việc rất cao. Những công nghệ mua về, họ có thể đồng hóa, biến thành của họ với chất lượng mới hơn. Đây chính là sự khác biệt để tạo ra sự thành công của các DN Nhật Bản. Ngày nay có thể nói bất kỳ sản phẩm công nghiệp nào của Nhật Bản cũng là những sản phẩm đạt tiêu chuẩn toàn cầu do những DN ưu tú nhất trên thế giới tạo ra.
Tinh thần liên kết của các DN Nhật Bản trong chuỗi cung ứng rất cao, ví dụ như sự phục hồi một cách rất nhanh chóng sau thảm họa động đất sóng thần 11/2011 của các DN Nhật Bản là kết quả của tinh thần đoàn kết, liên kết trong các DN Nhật Bản…