Thực trạng áp dụng chuẩn mực kế toán tại Việt Nam

ThS. Bùi Thị Thanh Thùy - ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Tây Nguyên)

TÓM TẮT:

Chuẩn mực kế toán Việt Nam được ban hành từ năm 2000 đến năm 2005, với 26 chuẩn mực, cùng với các Chế độ kế toán, Thông tư hướng dẫn, nhằm thực hiện Chuẩn mực kế toán. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân tích những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân tồn tại trong quá trình triển khai và thực hiện Chuẩn mực kế toán Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mặc dù có những đóng góp to lớn trong việc công khai, minh bạch báo cáo tài chính (BCTC), nhưng trong giai đoạn hội nhập và phát triển như hiện nay, Chuẩn mực kế toán Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế và chưa bắt kịp với xu hướng kế toán quốc tế.

Từ khóa: chuẩn mực kế toán, báo cáo tài chính, kế toán.

 1. Đặt vấn đề

     Chuẩn mực kế toán Việt Nam - Vietnam Accounting Standards (VAS) là tập hợp những nguyên tắc, các yêu cầu cơ bản để hướng dẫn người làm kế toán nhận thức, ghi chép và phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp (DN), tổ chức. VAS là tiêu chuẩn chung để các DN lập và trình bày BCTC, là căn cứ để các nhà đầu tư quan tâm có thể kiểm tra tính trung thực của BCTC. Chính vì thế, VAS tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển và thu hút vốn đầu tư.

     VAS được ban hành làm 5 đợt, từ năm 2000 đến năm 2005, gồm 26 chuẩn mực. Trong bối cảnh hội nhập nền kinh tế toàn cầu hiện nay, vấn đề về minh bạch tài chính, đáp ứng được các nhu cầu về các giao dịch trong nền kinh tế thị trường được quan tâm ngày càng lớn. Chính vì thế, việc nghiên cứu thực trạng áp dụng VAS hiện nay, đánh giá những tồn tại, hạn chế để có những biện pháp khắc phục là rất cần thiết.

2. Nội dung nghiên cứu

     - Phân tích những ưu điểm của Chuẩn mực kế toán (CMKT) Việt Nam đang áp dụng.

     - Phân tích hạn chế, nguyên nhân tồn tại trong quá trình vận dụng và triển khai Chuẩn mực kế toán Việt Nam.

3. Kết quả nghiên cứu

     Theo Báo cáo tóm tắt đánh giá CMKT và Chế độ kế toán DN Việt Nam do Cục Qquản lý giám sát kế toán kiểm toán, Bộ Tài chính, từ năm 2000 đến năm 2005, Việt Nam đã ban hành 26 VAS bằng cách vận dụng có chọn lọc các quy định của chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao tính minh bạch, trung thực của BCTC. Thêm vào đó, Bộ Tài chính đã ban hành các Chế độ kế toán và các Thông tư hướng dẫn áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp. Sự thay đổi này đóng góp đáng kể vào việc quản trị, điều hành của các doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu quản lý của Nhà nước để hội nhập với nền kinh tế thế giới.

     Tuy nhiên, hiện nay, VAS ngày nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, một số nội dung chưa phù hợp với các giao dịch của kinh tế thị trường trong giai đoạn mới và xuất hiện nhiều công cụ tài chính phức tạp. Đặc biệt, thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Vì vậy, Nhà nước đã có những chủ trương đẩy nhanh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới cũng như công cuộc cải cách thể chế tại Việt Nam.

3.1. Ưu điểm của Chuẩn mực kế toán Việt Nam đang áp dụng

  • Đối với nền kinh tế

     VAS và Chế độ kế toán DN được xây dựng dựa trên nền tảng của Chuẩn mực quốc tế đã góp phần thiết lập được hệ thống công cụ quản lý hữu hiệu, đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế của Nhà nước trong giai đoạn đầu của thời kỳ hội nhập quốc tế, khơi thông dòng vốn FDI, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc bảo vệ các nhà đầu tư và tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh nhằm phát triển bền vững. VAS hướng đến việc trình bày thông tin tài chính một cách thận trọng, đề cao sự ổn định và an toàn tài chính. Do đó, VAS đã góp phần hạn chế những sự không minh bạch về tài chính của DN nhằm phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

  • Đối với các doanh nghiệp

     VAS và Chế độ kế toán DN đã góp phần nâng cao tính trung thực, minh bạch của BCTC, trách nhiệm giải trình của DN. Thông tin tài chính được cung cấp dựa trên nền tảng VAS và Chế độ kế toán DN đã giúp Ban lãnh đạo DN đánh giá được tình hình tài chính của đơn vị tại thời điểm báo cáo, cũng như dự báo kết quả hoạt động và dòng tiền trong tương lai để đưa ra các quyết định kinh tế hiệu quả.

     Mặc dù vẫn còn nhiều khác biệt so với thông lệ quốc tế nhưng VAS và Chế độ kế toán DN đã đáp ứng một phần yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài và các nhà tài trợ quốc tế.

  • Đối với người sử dụng báo cáo tài chính

     Do VAS yêu cầu BCTC của các DN phải được trình bày cho mục đích chung một cách trung thực, hợp lý và minh bạch mà không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của lãnh đạo DN. Vì vậy, VAS và Chế độ kế toán DN giúp gia tăng niềm tin cho các đối tượng sử dụng BCTC của DN như các cổ đông, nhà đầu tư, tổ chức tín dụng, nhà cung cấp,... bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước và công chúng.

3.2. Hạn chế, tồn tại của chuẩn mực kế toán Việt Nam đang áp dụng

     So với 41 CMKT quốc tế (IAS), Việt Nam còn thiếu nhiều chuẩn mực như chuẩn mực về nông nghiệp, về thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản, về nhóm công cụ tài chính phái sinh, về tổn thất tài sản, về giá trị hợp lý,... dẫn đến khó khăn cho công tác kế toán của DN.

     Mặc dù đã có những đóng góp to lớn, nhưng VAS và Chế độ kế toán DN vẫn còn tồn tại một số hạn chế trên các khía cạnh sau đây:

  • Chưa ban hành một số chuẩn mực kế toán nên một số giao dịch của nền kinh tế thị trường chưa có căn cứ để ghi nhận

     Trong xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ, thị trường vốn và thị trường tài chính phát triển nhanh, nhưng đến năm 2022, Việt Nam mới chỉ ban hành 26 CMKT. So với hệ thống Chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS) còn thiếu 17 chuẩn mực chưa được ban hành, khiến cho nhiều giao dịch của nền kinh tế chưa có cơ sở để ghi nhận: giao dịch thanh toán bằng cổ phiếu; ghi nhận tổn thất tài sản; ghi nhận và xác định giá trị các công cụ tài chính,... hoặc ghi nhận bằng cách ghép vào các CMKT khác như các tài sản sinh học phải được ghi nhận chung vào chuẩn mực tài sản cố định hữu hình. 

Bảng 1. Tổng hợp các chuẩn mực kế toán chưa ban hành tại Việt Nam

tong-hop-cac-chuan-muc-ke-toan-chua-ban-hanh-tai-viet-nam Nguồn: Tác giả tổng hợp

  • Các chuẩn mực kế toán đã ban hành nhưng chưa được cập nhật theo những thay đổi của Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế

     Tại thời điểm ban hành VAS, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng của các DN Nhà nước nhưng hiện tại đã có sự thay đổi với sự đóng góp của DN tư nhân ngày càng tăng. Mặt khác, sau khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới những năm đầu thế kỷ XXI, CMKT quốc tế (IAS) và Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) đã có sự thay đổi về bản chất trong khi VAS vẫn áp dụng CMKT quốc tế cũ. Vì vậy, VAS ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, một số nội dung chưa theo kịp với thông lệ quốc tế và nền kinh tế thị trường hiện nay, nhất là trong bối cảnh tái cấu trúc và cổ phần hóa DN Nhà nước đang diễn ra mạnh mẽ, xuất hiện ngày càng nhiều các công cụ tài chính phức tạp.

  • Việc kịp thời cung cấp thông tin bám sát diễn biến của thị trường còn hạn chế

     Do VAS hướng theo giá gốc nên chỉ mới phản ánh được giá trị hợp lý của tài sản và nợ phải trả tại thời điểm ghi nhận ban đầu, những biến động về giá trị hợp lý trong kỳ và tại thời điểm báo cáo hầu hết chưa được phản ánh trên BCTC, trừ trường hợp đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ. Điều này làm cho BCTC chưa phản ánh được đúng và đầy đủ tình hình tài chính của các DN tại thời điểm báo cáo vì giá trị tài sản và nợ phải trả của DN trong nền kinh tế thị trường luôn biến động, những khoản tổn thất tài sản chưa được ghi nhận đầy đủ. Nhiều thông tin mà VAS đưa ra không còn mang tính hữu ích do tính trung thực và hợp lý của BCTC bị suy giảm nên người sử dụng BCTC không thể đánh giá được hết khả năng, tiềm lực tài chính của DN cũng như những rủi ro mà DN có thể gặp phải.

     Một số khoản mục tài sản chủ yếu chưa được đánh giá theo giá trị hợp lý theo thông lệ quốc tế như thể hiện tại Bảng 2.

Bảng 2. Một số khoản mục tài sản chủ yếu chưa được đánh giá

theo giá trị hợp lý theo thông lệ quốc tế

mot-so-khoan-muc-tai-san-chu-yeu-chua-uoc-anh-gia-theo-gia-tri-hop-ly-theo-thong-le-quoc-te Nguồn: Tác giả tổng hợp

  •     Một số tài sản bị đánh giá cao hơn giá trị có thể thu hồi làm giảm khả năng bảo toàn vốn

     Nhiều tài sản nhanh chóng lạc hậu do thay đổi công nghệ nhưng chưa được ghi nhận tổn thất do suy giảm giá trị khiến nó có thể bị ghi nhận cao hơn mức giá trị có thể thu hồi.

     Trong một số trường hợp, giá trị còn lại của tài sản cố định có sự khác biệt rất lớn so với giá trị có thể thu hồi từ việc sử dụng tài sản; Giá gốc các khoản đầu tư vào công ty con, liên doanh, liên kết có thể cao hơn so với lợi ích kinh tế mang lại cho DN.

  • Một số khoản mục của báo cáo tài chính chưa được trình bày đúng bản chất, thiếu rõ ràng

     Do chưa ban hành một số CMKT cho các lĩnh vực đặc thù như nông nghiệp, khai khoáng, tài sản dài hạn nắm giữ để bán,… nên phạm vi áp dụng của một số VAS hiện chưa phù hợp với bản chất và cách thức sử dụng, thu hồi của một số loại tài sản, một số trường hợp không có căn cứ để xác định giá trị như tài sản sinh học, tài sản dài hạn không còn tiếp tục được sử dụng, giá trị tài nguyên khoáng sản,…

  • Chưa cung cấp đủ các thông tin hữu ích giúp người sử dụng báo cáo tài chính đánh giá một cách có hiệu quả đối với rủi ro của doanh nghiệp

     Chuẩn mực và Chế độ kế toán DN Việt Nam chưa có những hướng dẫn và yêu cầu cụ thể về việc thuyết minh các thông tin rủi ro mà DN có thể gặp phải, làm ảnh hưởng đến việc ra quyết định kinh tế của các nhà đầu tư.     

  • Chưa tạo dựng thói quen nhận biết và xét đoán các giao dịch cho người làm công tác kế toán

     Chế độ kế toán DN Việt Nam hiện nay vẫn quy định hệ thống tài khoản thống nhất gây ra nhiều khó khăn cho DN khi áp dụng các phần mềm kế toán nước ngoài, đặc biệt với khối DN FDI vẫn phải thực hiện chuyển đổi hệ thống tài khoản từ Chế độ kế toán Việt Nam sang hệ thống của công ty mẹ, gây lãng phí nguồn lực và tạo sự phức tạp cho công tác kế toán.

     Việc Chế độ kế toán quy định quá cụ thể tài khoản và bút toán khiến người làm công tác kế toán chưa thay đổi tư duy, nhận thức về công tác kế toán trong giai đoạn mới. Hậu quả là người làm công tác kế toán chưa chủ động trang bị cho mình các hiểu biết về bản chất giao dịch kinh tế, các mô hình tài chính phục vụ việc xác định giá trị của tài sản và nợ phải trả.

3.3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế

Hoàn cảnh lịch sử: VAS được ban hành vào những năm đầu thế kỷ XXI, khi các giao dịch của nền kinh tế thị trường chưa phát sinh nhiều, thị trường chứng khoán mới hình thành và hiểu biết về CMKT còn nhiều hạn chế.

Chậm cập nhật so với thông lệ và Chuẩn mực quốc tế: CMKT quốc tế đã có nhiều thay đổi nhưng VAS ban hành từ năm 2005 đến nay vẫn chưa được cập nhật, đã dần không theo kịp với những biến động của nền kinh tế.

Ảnh hưởng của cơ chế đặc thù trong nước: Tại thời điểm ban hành VAS, cơ chế quản lý còn tồn tại nhiều bất cập, chịu sự ảnh hưởng của khối DN Nhà nước nên việc áp dụng chung một chính sách cho tất cả các DN thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế còn khó khăn. Vì vậy, một số quy định của VAS phải hướng đến phục vụ công tác quản lý của DN Nhà nước. Mặt khác, do phạm vi áp dụng chưa rõ ràng nên một số chính sách tài chính và kế toán còn có sự chồng chéo, khác biệt, gây khó khăn cho việc tuân thủ pháp luật của DN.

Thiếu nguồn nhân lực, vật lực: Nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán có trình độ hiểu biết về Chuẩn mực quốc tế còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, kể cả tại các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý, giám sát. Ngoài ra, việc không có đủ nguồn kinh phí cần thiết cho việc nghiên cứu, đào tạo trên tất cả các đối tượng từ các nhà hoạch định chính sách, cơ sở đào tạo, DN,… cũng tạo nên sự hạn chế của VAS và Chế độ kế toán.

4. Kết luận

Nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng của CMKT Việt Nam từ khi ban hành đến nay, tìm hiểu những ưu điểm, những mặt tồn tại và hạn chế trong quá trình vận dụng và triển khai CMKT. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự ra đời của CMKT là góp phần nâng cao tính minh bạch, trung thực của BCTC, nhất là trong giai đoạn hội nhập với nền kinh tế quốc tế với sự tham gia hoạt động của nhiều DN nước ngoài tại Việt Nam. Tuy vậy, CMKT ngày nay đã không còn phù hợp, bộc lộ nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của cơ chế đặc thù trong nước dẫn đến việc chậm cập nhật so với thông lệ và Chuẩn mực quốc tế, thiếu nguồn nhân lực kế toán có chất lượng cũng như kinh phí phục vụ cho việc nghiên cứu đào tạo, trang bị kiến thức về CMKT. Do vậy, CMKT Việt Nam cần hướng tới hòa nhập với IAS và IFRS để đảm bảo tính thống nhất toàn cầu, áp dụng cho các tổ chức trên các khu vực pháp lý khác nhau, trong việc đo lường, công khai và minh bạch tài chính.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính (2005). Hệ thống 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam.
  2. Bộ Tài chính (2014). Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp.
  3. Bộ Tài chính (2016). Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  4. Bộ Tài chính (2014). Báo cáo đánh giá chuẩn mực kế toán và Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam.

 

THE CURRENT IMPLEMENTATION OF

VIETNAMESE ACCOUNTING STANDARDS IN VIETNAM

Master. Bui Thi Thanh Thuy1

 Master. Nguyen Thi Phuong Thao1

1 Faculty of Economics, Tay Nguyen University

ABSTRACT:

Vietnamese Accounting Standards (VAS) were issued from 2000 to 2005 with 26 accounting standards, accounting regimes, and circulars guiding these standards' implementation. This study analyzes the advantages and disadvantages to determine the cause of problems during the implementation of VAS. The results show that although the implementation of VAS has greatly improved the publicity and transparency of financial statements, the VAS has revealed many limitations and these accounting standards have not kept pace with international accounting trends during the current integration process of Vietnam.

Keywords: accounting standards, financial statements, accounting.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2022]