Thực trạng chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp tại các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên

Nghiên cứu "Thực trạng chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp tại các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên" do ThS. Luyện Phương Nam (Trường Đại học Công đoàn) thực hiện.

Tóm tắt:

Tác giả đã tiến hành điều tra chọn mẫu để thu thập thông tin dữ liệu sơ cấp về thực trạng hoạt động công đoàn cơ sở (CĐCS) trong doanh nghiệp tại các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên thông qua 1.350 bảng hỏi và phỏng vấn 100 đối tượng là lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, các phòng thuộc huyện/thị xã/thành phố; lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ CĐCS, đoàn viên công đoàn, người lao động trong các doanh nghiệp tại 5 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động có nhiều CĐCS gồm: KCN Phố Nối A, KCN Thăng Long II, KCN Dệt may Phố Nối, KCN Yên Mỹ II và KCN Minh Đức thuộc Ban Quản lý KCN tỉnh Hưng Yên. Trên cơ sở đó, tiến hành phân tích đánh giá cả về định tính và định lượng đối với chất lượng hoạt động CĐCS trong doanh nghiệp tại các KCN tỉnh Hưng Yên, cũng như một số vấn đề cần lưu ý trong triển khai các hoạt động của tổ chức công đoàn.

Từ khóa: công đoàn cơ sở, khu công nghiệp, doanh nghiệp, chất lượng hoạt động, tỉnh Hưng Yên.

1. Đặt vấn đề

Hưng Yên là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng, do vậy Tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình thu hút đầu tư, phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và KCN có tác động thúc đẩy mạnh mẽ đội ngũ lao động phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Cơ cấu, số lượng có sự dịch chuyển đa dạng giữa các ngành nghề. Trình độ tay nghề của người lao động trong các doanh nghiệp ngày càng được nâng cao và dần thích nghi với điều kiện làm việc công nghiệp. Cùng với đó, hoạt động công đoàn và phong trào công nhân lao động tại các cấp công đoàn nói chung và trong các KCN tỉnh Hưng Yên nói riêng cũng có bước phát triển.

Căn cứ Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 08/3/2018 của Bộ Chính trị quy định về việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị và Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, căn cứ vào Hướng dẫn số 1294/HD-TLĐ ngày 14/8/2019 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở; bằng phương pháp điều tra, khảo sát xã hội học, Công đoàn Các KCN tỉnh Hưng Yên đã tiến hành điều tra khảo sát về thực trạng hoạt động CĐCS trong doanh nghiệp tại các KCN tỉnh Hưng Yên để đưa ra các đánh giá chung về chất lượng hoạt động công tác công đoàn tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện nay.

2. Đánh giá thực trạng chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp tại các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên

2.1. Mt s nhn đnh chung

Qua đánh giá của 1.350 đáp viên đối với chất lượng hoạt động của CĐCS tại các doanh nghiệp được khảo sát, kết quả đối với 12 hoạt động, công tác công đoàn, kết quả cho thấy đa số CĐCS đã triển khai thực hiện ở mức tương đối khá (tỷ lệ đạt hiệu của tốt trung bình trên 70% đối với công tác phát triển đoàn viên). Trong đó, công tác phát triển đoàn viên công đoàn được đánh giá cao nhất khi có tới 1.033 người (76,5%) đánh giá công tác đang được thực hiện tốt.

Đối với nhóm các hoạt động triển khai còn khó khăn, hạn chế, mức đánh giá nhiều nhất thuộc các hoạt động trong công tác đào tạo, tập huấn và tổ chức cán bộ của công đoàn (17,9%) và công tác nữ công, vì sự phát triển của phụ nữ (17,6%). Các nhóm công tác còn lại có sự đánh giá về khó khăn, hạn chế ở mức từ 9%-16%).

Số liệu điều tra còn cho thấy các đối tượng tham gia khảo sát không nắm được đối với chất lượng hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ của tổ chức công đoàn là cao nhất (46,5%). Hầu hết các tiêu chí còn lại chỉ có 10% các đối tượng khảo sát không tham gia đánh giá. Điều này cho thấy hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ đang chưa nhận được nhiều sự quan tâm, theo dõi, tham gia của đoàn viên, người lao động (ĐV, NLĐ) trong các doanh nghiệp.

Về đánh giá chất lượng tổ chức CĐCS nơi các đáp viên đang công tác trong năm gần nhất, kết quả thu được cho thấy có 7,3% ĐV, NLĐ và có 3,3% cán bộ công đoàn (CBCĐ) không nắm được kết quả đánh giá chất lượng công đoàn năm gần nhất tại đơn vị mình. Đồng thời có sự khác biệt về tỷ lệ khi các đánh giá CĐCS của nhóm ĐV, NLĐ đối với đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ (45,3%) cao hơn hoàn thành tốt nhiệm vụ  (34,6%), trong khi nhóm CBCĐ ngược lại với 35,4% đối với đánh giá hoàn thành nhiệm vụ và 38,4% đối với nhóm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điều này cho thấy có sự khác biệt khi thực hiện đánh giá chung về xếp loại chất lượng hoạt động công đoàn bằng một câu hỏi đối với các khách thể nghiên cứu khác nhau. Do vậy, ngoài những đánh giá chung đã nêu ở trên sẽ tiếp tục phân tích đánh giá đối với chất lượng hoạt động CĐCS tại các KCN trên địa bàn tình Hưng Yên dưới góc độ khách thể nghiên cứu khác nhau và loại hình doanh nghiệp khác nhau.

2.2. Dưi các góc đ khác

2.2.1. Căn cứ vào vị trí việc làm

Đối với công tác phát triển đoàn viên, nhóm ĐV, NLĐ có đánh giá cao hơn cả khi có tới 78,2% ý kiến đánh giá tốt trong khi số ý kiến đánh giá tốt của CBCĐ là 74,9% và của người sử dụng lao động (NSDLĐ) chỉ là 69%.

Các hoạt động bảo hộ NLĐ, hỗ trợ NLĐ trong thương lượng tập thể và đình công có sự khác biệt khi NSDLĐ đánh giá ở mức cao nhất là 83%, trong khi đó nhóm ĐV, NLĐ là 73,5% và nhóm CBCĐ là 67,6%.

Công tác triển khai xây dựng, thực hiện, kiểm tra, giám sát thực hiện nội quy, quy chế có mức đánh giá khác biệt ở các khách thể khi nhóm NSDLĐ đánh giá ở mức 86%, nhóm CBCĐ ở mức 79,9% và nhóm ĐV, NLĐ ở mức 71,9%.

Đánh giá về công tác tài chính có sự khác biệt so với các đánh giá ở trên khi mà đối với nội dung này nhóm CBCĐ lại có tỷ lệ đánh giá cao nhất 81,4%; trong khi đó nhóm NSDLĐ là 79% và đánh giá của nhóm ĐV, NLĐ chỉ ở mức 62,1%.

Về tính lan tỏa và hiệu quả của các phong trào thi đua, sản xuất do công đoàn phát động, nhóm CBCĐ và NSDLĐ đều đánh giá thực hiện tốt ở mức 70%, tuy nhiên con số này lại thấp hơn rất nhiều đối với đánh giá của nhóm ĐV, NLĐ với chỉ 59,7%.

Đối với công tác nữ công, vì sự phát triển của phụ nữ, nhóm ĐV, NLĐ đánh giá cao sự hỗ trợ của CĐCS và lãnh đạo doanh nghiệp trong triển khai các hoạt động cụ thể hướng tới người lao động nữ khi mà 77,1% ĐV, NLĐ đánh giá công tác đang được triển khai hiệu quả. Tuy nhiên, con số này chỉ là 69,1% đối với nhóm CBCĐ và 65% đối với nhóm NSDLĐ.

Trong đánh giá các hoạt động an sinh xã hội hướng đến người lao động, nhóm ĐV, NLĐ có đánh giá tích cực với 79,1% đánh giá tổ chức công đoàn thực hiện tốt, 73,6% nhóm CBCĐ đánh giá thực hiện tốt; nhóm NSDLĐ chỉ có mức đánh giá thực hiện tốt ở mức 59%. Như vậy, đánh giá của NSDLĐ đối với các hoạt động an sinh xã hội do tổ chức công đoàn tại đơn vị triển khai ở mức trung bình.

Trong nhóm các hoạt động văn hóa, thể thao, tỷ lệ này có sự khác biệt lớn khi nhóm CBCĐ và NSDLĐ đều có đánh giá ở mức 71%; nhóm ĐV, NLĐ đánh giá ở mức 28,4%.

Trong công tác tuyên truyền, truyền thông; triển khai xây dựng, thực hiện kiểm tra, giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể thì ở cả 3 nhóm khách thể đều có sự đánh giá tương đối đồng đều.

Như vậy, khi kiểm định sự khác biệt về đánh giá giữa các nhóm khách thể nghiên cứu khác nhau, đề tài đã xác định được có sự khác biệt tương đối giữa ý kiến của NSDLĐ, CBCĐ và NLĐ. Trong đó, nhóm NSDLĐ và nhóm CBCĐ thường có những đánh giá khắt khe hơn so với nhóm ĐV, NLĐ. Tuy nhiên, nhóm ĐV, NLĐ cũng cho rằng, tổ chức công đoàn và NSDLĐ cần cải thiện công tác tuyên truyền, truyền thông và sự lan tỏa cũng như hiệu quả của các phong trào sản xuất thi đua do tổ chức công đoàn và doanh nghiệp phát động.

2.2.2. Căn cứ vào loại hình doanh nghiệp

Công tác phát triển đoàn viên công đoàn ở doanh nghiệp tư nhân được đánh giá đạt hiệu quả tốt (84,2%), nhóm doanh nghiệp nhà nước đạt 71,4%. Nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mặc dù đạt 74,8% đạt hiệu quả tốt, cao hơn nhóm doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên tỷ lệ doanh nghệp chưa đạt hiệu quả của nhóm này lại ở mức 15% trong khi nhóm doanh nghiệp nhà nước là 0% và nhóm doanh nghiệp tư nhân là 8,7%.

Công tác tuyên truyền, truyền thông của CĐCS tại các doanh nghiệp nhà nước đạt hiệu quả tốt nhất với 100% tổng số đáp viên trả lời. Nhóm doanh nghiệp tư nhân đạt 83,8% và nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 71%. Trong đó, CĐCS tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng bị đánh giá thực hiện chưa hiệu quả công tác tuyên truyền, truyền thông với tỷ lệ 18,7%.

Hoạt động bảo hộ NLĐ, hỗ trợ NLĐ trong thương lượng thập thể diễn ra đạt mức 100% ở các công đoàn khu vực nhà nước. Tỷ lệ này giảm dần đối với các CĐCS tại các doanh nghiệp tư nhân (77,5%) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 71,1%.

Công tác triển khai xây dựng, thực hiện kiểm tra, giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể, nội quy quy chế được CĐCS triển khai hiệu quả tại doanh nghiệp nhà nước. Nhóm CĐCS tại các doanh nghiệp tư nhân có triển khai nhưng mức thấp hơn ở mức 80,6 đến 85,8% và cuối cùng thuộc về CĐCS thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (71,1% đến 73,9%).

Trong công tác tổ chức, đào tạo tập huấn cán bộ công đoàn, CĐCS tại các doanh nghiệp nhà nước vẫn là đơn vị triển khai hiệu quả nhất. Nhóm CĐCS tại doanh nghiệp tư nhân có 79,1% ở mức hiệu quả. Nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tới 20,1% CĐCS tại các đơn vị thực hiện nội dung này chưa hiệu quả.

Công tác tài chính ở nhóm CĐCS tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt 64,7% hiệu quả, trong khi đó con số này là 79,1 ở nhóm doanh nghiệp tư nhân và 100% ở nhóm doanh nghiệp nhà nước.

Đối với các hoạt động, phong trào thi đua, sản xuất, hiệu quả và tính lan tỏa của các hoạt động này được đánh giá cao ở nhóm CĐCS doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân (ở mức trên 80%), trong khi đó chỉ đạt 59,3% ở nhóm các CĐCS tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, mức đánh giá chưa hiệu quả của các nhóm lại không có sự chênh lệch nhiều như vậy và chỉ ở mức 10%. Điều này cho thấy ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các hoạt động phong trào thi đua, sản xuất ít được ĐV, NLĐ quan tâm nên có nhiều sự lựa chọn của các đáp viên là không nắm được đối với nội dung này tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Công tác kiểm tra giám sát của CĐCS gặp hạn chế nhiều nhất ở nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi mức đánh giá của khảo sát đối với hoạt động chưa hiệu quả là 17,9%, trong khi tại các loại hình khác chỉ dưới 7,9%.

Công tác nữ công, vì sự phát triển của phụ nữ do các CĐCS triển khai được đánh giá đạt hiệu quả tương đối khi ở cả 3 loại hình doanh nghiệp đều có mức đánh giá trên 70%. Nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn nhận được sự đánh giá thấp hơn so với 2 loại hình doanh nghiệp còn lại.

Đối với các hoạt động an sinh xã hội, nhóm CĐCS tại các doanh nghiệp nhà nước lại là nhóm có tỷ lệ hoạt động chưa hiệu quả cao nhất chiếm 28,6%. Trong khi nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ là 17,6% và nhóm doanh nghiệp tư nhân là 9,9%. Như vậy, đây là nội dung đầu tiên mà CĐCS tại các doanh nghiệp nhà nước thực hiện kém hiệu quả hơn các loại hình doanh nghiệp khác.

Với những phân tích, đánh giá ở trên, kết quả cho thấy có sự khác biệt giữa các nhóm khách thể nghiên cứu và các loại hình doanh nghiệp được khảo sát đối với các đánh giá chung về chất lượng hoạt động CĐCS trong doanh nghiệp tại các KCN của tỉnh Hưng Yên trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, nhóm NSDLĐ thường có những đánh giá khắt khe đối với việc tổ chức các công tác công đoàn tại đơn vị hơn các nhóm đối tượng khác. Đồng thời trong các loại hình doanh nghiệp hiện nay tại KCN tỉnh Hưng Yên, CĐCS tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường gặp nhiều hạn chế, khó khăn trong triển khai hiệu quả các hoạt động Công đoàn tại các KCN tỉnh Hưng Yên phát động nhiều hoạt động hơn các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

3. Nhận diện các vấn đề công đoàn cơ sở đang gặp phải

3.1. Các vn đ t phía NSDLĐ

Vấn đề nguồn lực tài chính luôn là vấn đề cốt lõi và là khó khăn thường thấy nhất trong triển khai các hoạt động công đoàn tại các doanh nghiệp hiện nay. Trong đó nhóm NSDLĐ có tỷ lệ cao hơn nhóm CBCĐ khi nhận định đây là một khó khăn trong triển khai các hoạt động công đoàn. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã nhận thức rõ về vấn đề này để có phương hướng cải thiện trong thời gian tới.

Nhóm NSDLĐ có 52% tự đánh giá rằng các doanh nghiệp chưa tạo nhiều điều kiện cơ sở vật chất để bố trí cho các hoạt động của tổ chức công đoàn, trong khi nhóm CBCĐ chỉ có 32,4% đánh giá điều kiện cơ sở vật chất do doanh nghiệp bố trí cho công đoàn còn hạn chế.

3.2. Các vấn đề từ phía tổ chức công đoàn và cán bộ công đoàn

Vấn đề nguồn lực tài chính còn hạn chế là vấn đề lớn nhất (54,85%), tiếp theo là sự hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ công đoàn (33,2%), các hoạt động của công đoàn đôi khi ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (26,9%), cơ chế kiêm nhiệm và phụ cấp chức vụ thấp ảnh hưởng tới tư tưởng của cán bộ và chất lượng hoạt động (23,4% và 20,4%), khả năng tập hợp, đoàn kết của tổ chức công đoàn chưa cao (chiếm 16,6%), các hoạt động triển khai vẫn chưa kịp thời bám sát vào nhu cầu của NLĐ, chưa có nhiều đổi mới sáng tạo và đôi khi vẫn còn bệnh thành tích trong công tác báo cáo.

Đối với các hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ công đoàn, có 35,5% CĐCS tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đánh giá đây là hạn chế tại đơn vị nhưng con số này chỉ là 22,9% đối với CĐCS tại các doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời cơ chế kiêm nhiệm và phụ cấp chức vụ cũng là vấn đề lớn đối với nhóm CBCĐ tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài so với nhóm doanh nghiệp tư nhân (chênh lệch khoảng 9%). Điều này cho thấy công đoàn các KCN tỉnh cần có sự lưu ý trong công tác đào tạo và các chính sách cho cán bộ công đoàn tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để CBCĐ cơ sở có thể yên tâm công tác, đẩy mạnh phát triển tổ chức công đoàn về mặt tổ chức.

3.3. Các vấn đề từ phía đoàn viên, người lao động

Nhìn chung ở các vấn đề chi phí của ĐV, NLĐ để tham gia các hoạt động có yêu cầu đóng góp còn hạn chế; việc tham gia hoạt động ảnh hưởng tới thời gian làm việc, tăng ca và việc tham gia hoạt động ảnh hưởng tới thời gian làm việc cá nhân thì nhóm CBCĐ đều cho rằng các nội dung này đều là những hạn chế hàng đầu khi vận động ĐV, NLĐ tham gia các phong trào của tổ chức công đoàn cơ sở (từ 31,9% đến 44,7% đánh giá nội dung này là hạn chế).

Theo khảo sát, nhóm CBCĐ có 15,6% cho rằng các hoạt động chưa thực sự tạo hứng thú cho các ĐV, NLĐ, nhiều hoạt động chỉ nhận được sự tham gia của ĐV, NLĐ khi có sự chỉ đạo của lãnh đạo doanh nghiệp (15,6%). Nhóm ĐV, NLĐ có 10% cảm thấy không hứng thú đối với các hoạt động của tổ chức công đoàn, cũng như 11,5% chỉ tham gia khi có sự yêu cầu về mặt hành chính của doanh nghiệp. Một số hoạt động của tổ chức công đoàn còn hình thức, chưa có sự đổi mới với 17,6% đánh giá từ phía CBCĐ và 24,1% từ phía ĐV,NLĐ. Điều này cho thấy, CĐCS cần phải tập trung vào đổi mới hình thức, nội dung, các hoạt động công đoàn để nâng cao sự tham gia và chất lượng tham gia của ĐV, NLĐ đối với các hoạt động công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh.

Đối với vấn đề ĐV, NLĐ chỉ tham gia các hoạt động do công đoàn tổ chức khi được lãnh đạo doanh nghiệp yêu cầu, tỷ lệ này là 0% ở các doanh nghiệp nhà nước, 11,4% ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 19,2% ở các doanh nghiệp tư nhân. Như vậy, có thể thấy, đây không phải là thực trạng hay gặp, tuy nhiên vẫn có phát sinh hiện tượng này tại các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn.

4. Kết luận

4.1. Về chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp

Đa số ở các nhóm hoạt động, công tác, CĐCS đã triển khai thực hiện ở mức tương đối khá, trong đó công tác phát triển đoàn viên công đoàn được đánh giá cao nhất.

Đối với nhóm các hoạt động triển khai còn khó khăn, hạn chế thì mức đánh giá nhiều nhất thuộc các hoạt động trong công tác đào tạo, tập huấn và tổ chức cán bộ của công đoàn và công tác nữ công, vì sự phát triển của phụ nữ.

Có sự khác biệt trong đánh giá đối với hiệu quả chất lượng hoạt động của CĐCS trong các loại hình doanh nghiệp khác nhau và giữa các đối tượng có vị trí việc làm khác nhau.

4.2. Nhận diện các vấn đề công đoàn cơ sở đang gặp phải

- Từ phía NSDLĐ: Kết quả cũng cho thấy lãnh đạo các doanh nghiệp về cơ bản đã quan tâm, sâu sát với công tác công đoàn tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại một số doanh nghiệp vẫn chưa tạo được điều kiện đầy đủ về cơ sở vật chất để bố trí cho các hoạt động của tổ chức công đoàn.

- Từ phía CBCĐ: Về nguồn lực tài chính luôn là khó khăn chung ở cả 3 nhóm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó công đoàn các KCN tỉnh cần có sự lưu ý trong công tác đào tạo và các chính sách cho cán bộ công đoàn tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để CBCĐ cơ sở có thể yên tâm công tác, đẩy mạnh phát triển tổ chức công đoàn về mặt tổ chức.

- Từ phía ĐV, NLĐ: Nhận định của đội ngũ CBCĐ đối với công tác thông tin, truyền thông về hoạt động của công đoàn cho ĐV, NLĐ còn chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin của ĐV, NLĐ. Đồng thời, CĐCS cần phải tập trung vào đổi mới hình thức, nội dung các hoạt động công đoàn để nâng cao sự tham gia và chất lượng tham gia của ĐV, NLĐ đối với các hoạt động công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp đóng trong các KCN trên địa bàn tỉnh.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Ban Chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 26-NQ/TW khóa XII ngày 19/5/2018 về“Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
  2. Trần Kim Dung (2018), Giáo trình Quản trị nhân lực, Nxb Tài chính.
  3. Lê Thị Kim Điệp (2020), Công đoàn cần nâng cao chất lượng của công tác thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, Bài tham luận Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở” do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức.
  4. Liên đoàn Lao động tỉnh Hưng Yên (2019), Văn kiện Đại hội Công đoàn tỉnh Hưng Yên lần thứ XVIII.
  5. Nguyễn Đức Tĩnh - Chủ niệm đề tài (năm 2013), Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn trong hội nhập kinh tế quốc tế, Trường Đại học Công đoàn.
  6. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (2018), Văn kiện Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, Nxb Lao động, Hà Nội.

 

The quality of grassroots trade unions in enterprises

in Hung Yen province’s industrial parks

Master. Luyen Phuong Nam

Trade Union University

Abstract:

In this study, a sampling survey was conducted to collect primary data about trade union activities of enterprises in Hung Yen province’s industrial zones. 1,350 questionnaires were sent out, and 100 people were interviewed, including leaders of enterprises, departments, divisions, branches; leaders of the Vietnamese Fatherland Front and organizations; leaders of district-level, town-level, city-level units; trade union officials; trade union members; and workers of enterprises in 05 industrial zones: Pho Noi A Industrial Park, Thang Long II Industrial Park, Pho Noi Textile Industrial Park, Yen My II Industrial Park and Minh Duc Industrial Park. These industrial parks are under the Industrial Park Management Board of Hung Yen province. This study conducts qualitative and quantitative analyses and assessments about the quality of grassroots trade unions in enterprises in Hung Yen province’s industrial parks. The study also points out some issues of which grassroots trade unions should be aware when conducting activities.

Keywords: grassroots trade union, industrial park, enterprise, quality of operation, Hung Yen province.