Thực trạng pháp luật hiện hành về công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do một cá nhân là chủ sở hữu và thực tiễn thi hành tại thành phố Hà Nội

NGUYỄN PHƯƠNG ĐÔNG (Lớp 26UD07 cao học - Khoa Luật kinh tế khóa 2018 -2020 - Trường Đại học Luật Hà Nội)

TÓM TẮT:

Trên cơ sở phân tích và làm rõ những vấn đề lý luận về công ty TNHH MTV do một cá nhân là chủ sở hữu, thực trạng quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và thực tiễn thi hành các quy định pháp luật về công ty TNHH MTV do một cá nhân là chủ sở hữu trên địa bàn TP. Hà Nội, bài viết đề xuất một số định hướng, giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về công ty TNHH MTV do một cá nhân là chủ sở hữu.   

Từ khóa: Doanh nghiệp, công ty, TNHH MTV, pháp luật, thành phố Hà Nội.

1. Khái niệm công ty TNHH MTV do một cá nhân là chủ sở hữu

Công ty TNHH MTV còn được biết đến với một tên gọi khác là “Công ty TNHH một chủ” (Tiếng Anh là Sole member limited liability company). Công ty TNHH MTV là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Pháp luật Việt Nam quy định, chủ sở hữu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp 2005 và 2014 đã phát triển và mở rộng ra việc cá nhân cũng có quyền thành lập công ty TNHH MTV. Công ty TNHH MTV thuộc loại hình công ty đối vốn có tư cách pháp nhân, nhưng không được quyền phát hành cổ phiếu. Luật Doanh nghiệp cũng chỉ rõ, với đối tượng là người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài đều được quyền thành lập công ty TNHH MTV theo chính sách khuyến khích đầu tư trong nước của Chính phủ. Doanh nghiệp cho người nước ngoài và người Việt ở nước ngoài làm chủ sở hữu hoạt động theo Luật Đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Như vậy, công ty TNHH MTV là loại hình doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.          

Còn khái niệm pháp luật về Công ty TNHH MTV nói chung và công ty TNHH MTV do một cá nhân là chủ sở hữu nói riêng được hiểu là loại hình doanh nghiệp có rất nhiều ưu điểm vượt trội trong việc quản trị mô hình công ty nhỏ có hiệu quả, phân tán rủi ro cho các nhà kinh doanh.

Ngoài ra, pháp luật về công ty TNHH MTV do một cá nhân là chủ sở hữu phải đạt được sự đồng bộ, nhất quán, có sự điều chỉnh kịp thời để giúp các công ty TNHH MTV do một cá nhân là chủ sở hữu không rơi vào những tình trạng như là bị hạn chế năng lực kinh doanh và sức sản xuất chỉ vì các cơ chế, chính sách chồng chéo, mâu thuẫn và lạc hậu; hay là bị lúng túng, không tìm ra phương hướng xử lý vì các chính sách, chủ trương bị thay đổi thường xuyên.

Để đạt được các yêu cầu như trên thì pháp luật về công ty TNHH MTV do một cá nhân là chủ sở hữu phải có những nội dung chủ yếu được nêu ở dưới đây:

Thứ nhất, các nội dung của Luật Doanh nghiệp quy định về tổ chức và hoạt động của công ty TNHH MTV do cá nhân làm chủ sở hữu là các quy định về việc thành lập, giải thể hay phá sản doanh nghiệp, quy định về cơ chế hoạt động, quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp trước pháp luật.

Thứ hai là các quy định về quyền hạn và nhiệm vụ của quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý các cấp đối với hoạt động của doanh nghiệp, là thuế, thanh tra và nơi tiếp nhận đăng ký kinh doanh.

Như vậy Công ty TNHH MTV do một cá nhân là chủ sở hữu là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ sở hữu, chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty; công ty có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

2. Thực trạng pháp luật về công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do một cá nhân là chủ sở hữu trên địa bàn TP. Hà Nội

2.1. Khái quát tình hình hoạt động của công ty TNHH MTV trên địa bàn TP. Hà Nội

Hiện nay, số doanh nghiệp của Hà Nội chiếm khoảng 25% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Hiện nay, Hà Nội quản lý 291.133 doanh nghiệp, trong đó có hàng chục ngàn doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV do một cá nhân là chủ sở hữu, hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ sản xuất đến thương mại, dịch vụ.

Đối với mô hình công ty TNHH MTV, ước tính có trên 11.256 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP. Hà Nội. Trong tổng số các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động thì công ty TNHH MTV do một cá nhân là chủ sở hữu ít được thành lập hơn. Theo thống kế của Sở Kế hoạch đầu tư TP. Hà Nội, đến hết tháng 4/2020 có tổng số 3.087 doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV trên địa bàn Hà Nội. Số doanh nghiệp này chiếm tỉ lệ khoảng 6% tổng số doanh nghiệp đã được đăng ký trên cùng địa bàn thành phố.

2.2. Thực trạng về tình hình hoạt động của doanh nghiệp TNHH MTV do cá nhân là chủ sở hữu trên địa bàn Hà Nội

Thực tế từ tình hình phát triển các loại hình doanh nghiệp TNHH MTV do cá nhân là chủ sở hữu trên địa bàn Hà Nội cho thấy, đây là mô hình doanh nghiệp đáp ứng nhà đầu tư với nhiều ưu điểm sau: Chủ sở hữu công ty sẽ có toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty; Một cá nhân cũng có thể thành lập được doanh nghiệp; Chủ sở hữu công ty TNHH MTV chỉ chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty nên ít gây rủi ro cho chủ sở hữu. Đây có thể được xem là ưu điểm vượt trội hơn so với loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Trên thực tế tại TP. Hà Nội, so với các loại hình công ty tư nhân, TNHH hai thành viên trở lên,… mặc dù được đánh giá là phát triển nhanh, nhưng một số lượng thành lập mới “khiêm tốn” hơn và cũng là loại hình doanh nghiệp có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể nhiều hơn.

Lợi dụng tính chịu trách nhiệm của loại hình doanh nghiệp này nên các chủ doanh nghiệp thường thành lập doanh nghiệp để lừa đảo, chiếm dụng vốn của khách hàng và chủ nợ. Đặc biệt là hoạt động trục lợi trong mua bán khống hóa đơn VAT, gây thiệt hại lớn cho ngân sách trong thời gian qua trên địa bàn thủ đô.

2.2.1 Những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành
2.2.1.1. Hạn chế về chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn của công ty

Công ty TNHH MTV do một cá nhân là chủ sở hữu có ưu điểm nổi bật là chế độ chịu TNHH, do đó loại hình doanh nghiệp này đáp ứng được nhu cầu của các chủ sở hữu muốn đầu tư thành lập doanh nghiệp với số vốn vừa và nhỏ. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp luôn tồn tại những rủi ro trong khi khả năng thanh toán của doanh nghiệp lại là hữu hạn. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp nếu rơi vào tình trạng thiếu nợ phải giải thể hoặc phá sản công ty, chủ sở hữu sẽ không đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ. Do đó, quyền và lợi ích của bên thứ ba trong việc thu hồi nợ sẽ bị ảnh hưởng và thường là sẽ mất trắng.

2.2.1.2 Hạn chế trong các quy định về đăng ký kinh doanh

Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định về việc ghi ngành nghề kinh doanh trong Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được thực hiện như sau: Ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được ghi và mã hóa theo ngành cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, trừ những ngành, nghề cấm kinh doanh. Việc mã hóa ngành, nghề đăng ký kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ có ý nghĩa trong công tác thống kê. Sau đó, căn cứ vào Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, chủ thể thành lập doanh nghiệp tự lựa chọn ngành, nghề kinh doanh và ghi mã ngành, nghề kinh doanh vào Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh đối chiếu và ghi ngành, nghề kinh doanh, mã số ngành, nghề kinh doanh vào Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Cách thức trên chưa hợp lý vì nó chưa đảm bảo nguyên tắc “Doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Hơn nữa, cách thức này còn mang đến nguy cơ rủi ro cao hơn, tiêu tốn nhiều chi phí tuân thủ cho các công ty.

2.2.1.3. Hạn chế về chế độ tài chính và vốn

Khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định việc góp vốn có thể bằng nhiều loại tài sản như: “Tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các loại tài sản khác ghi trong điều lệ công ty”.

Thực tế cho thấy, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn gặp nhiều hạn chế. Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ miễn lệ phí trước bạ mà không cho được miễn thuế nên khi góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Vì vậy, chủ thể góp vốn vẫn mất thuế chuyển quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp (Luật Thuế thu nhập cá nhân). Chính điều này hạn chế rất nhiều việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, theo đó đã ảnh hưởng đến khả năng đưa vốn và tài sản vào doanh nghiệp để khai thác.

Về việc định giá tài sản góp vốn hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc định giá đối với một số tài sản đặc thù như quyền sở hữu trí tuệ. Việc định giá tài sản góp vốn chính xác sẽ góp phần quan trọng trong việc xác định vốn điều lệ của công ty trong suốt quá trình thành lập và hoạt động. Còn đối với chủ nợ công ty, việc định giá chính xác tài sản góp vốn sẽ đảm bảo được quyền lợi của các chủ nợ. Nếu như việc định giá tài sản không đúng so với giá trị thực, bên thứ ba là các chủ nợ sẽ phải chịu thiệt thòi vì giá trị tài sản bảo đảm không đồng nhất với những nghĩa vụ mà doanh nghiệp phải thực hiện.

3. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật của công ty TNHH MTV do một cá nhân là chủ sở hữu

3.1. Hoàn thiện quy định về thành lập công ty TNHH MTV do một cá nhân là chủ sở hữu

3.1.1. Đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp

Một là,  giao cho Sở Kế hoạch Đầu tư thẩm quyền cấp giấy đăng ký doanh nghiệp.

Hai là, mở rộng thủ tục đăng ký doanh nghiệp cho pháp luật chuyên ngành điều chỉnh. Đồng thời, bổ sung đầy đủ các Luật chuyên ngành vào quy định tại Điều 3 của Luật Doanh nghiệp 2014.

Ba là, cần có sự tách bạch rõ ràng về bản chất của từng loại giấy phép như quy định hiện nay của Luật Đầu tư 2014 và Luật Các tổ chức tín dụng 2010.

Bốn là, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện áp dụng thống nhất về đăng ký kinh doanh đối với tất cả các ngành nghề, không để tình trạng các luật chuyên ngành lấn sân sang Luật Doanh nghiệp, gây nên sự chồng chéo pháp luật trong việc quản lý doanh nghiệp.

Năm là, cần đăng ký kinh doanh để xác lập tư cách pháp nhân của chủ thể kinh doanh, sau đó mới cấp giấy phép hoạt động, cấp giấy chứng nhận đầu tư ngành nghề cụ thể đối với từng doanh nghiệp.

3.1.2 Kiện toàn cơ quan đăng ký kinh doanh

Trước tiên, cần kiện toàn đội ngũ các bộ trong các cơ quan liên quan đến việc thực thi Luật Doanh nghiệp 2014. Cần tăng cường kiến thức về Luật Doanh nghiệp nói chung và Luật Doanh nghiệp về công ty TNHH MTV do một cá nhân là chủ sở hữu nói riêng nhằm đảm bảo tính chính xác trong quá trình thực thi pháp luật về doanh nghiệp. Cần mở các lớp tập huấn về công nghệ thông tin cho đội ngũ tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp khi luật pháp cho phép đăng ký kinh doanh qua mạng internet.

3.1.3. Hoàn thiện quy định về vốn

Về định giá, cần có các văn bản bổ sung hướng dẫn cụ thể đối với một số tài sản đặc thù được đưa vào tài sản góp vốn. Đồng thời cần có quy định quyền được tự thuê tổ chức định giá chuyên nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho chủ sở hữu khi góp vốn thành lập mà gặp khó khăn trong vấn đề tự định giá tài sản. Pháp luật cũng cần qui định cụ thể về thời điểm định giá là ngay tại thời điểm phát hiện doanh nghiệp vi phạm “đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty, giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá”.

3.1.4. Hoàn thiện quy định về nghĩa vụ người quản lý
3.1.4.1. Mở rộng khái niệm “người quản lý” và “người có liên quan” trong doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp 2014 cho thấy người quản lý công ty được định nghĩa bằng cách liệt kê một loạt các chức danh theo luật định. Điều này trong nhiều trường hợp sẽ gây ra không ít khó khăn cho việc xác định các trách nhiệm pháp lý của họ. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp hoạt động mà người quản lý doanh nghiệp trên thực tế là giấu mặt, thuê người quản lý để lách luật. Về vấn đề này, Luật Doanh nghiệp 2014 vẫn còn bỏ ngỏ. Để chống xung đột về lợi ích, cần mở rộng khái niệm về các đối tượng có liên quan. Theo chuẩn mực kế toán quốc tế IAS (Điều 24, Khoản 9, IAS) các định nghĩa về “người liên quan” rộng hơn so với quy định của Luật Doanh nghiệp 2014. Với khái niệm “người liên quan”, cần mở rộng đối tượng có liên quan đến người điều hành doanh nghiệp là vợ (chồng), anh chị (em) ruột, mẹ vợ (chồng), chị (em) dâu và các mối quan hệ có liên quan đến các cán bộ quản lý nhà nước.

3.1.4.2. Hoàn thiện các quy định về công khai thông tin trong công ty TNHH một thành viên do một cá nhân là chủ sở hữu

Một trong những nguyên nhân của tình trạng tham nhũng xảy ra đối với các công ty TNHH MTV do một cá nhân là chủ sở hữu, là tình trạng minh bạch thông tin chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Luật Doanh nghiệp 2014 và các văn bản pháp luật liên quan nên có những quy định liên quan đến vấn đề công bố thông tin theo hướng nâng cao chất lượng thông tin bằng cách gắn trách nhiệm với những thông tin được công bố. Việc quy định trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân và bộ phận giúp hiệu quả công việc được nâng lên tối đa.

3.2. Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước; tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh

Để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà trong hoạt động quản lý doanh nghiệp, TP. Hà Nội cần quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động các doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Đồng thời ban hành các quy chế về sự tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước đồng thời quy định trách nhiệm của các cấp, các ngành về thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp theo luật định.

Cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hồ sơ doanh nghiệp, hệ thống dữ liệu về pháp lý doanh nghiệp, tiến tới công khai để công chúng tiếp cận.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp cần được tăng cường, nhưng phải đúng chức năng, thẩm quyền, do pháp luật qui định, tránh việc cơ quan quản lý nhà nước lạm dụng chức năng quyền hạn gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cần phải giải quyết dứt điểm các doanh nghiệp giải thể, đề xuất các biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại cho các bên liên quan. Đồng thời nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp trốn thuế bằng cách công bố giải thể nhưng vẫn hoạt động.

Tăng cường tuyên truyền và phổ biến các quy định của pháp luật trong cộng đồng doanh nghiệp. Đưa các điển hình về doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong cộng đồng doanh nghiệp nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật pháp của các doanh nghiệp.

Chính quyền các cấp quận/huyện cần theo dõi chặt chẽ các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Đồng thời hàng năm cần tăng cường công tác rà soát doanh nghiệp, làm cơ sở cho công tác quản lý doanh nghiệp được chặt chẽ hơn.

3.3. Tăng cường xây dựng và triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; nâng cao ý thức, kiến thức pháp luật và đạo đức kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp

Tăng cường hỗ trợ pháp lý dành riêng cho doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử đồng bộ. Tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp để góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.

Cần phổ biến các nội dung cần biết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp bằng hình thức in cẩm nang để cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp. Thành lập tổ tư vấn nhằm tăng cường tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp trước và sau khi thành lập.

Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực của bộ phận hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp ngay sau đăng ký thành lập doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật. Hỗ trợ miễn phí các doanh nghiệp công bố thông tin đăng ký kinh doanh trên cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp TP. Hà Nội.

3.4. Hỗ trợ và khuyến khích bên thứ ba tham gia vào quá trình giám sát doanh nghiệp

Hà Nội cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh, kiểm tra, tăng cường giám sát doanh nghiệp, đây là điểm yếu của cơ quan quản lý nhà nước thời gian qua. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý giám sát doanh nghiệp, Hà Nội cần khuyến khích bên thứ 3 vào quá trình giám sát doanh nghiệp hoạt động giám sát nhằm hỗ trợ Nhà nước trong quản lý, giám sát doanh nghiệp. Đồng thời tạo môi trường đầu tư an toàn, minh bạch, giảm bớt rủi ro cho các nhà đầu tư. Sử dụng chuyên mục “Hỏi - Đáp” trên Cổng thông tin điện tử TP. Hà Nội để các phản hồi các thông tin của các nhà đầu tư.

Các ngành chức năng có trách nhiệm đăng tải toàn bộ thông tin về việc cấp phép, thu hồi giấy phép, doanh nghiệp bị xử lý vi phạm phát luật... về doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và xử lý kịp thời những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đối với những nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.   

4. Kết luận

Cùng với việc điều chỉnh địa giới hành chính là sự gia tăng nhanh chóng của số lượng doanh nghiệp thành lập trên địa bàn TP. Hà Nội. Số lượng doanh nghiệp lớn cùng với tốc độ gia tăng nhiều hàng năm nhiều lăm liền, dẫn đến việc quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là quản lý doanh nghiệp sau cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động sau khi đăng ký thành lập vẫn chưa được thực hiện đúng, khiến việc quản lý doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Thiếu đồng bộ trong hoạt động kiểm tra, thanh tra hoạt động doanh nghiệp sau thành lập giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cần đảm bảo thực hiện pháp luật về thanh kiểm tra. TP. Hà Nội cần có các giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Đặc biệt là giải pháp nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nâng cao kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, khuyến khích việc thực hiện giám sát doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đinh Thị An, Luận văn thạc sĩ “Công ty TNHH một thành viên theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật Cộng hòa Pháp”, năm 2004, bảo vệ tại Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội.
  2. Đoàn Thị Lan Anh (2012), Một số khía cạnh pháp lý của quản lý nhà nước đối với DN Nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, Luận văn thạc sỹ Luật học: 60.38.01, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội.
  3. Phạm Thị Ngọc Anh (2012), Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Luận văn thạc sỹ kinh tế: 60.31.05, Đại học Đà Nẵng.
  4. Vũ Mạnh Anh (2008), Thực trạng quản lý nhà nước đối với DN sau đăng kí kinh doanh tại thành phố Hồ Chí Minh, NxXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
  5. Đồng Ngọc Ba, “Quan niệm về Luật doanh nghiệp - Một số vấn đề phương pháp luận”, bài viết đăng trên Tạp chí Luật học.
  6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2011), Đề án 8925/ĐA-BKHĐT ngày 26/12/2011 về “Đổi mới quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập”.

The current situation of law enforcement on one-member limited liability companies which are owned by individuals

Nguyen Phuong Dong

Hanoi Law University

ABSTRACT:

By analyzing and clarifying theoretical issues about one-member limited liability company owned by an individual, the current situation of the 2014 Law on Enterprises and the practical enforcement of legal provisions on one-member limited liability company owned by an individual in Hanoi, this paper proposes some orientations and solutions to perfect the legal regulations and improve the efficiency of law enforcement on one-member limited liability companies which are owned by individuals.

Keywords: Enterprise, company, one-member limited liability company, law, Hanoi.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2020]