Những yêu cầu và giải pháp hoàn thiện pháp luật về công ty luật hợp danh ở Việt Nam

ThS. Nguyễn Minh Đức (Nghiên cứu sinh ngành Luật học - Trường Đại học Luật Hà Nội - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Đức Nguyễn)

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, vấn đề hoàn thiện pháp luật về công ty luật hợp danh (CTLHD) là một yêu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đó cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra. Với mục đích nhằm phát triển đội ngũ luật sư (LS) chuyên nghiệp có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn cao, phát huy vai trò của LS trong hoạt động của công ty, bài viết đề ra những yêu cầu và những giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về CTLHD trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay, đặc biệt là việc thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ cải cách tư pháp (CCTP).

Từ khóa: Pháp luật về công ty luật hợp danh, cải cách tư pháp, nhà nước pháp quyền, luật sư.

1. Dẫn nhập

Đứng trước yêu cầu CCTP, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các cơ quan tư pháp nhằm bảo vệ các quyền dân chủ của công dân, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, đường lối trong việc cải cách hệ thống tư pháp từ tổ chức đến cơ chế hoạt động, trong đó có pháp luật về CTLHD. Quan điểm mang tính định hướng là CCTP phải nằm trong chủ trương đổi mới bộ máy nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị, gắn liền với nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Từ đó có thể nhận thấy việc đổi mới tổ chức và hoạt động LS nằm trong nội dung của CCTP. Điều đó còn thể hiện mối quan hệ chặt chẽ và vai trò quan trọng của tổ chức và hoạt động LS đối với hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động tố tụng nói riêng.

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện một số bước quan trọng về CCTP. Tổ chức, bộ máy của các cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án, thi hành án và bổ trợ tư pháp trong đó có hoạt động LS đã có nhiều điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của đất nước. Chức năng, nhiệm vụ của LS, tổ chức xã hội -nghề nghiệp của LS đã được xác định rõ ràng hơn. Hoạt động LS ngày càng phát triển, khẳng định vị thế của mình, góp phần hỗ trợ đắc lực cho hoạt động tư pháp và nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân, hỗ trợ hiệu quả cho công dân trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích của họ. Tuy nhiên, hoạt động LS vẫn còn có những bất cập nhất định cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.

2. Những yêu cầu của việc hoàn thiện pháp luật về CTLHD

2.1. Việc hoàn thiện pháp luật về CTLHD phải đáp ứng yêu cầu, điều kiện CCTP, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Đổi mới quản trị công ty luật là nhu cầu thiết yếu, khách quan, quá trình đó đòi hỏi những vấn đề sau:

- Cần khẳng định LS là một nghề, vì vậy tổ chức, hoạt động LS cần được xây dựng trên những nguyên tắc là một nghề chuyên nghiệp, nghề tự do;

- Cần tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ LS chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu về luật sư tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật cho cá nhân, tổ chức, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ cũng như hỗ trợ đắc lực cho hoạt động xét xử;

- Từng bước chuẩn hóa các tiêu chuẩn luật sư phù hợp với các yêu cầu, điều kiện cụ thể của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng phải bảo đảm đáp ứng các chuẩn mực về mặt chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, phù hợp với điều kiện hành nghề của luật sư trong khu vực và trên thế giới;

- Đề cao trách nhiệm cá nhân của LS, LS là thành viên công ty nâng cao vai trò tự quản của tổ chức nghề nghiệp của luật sư, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với nghề LS;

- Từng bước hoàn chỉnh hệ thống văn bản điều chỉnh nghề LS, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho nghề LS Việt Nam phát triển, hội nhập khu vực và quốc tế.

2.2. Hoàn thiện pháp luật trên cơ sở phải nâng cao nhận thức đầy đủ và đúng đắn hơn nữa vị trí, vai trò của LS trong hoạt động tư pháp

Hiện nay, thực tế vẫn còn tư tưởng hạ thấp vai trò của LS và cho rằng LS sẽ gây khó khăn cho việc chống tội phạm, giúp cho kẻ phạm tội trốn tránh trách nhiệm. Quan điểm của nhiều người làm công tác điều tra cho rằng nếu LS tham gia từ giai đoạn điều tra thì tạo ra những khó khăn trong việc phát hiện tội phạm, bảo đảm bí mật điều tra, bảo quản chứng cứ,... Theo báo cáo kết quả điều tra cơ bản về hoạt động của các cơ quan tư pháp trong việc bảo đảm quyền dân chủ của công dân và trật tự an toàn xã hội do Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp thực hiện ở Hà Nội thì trong số điều tra viên được phỏng vấn có 42.86% điều tra viên cho là sự tham gia của LS vào giai đoạn điều tra là cần thiết, còn 57,47% số điều tra viên cho là không cần thiết (Hùng Khoa, 2017).

 Ngược lại, có ý kiến cho rằng, tội phạm đã rõ ràng thì LS không thể bào chữa cho kẻ phạm tội hoặc LS là “người giúp việc” cho cơ quan tiến hành tố tụng. Quan niệm như vậy đối với LS là trái quy định của pháp luật và chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta. Sự tham gia của luật sư ở giai đoạn điều tra không chỉ mở rộng những nguyên tắc dân chủ của tố tụng hình sự (TTHS), mà còn nâng cao chất lượng điều tra, tăng cường pháp chế trong giai đoạn điều tra.

Việc bào chữa kiên định, dũng cảm trong các vụ án hình sự không những không cản trở mà còn thúc đẩy cuộc đấu tranh chống tội phạm, giúp khắc phục những sai lầm trong việc xử lý vụ án. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và các đương sự khác bằng những phương tiện hợp pháp, luật sư thể hiện vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền công dân. Vì vậy, cần có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của LS trong tố tụng nói riêng và trong xã hội nói chung. Nhận thức đó phải được quán triệt trong các cơ quan nhà nước, trước hết là các cơ quan tiến hành tố tụng và mọi người dân.

Có thể nói, nâng cao nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng về vị trí, vai trò của LS trong quá trình giải quyết vụ án, tôn trọng LS và ý kiến của LS, tạo điều kiện thuận lợi cho LS thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong các giai đoạn tố tụng là một trong những nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức xã hội-nghề nghiệp của LS.

Nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức khác và nhân dân về vị trí, vai trò của LS trong xã hội, góp phần tăng tính hấp dẫn nghề nghiệp LS, thu hút ngày càng đông đội ngũ cử nhân luật mới ra trường tham gia hành nghề LS. Đồng thời, phát triển thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt Nam, kích thích nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của LS từ phía các cơ quan, tổ chức và cá nhân là một trong những mục tiêu của đổi mới quản trị công ty luật.

2.3. Nâng cao phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp của LS và phát triển đội ngũ LS là một trong những yêu cầu trong việc hoàn thiện pháp luật về CTLHD

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của LS và của CTLHD, ngoài việc không ngừng hoàn thiện chế định LS, nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của LS và trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của LS, cần phải xây dựng đội ngũ LS có trình độ nghiệp vụ chuyên môn, tính chuyên nghiệp cao, có phẩm chất đạo đức tốt.

Do đặc điểm, yêu cầu của nghề nghiệp nên tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức đối với LS đặc biệt được coi trọng. Dù LS hoạt động nghề nghiệp với tư cách cá nhân hay là thành viên trong các công ty luật, LS phải tuân thủ các nguyên tắc như không được bảo vệ cho nhiều khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong một vụ việc, bảo đảm bí mật nghề nghiệp, tôn trọng sự lựa chọn của khách hàng, không kiêm nhiệm…

Hành nghề LS là hoạt động đòi hỏi trách nhiệm rất cao. LS phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất gây ra cho khách hàng do lỗi của mình trong việc tư vấn pháp luật và có nghĩa vụ mua bảo hiểm nghề nghiệp để đảm bào thực hiện trách nhiệm đó. Cơ chế bồi thường thiệt hại qua chế độ bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp sẽ chắc chắn hơn, bảo đảm hơn trong việc bồi thường thiệt hại cho khách hàng.

Thực tế ở Việt Nam trong thời gian qua, LS khi hành nghề không phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Pháp luật cũng chưa quy định rõ ai là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng do lỗi của LS. Vì vậy, xảy ra những trường hợp khách hàng bị thiệt hại không biết kiện ai. Một trong những nguyên nhân không làm rõ được trách nhiệm nghề nghiệp của LS là pháp luật chưa quy định rõ về trách nhiệm nghề nghiệp của LS. Nghề LS có nhiều đặc thù và được điều chỉnh không chỉ bằng những quy định của pháp luật và còn bằng quy tắc đạo đức và ứng cử nghề nghiệp LS. Đoàn luật sư có trách nhiệm quản trị công ty luật về mặt đạo đức nghề nghiệp và Đoàn luật sư được xem như là “thanh kiếm” để xử lý những trường hợp LS vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vừa là công cụ, phương tiện bảo vệ cho LS tránh khỏi sự can thiệp, áp lực từ phía người thứ ba khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.

Tăng cường sự quản lý của nhà nước và xác định rõ vai trò tự quản của tổ chức xã hội-nghề nghiệp của LS mới tạo điều kiện phát triển đội ngũ LS Việt Nam nhiều về số lượng, mạnh về chất lượng và phát huy vai trò của họ trong nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Để phát triển đội ngũ LS ở Việt Nam hiện nay đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền thì Nhà nước cần hoàn thiện các văn bản pháp luật về LS và có biện pháp nhằm hỗ trợ phát triển nghề LS. Là cơ quan quản lý công ty luật, Bộ Tư pháp có vai trò trong việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, cải tiến nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo nghề LS theo hướng tập trung vào kỹ năng hành nghề, kinh nghiệm thực tiễn, kết hợp việc giảng dạy với thực tập tại các tổ chức hành nghề LS, tòa án, VKS và cơ quan điều tra, có chế độ trả công xứng đáng để thu hút được đội ngũ LS, thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên giỏi tham gia đào tạo nghề LS, thường xuyên nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với nước ngoài. Hỗ trợ các Đoàn LS trong việc thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật và bồi dưỡng về kỹ năng hành nghề nói chung, kỹ năng tranh tụng nói riêng, văn hóa ứng xử và đạo đức nghề nghiệp cho LS.

2.4. Hoàn thiện pháp luật về CTLHD phải phù hợp với tính chất nghể nghiệp LS và thông lệ quốc tế

Xuất phát từ chức năng xã hội, nhiệm vụ của LS ở Việt Nam và theo thông lệ quốc tế thì nghề LS là một nghề đặc thù. LS không những chỉ bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng mà còn phải bảo vệ lợi ích công cộng, bảo đảm thực thi pháp luật. Các LS hành nghề theo quy định của pháp luật nhưng đồng thời phải tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp và chịu sự quản lý chặt chẽ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của LS. Dân chủ thực sự trong tổ chức và hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của LS mới tạo ra được cơ chế tổ chức, quản lý CTLHD có hiệu quả.

Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho Nhà nước là cần phải xây dựng cơ chế dân chủ trong tổ chức và hoạt động của tổ chức xã hội-nghề nghiệp LS. Đồng thời, chính tổ chức xã hội - nghề nghiệp của LS cũng phải tạo ra cơ chế dân chủ để các thành viên của mình tham gia một cách đầy đủ vào quá trình tổ chức và hoạt động. Việc xây dựng và hoàn thiện CTLHD phải phù hợp với tính chất nghề nghiệp LS. Điều đó đặt ra cho Nhà nước là phải xây dựng và thể hiện một cách đầy đủ nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước với phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của LS, đồng thời từng bước xã hội hóa quản trị công ty luật phù hợp với điều kiện phát triển của xã hội.

Trong xu thế hội nhập quốc tế, đặc biệt là việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, ký kết hơn 10 hiệp định tự do thế hệ mới (FTA) tổ chức hành nghề LS, các LS ở nước ta không thể đứng ngoài tiến trình đó. Vì vậy, hoàn thiện pháp luật CTLHD nhằm phát triển đội ngũ LS, tạo cơ hội cho tổ chức và hoạt động LS ở nước ta hòa nhập và phát triển là một yêu cầu khách quan, tất yếu.

3. Những giải pháp hoàn thiện pháp luật về CTLHD

3.1. Những giải pháp chung

Thứ nhất, cần tiến hành rà soát, xem xét để có thể xây dựng và ban hành Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012). Luật mới về LS (thay thế cho Luật Luật sư năm 2006, 2012) cần quy định tập trung vào những vấn đề cơ bản sau:

+ Nguyên tắc hành nghề LS;

+ Quy định chi tiết về cơ sở đào tạo nghề luật sư, nội dung, chương trình đào tạo nghể luật sư tránh tình trạng đào tạo LS do một cơ sở đào tạo còn việc cấp giấy chứng nhận lại do một cơ sở khác.

+ Quy định về hình thức hành nghề, hình thức tổ chức hành nghề LS. Những quy định hiện nay về tổ chức hành nghề LS vẫn mang tính chất chung, thiếu minh bạch và chịu ảnh hưởng nhiều của các chế định pháp luật được quy định tại Luật Doanh nghiệp.

+ Quy định cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức LS toàn quốc và các đoàn LS trong vấn đề nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hành nghề LS.

+ Quy định, hướng dẫn về nội dung và thẩm quyền quản lý về LS.

Thứ hai, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển đội ngũ LS, đào tạo LS đến năm 2020. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn công tác phát triển, hiệu quả hoạt động của công ty luật bao gồm cả việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ LS để phát hiện những điểm mạnh, điểm yếu, bất cập cần hoàn thiện. Hành trình quy hoạch tổng thể phát triển đội ngũ LS của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các vùng các miền trong thời gian đến năm 2020.

Tập trung đào tạo đội ngũ LS là một trong những nội dung rất quan trọng trong sự gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của CTLHD. Để phát triển đội ngũ LS đủ về số lượng, nâng cao chất lượng, tạo ra được đội ngũ LS thành thạo về ngoại ngữ thông dụng, giỏi nghiệp vụ trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế trong giai đoạn hiện nay thì không thể thiếu vai trò của Nhà nước. Vì vậy, Nhà nước phải có chính sách đầu tư thỏa đáng cho việc đào tạo LS. Đồng thời, Nhà nước cũng cần xây dựng lộ trình để xã hội hóa việc đào tạo LS.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện pháp luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động LS trên cơ sở xây dựng một khung pháp luật thống nhất, đầy đủ, đồng bộ.

Nghị quyết số 08NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị (khóa IX) có đoạn: “Pháp luật trong lĩnh vực tư pháp chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ và còn nhiều sơ hở. Công tác xây dựng, giải thích, hướng dẫn và tuyên truyền giáo dục pháp luật, trong đó có pháp luật về lĩnh vực tư pháp còn nhiều bất cập và hạn chế”. Nguyên tắc pháp quyền đòi hỏi cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và bổ trợ tư pháp đều được tổ chức và hoạt động trên cơ sở một đạo luật do Quốc hội ban hành để đảm bảo tính đồng bộ, ổn định và tính hiệu lực cao.

Bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước cần chú trọng đến việc hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực tư pháp, để từ đó điều chỉnh và tác động trực tiếp đến chế định luật sư và công tác quản trị công ty luật. Vì vậy, cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực tư pháp, trong đó cần chú trọng pháp luật về tố tụng, nhất là những quy định liên quan đến LS. Hoàn thiện pháp luật về tố tụng phải theo kịp, đồng bộ với tiến trình đổi mới pháp luật về nội dung và pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước để bảo đảm có đủ công cụ pháp lý cần thiết cho cơ quan, tổ chức tư pháp thực hiện quyền năng và trách nhiệm của mình, cũng như để công dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo đúng pháp luật.

Hoàn thiện pháp luật tố tụng theo hướng bảo đảm các thủ tục tố tụng dân chủ hơn, tăng cường vai trò của LS nhằm thực thi nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng quyền con người trong TTHS, bảo đảm nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự; thủ tục nhanh gọn, đơn giản trong tố tụng dân sự (TTDS), thực hiện nguyên tắc hai cấp xét xử; tăng khả năng tranh tụng trong phiên tòa. Pháp điển hóa các văn bản quy phạm pháp luật tố tụng hành chính theo hướng mở rộng thẩm quyền của Tòa hành chính được xét xử tất cả các vụ khiếu kiện hành chính và cải cách căn bản thủ tục giải quyết các vụ án hành chính phù hợp với điều kiện hiện nay.

Chế định LS đã được quy định trong Bộ luật TTHS. Tuy nhiên, do nhận thức chưa thật đầy đủ và do chưa có sự hướng dẫn cụ thể, thống nhất nên dẫn đến việc LS tham gia vào hoạt động tố tụng chưa hiệu quả. Một số quy định của Bộ luật TTHS còn nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc áp dụng thiếu thống nhất. Đã đến lúc phải xem việc tham gia của LS vào quá trình TTHS là sự giám sát, phản biện tốt nhất đối với các hoạt động của cơ quan tiến hành TTHS. Bên cạnh việc làm rõ chức năng buộc tội, chức năng xét xử cần phải chú ý đến chức năng bào chữa, trong đó có vai trò của LS.

 Để các quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 liên quan đến quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của LS khi tham gia tố tụng được thực hiện thống nhất và nghiêm chỉnh trong phạm vi toàn quốc, các cơ quan công an, kiểm sát, tòa án, tư pháp cần sớm ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn việc LS tham gia TTHS. Các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương cũng cần ban hành văn bản hướng dẫn, kịp thời chỉ đạo địa phương thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về quyền của LS, đồng thời đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo là nguyên tắc dân chủ trong TTHS. Bộ luật TTDS đã thể hiện vị trí của LS, vai trò của LS trong việc đại diện cho khách hàng để bảo vệ quyền lợi của họ trước pháp luật.

Tuy nhiên, hiện nay trong quá trình hành nghề LS gặp không ít khó khăn, nhất là khi đại diện cho khách hàng tiếp xúc với cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền để giải quyết các vụ việc do khách hàng ủy quyền. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng cơ chế thường xuyên giám sát, kiểm tra việc thi hành những quy định của pháp luật tố tụng liên quan đến quyền của LS trong hoạt động tố tụng, đồng thời xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm quyền của LS trong hoạt động hành nghề. Đoàn LS và các cơ quan tiến hành tố tụng xây dựng cơ chế phối hợp thường xuyên để kịp thời giải quyết những đề xuất, kiến nghị của LS trong quá trình tham gia tố tụng.

3.2. Những giải pháp cụ thể

Một là, đội ngũ LS cũng như số lượng các tổ chức hành nghề LS tại Việt Nam ra đời và hoạt động ngày càng có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, chất lượng và năng lực còn ở mức độ khá khiêm tốn. Đặc biệt là trong sự cạnh tranh với các tổ chức hành nghề của LS nước ngoài khi tham gia giải quyết các vụ tranh chấp lớn, có yếu tố nước ngoài. Điều đó đòi hỏi cần phải nâng cao chất lượng LS không chỉ trên bình diện rộng mà cần phải ở mức độ chuyên sâu, chuyên nghiệp. Việc nâng cao năng lực của LS cũng như các tổ chức hành nghề LS có thể được thực hiện ở nhiều góc độ khác nhau, như: đào tạo nâng cao, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm…

Hai là, hiện nay, theo quy định về chương trình đào tạo nghiệp vụ và cấp chứng chỉ hành nghề và cấp thẻ cho LS có tham gia tổ chức, quản lý của nhiều cơ quan khác nhau, đó là Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp, Liên đoàn LS Việt Nam… Vấn đề này có thể dẫn đến sự chồng chéo, mất nhiều thời gian và đôi khi tạo ra các rào cản. Do đó, một trong những nội dung cần sửa đổi hoặc quy định mới (trong Luật LS mới) là đảm bảo sự thống nhất, minh bạch giữa đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề và cấp thẻ cho LS. Tác giả cho rằng, việc đào tạo và cấp thẻ LS cho LS nên thuộc thẩm quyền của Liên đoàn LS Việt Nam có lẽ hợp lý hơn.

Ba là, cần đổi mới việc thực hiện những vấn đề liên quan đến hoạt động công ty luật, CTLHD trong mối quan hệ với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp LS. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của CTLHD có hiệu quả thì trách nhiệm của nhà nước cần phải cụ thể hóa, luật hóa những nội dung về mối quan hệ giữa LS, các tổ chức hành nghề LS và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp LS. Một trong mục tiêu được đặt ra là, trong quá trình hành nghề cùa LS độc lập hay các công ty luật, nếu có vướng mắc, thậm chí sai phạm, thì vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của LS trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của LS, các công tuy luật như thế nào, mức độ đến đâu?

Bốn là, trong xu thế hội nhập quốc tế, vai trò và vị trí của LS, các công ty luật ngày càng được nâng cao. Sự tham gia của các LS hay công ty luật của Việt Nam hiện nay hầu như mới chủ yếu dừng lại ở phạm vi nội địa. Thực tế, LS của Việt Nam tham gia các vụ việc tầm khu vực, quốc tế không nhiều kể cả ở góc độ chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm. Điều này đặt ra một trong những yêu cầu hiện nay là cần phải tăng cường sự hợp tác giữa LS trong nước và LS nước ngoài. Trong đó hướng tới sự tham gia hoạt động của LS Việt Nam ở nước ngoài đảm bảo về số lượng và chất lượng. Về vấn đề này, các quy định của Luật LS đã đề cập nhưng chưa đủ, do đó cần cụ thể hơn nữa để đảm bảo sự tham gia của LS Việt Nam khi hành nghề ở nước ngoài. Trong đó, chú trọng tới các yêu cầu, điều kiện, cách thức và quản lý nhà nước đối với các LS.

Năm là, để đảm bảo hạn chế tối đa sự vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả của LS, công ty luật, ngoài việc tạo sự chủ động, dân chủ trong hoạt động của công ty thì việc các cơ quan nhà nước thường xuyên kiểm tra và xử lý vi phạm một cách triệt để, rõ ràng là điều cần thiết. Nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về LS là kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ pháp luật của tổ chức LS và hành nghề LS. Thông qua việc kiểm tra, thanh tra, một mặt nhà nước phát hiện những bất cập, hạn chế về chính sách, quy định của pháp luật về LS và hành nghề LS để kịp thời sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, cũng thông qua kiểm tra, thanh tra, Nhà nước phát hiện và xử lý những vi phạm pháp luật của tổ chức LS và hành nghề LS. Mặt khác, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức LS và hành nghề LS là tăng cường sự quản lý nhà nước về LS nhằm mục đích giúp tổ chức LS và hành nghề LS phát triển đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Bổ trợ tư pháp. 2014. Báo cáo của Cục Bổ trợ tư pháp tại Hội nghị triển khai Luật Luật sư và Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020. Tháng 10/2014.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam. 2005. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Hà Nội.
  3. Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. 2015. Báo cáo số 179/CV-ĐLS của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 06/10/2015 về tình hình tổ chức, hoạt động năm 2014 và 9 tháng đầu năm 2015.
  4. Lê Hồng Hạnh (Chủ biên). 2002. Đạo đức và kỹ năng của luật sư trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nxb. Đại học Sư phạm.
  5. Phạm Trung Hoài. 2003. Hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hành nghề luật sư trong điều kiện mới ở Việt Nam.
  6. Quốc hội. 2015. Bộ luật Dân sự (2015). Hà Nội.
  7. Quốc hội. 2015. Bộ luật Hình sự (2015). Hà Nội.
  8. Quốc hội. 2014. Luật Doanh nghiệp (2014). Hà Nội.
  9. Quốc hội. 2012. Luật Luật sư (2012). Hà Nội.
  10. Hùng Khoa. 2017. Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Nguồn: https://www.qdnd.vn/thuc-hien-hieu-qua-nghi-quyet-trung-uong-iv-khoa-xii-cua-dang/thanh-pho-ho-chi-minh-voi-nhieu-chinh-sach-ho-tro-phat-trien-doanh-nghiep-524457, truy cập ngày 05/02/2020.

Requirements and solutions to improve the effectiveness of regulations on law partnership companies in Vietnam

Ph.D’s student, Master. Nguyen Minh Duc

Hanoi University of Law

Ho Chi Minh City Bar Association

Director, Duc Nguyen Law One Member Limited Liability Company

ABSTRACT:

In the context of Vietnam’s current international integration process, it is necessary for Vietnam to improve the effectiveness of regulations on law partnership companies. However, the completion of the legal system governning law partnership companies should fully meet the set requirements. To develop a team of professional lawyers with good ethical qualities, high professional qualifications and to promotte the role of lawyers in operations of companies, this article presents the requirements and the solutions to improve the effectiveness of regulations on law partnership companies in the context of building a socialist state which is governed by the law, especially the implementation of judicial reform in Vietnam.

Keywords: Regulations on law partnership companies, judicial reform, the law governed by the rule of law, lawyer.