TÓM TẮT:
Bài viết phân tích thực trạng công tác quản lí chi vốn đầu tư ngân sách tỉnh Trà Vinh, và đưa ra các giải pháp kịp thời nhằm phát huy các mặt tích cực, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lí chi vốn đầu tư ngân sách trên địa bàn tỉnh, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tránh gây lãng phí, thất thoát. Từ đó, giúp cho các cấp chính quyền địa phương quản lý tốt hơn các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách.
Từ khóa: Công tác quản lí, kiểm soát thanh toán, vốn đầu tư, ngân sách nhà nước.
1. Mở đầu
Vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách nhà nước (NSNN) được xác định là “vốn mồi” để thu hút các nguồn lực trong nước và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Cùng với việc gia tăng chi vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn NSNN tỉnh Trà Vinh qua các năm, trong giai đoạn 2014 - 2018, cơ chế chính sách về đầu tư xây dựng cơ bản cũng không ngừng được đổi mới và hoàn thiện. Công tác quản lý chi vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn NSNN chủ động và hiệu quả hơn, đã phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức nhà nước trong việc: lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; lập, phân bổ dự toán, kế hoạch vốn đầu tư hàng năm; triển khai thực hiện dự án đầu tư, quyết toán vốn đầu tư khi dự án công trình hoàn thành đưa vào sử dụng của các chủ đầu tư, nhà thầu và các tổ chức tư vấn; quản lý, kiểm soát chi vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn NSNN của cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước (KBNN).
Các chính sách, chế độ mới về đầu tư và xây dựng cơ bản, định mức chi tiêu được ban hành cùng với thực hiện các quy trình quản lý, kiểm soát chi vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn NSNN qua KBNN đã góp phần quản lý chi tiêu có hiệu quả, tiết kiệm, hạn chế các khoản chi sai chế độ, nhiều dự án công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả.
2. Thực trạng công tác quản lí kiểm soát thanh toán vốn đầu tư tỉnh Trà Vinh
Hàng năm, NSNN dành một khoản chi rất lớn cho đầu tư xây dựng cơ bản và không ngừng gia tăng qua các năm, thể hiện qua số liệu thống kê từ năm 2014 đến hết năm 2018.
Bảng 1. Kế hoạch VĐT thuộc nguồn vốn NSNN giai đoạn 2014 - 2018
Đơn vị: Tỷ đồng
Nguồn: Theo báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư hàng năm của KBTV
Trong giai đoạn 2014 - 2018, KBNN đã đạt được những kết quả nhất định về quản lý chi vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn NSNN qua KBNN thể hiện qua các nội dung sau:
Thứ nhất, quy định cụ thể về điều kiện và thủ tục mở tài khoản cấp phát thanh toán vốn đầu tư, chủ đầu tư được mở tài khoản cấp phát thanh toán vốn đầu tư tại KBNN nơi thuận tiện cho việc giao dịch của chủ đầu tư. Thực hiện quy chế một cửa trong công tác quản lý, kiểm soát chi, cấp phát thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn NSNN.
Thứ hai, đã ban hành và công khai quy trình quản lý, kiểm soát thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các dự án đầu tư thuộc các nguồn vốn trong nước, ngoài nước thuộc các cấp ngân sách trung ương, ngân sách địa phương. Trong đó, quy định cụ thể về các tài liệu chủ đầu tư phải gửi đến KBNN, trình tự và thủ tục giải quyết công việc, quy trình luân chuyển chứng từ, thời gian giải quyết công việc và trách nhiệm của của từng bộ phận nghiệp vụ. Hướng dẫn và thực hiện chế độ hạch toán kế toán, quyết toán, tất toán tài khoản chi vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn NSNN. Đây thực sự là bước đột phá, là cuộc cách mạng trong quản lý chi vốn đầu tư xây dựng cơ bản qua KBNN, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng quản lý chi vốn đầu tư xây dựng cơ bản qua KBNN.
Thứ ba, KBNN đã giải đáp đầy đủ, kịp thời những thắc mắc, khiếu nại của các chủ đầu tư liên quan đến nội dung quản lý chi vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn NSNN. Hướng dẫn kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, làm căn cứ để KBNN các cấp giải quyết các trường hợp cấp phát thanh toán cụ thể.
Thứ tư, hàng năm hoặc tùy theo tình hình cụ thể đã tổ chức các buổi tọa đàm về giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản với các chủ đầu tư, cơ quan chủ quản đầu tư để đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư, những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân ảnh hưởng tới quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư để có những giải pháp hữu hiệu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư.
Thứ năm, KBNN thường xuyên và chủ động phối hợp với các chủ đầu tư, các cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện công tác quản lý chi vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn NSNN. Báo cáo kịp thời tình hình giải ngân vốn đầu tư để phục vụ cho việc chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp và các cơ quan chức năng trong quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn NSNN.
Thông qua công tác quản lý chi vốn đầu tư xây dựng cơ bản qua KBNN đã góp phần nâng cao chất lượng của công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án, dự toán, công tác lập, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư hàng năm, quá trình thực hiện, thanh toán, quyết toán vốn công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản của các cấp, các ngành.
Kết quả kiểm soát, cấp phát thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn NSNN qua KBNN được thể hiện tại Bảng 2.
Bảng 2. Tình hình giải ngân vốn đầu tư qua KBNN giai đoạn 2015 - 2018
ĐVT: Tỷ đồng
Nguồn: Theo báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư hàng năm của KBTV
Dựa vào bảng tình hình thanh toán vốn đầu tư ta thấy tỷ trọng thanh toán được tăng dần qua các năm cụ thể như sau: năm 2014 đạt 75,7%, năm 2015 đạt 77,6%, năm 2016 đạt 87,2%, năm 2017 đạt 88,7%, năm 2018 đạt 88,8%.
3. Những hạn chế
Một là, tình trạng phê duyệt quy hoạch các dự án đầu tư xây dựng không hợp lý, hiệu quả thấp hoặc phải di dời đi nơi khác gây lãng phí vốn đầu tư. Điển hình là việc quy hoạch chi tiết chưa phù hợp với quy hoạch tổng thể, chưa dựa trên quy hoạch tổng thể của ngành, khu vực. Quy hoạch mang tính cục bộ của từng địa phương, nên dẫn đến tình trạng không phát huy hết công suất thiết kế dẫn đến lãng phí vốn đầu tư và không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn.
Hai là, nhiều dự án sai lầm về chủ trương đầu tư, không đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng, không phù hợp với quy hoạch, có dự án sau khi có quyết định đầu tư đã bị đình, hoãn, giãn tiến độ thi công. Công tác tư vấn lập dự án, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế dự toán, thẩm định, phê duyệt thiết kế, tổng dự toán của cấp có thẩm quyền chất lượng chưa cao, còn tùy tiện, đơn giản trong khâu phê duyệt chủ trương, nhiều hạng mục của dự án chỉ là tạm tính để cho tổng mức đầu tư thấp.
Ba là, việc lập dự toán, bố trí vốn đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN cho các dự án đầu tư còn phân tán, dàn trải. Dẫn đến nhiều dự án nhóm B (theo quy định phải hoàn thành trong 4 năm), dự án nhóm C (theo quy định phải hoàn thành trong 2 năm) đã không đủ vốn để thực hiện dự án, làm cho dự án phải kéo dài thời gian thi công. Cơ chế điều hành kế hoạch hóa đầu tư trong thời gian qua đã từng bước thay đổi cùng với công tác cải cách hành chính nhà nước, nhưng còn bộc lộ nhiều nhược điểm như: bố trí danh mục kế hoạch các dự án quá phân tán, dàn trải, bố trí kế hoạch vốn đầu tư hàng năm còn mang nặng tính bao cấp, bình quân, không đồng bộ. Đối với dự án ODA, chưa bố trí đủ vốn đối ứng, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án công trình. Nhiều dự án thiếu thủ tục, điều kiện quy định nhưng vẫn được bố trí kế hoạch vốn hàng năm hoặc kế hoạch vốn thấp không phù hợp với khối lượng thực hiện, không có nguồn vốn để thanh toán, gây ra tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản.
Từ việc lập dự toán, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phân tán, dàn trải như trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý chi vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn NSNN qua KBNN.
Bốn là, tình trạng phổ biến các dự án đầu tư chậm tiến độ, phải kéo dài là do công tác chuẩn bị xây dựng và đền bù giải phóng mặt bằng không kịp thời; làm tăng lãi vay trong quá trình đầu tư (nhất là các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức), làm tăng phí vốn đầu tư, qua thanh tra 17 dự án năm 2014 - 2015 đã thống kê được số vốn đầu tư lãng phí do kéo dài dự án mà chủ yếu là công tác chuẩn bị đầu tư và đền bù giải phóng mặt bằng chậm đã làm tăng chi phí tư vấn, tăng chi phí quản lý dự án, tăng lãi vay ngân hàng là 57,9 tỷ đồng.
Năm là, từ khi có Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ban hành ngày 26/11/2013 đã chứng tỏ sự phù hợp với nền kinh tế thị trường, thực sự mang lại hiệu quả kinh tế, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, thúc đẩy sự hoàn thiện của bản thân các nhà thầu cả về năng lực và tổ chức điều hành. Tuy nhiên, tình trạng tiêu cực trong công tác đấu thầu còn diễn ra phổ biến, nhiều trường hợp đấu thầu chỉ là hình thức, nhiều trường hợp nhận thầu bằng mọi giá kể cả giảm giá thầu đến 20 - 50% so với dự toán hoặc giá mời thầu. Khi thi công thì tìm mọi cách bớt xén vật liệu, thay đổi chủng loại vật tư hoặc phổ biến là làm tăng khối lượng phát sinh để trình duyệt đơn giá mới; chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu, thông đồng trong đấu thấu, sử dụng quân xanh, quân đỏ trong đấu thầu...
Sáu là, công tác định giá và quản lý giá trong đầu tư xây dựng cơ bản đã ngày càng hoàn thiện cả về nội dung và phương pháp. Thành phần, nội dung và cơ cấu của giá trị dự toán xây dựng qua từng thời kỳ đã bám sát và gắn liền với sự phát triển của ngành Xây dựng cũng như của đất nước. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, công tác định giá, quản lý giá còn nhiều nội dung công việc chưa có định mức, đơn giá hoặc có định mức đơn giá nhưng lại không phù hợp với thực tế làm cho công tác quản lý, kiểm soát chi của KBNN gặp nhiều khó khăn.
Bảy là, quá trình thực hiện các dự án còn có nhiều sai phạm do một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án năng lực còn hạn chế, một số dự án đầu tư có khối lượng thực hiện nhưng chưa đủ thủ tục thanh toán do chủ đầu tư và nhà thầu ký kết hợp đồng tổ chức thi công xây dựng trước khi thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoặc dự án chưa đủ thủ tục khởi công xây dựng theo quy định nhưng chủ đầu tư vẫn tổ chức khởi công xây dựng.
Tám là, trách nhiệm quyết toán và phê duyệt quyết toán dự án công trình hoàn thành thuộc về chủ đầu tư và các bộ, ngành, địa phương, nhưng trong thời gian qua nhiều dự án công trình đã hoàn thành nhưng chưa được phê duyệt quyết toán. Theo thống kê của KBNN tính đến hết tháng 9/2017 còn 69 dự án, công trình đã hoàn thành nhưng chưa tất toán được tài khoản với số vốn còn dư trên tài khoản cấp phát do KBNN quản lý là 509 tỷ đồng. Điều này đã làm cho công tác quản lý của KBNN gặp nhiều khó khăn trong việc theo dõi, hạch toán, kế toán và quyết toán vốn đầu tư hàng năm theo Luật NSNN và giải trình với các cơ quan chức năng. Nguyên nhân của việc chậm phê duyệt quyết toán dự án, công trình hoàn thành chủ yếu do sự quan tâm, chỉ đạo của các bộ, ngành và địa phương trong công tác thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án, công trình hoàn thành. Nhiều dự án, công trình sau khi hoàn thành thì ban quản lý dự án hoặc chủ đầu tư đã giải thể, hoặc nhiều dự án bàn giao qua nhiều đơn vị làm chủ đầu tư cũng gây khó khăn trong việc thẩm tra phê duyệt quyết toán… Công tác ghi thu, ghi chi vốn ngoài nước rất chậm. Nhiều dự án đã giải ngân cho người thụ hưởng, nhưng phải hàng quí hoặc thậm chí đến hàng năm, Bộ Tài chính mới thông báo ghi thu ngân sách, ghi chi cho đầu tư xây dựng cơ bản làm ảnh hưởng đến việc theo dõi và quyết toán ngân sách.
Từ những tồn tại trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác quản lý, kiểm soát chi vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn NSNN qua KBNN.
4. Kết luận
Thứ nhất, đổi mới công tác kiểm tra đối với hoạt động đầu tư từ nguồn vốn NSNN: Kiểm tra là chức năng chủ yếu của quản lý, đặc biệt là quản lý tài chính.
Thứ hai, đơn giản hóa thủ tục thanh toán, cải tiến các mẫu biểu, chứng từ, sử dụng hệ thống máy móc thanh toán hiện đại, để đảm bảo công tác thanh quyết toán được khẩn trương nhanh chóng. Cần có sự phối hợp chặt chẽ linh hoạt giữa KBNN- Sở Tài chính vật giá và Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Xây dựng, chủ đầu tư để tổ chức tập huấn về công tác giải ngân vốn cho chủ đầu tư, thực hiện thanh toán vốn theo chế độ một cửa, đúng quy trình, thông thoáng, nhanh chóng và chặt chẽ.
Thứ ba, tăng cường hoạt động kiểm toán đối với đầu tư từ nguồn vốn NSNN. Kiểm toán Nhà nước có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Xuất phát từ vai trò của kiểm toán mà trước tiên chúng ta cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức hoạt động kiểm toán nhà nước cũng như tạo điều kiện thuận lợi để Kiểm toán Nhà nước được báo cáo quyết toán các dự án đầu tư từ NSNN. Nếu có thể thực hiện kiểm toán cả dự toán kế hoạch và quyết toán. Mặt khác, cần nâng cao nhận thức và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy chế lập, thẩm tra dự toán NSNN, phương án phân bổ NSNN. Cần đào tạo bồi dưỡng kiểm toán viên đồng thời xây dựng phương pháp kiểm toán tiên tiến hiện đại và trang bị phương tiện hiện đại cho kiểm toán viên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Tài chính (2010), Thông tư số 210/2010/TT-BTC quy định việc Quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách hàng năm, Hà Nội.
2. Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh, Niêm giám Thống kê 2013 - 2018, Trà Vinh.
3. Quyết định số 438/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/3/2011 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Trà Vinh đến năm 2020.
CURRENT SITUATION OF THE SATE BUDGET
CAPITAL INVESTMENT MANAGEMENT
OF TRA VINH PROVINCE
● Master. NGUYEN CHAU HUNG TINH
Tra Vinh University
ABSTRACT:
The article analyzes the current situation of the sate budget capital investment management of Tra Vinh province in order to propose solutions to promote achievements and also overcome limitations in the sate budget capital investment management, ensure the efficient use of state budget capital investment. These solutions could promote the socio-economic development and limit loss in the sate budget capital investment, helping local authorities to better its sate budget capital investment.
Keywords: Management, payment control, investment capital, state budget.