Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực thử nghiệm chất lượng sản phẩm ngành Da Giày tại Việt Nam

DƯƠNG PHONG HÒA (Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo và Công nghệ Lefaso)

TÓM TẮT:

Bài viết đề cập đến việc nâng cao năng lực thử nghiệm chất lượng sản phẩm trong ngành Da giày, cũng như đề cập đến nhu cầu nâng cao năng lực sản xuất của ngành. Nội dung bài viết gồm 3 phần: (1) Đặt vấn đề; (2) Thực trạng về năng lực thử nghiệm chất lượng sản phẩm ngành da giày; (3) Giải pháp nâng cao năng lực thử nghiệm chất lượng sản phẩm da giày.

Từ khóa: Ngành Công nghiệp da giày, xuất khẩu, năng lực cạnh tranh, năng lực thử nghiệm.

1. Đặt vấn đề

Ngành Công nghiệp da giày có vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế quốc dân nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, có điều kiện mở rộng thương mại quốc tế và mang lại nhiều nguồn thu cho đất nước. Trong những năm gần đây, ngành Da giày đã có những bước phát triển vượt bậc. Việt Nam là nước đứng thứ 3 thế giới về sản xuất và đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu sản phẩm giầy dép và túi xách, với tốc độ tăng trưởng 10-15%/năm trong những năm 2015 - 2019. Năm 2000, kim ngạch xuất khẩu da giày mới đạt 1.417,0 triệu USD, năm 2014 đã tăng lên 12.861,6 triệu USD, tăng 9,07 lần. Và theo số liệu của Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn Ngành đạt trên 22 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018, chiếm trên 8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của ngành Công nghiệp da giày tại Việt Nam và khu vực, sản phẩm da giày không những phải đạt chất lượng cao mà thời gian sản xuất cũng phải được rút ngắn. Một trong những cải tiến quan trọng của các nhà sản xuất là đầu tư trọng điểm vào các phòng thí nghiệm để đảm bảo sản phẩm được kiểm tra chất lượng chính xác trong thời gian ngắn nhất.

2. Thực trạng thử nghiệm chất lượng sản phẩm ngành Da giày tại Việt Nam

Cuối năm 2016, tin vui đến với ngành Da giày Việt Nam khi sản phẩm được thị trường EU chấp nhận nhờ đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của EU. Đây là kết quả của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành Da giày Việt Nam trong 30 tháng tham gia tiểu dự án Đáp ứng tốt hơn các yêu cầu kỹ thuật giúp nâng cao năng lực tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật của EU đối với sản phẩm xuất khẩu; xây dựng các dịch vụ tư vấn và thử nghiệm đạt chất lượng quốc tế được các nhà cung cấp có uy tín công nhận với chi phí phù hợp.

Hiện nay, tuy có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng có tới trên 70% số doanh nghiệp da giày (chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước) sản xuất dưới hình thức gia công xuất khẩu, với thiết kế mẫu mã và nguyên phụ liệu do nước ngoài cung cấp, do vậy giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, hiệu quả sản xuất - kinh doanh không cao.

Điều này thể hiện rất rõ trong những năm gần đây, khi các doanh nghiệp sản xuất da giầy nội địa gặp khó khăn trong mở rộng quy mô sản xuất; ngược lại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng mở rộng sản xuất thị phần xuất khẩu. Nếu như năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp da giầy trong nước chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành và doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 70%, thì đến năm 2019, tỷ lệ này là 20% và 80%.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là các doanh nghiệp da giầy trong nước chưa quan tâm nhiều đến hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm; chưa đầu tư nhiều cho công tác thiết kế mẫu mã, và công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu da giầy chậm phát triển, dẫn đến các doanh nghiệp chưa tham gia được vào chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu.

Một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp trong nước gặp phải là ngành Da giầy hiện chưa có một trung tâm thử nghiệm, kiểm định chất lượng nguyên phụ liệu đầu vào và chất lượng sản phẩm đầu ra. Lâu nay, các doanh nghiệp xuất khẩu phải thuê các Phòng thử nghiệm của nước ngoài tại Việt Nam, hoặc phải gửi mẫu vật liệu hoặc mẫu sản phẩm ra nước ngoài làm thử nghiệm theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, nên chi phí cao, làm đội giá thành xuất khẩu.

Trong thời gian tới, khi lợi thế về nhân công giá rẻ và dồi dào không còn nữa, để phát triển bền vững, các doanh nghiệp ngành Da giầy sẽ phải chuyển đổi mô hình sản xuất từ gia công thuần túy CMT hiện nay sang sản xuất FOB (tự chủ nguyên liệu), sản xuất ODM (tự thiết kế mẫu sản phẩm) và OBM (tự sản xuất và phân phối) để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho người lao động.

Khi đó, các doanh nghiệp sẽ phải tự chủ về thiết kế mẫu và kiểm soát được nguồn cung nguyên phụ liệu với tiêu chuẩn và chất lượng đảm bảo, đồng thời kiểm sóat được chất lượng sản phẩm đầu ra. Nói cách khác, doanh nghiệp buộc phải làm thử nghiệm và kiểm định chất lượng nguyên phụ liệu và sản phẩm với chi phí cạnh tranh để duy trì tăng trưởng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực đều có các quy định về xuất xứ nguyên phụ liệu trong sản phẩm da giầy. Do vậy, sản xuất nguyên vật liệu trong nước sẽ được quan tâm phát triển để doanh nghiệp được hưởng mức thuế ưu đãi trong xuất khẩu vào các nước thành viên các hiệp định FTA. Đây cũng là một trong các mục tiêu chiến lược phát triển bền vững của ngành Da giầy Việt Nam.

Ngoài ra, không chỉ nhu cầu thử nghiệm, kiểm định chất lượng sản phẩm da xuất khẩu ngày càng tăng, mà nhu cầu thử nghiệm, kiểm định sản phẩm da giầy tiêu thụ trong nước cũng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Theo Thông tư số 21/2017/TT-BCT ngày 23 tháng 10 năm 2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, các sản phẩm dệt may, giầy dép phải có chứng nhận hợp quy mới được phép lưu hành trên thị trường nội địa.

Điểm mạnh của ngành Da giầy tại Việt Nam là có sự tham gia của các doanh nghiệp FDI, sản xuất các thương hiệu giầy dép và túi xách có uy tín trên thị trường quốc tế. Các chủng loại giầy thể thao, giầy vải, giầy da có chất lượng từ trung bình đến cao cấp với giá thành xuất khẩu cao hơn so với nhiều nước sản xuất trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, các sản phẩm da giầy sản xuất tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là giầy da, giầy vải, dép sandal, giầy thể thao thông dụng. Các sản phẩm đặc thù có giá trị cao như giầy cho các môn thể thao chuyên nghiệp (giầy bóng đá, giầy bóng rổ, giầy trượt băng, giầy erobic), giầy múa, giầy cho bệnh nhân, giầy chỉnh hình, giầy bảo hộ,... có các tính năng cao, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới thì chúng ta chưa sản xuất được nhiều.

Điều này là do, một mặt trình độ công nghệ của ngành còn bị hạn chế, mặt khác còn do chúng ta thiếu các trung tâm hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp trong việc phát triển các loại sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới. Ở các nước có ngành da giầy phát triển như Italia, các trung tâm tư vấn, chuyển giao công nghệ có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp da giầy phát triển.

Ví dụ, khi doanh nghiệp có ý định sản xuất một sản phẩm mới, đặc thù, họ sẽ được các trung tâm này hỗ trợ thử nghiệm, phân tích, đánh giá sản phẩm, vật liệu và công nghệ sản xuất. Sau đó, các chuyên gia của trung tâm sẽ đến doanh nghiệp trực tiếp khảo sát thực tế về vật liệu, công nghệ, trang thiết bị con người... để tư vấn cụ thể giúp doanh nghiệp đầu tư sản xuất thành công sản phẩm mới. Mô hình trung tâm tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao này rất cần thiết đối với ngành Da giầy nước ta, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vốn đầu tư trong nước.

Đổi mới công nghệ tiên tiến và ứng dụng công nghệ số hóa của cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất của ngành Da giầy là giải pháp hữu hiệu để tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, trong bối cảnh chi phí lao động và giá nhập khẩu nguyên phụ liệu ngày càng tăng.

Trong những năm qua, các doanh nghiệp FDI và một số ít doanh nghiệp lớn trong nước đã bỏ nhiều công sức và vốn đầu tư ứng dụng công nghệ cao và tự động hóa trong các khâu sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, giảm sử dụng nhiều lao động và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ cao và tự động hóa trong sản xuất da giầy tại Việt Nam chưa được phổ biến và nhân rộng tới các doanh nghiệp trong ngành.

Hiện nay, ngành Da giầy thế giới đã tiến xa về mặt khoa học và công nghệ,  nhiều công nghệ 4.0 đã được ứng dụng các trong sản xuất da giầy, cải thiện chuỗi giá trị của Ngành, bao gồm: hệ thống mạng thực-ảo, nhà máy thông minh tự động hóa kết nối ở mức cao, hệ thống giao tiếp máy với máy, người với máy, trí tuệ nhân tạo, công nghệ chế tạo in 3D, công nghệ vật liệu thông minh, công nghệ nano, công nghệ sinh học. Đây là những thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp ngành Da Giầy Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp trong nước rất cần được tư vấn, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới - thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất - kinh doanh.

3. Giải pháp nâng cao năng lực thử nghiệm chất lượng sản phẩm da giày

Hiện nay, nền kinh tế nước ta đang trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và xu hướng toàn cầu hóa đã đặt ra những thách thức. Trong đó, nâng cao năng lực các phòng thử nghiệm đang đặt ra cho nhiều tổ chức thử nghiệm những yêu cầu đổi mới để thích ứng trong giai đoạn bắt đầu của cuộc cách mạng 4.0.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp da giầy trong nước chủ động và tự chủ trong kiểm soát chất lượng nguyên vật liệu và chất lượng sản phẩm da giầy, hướng tới chuyển đổi phương thức sản xuất từ gia công thuần túy sang tự chủ nguyên liệu, tự thiết kế mẫu sản phẩm và phát triển thương hiệu xuất khẩu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương thông qua chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, Hiệp hội Da giầy - Túi xách Việt Nam (LEFASO) đã thực hiện đề tài khoa học: “Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ về thiết bị thử nghiệm, kiểm định chất lượng nguyên phụ liệu, sản phẩm ngành Da giầy và tư vấn công nghệ cho doanh nghiệp da giầy về quản lý chất lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và sản phẩm hoàn chỉnh phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu của ngành’’.

Với sự nghiên cứu nghiêm túc và cầu toàn, Hiệp hội LEFASO đã tham khảo học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trung tâm giám định trên thế giới và trong nước cùng với vận dụng nguồn lực sẵn có, kết hợp với sự hỗ trợ ngân sách của chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, Phòng Thử nghiệm sản phẩm da giầy đầu tiên của ngành đã được xây dựng với trang thiết bị hiện đại và cơ sở vật chất khang trang.

Trong quá trình xây dựng Phòng Thử nghiệm, Hiệp hội đã được sự tư vấn, hỗ trợ của chuyên gia Italy (theo chương trình hợp tác liên Chính phủ của Việt Nam - Italy) và hỗ trợ từ phía các chuyên gia Anh (đến từ tổ chức Satra).

Trải qua hai giai đoạn thực hiện, đến nay phòng thử nghiệm đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra và sẵn sàng phục vụ các doanh nghiệp trong lĩnh vực da giầy, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn để nâng cao khả năng kiểm soát tốt chất lượng các sản phẩm nguyên phụ liệu và sản phẩm hoàn chỉnh của ngành, giúp các doanh nghiệp trong ngành và cơ quan quản lý có được căn cứ xây dựng và phát triển một môi trường kinh doanh minh bạch trong lĩnh vực Da Giầy.

Trong thời gian tới, dự báo nhu cầu xây dựng và vận hành các phòng thử nghiệm tại doanh nghiệp da giầy sẽ tăng mạnh. Một mặt, do các doanh nghiệp chuyển đổi dần phương thức sản xuất cần chủ động cung ứng nguyên phụ liệu; mặt khác do các quy định an toàn hóa chất đối với vật liệu và sản phẩm da giầy tiêu thụ nội địa và xuất khẩu ngày càng gia tăng. Do vậy, bên cạnh việc đáp ứng được một phần nhu cầu thử nghiệm, kiểm định cho các doanh nghiệp da giầy, trung tâm thử nghiệm sẽ là một mô hình mẫu để nhân rộng ra nhiều doanh nghiệp da giầy nước ta hoặc ở một số địa phương, nơi hội tụ nhiều doanh nghiệp da giầy.

Trong bối cảnh ứng dụng các thành tựu công nghiệp 4.0 ngày càng mạnh mẽ, nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới, công nghệ sản xuất sản phẩm mới sẽ ngày càng gia tăng. Trung tâm sẽ là đầu mối hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất và quản trị doanh nghiệp.

Do cần đầu tư về chiều sâu gồm trang thiết bị máy móc và đào tạo nguồn nhân lực để sau này có thể tạo ra một sản phẩm là dịch vụ cung cấp cho ngành, Trung tâm được thực hiện trong thời gian 2 năm. Trong năm 2019, Hiệp hội LEFASO đã thực hiện được các nội dung:

- Nghiên cứu tổng quan, khảo sát thực tế các trung tâm nghiên cứu trong nước và trên thế giới.

- Nghiên cứu và đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư một số trang thiết bị thử nghiệm, kiểm định vật liệu và sản phẩm da giầy.

- Xây dựng bộ phương pháp (tiêu chuẩn) cho phòng thử nghiệm và xây dựng hồ sơ ISO 17025 cho phòng thử nghiệm.

- Đào tạo đội ngũ quản lý, thử nghiệm viên đáp ứng yêu cầu vận hành phòng thí nghiệm. Đào tạo các khóa kiểm soát chất lượng về công nghệ và vật liệu.

- Quản lý, vận hành phòng thử nghiệm và xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn, chuyển giao dịch vụ thử nghiệm, công nghệ mới.

Sang năm 2020, trong bối cảnh những khó khăn mới xuất hiện, cùng với đại dịch Covid-19 trên phạm vi thế giới ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của ngành, Hiệp hội vẫn cố gắng hoàn thiện các công việc còn lại, gồm:

- Tiếp tục đầu tư nâng cấp thêm trang thiết bị, bổ sung các phương pháp thử nghiệm, kiểm định các sản phẩm và vật liệu ngành Da giầy.

- Đào tạo đội ngũ quản lý, thử nghiệm viên đáp ứng yêu cầu vận hành phòng thí nghiệm; Các khóa kiểm soát chất lượng và hóa chất; Đào tạo nâng cao cán bộ quản lý phòng thử nghiệm theo tiêu chuẩn SATRA; Đào tạo Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 17025 cho các doanh nghiệp.

- Hoàn thiện bộ phương pháp (tiêu chuẩn) thử nghiệm các chỉ tiêu cơ, lý, hóa và an toàn hóa chất của vật liệu và sản phẩm da giầy nâng cao.

- Chứng nhận đạt chuẩn cho phòng thử nghiệm để đáp ứng yêu cầu thử nghiệm sản phẩm hợp qui cho thị trường trong nước, cũng như được một số nước chấp nhận kết quả thử nghiệm cho sản phẩm nhập khẩu. Các chứng chỉ sẽ được cấp bởi Văn phòng công nhận chất lượng BoA và tổ chức uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực da giầy SATRA.

Thành quả đạt được hôm nay là một Trung tâm thử nghiệm và kiểm nghiệm da giầy hiện đại đã được khai trương tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, trung tâm của vùng công nghiệp da giầy tại vùng Đông Nam Bộ, chiếm 60% sản lượng toàn ngành. Trung tâm được trang bị nhiều thiết bị thử nghiệm cơ lý, thiết bị thử nghiệm hóa học, với đội ngũ cán bộ quản lý Phòng Thử nghiệm, Cán bộ tư vấn và đội ngũ thử nghiệm viên có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực da giầy.

Ngoài việc cung cấp các dịch vụ thử nghiệm và kiểm định theo yêu cầu của các doanh nghiệp với chi phí phù hợp, Trung tâm còn thực hiện các dịch vụ tư vấn công nghệ, đào tạo cho các doanh nghiệp về kiểm soát chất lượng, công nghệ và vật liệu, kiểm soát hóa chất và xử lý nước thải, xử lý môi trường.

Trung tâm phối hợp với các trường, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế xây dựng được bộ phương pháp (tiêu chuẩn) thử nghiệm các chỉ tiêu cơ, lý, hóa và an toàn hóa chất của vật liệu và sản phẩm da giầy, bộ tài liệu đào tạo về quản lý chất lượng và hệ thống tiêu chuẩn cho sản phẩm và nguyên vật liệu ngành Da giầy, đào tạo về hóa chất, đào tạo về công nghệ và vật liệu, đào tạo về hệ thống quản lý ISO 17025, đào tạo về vận hành phòng thử nghiệm.

Với sự hiện diện của Trung tâm thử nghiệm mới được trang bị các máy móc, thiết bị hiện đại đạt tiêu chuẩn châu Âu và với các phương pháp thử nghiệm, kiểm định tiên tiến, ngành Da giầy đã đạt được điều mong muốn là có được một Trung tâm thử nghiệm ngang tầm các trung tâm thử nghiệm của nước ngoài tại Việt Nam và sánh vai cùng một số ít các trung tâm thử nghiệm trong nước nâng cao năng lực kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm của Việt Nam với trình độ khoa học công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Với các doanh nghiệp trong ngành Da giầy, Trung tâm thử nghiệm là cơ sở rất tốt để các doanh nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tăng thu nhập cho người lao động. Đến với Trung tâm, các doanh nghiệp ngành Da giầy được cung cấp dịch vụ thử nghiệm, kiểm định đạt chuẩn châu Âu với chi phí thấp, được tư vấn về công nghệ và tư vấn về xây dựng các phòng thử nghiệm tại doanh nghiệp.

Đặc biệt dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ mới sẽ giúp các doanh nghiệp đa dạng hóa mặt hàng, sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao và ứng dụng được các công nghệ 4.0 vào thực tiễn sản xuất - kinh doanh. Phòng thử nghiệm da giầy cũng giúp các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đưa ra các quy định hợp quy sản phẩm da giầy, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Cùng với Trung tâm thử nghiệm mới này, Hiệp hội LEFASO đã hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc quản lý chất lượng từ vật liệu đến sản phẩm và trong quá trình sản xuất, giúp doanh nghiệp xây dựng uy tín và năng lực cạnh tranh quốc gia, nhờ đó nâng cao thu nhập của doanh nghiệp và nâng cao đời sống người lao động theo định hướng phát triển ngành Da Giầy đến năm 2020 tầm nhìn 2025 đã được Bộ Công Thương phê duyệt.

Hiệp hội Da Giầy Việt Nam (LEFASO) hiện cũng là hội viên chính thức của Tổ chức Satra - một tổ chức uy tín hàng đầu về xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn về giầy dép trên thế giới. Qua đó, Hiệp hội tiếp tục là người thúc đẩy sự hợp tác thành công giữa các doanh nghiệp trong ngành và là cầu nối hướng tới sự phát triển toàn diện của ngành trong những năm tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Xuân Điều (2006), Giáo trình quản trị chiến lược, Nhà xuất bản Tài Chính.
  2. Dương Ngọc Dũng (2005), Chiến lược cạnh tranh theo lý thuyết của Michael E.Porter, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (2019). Tài liệu Hội nghị Tổng kết ngành Da giày năm 2019, Hà Nội.
  4. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 604/QĐ-TTg về việc phê duyệt Dự án "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp" thuộc Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020".
  5. Tài liệu trên website Viện Nghiên cứu Da - Giầy (http://www.lsi.com.vn/).

THE CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS TO IMPROVE

THE PRODUCT QUALITY TESTING CAPACITY OF VIETNAM’S

 LEATHER AND FOOTWEAR INDUSTRY

• DUONG PHONG HOA

Vice Director, Institute of Innovation and Technology

Vietnam Leather Footwear and Hanbag Industry

ABSTRACT:

This article discusses the issue of enhancing the product quality testing capacity of Vietnam’s footwear industry and also the issue of improving the production capacity of the industry. This article consists of three parts, namely (1) Questioning; (2) The current product quality testing capacity of Vietnam’s leather and footwear industry and (3) Solution to improve the testing capacity.

Keywords: Leather and footwear industry, export, competitiveness, testing capacity.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 29+30, tháng 12 năm 2020]