Thực trạng và giải pháp phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia

Đề tài Thực trạng và giải pháp phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia do Đặng Quang Thiện (Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1) thực hiện.

TÓM TẮT:

Phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) có vai trò rất lớn trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của các địa phương, không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mà còn tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn. Các cơ sở CNNT đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Bài viết này nêu lên thực trạng và đề xuất một số giải pháp phát triển sản xuất sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia trong thời gian tới. Theo đó, việc tiếp tục triển khai các cơ chế chính sách cho các cơ sở sản xuất CNNT, như hỗ trợ về vốn, đào tạo nâng cao năng lực quản lý, xây dựng thương hiệu,… đã và sẽ là giải pháp quan trọng, góp phần tích cực tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường và tạo động lực cho các đơn vị mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh.

Từ khóa: công nghiệp nông thôn, sản phẩm công nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

1. Đặt vấn đề

CNNT chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu của nền kinh tế. Do vậy, phát triển CNNT không chỉ trực tiếp góp phần phát triển ngành công nghiệp nói chung mà còn tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn, từ đó kéo theo dịch vụ phát triển, giảm bớt sự chênh lệch về phát triển kinh tế - xã hội giữa thành thị và nông thôn, giữa các địa phương, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng thêm lượng hàng hóa và gia tăng tốc độ phát triển của nền kinh tế. Thấy rõ vai trò của CNNT, Đảng ta đã đề ra các chủ trương về phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn, được coi là nhiệm vụ mang tính chiến lược nhằm tạo tiền đề vững chắc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với mức đóng góp khoảng 9% GDP hàng năm và thu hút nhiều lực lượng tham gia, các cơ sở CNNT đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng và góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam. Những thành tựu đạt được của cơ sở CNNT trong những năm qua thể hiện ở quy mô sản xuất không ngừng mở rộng, doanh thu, lợi nhuận, nghĩa vụ với Nhà nước đều tăng lên qua các năm, ngày càng nâng cao mức thu nhập người lao động, cải thiện đời sống vật chất của người lao động tại địa phương. Tuy nhiên, so với các thành phần kinh tế khác, sự phát triển của các cơ sở CNNT vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Trong bối cảnh đó, việc đánh giá thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở CNNT nói riêng và doanh nghiệp nói chung là cơ sở đề xuất một số giải pháp, kiến nghị, góp phần phát triển các cơ sở CNNT tiêu biểu.

2. Thực trạng phát triển sản xuất sản phẩm CNNT tiêu biểu giai đoạn 2016-2021

Về quy mô sản xuất: Quy mô của các doanh nghiệp sản xuất các các sản phẩm CNNT tiêu biểu thường là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các đơn vị sản xuất theo quy mô hộ gia đình hoặc hợp tác xã tại các địa phương.

V quản trị tổ chức trong sản xuất: Nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và tác dụng tích cực của quản trị doanh nghiệp nên các doanh nghiệp có sản phẩm CNNT tiêu biểu chưa quan tâm đúng mức việc lập các kế hoạch ngắn, trung và dài hạn cho hoạt động của doanh nghiệp, chưa quan tâm tới tuyển chọn, bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ cán bộ quản trị doanh nghiệp có đủ năng lực, trình độ và các kỹ năng cần thiết. Ứng dụng các kiến thức và kỹ thuật mới trong quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp chưa phổ biến. Nhiều chủ doanh nghiệp không rõ cách thức chuyển đổi số như thế nào, không biết nên bắt đầu chuyển đổi số từ hoạt động nào của doanh nghiệp, hơn nữa doanh nghiệp không có đủ chi phí để đầu tư công nghệ, số hóa.

V khoa học công nghệ và quản lý chất lượng trong sản xuấtCác doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm CNNT tiêu biểu thường sản xuất nhỏ và công nghệ đơn giản để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ra thị trường tiêu dùng tiềm năng hạn chế và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ đơn giản cho các doanh nghiệp sản xuất lớn. Các doanh nghiệp này phần lớn năng lực cạnh tranh thấp bởi thiếu vốn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng trên thị trường tài chính do thiếu tài sản thế chấp nên chậm đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, yếu kém về công nghệ cùng với năng lực quản lý doanh nghiệp kém dẫn đến giá thành sản phẩm, dịch vụ cao, ít có cơ hội tiếp cận được các đơn hàng sản xuất với giá trị gia tăng cao.

V lao động và giải quyết việc làm trong sản xuất sản phẩm CNNT tiêu biểu: Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ có sản xuất các sản phẩm CNNT tiêu biểu gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự do thiếu nguồn lao động có kỹ năng, trình độ đáp ứng yêu cầu, vẫn còn tình trạng cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD), doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động chưa đến độ tuổi lao động hoặc quá độ tuổi lao động. Nguyên nhân bắt nguồn tự việc tối ưu chi phí, SXKD thời vụ, manh mún theo hộ gia đình và sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực tại chỗ do sự di chuyển của lực lượng lao động ra các thành phố và thị xã nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất, thương mại và dịch vụ để tìm kiếm cơ hội việc làm.

Về tiếp cận mở rộng thị trường và hợp tác quốc tế: Đa phần các doanh nghiệp có sản phẩm CNNT tiêu biểu cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thị trường nội địa, việc tiếp cận với thị trường xuất khẩu còn nhiều hạn chế.

Về tuân thủ quy định môi trường trong sản xuất của các cơ sở CNNT: Các cơ sở CNNT hiện nay tập trung chủ yếu tại các làng nghề, mà các làng nghề đang phát triển theo hình thức tự phát. Đây được coi là nguyên nhân chính khiến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề đang ở mức báo động, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân. Thực trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở trong làng nghề hiện nay, được chỉ rõ, do việc tái cơ cấu làng nghề chưa được thực hiện triệt để nên đa số các làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ, vốn đầu tư thấp nên khó có điều kiện phát triển hoặc đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường. Các cơ sở sản xuất trực tiếp chưa đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải, không có các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường theo quy định nên hầu hết chất thải độc hại được thải trực tiếp ra môi trường, không qua xử lý.

Về quản lý nhà nước về phát triển sản xuất sản phẩm CNNT tiêu biểu:

Các cấp chính quyền cơ sở (cấp huyện, cấp xã) tại một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu; đa số các địa phương chưa tổ chức bình chọn cấp huyện mà chủ yếu tập hợp các sản phẩm của các cơ sở CNNT có trên địa bàn để đăng ký tham gia bình chọn cấp tỉnh, thành phố.

Nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu nói chung chủ yếu từ ngân sách nhà nước, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển và chưa huy động được nguồn lực tài chính của các tổ chức tham gia.

3. Đề xuất các giải pháp phát triển sản xuất sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia

Trên cơ sở nhìn nhận về thực trạng phát triển sản xuất sản phẩm, cơ hội và triển vọng phát triển, bên cạnh yếu tố nội lực như tay nghề lao động, nguồn nguyên liệu sẵn có, tính sáng tạo trọng sản xuất cũng như sự hỗ trợ từ các chính sách đã giúp cho doanh nghiệp, cơ sở CNNT vượt khó và phát triển thì yếu tố ngoại lực cũng đang có nhiều thuận lợi. Thị trường đang dần được mở rộng, các hiệp định thương mại tự do được ký kết đã mở sân chơi cho các doanh nghiệp có tầm nhìn, có khát vọng, các cơ sở CNNT có điều kiện đưa hàng hóa và dịch vụ của mình vào những nước thành viên, điều này tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT mở rộng quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, các cơ sở CNNT còn có nhiều thách thức đến từ hiện trạng thiếu vốn sản xuất, nguồn nguyên liệu đầu vào, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, thiếu nguồn lao động có tay nghề, mặt bằng sản xuất sản phẩm CNNT chưa được cải thiện nhiều, còn nhiều sự chồng chéo trong công tác quản lý tại doanh nghiệp, cơ sở CNNT,… Để có thể phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu theo hướng gắn với đô thị hóa, thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, đảm bảo các giá trị kinh tế, văn hóa, cần phải áp dụng các biện pháp thiết thực, gắn với điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương nhằm khai thác những yếu tố thuận lợi và khắc phục những tồn tại đang có ở các cơ sở CNNT, nhóm nghiên cứu đề tài đề xuất ra 2 nhóm giải pháp lớn phát triển sản xuất sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia, cụ thể như sau:

3.1. Nhóm giải pháp đối với các cơ quan quản lý nhà nước

Thứ nhất, giải pháp từ tín dụng: Điều chỉnh chính sách về thế chấp tài sản, lãi suất và thời hạn vay vốn đối với các khoản vay cho phù hợp với từng ngành nghề, tăng cường cho các cơ sở sản xuất tại các làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) dùng các tài sản được hình thành từ các khoản vay để làm tài sản thế chấp hoặc dùng hàng hóa để thế chấp và cho vay đối với các cơ sở sản xuất này. Cho phép mở rộng hệ thống và quy mô bảo lãnh tín dụng cho các cấp chính quyền và các hiệp hội ngành nghề.

Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề giúp các cơ sở SXKD tại các làng nghề CN-TTCN vay vốn. Đồng thời, tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay. Điều chỉnh chính sách thuế cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm của các cơ sở SXKD tại các làng nghề CN-TTCN.

Xóa bỏ hình thức thuế khoán cho các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất hoặc khoán định mức thuế cho cán bộ thu thuế, mặt khác đây là cơ sở để minh bạch hóa các khoản thuế để các cơ sở SXKD tại các làng nghề CN-TTCN có điều kiện cạnh tranh lành mạnh.

Thứ hai, giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ: Chú trọng thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn từ các nước phát triển. Tranh thủ các kênh chuyển giao, hợp tác khoa học công nghệ, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Tăng cường nhập khẩu công nghệ mới, bằng phát minh sáng chế, bí quyết công nghệ, know-how để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh.

Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan có chuyên môn như các Trường Đại học, Viện và Trung tâm Nghiên cứu để thiết kế mẫu mã tạo thương hiệu mang tính khác biệt, sản phẩm lấy công năng sử dụng làm yếu tố tiên quyết, kết hợp với hình thức đơn giản, họa tiết bản địa nhằm tạo sự độc đáo, hấp dẫn người tiêu dùng.

Thứ ba, giải pháp về xúc tiến thương mại: Từ thuận lợi căn bản về mặt chủ trương và phối kết hợp thực hiện nhịp nhàng giữa các bộ, sở, ngành, cũng như doanh nghiệp, trong thời gian gần đây, hoạt động xúc tiến thương mại đã từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp và bước đầu gặt hái được kết quả.

Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến thương mại còn chưa thực sự phát huy hết vai trò như mong đợi. Để triển khai có hiệu quả và phong phú về nội dung hoạt động xúc tiến thương mại cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương và sự nỗ lực cao của cán bộ làm công tác xúc tiến thương mại cũng như sự phối hợp, hưởng ứng tham gia tích cực từ phía các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh.

Với phương châm mở rộng, đổi mới phương thức triển khai thực hiện, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến thương mại trong thời gian tới, cần tập trung triển khai một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại.

Thứ tư, giải pháp phát triển nguồn nguyên liệuĐể khắc phục tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu, các cấp, ngành chức năng cần hoàn thiện các chính sách về đất đai, vùng nguyên liệu như khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân trong việc cho thuê đất, tích tụ đất đai để phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ sản xuất; định hướng phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề; hỗ trợ phát triển nguồn nguyên liệu có chứng chỉ bền vững, phù hợp với chuẩn quốc tế và nguồn nguyên liệu thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để hợp tác cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở CNNT, làng nghề, tạo chuỗi liên kết phát triển và tiêu thụ sản phẩm...

Có chính sách để thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tập trung được cấp chứng chỉ bền vững; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như: đường giao thông, hệ thống thủy lợi, điện sản xuất... Phối hợp với các doanh nghiệp, các làng nghề tổ chức các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, ngành nghề nông thôn và sản xuất sản phẩm CNNT tiêu biểu bằng nguyên liệu của địa phương.

Bên cạnh đó, đa dạng hóa các hình thức chủ sở hữu vùng nguyên liệu, tạo điều kiện để các cơ sở SXKD, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu tại các làng nghề tham gia phát triển vùng nguyên liệu (bao gồm cả khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển hạ tầng cơ sở phục vụ khai thác, chế biến) dưới hình thức hợp tác công - tư - cộng đồng (PPCP).

Thứ năm, giải pháp về nguồn nhân lực: Hỗ trợ cho người nông dân chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao nhận thức của người lao động về ý thức, tác phong, trình độ nghề nghiệp trong quá trình làm việc ở các cơ sở sản xuất công nghiệp; mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, nhằm giúp lao động nông thôn dễ dàng tiếp cận với những nghề phi nông nghiệp; cần có chính sách khuyến khích học nghề một cách phù hợp với điều kiện thu nhập và hoạt động kinh tế của người lao động.

Khuyến khích doanh nghiệp tự đào tạo đội ngũ doanh nhân, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề để làm chủ các công nghệ được chuyển giao. Thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn trợ giúp đào tạo cho các doanh nghiệp; hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo nâng cao kỹ năng quản trị cho cán bộ quản lý các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tăng cường hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ.

Thứ sáu, giải pháp về bảo vệ môi trường: Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục, tuyên truyền vận động về vệ sinh môi trường, an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm đến các hộ sản xuất cá thể, các tổ chức, làng nghề và tuân thủ các quy định về vệ sinh môi trường một cách chặt chẽ. Tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Có chính sách đồng bộ từ quy hoạch, đầu tư xây dựng nhà xưởng đến môi trường, quy hoạch lại khu vực sản xuất, áp dụng các cơ hội sản xuất sạch hơn. Không bố trí các dự án có tính chất sản xuất công nghiệp nằm ngoài khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để đảm bảo vấn đề môi trường và phát triển bền vững (trừ một số lĩnh vực chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung). Thực hiện lộ trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm nằm xen kẽ trong dân cư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

3.2. Nhóm giải pháp đối với các doanh nghiệp, cơ sở CNNT

Thứ nhất, về sản xuất và tổ chức sản xuất sản phẩm CNNT: Các cơ sở CNNT cần tiếp tục chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ đáp ứng yêu cầu của thị trường thông qua các giải pháp về cụ thể như:

Nâng cao và ổn định chất lượng nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Ổn định nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất thông qua liên kết hoặc đầu tư nâng cấp hệ thống dự trữ nguyên liệu. Các cơ sở CNNT cần quan tâm tới việc phát triển vùng nguyên liệu chất lượng, ổn định gắn với tiêu chuẩn thị trường, phát triển mô hình sản xuất gắn với chế biến theo chuỗi giá trị, thúc đẩy liên kết ngang giữa các chủ thể, hộ sản xuất.

Các cơ sở CNNT cần tăng cường phối hợp với các địa phương có vùng nguyên liệu để xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến hoặc liên kết thu mua, tiêu thụ sản phẩm nguyên liệu. Người dân trong vùng nguyên liệu cũng cần chủ động liên kết để hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tham gia các lớp đào tạo nghề nông nghiệp để nâng cao trình độ, áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất để nâng cao chất lượng và sản lượng các nguyên liệu

Đầu tư đổi mới áp dụng khoa học công nghệ, dây chuyền sản xuất tiên tiến vào sản xuất để nâng cao chất lượng, năng suất, giảm chi phí giá thành sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Ổn định và nâng cấp chất lượng sản phẩm CNNT. Thường xuyên rà soát và hoàn thiện quy trình sản xuất, chế biến, quy trình cung cấp dịch vụ để hoàn thiện chất lượng sản phẩm dịch vụ. Các cơ sơ cần quan tâm áp dụng các giải pháp kỹ thuật để phát triển sản phẩm CNNT gắn với khai thác giá trị tài nguyên bản (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, văn hóa,…). Phát triển sản xuất sản phẩm CNNT theo tiêu chuẩn mới, đáp ứng yêu cầu thị trường; phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái đa giá trị, phát triển mới các sản phẩm xung quanh hệ sinh thái lõi là sản phẩm CNNT.

Chủ động và thường xuyên nâng cao năng lực trong quản trị và điều hành sản xuất. Đối với các mô hình là doanh nghiệp, hợp tác xã, cần chú ý tới việc nâng cao kỹ năng quản trị, kỹ năng lãnh đạo để bảo đảm có được mô hình kinh doanh tinh gọn, hiệu quả. Ngoài ra, các chủ thể có quy mô hoạt động nhỏ cần chú ý tới việc xây dựng đội ngũ tư vấn, cố vấn chuyên nghiệp, đa lĩnh vực để chuẩn hóa nhanh nhất về mô hình kinh doanh, quy trình kỹ thuật, năng lực triển khai nhằm đạt hiệu quả tốt nhất về kinh tế - kỹ thuật, hạn chế tối đa rủi ro.

Thứ hai, về quảng bá và xúc tiến thương mại các sản phẩm CNNT: Các cơ sở CNNT tiếp tục phát huy và tham gia có hiệu quả vào các hoạt động quảng bá và XTTM của Nhà nước như tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, chương trình quảng bá, kết nối tiêu thụ, các sự kiện kinh tế - xã hội của địa phương với tư duy hợp tác, trách nhiệm. Cần đẩy mạnh tốc độ chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quảng bá và XTTM như hoàn thiện công cụ tiếp thị trực tuyến (website bán hàng đa kênh, panpage, kênh youtube, mở các gian hàng TMĐT,…), đặc biệt là nghiên cứu và xác định được yêu cầu thị trường mục tiêu về thị hiếu, tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu đóng gói và ghi nhãn, xu hướng bao bì nhãn mác,…

Thứ ba, về phân phối và tiêu thụ sản phẩm: Các cơ sở CNNT cần tập trung vào nhóm giải pháp như: chủ động cập nhật và hoàn thiện hồ sơ sản phẩm theo tiêu chuẩn thị trường, đồng thời hoàn thiện các thủ tục đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối thuận lợi, hợp pháp (sử dụng chữ ký số, sử dụng hóa đơn VAT, hóa đơn điện tử, công cụ thanh toán trực tuyến,...). Ngoài ra, các chủ thể cần chủ động hơn để hợp tác, liên kết với tác nhân kinh doanh (nhà phân phối, đại lý, điểm bán lẻ, hệ thống siêu thị, cửa hàng, điểm bán,…) các sản phẩm đặc sản, sản phẩm CNNT trong việc xây dựng kế hoạch hợp tác, chính sách bán hàng trên cơ sở các tác nhân cùng có lợi. Tăng cường hiệu quả bán hàng trực tuyến qua các công cụ mạng xã hội và sàn TMĐT thông qua việc đồng bộ việc xây dựng công cụ trực tuyến tại cơ sở.

Thứ tư, về phát triển nguồn nhân lực: Đa dạng hóa chuyên môn và nguồn tuyển dụng, trong đó ưu tiên cán bộ nhân viên đào tạo chuyên ngành, có chuyên môn cơ bản nhằm đáp ứng với yêu cầu của công tác quản lý, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn đảm bảo cho hoạt động SXKDcủa doanh nghiệp đạt hiệu quả cao. Đổi mới mạnh mẽ, một cách đồng bộ tác phong và tư duy làm việc của các cán bộ, công nhân để tạo ra những sản phẩm đáp ứng với yêu cầu phát triển. Có phương hướng đào tạo công nhân nhằm đáp ứng với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong giai đoạn mới.

Thứ năm, về phát triển nguồn vốn: Củng cố năng lực quản trị, cải thiện về điều kiện về tình hình tài chính, nâng cao hiệu quả kinh doanh để tạo niềm tin đối với hệ thống ngân hàng. Đồng thời, các doanh nghiệp cần đổi mới hệ thống quản trị nội bộ. Minh bạch vấn đề tài chính để sử dụng hiệu quản nguồn lực, giảm thiểu chi phí, rủi ro cho cả doanh nghiệp và ngân hàng, tạo lòng tin trên thị trường... Chủ động trong việc xây dựng dự án, phương thức đầu tư phù hợp với năng lực về vốn, công nghệ và con người. Tích cực tham gia các hiệp hội doanh nghiệp để tiếp cận thông tin về các chính sách, chương trình hỗ trợ đối với doanh nghiệp của Chính phủ, Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng.

Thứ sáu, về ứng dụng khoa học công nghệ: Cơ sở CNNT cần liên tục đầu tư nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; mua công nghệ, thiết bị tiên tiến của các nước phát triển, nhận chuyển giao công nghệ của các công ty trên thế giới. Đẩy mạnh, khuyến khích các hoạt động sáng tạo cải tiến, hợp lý hoá sản xuất, tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu để tạo ra các giải pháp công nghệ, bí quyết sản xuất. Doanh nghiệp thông qua liên doanh, liên kết thực hiện chuyển giao công nghệ để sản xuất thiết bị trong nước đáp ứng yêu cầu kỹ thuật hiện đại. Trong các dự án đầu tư phát triển (kể các hợp tác xã sản xuất kinh doanh) cần coi trọng yếu tố chuyển giao công nghệ mới, coi đây là một trong những yếu tố quyết định dự án đầu tư và hợp tác sản xuất.

Thứ bảy, chủ động tiếp cận công cụ chuyển đổi số: Chuyển đổi số trong doanh nghiệp góp phần thay đổi tư duy, nhận thức quản trị của doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số, hướng tới phát triển doanh nghiệp bền vững trên nền tảng số. Chuyển đổi số có thể sẽ mang lại nhiều lợi ích như tăng doanh thu và lợi nhuận, cải thiện hiệu quả của nhân viên, tiết kiệm chi phí, tạo ra dòng doanh thu mới... Để đảm bảo lộ trình chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần tập trung vào 3 yếu tố gồm:

Một là, chuyển đổi số đòi hỏi mức độ cam kết cao trong toàn tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao và sự tham gia của nhân viên.

Hai là, chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, cần có lộ trình rõ ràng và tiến trình cải tiến liên tục.

Ba là, các doanh nghiệp cần xây dựng một bộ phận đặc biệt và chuyên dụng chịu trách nhiệm về việc chuyển đổi số của doanh nghiệp mình.

Bên cạnh sự chủ động tiếp cận công cụ chuyển đổi số của các cơ sở CNNT, trong giai đoạn tới, để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và sản phẩm công nghiệp chủ lực, ngành Công Thương cần triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ tập trung theo hướng hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ sản xuất và công nghệ quản trị hiện đại gắn với quá trình chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh.

4. Kết luận

Sản phẩm CNNT tiêu biểu là sản phẩm có thế mạnh, mang nét đặc trưng của địa phương, có tiềm năng phát triển sản xuất và mở rộng thị trường. Sau khi được công nhận, các cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu được hỗ trợ để mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Việc thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm CNNT sẽ tạo động lực phát triển sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm CNNT tiêu biểu, là giải pháp quan trọng để giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững. Đồng thời, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của các làng nghề sản xuất CN-TTCN ở các vùng, miền và từng bước hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chính phủ (2012). Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 về khuyến công.

2. Chính phủ (2018). Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

3. Bộ Công Thương (2014). Thông tư số 26/2014/TT-BCT ngày 28 tháng 8 năm 2014 quy định về việc tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu. Thông tư số 14/2018/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2014/TT-BCT.

4. Thủ tướng Chính phủ (2017). Quyết định số 1760/QĐ-TTg ngày 10 tháng 11 năm 2017 điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

5. Thủ tướng Chính phủ (2018). Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020.

6. Cục Công Thương địa phương, (2019). Báo cáo Công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu (giai đoạn 2012 -2020).

7. Bộ Công Thương (2014). Kế hoạch 1480/KH-BCT ngày 04 tháng 3 năm 2020 về việc hỗ trợ, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và cấp quốc gia.

8. Nguyễn Đình Phan, Trần Minh Đạo, Nguyễn Văn Phúc (2002). Những biện pháp chủ yếu thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

9. Vũ Thị Hồng Phượng (2022). Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp. Tạp chí Công Thương, số 8, tháng 4/2022.

The current situation and solutions for the development of typical national-level rural industrial products

Dang Quang Thien

Regional Center for Industrial Promotion and Consultancy 1

Abstract:

Rural industrial development plays a key role in the development of industry, handicrafts, and craft villages in localities. It does not only promote socio-economic development but also creates many jobs and increases income for local people. Rural industrial facilities are increasingly asserting their important position, contributing to the country’s economic development. This paper highlighted the current situation and proposed some solutions to develop the production of typical national-level rural industrial products in the coming time. It is necessary to keep deploying policy mechanisms for rural industrial production facilities, such as capital support, training activities for improving management capacity and building brands, etc. These solutions will actively contribute to increasing the competitiveness of rural industrial products in the market, encouraging rural industrial facilities to invest more in production and business development.

Keywords: rural industry, industrial products, industry - handicraft industry.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4 tháng 3 năm 2024]

Tạp chí Công Thương