Thực trạng và giải pháp phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu giai đoạn 2016-2021

Đề tài Thực trạng và giải pháp phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu giai đoạn 2016-2021 do Phan Thị Giang (Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài viết này phân tích thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) giai đoạn 2016-2021, là cơ sở đề xuất một số giải pháp phát triển sản xuất sản phẩm CNNT tiêu biểu trong thời gian sắp tới. Theo đó, các ngành, địa phương cần chủ động nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thực hiện tốt các quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn; tạo điều kiện phát triển các loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tăng cường quản lý công tác bảo vệ môi trường và xử lý vi phạm về môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại vùng nông thôn; đẩy mạnh hỗ trợ, đào tạo nghề, nhân cấy nghề mới để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động…

Từ khóa: sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, giai đoạn 2016-2021.

1. Đặt vấn đề

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được coi là nhiệm vụ mang tính chiến lược nhằm tạo tiền đề vững chắc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ chủ trương phát huy lợi thế của các địa phương, khu vực và quốc gia về nguyên vật liệu, lao động, kỹ năng, kinh nghiệm kết hợp với tư duy sáng tạo cùng với việc áp dụng công nghệ, thiết bị hiện đại vào sản xuất, các sản phẩm CNNT tiêu biểu được sản xuất từ các cơ sở CNNT trên cả nước đã và đang tiếp tục đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, có khả năng cạnh tranh cao, góp phần đáng kể trong việc xây dựng nên những sản phẩm CNNT mang thương hiệu Việt. 

Với mức đóng góp khoảng 9% GDP hàng năm và thu hút nhiều lực lượng tham gia, các cơ sở CNNT đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng và góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam. Những thành tựu đạt được của cơ sở CNNT trong những năm qua thể hiện ở quy mô sản xuất không ngừng mở rộng, doanh thu, lợi nhuận, nghĩa vụ với Nhà nước tăng lên qua các năm, mức thu nhập của người lao động ngày càng nâng cao, cải thiện đời sống vật chất của người lao động tại địa phương. Tuy nhiên, so với các thành phần kinh tế khác, sự phát triển của các cơ sở CNNT vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn.

Vì vậy, trên cơ sở đánh giá thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển sản xuất các sản phẩm CNNT tiêu biểu thời gian qua, từ đó đề xuất được các giải pháp phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu một cách hiệu quả trong thời gian tới có ý nghĩa vô cùng quan trọng và giá trị. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ hỗ trợ các cơ sở CNNT có sản phẩm được cấp chứng nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân.

2. Thực trạng phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu giai đoạn 2016-2021

2.1. Kết quả thực hiện công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu thông qua hoạt động bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; được coi là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động khuyến công quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công. Bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu là hoạt động nhằm mục đích phát hiện và tôn vinh các sản phẩm CNNT có chất lượng, giá trị cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Qua đó, các cơ quan nhà nước có chính sách, kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu được các cấp, các ngành, địa phương đón nhận, triển khai thực hiện đạt hiệu quả; nhận thức của các cấp, các ngành, của cơ sở CNNT, doanh nghiệp về công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu trong hoạt động khuyến công ngày càng nâng cao; góp phần tích cực thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển công nghiệp khu vực nông thôn.

Tính đến năm 2022, công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp ở địa phương đã được hầu hết các tỉnh, thành phố triển khai tổ chức thực hiện. Thu hút được hơn 6.000 cơ sở CNNT đăng ký tham gia, trong đó, 4.203 cơ sở đăng ký tham gia cấp huyện; 6.702 cơ sở đăng ký tham gia bình chọn cấp tỉnh, thành phố. Đã tổ chức bình chọn và công nhận 2.934 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện, 5.486 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, thành phố. Theo đó, các địa phương đã lựa chọn 3.326 sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn cấp khu vực.

Trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2022, Bộ Công Thương đã tổ chức 5 kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực; 4 kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia. Theo đó, đã có 1.632 sản phẩm được công nhận, cấp Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và 512 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia.

Đến nay, Chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu đã khuyến khích các cơ sở CNNT tận dụng tối đa thế mạnh các ngành nghề truyền thống, nguồn nguyên liệu, lao động kết hợp với ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến hiện đại để sản xuất các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng đồng thời tạo đà để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước. 

2.2. Thực trạng phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu giai đoạn 2016 - 2021

Về quy mô của các cơ sở CNNT

Quy mô của các cơ sở sản xuất các sản phẩm CNNT tiêu biểu thường là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các đơn vị sản xuất theo quy mô hộ gia đình hoặc hợp tác xã tại các địa phương. Theo kết quả khảo sát, các cơ sở CNNT là công ty TNHH chiếm 42%; các cơ sở CNNT là công ty cổ phần chiếm 25,67/5; doanh nghiệp tư nhân chiếm 17% và chiếm 15,33% là hộ kinh doanh, hợp tác xã. (Hình 1)

công nghiệp nông thôn

 

Từ năm 2016 đến nay, số cơ sở CNNT thay đổi không đáng kể, tốc độ gia tăng của các cơ sở CNNT chậm, trung bình khoảng 1% một năm.

Về cơ cấu theo nhóm sản phẩm

Kết quả khảo sát cho thấy số lượng các cơ sở CNNT chiếm tỷ lệ cao nhất là Nhóm Thủ công mỹ nghệ chiếm 43,6%; tiếp đến là Nhóm Chế biến nông, lâm, thuỷ sản và thực phẩm chiếm 19,8%; Nhóm Thiết bị máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí chiếm 18% và Nhóm Các sản phẩm khác chiếm khoảng 9,33%.

công nghiệp nông thôn

 

Về Lao động tại các cơ sở CNNT

Kết quả khảo sát cho thấy các cơ sở CNNT có số lượng lao động 10 người trở xuống chiếm 55.67%, doanh nghiệp có quy mô từ 10-100 người chiếm 38%. Doanh nghiệp có số lượng lao động từ 100-200 người chỉ chiếm khoảng 9.67%.

Số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp tăng nhanh qua các năm trong giai đoạn 2016-2019, có xu hướng giảm vào năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng lao động luôn thấp hơn tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp cho thấy một thực tại là các cơ sở có số lao động bình quân ngày càng giảm. (Hình 3)

công nghiệp nông thôn

Về Doanh thu

Theo kết quả điều tra, các cơ sở CNNT có doanh thu dưới 10 tỷ đồng chiếm tỷ lệ cao nhất 52,34%, tiếp đến là các cơ sở CNNT có doanh thu từ 10-50 tỷ đồng chiếm 38%; doanh thu từ 50 - 100 tỷ đồng chiếm 7,33% và doanh thu từ 100 - 200 tỷ đồng chỉ chiếm 2,33%. Điều này cho thấy đa số các cơ sở CNNT sản xuất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở vật chất, nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn. (Hình 4)

công nghiệp nông thôn

 

Về khoa học công nghệ và quản lý chất lượng trong sản xuất

Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 46,33% cơ sở CNNT áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng chuẩn quốc tế (Cải tiến chất lượng - Kaizen, Quy trình 5s và Tiêu chuẩn TPM). Các cơ sở CNNT có sản phẩm CNNT tiêu biểu thường có tâm lý ngại đổi mới trong khi xu hướng công nghệ luôn cập nhật, đổi mới liên tục, dẫn đến hạ tầng công nghệ thông tin của doanh nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt thông tin về công nghệ số cũng dẫn đến khó khăn trong việc tích hợp các giải pháp công nghệ số vào hoạt động doanh nghiệp.

Về tiếp cận mở rộng thị trường và hợp tác quốc tế

Đa phần các cơ sở CNNT có sản phẩm CNNT tiêu biểu cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thị trường nội địa chiếm 56,33%, tiếp đến là các cơ sở cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu chiếm 29%, các cơ sở chuyên xuất khẩu chiếm 14,67%.

Về tuân thủ quy định môi trường trong sản xuất của các cơ sở CNNT

Trong số các cơ sở CNNT tạo ra chất chải, thì tỷ lệ cơ sở tạo ra rác thải rắn trong quá trình sản xuất là nhiều nhất, có 65% số cơ sở tạo ra chất thải rắn, lượng rác thải bình quân là 64,1 kg/ngày.

Ô nhiễm tiếng ồn tại các cơ sở sản xuất hiện nay cũng là vấn đề đáng lo ngại, do các loại máy cưa và máy xẻ nằm lẫn trong các khu dân cư. Có 61,5% số cơ sở CNNT tạo ra tiếng ồn. Nhằm giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn, nhiều địa phương yêu cầu các hộ gia đình có máy cưa, xẻ… phải làm vách ngăn để cách âm, tuy nhiên tình trạng ô nhiễm tiếng ồn vẫn chưa giải quyết. Có 60,3% số cơ sở sản xuất tạo ra khí bụi, trong đó tỷ lệ cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ liên quan đến chạm khảm, điêu khắc là cao nhất (chiếm 75%).

Một số cơ sở CNNT áp dụng các hình thức xử lý nước thải như: dùng thiết bị lọc, xả ra bể lắng, dùng hóa chất… Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng các hình thức này còn ít, mà đa phần là xả trực tiếp ra khu thu gom xử lý nước thải tập trung của làng nghề (chiếm 76,5%).

2.2. Đánh giá chung

Các cơ sở CNNT đã mạnh dạn đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất sản phẩm CNNT hoàn thiện hơn

Năm 2021, các cơ sở CNNT khảo sát đang có bình quân khoảng 17 tỷ đồng tổng tài sản và nguồn vốn phục vụ cho hoạt động SXKD, trong đó các doanh nghiệp có nguồn vốn bình quân là 30 tỷ đồng, hộ SXKD là 20 tỷ đồng, HTX là 2 tỷ đồng. Trong số các doanh nghiệp trong nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ có tổng đầu tư tài sản và nguồn vốn lớn nhất với mức bình quân là 79 tỷ đồng/cơ sở. 

Doanh thu của các cơ sở CNNT năm 2021 cơ bản bị giảm so với trước khi được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu.

Tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu của các sản phẩm CNNT tiêu biểu được khảo sát trong năm 2021 bình quân đạt 28,2%. Nhìn chung, doanh thu năm 2021 của các cơ sở CNNT bị giảm đi khoảng 17% so với trước khi công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu, trong đó giảm mạnh nhất là doanh thu của các DN (giảm bình quân 31%), tiếp đến là doanh thu của HTX (giảm 11,85%). Doanh thu của nhóm chủ thể là hộ SXKD bị ảnh hưởng ít nhất với mức giảm là 6,67%. Các sản phẩm CNNT tiêu biểu trong nhóm Chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm có mức tăng trưởng 34,2% về doanh thu so với trước khi được công nhận.

Quy mô sản xuất kinh doanh của các cơ sở CNNT có xu hướng được mở rộng, cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường

Quy mô vùng nguyên liệu đầu vào của các cơ sở CNNT đang có xu hướng được mở rộng, có 55% số cơ sở khảo sát đang mở rộng sản xuất quy mô vùng nguyên liệu và chỉ có 6,7% số cơ sở khảo sát giảm quy mô vùng nguyên liệu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Lực lượng lao động tại các cơ sở được khảo sát là người địa phương đang chiếm trên 80% số lao động thường xuyên làm việc tại các cơ sở. Có trên 70% cơ sở vẫn ổn định là người lao động địa phương. Thay đổi mạnh mẽ nhất trong việc tăng sử dụng lao động người địa phương là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hoạt động đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Có khoảng 60% số cơ sở CNNT khảo sát thời gian qua đã đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị máy móc phục vụ SXKD, trong đó tập trung nhiều nhất vào nhóm Chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm.

Tiêu chuẩn, quy chuẩn, chứng nhận đối với các sản phẩm CNNT tiêu biểu cơ bản đáp ứng được các quy định. Các sản phẩm CNNT tiêu biểu thực phẩm, sau chế biến đang áp dụng các loại tiêu chuẩn thực hành sản xuất, chế biến như đủ điều kiện ATTP, ISO, HACCP và các tiêu chuẩn khác.

Quy trình, công nghệ áp dụng trong sản xuất đa dạng, phù hợp cho từng nhóm sản phẩm

Kết quả khảo sát cho thấy, đến 60% các cơ sở CNNT hiện đang áp dụng công nghệ bán tự động (kết hợp giữa thủ công và máy móc hiện đại), trong đó những sản phẩm thuộc nhóm Chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm là 100% áp dụng công nghệ bán tự động. Nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ có khoảng 66% số chủ thể sản xuất thủ công, chỉ bán tự động khoảng 34%. Riêng Chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm yêu cầu cần phải áp dụng công nghệ từ bán tự động đến hiện đại mới đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Sản phẩm thuộc nhóm vải, may mặc gắn với truyền thống vùng miền của địa phương, của dân tộc, yêu cầu độ tỉ mỉ, chỉ áp dụng thủ công thuần túy. Bên cạnh những kết quả nổi bật và tác động tích cực thì các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển sản xuất các sản phẩm CNNT tiêu biểu như: Theo số liệu thống kê có tới 48,1% doanh nghiệp lo lắng về sự sụt giảm nhu cầu của thị trường trong nước; 30,8% doanh nghiệp khó khăn về tài chính; 26,7% doanh nghiệp suy giảm nhu cầu từ thị trường quốc tế; 26,1% doanh nghiệp thiếu nguyên nhiên, vật liệu; 25,1% doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu và 23,5% gặp khó khăn do lãi suất vay vốn cao… (Hình 5)

công nghiệp nông thôn

3. Đề xuất các giải pháp phát triển sản xuất sản phẩm CNNT tiêu biểu

Về cơ hội và triển vọng phát triển, bên cạnh yếu tố “nội lực” như tay nghề lao động, nguồn nguyên liệu sẵn có, tính sáng tạo trong sản xuất cùng sự hỗ trợ từ các chính sách đã giúp doanh nghiệp CNNT vượt khó và phát triển thì “ngoại lực” cũng đang có nhiều thuận lợi. Các Hiệp định thương mại tự do được ký kết đã mở sân chơi lớn cho doanh nghiệp có khát vọng, tầm nhìn tốt. Thị truờng được mở rộng, các cơ sở CNNT có điều kiện đưa hàng hóa và dịch vụ vào những nước thành viên tham gia hiệp định. Ðiều này tạo điều kiện cho các cơ sở mở rộng khả năng sản xuất, quy mô đầu tư.

Dù vậy, hội nhập kinh tế sâu rộng cũng khiến cạnh tranh giữa sản phẩm đến từ các quốc gia khác trên thế giới… càng trở nên gay gắt, nhất là khi mạng lưới liên kết giữa các hộ sản xuất với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp chưa cao, chủ yếu còn mang tính địa phương cục bộ. Áp lực cạnh tranh khiến thị truờng của các cơ sở CNNT bị thu hẹp, không tìm kiếm được các đơn hàng mới, nhiều đơn hàng đã ký nay buộc phải hủy bỏ hoặc bị giãn tiến độ bởi khách hàng không có khả năng thanh toán...

Trên cơ sở nhìn nhận và đánh giá về thực trạng phát triển sản xuất sản phẩm, cơ hội và thách thức đối với các sản phẩm CNNT tiêu biểu, để có thể phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu theo hướng gắn với đô thị hóa, thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, đảm bảo các giá trị kinh tế, văn hóa, cần phải áp dụng đồng bộ các biện pháp thiết thực, gắn với điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương nhằm khai thác những yếu tố thuận lợi và khắc phục những tồn tại đang có ở các cơ sở CNNT.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước: Thực hiện các chính sách về vốn; đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương cho sản phẩm CNNT ở thị trường trong nước và quốc tế, xây dựng thương hiệu sản phẩm CNNT ở thị trường quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT; ưu tiên triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ nâng cấp chất lượng, xúc tiến và tiêu thụ sản phẩm CNNT cho các cơ sở; hỗ trợ phát triển các sản phẩm CNNT gắn với lợi thế vùng miền, làng nghề, văn hóa bản địa; hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ cho sản phẩm CNNT, thực hiện lồng ghép và khai thác hiệu quả nguồn lực cho Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn.

Đối với các cơ sở CNTT: Nâng cao và ổn định chất lượng nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất; Đầu tư đổi mới áp dụng khoa học công nghệ, dây truyền sản xuất tiên tiến vào sản xuất; Chủ động và thường xuyên nâng cao năng lực trong quản trị và điều hành sản xuất; Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong sản xuất và XTTM các sản phẩm…

4. Kết luận

Phát triển sản xuất sản phẩm CNNT không những giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở nông thôn như giảm nghèo, việc làm, an sinh xã hội... mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm CNNT tiêu biểu, là giải pháp quan trọng để giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững. Thời gian tới, các ngành, địa phương cần chủ động nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thực hiện tốt các quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn; tạo điều kiện phát triển các loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tăng cường quản lý công tác bảo vệ môi trường và xử lý vi phạm về môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại vùng nông thôn; đẩy mạnh hỗ trợ, đào tạo nghề, nhân cấy nghề mới để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Các cơ sở sản xuất CNNT cũng cần chủ động cập nhật thông tin, tìm kiếm thị trường, đổi mới công nghệ, học hỏi kỹ năng và kiến thức quản lý, mạnh dạn đầu tư, để phát triển ngày càng bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2012). Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 về khuyến công.
  2. Bộ Công Thương (2014). Thông tư số 26/2014/TT-BCT ngày ngày 28 tháng 8 năm 2014 quy định về việc tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu.
  3. Bộ Công Thương (2012). Thông tư số 46/2012/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công.
  4. Thủ tướng Chính phủ (2014). Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2014 phê duyệt Chương trình Khuyến công Quốc gia đến năm 2020.
  5. Thủ tướng Chính phủ (2017). Quyết định số 1760/QĐ-TTg ngày 10 tháng 11 năm 2017 điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
  6. Chính phủ (2018). Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
  7. Cục Công Thương địa phương, (2022). Báo cáo Công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu giai đoạn 2012 -2022.
  8. Bộ Công Thương (2020). Kế hoạch 1480/KH-BCT ngày 04 tháng 3 năm 2020 về việc hỗ trợ, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và cấp quốc gia.
  9. Bộ Công Thương, (2021). Chỉ thị số 04/CT-BCT về việc đẩy mạnh hoạt động khuyến công, tạo động lực cho phát triển CNNT giai đoạn 2021 - 2025.

Actual situation and solutions for the development of typical rural industrial products in the period 2016 - 2021

Phan Thi Giang

Regional Center For Industrial Promotion and Consultancy 1

Abstract:

This paper analyzed the actual production and performance of rural industrial establishments in Vietnam in the period 2016 - 2021. This paper is expected to serve as a basis for proposing some solutions to develop the production of typical rural industrial products in the coming time. Accordingly, sectors and localities need to proactively research, supplement, complete, and well implement mechanisms and policies to encourage investment in industrial production and handicrafts, successfully implement industrial cluster development plans and rural industry development plans, create conditions for the development of small and medium-sized enterprises and cooperatives in the field of rural industry, strengthen management of environmental protection and handling of environmental violations in rural areas, promote vocational training, and develop new occupations to create jobs and increase income for rural workers, etc.

Keywords: rural industrial products, typical rural industrial products, 2016-2021 period.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 2 năm 2024]

Tạp chí Công Thương