Tiềm năng khởi nghiệp từ nền kinh tế chia sẻ trong bối cảnh hậu Covid -19 tại Việt Nam

THS. LƯƠNG NGUYỆT ÁNH (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Kinh tế chia sẻ là một lĩnh vực kinh tế thuộc kinh tế số và kinh tế tuần hoàn hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm thúc đẩy phát triển của Đảng và Chính phủ. Trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, tác giả đi sâu nghiên cứu những cơ hội cho sự phát triển của kinh tế chia sẻ từ chính những ảnh hưởng của đại dịch đó. Từ đó, có thể nhận thấy, kinh tế chia sẻ đã có được những cơ hội cho phát triển từ sự phát triển chung của nền kinh tế số, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm chi phí do thu nhập giảm - ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19và cũng nhận được sự quan tâm, thúc đẩy phát triển của Đảng và Chính phủ… Bên cạnh đó, xu hướng phục hồi và phát triển nền kinh tế của Việt Nam hậu Covid-19 cũng sẽ là một cơ hội lớn cho sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ, thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Từ khóa: khởi nghiệp, kinh tế chia sẻ, hậu Covid-19, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Để phát triển một nền kinh tế, sự lớn mạnh của hệ thống các doanh nghiệp là một trong những điều kiện tiên quyết. Muốn xây dựng được một hệ thống doanh nghiệp lớn mạnh thì việc thúc đẩy phát triển khởi nghiệp là một hoạt động cấp thiết bởi dù khởi nghiệp có thể được hiểu theo cách tiếp cận nào thì mục tiêu của nó đều hướng tới việc đem lại giá trị lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp và sự phát triển của cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ đem tới giá trị lợi ích lớn hơn cho quốc gia. Khởi nghiệp làm thúc đẩy tăng tổng cung dẫn tới sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia, làm tăng sản lượng, việc làm và thu nhập cho dân cư. Đồng thời, khởi nghiệp cũng làm gia tăng lợi ích của người tiêu dùng khi các doanh nghiệp khởi nghiệp buộc phải tạo ra các sản phẩm/dịch vụ có chất lượng cao, giá cả “tốt” nhằm cạnh tranh với các doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm trên thị trường. Do đó, thúc đẩy phát triển khởi nghiệp là mang tính cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của Chính phủ.

Sự phát triển của phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam trong những năm gần đây nằm trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ. Công nghệ thông tin, thương mại điện tử là thế mạnh của giới trẻ và cũng lý giải cho sự kết hợp của 2 yếu tố “khởi nghiệp” và “nền kinh tế chia sẻ” để trở thành phong trào “khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ” được nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là giới trẻ tại Việt Nam lựa chọn phát triển và đã thu được nhiều thành công nổi bật trong phong trào khởi nghiệp, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Bên cạnh đó, kinh tế chia sẻ còn là một trong những lĩnh vực trong nền kinh tế tuần hoàn đang được Chính phủ quan tâm thúc đẩy nhằm hướng tới phát triển kinh tế xanh, bền vững của quốc gia theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ đang có xu hướng ngày càng tăng cao, thậm chí nhiều lĩnh vực còn phát triển lấn át cả ngành truyền thống như lĩnh vực chia sẻ phương tiện đi lại của người dân. Không chỉ phát triển tại thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã vươn mình ra thị trường quốc tế và được đánh giá cao như: Appota được đánh giá là “Doanh nghiệp đột phá nhất” do Founder Institute trao tặng, hay Triip, Keewi, GreenGar dành được giải thưởng từ Failcon, TNVV.

Đại dịch Covid - 19 đã làm kinh tế toàn cầu và Việt Nam phải đối mặt với vấn đề suy thoái, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn do thu nhập giảm mạnh nhưng đây cũng là cơ hội cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực kinh tế, trong đó có kinh tế chia sẻ. Trong bối cảnh đó, bài viết của tác giả đi sâu nghiên cứu về những cơ hội mà đại dịch Covid-19đem lại cho sự phát triển của kinh tế chia sẻ tại Việt Nam, giúp các nhà đầu tư nhận định được tiềm năng của ngành trong giai đoạn hậu Covid-19, thúc đẩy khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ. Sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp được kỳ vọng sẽ đưa kinh tế chia sẻ tiếp tục phát triển mạnh hơn, có đóng góp cao vào sự phát triển chung của nền kinh tế quốc gia hướng tới phát triển bền vững.

2. Các mô hình khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ thành công trên thế giới và tại Việt Nam

Nền kinh tế chia sẻ được manh nha hình thành trên thế giới từ những năm 1990, khởi điểm tại Mỹ với mô hình ban đầu có tính chất “chia sẻ ngang hàng” nhưng không rõ rệt. Tuy vậy, mô hình kinh doanh chia sẻ mới chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ khi Mỹ rơi vào khủng hoảng tài chính năm 2007, buộc người dân phải thay đổi cách tiêu dùng để thỏa mãn nhu cầu của mình khi giá cả và tỷ lệ thất nghiệp đều tăng cao, đời sống khó khăn. Lúc này, thay vì sở hữu, người ta ngày càng coi trọng quyền sử dụng và có xu hướng “vắt kiệt giá trị sử dụng của những sản phẩm mình sở hữu”. Nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội về một thị trường tiềm năng từ mô hình kinh tế chia sẻ, tiến hành các dự án khởi nghiệp và đạt được thành công không chỉ trong phạm vi nước Mỹ mà đã lan rộng ra các quốc gia trên toàn thế giới. Sự thành công của các dự án khởi nghiệp này được ví như nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ trên toàn cầu. Những startup nổi tiếng thế giới như Uber, Grap hay Airbnb được ví như nền móng đưa nền kinh tế chia sẻ phát triển vượt ra khỏi phạm vi của Mỹ và nhanh chóng trở thành một nền kinh tế toàn cầu.

Trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú, Airbnb là một thương hiệu của kinh tế chia sẻ có được sự thành công sớm nhất. Ra đời vào tháng 10/2007 tại Mỹ bởi hai cử nhân thất nghiệp đang tìm mọi cách để kiếm tiền trả tiền thuê nhà của mình, Airbnb là một mô hình kết nối người cần thuê nhà, thuê phòng lưu trú với người có nhà, có phòng cho thuê trên khắp thế giới thông qua ứng dụng di động, máy tính kết nối internet. Airbnb đã nhanh chóng gặt hái nhiều thành công từ nền kinh tế chia sẻ. Năm 2015, Airbnb được Tạp chí Wall Street Journal và tổ chức theo dõi thị trường Dow Jones Venture Source xếp thứ 3 trong danh sách các công ty khởi nghiệp thành công nhất thế giới. Rất nhanh sau đó, công ty này tiếp tục bùng nổ về quy mô và hiện đã cung cấp 2.000.000 danh sách địa chỉ lưu trú được chia sẻ, có thể được tìm thấy 34.000 thành phố của 190 quốc gia, trong đó có cả Việt Nam. Cho đến nay, Airbnb vẫn giữ vị trí thương hiệu khởi nghiệp nổi bật của trào lưu kinh tế chia sẻ cũng như vị trí top các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công nhất trên thế giới.

Uber ra đời năm 2009, khởi điểm là một dịch vụ chia sẻ xe hơi, đi chung xe dựa trên ứng dụng cài đặt trên các thiết bị di động thông minh như điện thoại thông minh. Dựa trên dịch vụ chia sẻ xe hơi gốc, UBER đã tung ra rất nhiều dịch vụ phái sinh khác như gọi trực thăng hoặc chuyên cơ tư nhân để cho thuê; dịch vụ cho thuê du thuyền cao cấp…. và đặt chi nhánh cung ứng dịch vụ tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tháng 10/2015, Uber được Tạp chí Wall Street Journal và tổ chức theo dõi thị trường Dow Jones Venture Source xếp hạng là công ty khởi nghiệp thành công nhất trên thế giới năm 2015 với định giá tại thời điểm đó là 51 tỷ đôla. Đến năm 2018, mô hình dịch vụ chia sẻ của UBER được định giá 62 tỷ đô la Mỹ - giữ vị trí một trong số những Starup thành công nhất trên thế giới. Trong hơn 2 năm qua, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Uber vẫn đạt được tăng trưởng đồng đều ở các lĩnh vực hoạt động. Uber đã nhận được mức ​​tổng chi cho nền tảng là 25,9 tỷ USD, tăng 51% so với năm 2020 và doanh thu là 5,78 tỷ USD, tăng 83% so với quý 4/2020. 

Ra đời sau Uber, Grab được thành lập năm 2012 có trụ sở đặt tại Singapore do Hooi Ling Tan và Anthony Tan đồng khởi lập. Tuy sao chép mô hình và phương thức vận hành của Uber nhưng Grab đã cố gắng bổ sung một số dịch vụ cho phù hợp với thị trường địa phương và đây chính là yếu tố giúp công ty mặc dù ra đời sau Uber 4 năm và chỉ hoạt động tại khu vực Đông Nam Á lại có thể đánh bật Uber ra khỏi Việt Nam vào đầu năm 2018, mua lại Uber Đông Nam Á. Đầu năm 2019, Grap đã được định giá lên tới hơn 10 tỷ USD và được nhận định sẽ nhanh chóng mở rộng quy mô phát triển lớn hơn.

Ngày nay, ngoài mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực vận tải, đã xuất hiện và phát triển nhiều mô hình khác như: mô hình chia sẻ chỗ ở, mô hình tài chính cá nhân, mô hình tuyển dụng trực tuyến, cho vay cộng đồng peer lending…

Việt Nam là một trong số các quốc gia nắm bắt nhanh nhạy xu thế phát triển của các loại hình doanh nghiệp kinh tế chia sẻ trên thế giới, là quốc gia đầu tiên trong ASEAN cho phép thí điểm mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ kết nối vận tải từ năm 2014 khi trong năm này đã cấp phép hoạt động cho 3 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này.  Ngoài những thương hiệu quốc tế, nhiều thương hiệu thuần Việt hoạt động trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ đã được ra đời như: Luxstay (ứng dụng trong lĩnh vực chia sẻ dịch vụ lưu trú), Be (ứng dụng chia sẻ phương tiện đi lại), TripU (du lịch trực tuyến theo mô hình kinh tế chia sẻ)… 

Với lịch sử ra đời và phát triển của các thương hiệu kinh tế chia sẻ nổi bật trên thế giới, có thể nhận thấy phần lớn những doanh nghiệp lớn này được thành lập trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thu nhập giảm buộc người dân phải thay đổi thói quen tiêu dùng theo xu hướng tiết kiệm hơn. Như vậy, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đây cũng sẽ là thời cơ cho sự phát triển của kinh tế chia sẻ trong giai đoạn tới - giai đoạn hậu Covid-19.

3. Những cơ hội cho khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ thời kỳ hậu Covid-19 tại Việt Nam

Đại dịch Covid-19 dẫn tới sự suy thoái của nền kinh tế, nhưng lại trở thành “cú huých” thúc đẩy sự phát triển của kinh tế chia sẻ tại Việt Nam. Hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, đây cũng là thời cơ được nhiều nhà đầu tư hướng tới để khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ trong bối cảnh cả nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch.

Thứ nhất, phát triển kinh tế chia sẻ là một trong những định hướng phát triển kinh tế - xã hội đang được Đảng và Chính phủ quan tâm, thúc đẩy. Kinh tế chia sẻ dựa trên nền tảng về công nghệ kết nối giữa người mua và người bán, là một lĩnh vực trong nền kinh tế số đang được Đảng và Chính phủ quan tâm thúc đẩy trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã xác định: Phát triển kinh tế số là trụ cột, nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia những năm tiếp theo và đề ra mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội và tăng lên 30% vào năm 2030.

Với mục tiêu đó, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế số nói chung và kinh tế chia sẻ nói riêng. Đặc biệt, “Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ” được ban hành kèm theo Quyết định số 999/QĐ-TTg đã thể hiện mạnh mẽ sự quan tâm của Chính phủ với nền kinh tế chia sẻ, thể hiện quyết tâm thúc đẩy phát triển ngành này. Bên cạnh đó, do đặc thù sản phẩm được khai thác cao về giá trị sử dụng trong vòng đời nên kinh tế chia sẻ cũng là một lĩnh vực nằm trong kinh tế tuần hoàn đang được thúc đẩy phát triển trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tới 2030 của Việt Nam đã được đưa ra tại: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050; Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về phát triển bền vững; chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững 2021 - 2030 được ban hành kèm theo quyết định số 889/QĐ-TTg. Như vậy, có thể thấy kinh tế chia sẻ không chỉ nhận được sự quan tâm phát triển của Đảng và Chính phủ nhờ chính những ưu điểm nội tại của nền kinh tế này mà còn là một thành tố quan trọng của phát triển bền vững luôn được Chính phủ ưu tiên phát triển hàng đầu. Những chính sách, định hướng phát triển đó sẽ là động lực đồng thời cũng là thời cơ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế chia sẻ trong thời gian tới tại Việt Nam.

Thứ hai, sự phát triển kinh tế số trong giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trở thành yếu tố cộng tác cho sự phát triển của kinh tế chia sẻ. Đại dịch Covid-19 đã tạo ra sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng, ngày càng kích thích mạnh mẽ hoạt động mua sắm trên nền tảng số - còn được gọi là tiêu dùng không chạm. Điều này được lý giải bởi 4 nguyên nhân.

Nguyên nhân thứ nhất, do ảnh hưởng của lệnh giãn cách xã hội được Chính phủ áp dụng buộc người dân phải sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến nhiều hơn để đảm bảo nhu cầu khi bị hạn chế ra khỏi nhà, nhiều trung tâm thương mại, của hàng buộc phải đóng cửa theo lệnh giãn cách. Tuy nhiên, lệnh giãn cách xã hội chỉ được thực hiện trong một thời gian ngắn và người dân vẫn được đảm bảo ra ngoài mua những nhu yếu phẩm cơ bản nên mới chỉ có tác động nhỏ tới hành vi mua sắm trực tuyến của người dân.

Nguyên nhân thứ hai, cũng là nguyên nhân chính tác động mạnh mẽ tạo ra xu hướng mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng đến từ tâm lý sợ hãi lây nhiễm dịch bệnh thông qua tiếp xúc. Covid-19là một chủng virut mới có khả năng lây nhiễm khi tiếp xúc gần và có thể dẫn tới tử vong cho người bệnh. Hành vi của người tiêu dùng đã bị tác động trước tâm lý sợ hãi về khả năng nhiễm Covid-19 khi tiếp xúc gần với người khác trong quá trình mua sắm. Điều này dẫn tới xu hướng mua sắm trực tuyến nhằm hạn chế tiếp xúc gần với những người lạ, hạn chế nơi tập trung đông người có nguy cơ lây nhiễm cao.

Nguyên nhân thứ ba, đến từ chính những ưu điểm của mua sắm trực tuyến đối với người tiêu dùng. Bên cạnh việc giúp người mua tiết kiệm thời gian mua sắm khi không cần phải tới trực tiếp cửa hàng mà chỉ bằng những thao tác lựa chọn đơn giản mất vài giây để thực hiện giao dịch thì hình thức mua sắm này cũng đem lại cho người mua nhiều lựa chọn hơn.

Nguyên nhân thứ tư, đến từ chính sự phát triển của nền tảng công nghệ tại Việt Nam - yếu tố cốt lõi của kinh tế số. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các biện pháp giãn cách được thực hiện, tỷ lệ học trực tuyến được chính quyền các địa phương đẩy mạnh nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh thì tỷ lệ người dùng internet tại Việt Nam lại tiếp tục tăng cao.

Trong công bố Báo cáo toàn cảnh ngành Digital Việt Nam năm 2021 được WeAreSocial và Hootsuite công bố, tỷ lệ người dùng internet tại Việt Nam chiếm 70,3%, đặc biệt số lượng điện thoại kết nối internet tăng mạnh trong năm 2021, chiếm tới 157,9% cho thấy sự bùng nổ của công nghệ số trên toàn dân. Sự phát triển mạnh mẽ của số lượng thuê bao di động băng rộng và mạng lưới internet của Việt Nam và toàn cầu đã tạo được một nền tảng thuận lợi cho việc phát triển mô hình kinh doanh số của các doanh nghiệp. Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á - Tiếng gầm thập kỷ XX: Thập kỷ kỹ thuật số Đông Nam Á”, nền kinh tế số Việt Nam có trị giá khoảng 21 tỷ USD năm 2021, cao gấp 7 lần so với năm 2015 và dự đoán đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia. Sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử trong giai đoạn dịch Covid-19 đã giúp xây dựng nên một thói quen tiêu dùng số - bước đệm để người dân ngày càng hiểu và tin dùng đối với các sản phẩm của kinh tế chia sẻ - mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số giống thương mại điện tử.

Thứ ba, thu nhập giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm tăng xu hướng tiêu dùng “tiết kiệm” chi phí, lựa chọn các sản phẩm của kinh tế chia sẻ. Nhìn lại lịch sử phát triển của kinh tế chia sẻ, ta thấy mô hình này mặc dù được manh nha hình thành từ những năm 1990, nhưng phải tới năm 2008 mới phát triển mạnh mẽ tại Mỹ do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính dẫn tới giảm đáng kể thu nhập của người dân tại quốc gia này, buộc họ phải thắt chặt chi tiêu. Khi đó, sở hữu để tiêu dùng bị cắt giảm, đặc biệt là đối với các tài sản có giá trị cao, tần suất sử dụng thấp. Tại thời điểm này, kinh tế chia sẻ nổi lên như một giải pháp hữu hiệu cho việc tiêu dùng với mức chi phí thấp hơn so với mức giá thuê trong kinh doanh truyền thống. Nhờ ứng dụng nền tảng công nghệ trực tuyến kết nối giao dịch giữa các bên tham gia kinh tế chia sẻ, những khâu trung gian trong kết nối cung - cầu sẽ được giảm thiểu, người mua và người bán có thể nhanh chống kết nối với nhau, chi phí giao dịch giảm mạnh so với kinh doanh truyền thống. Điều này tạo nên lợi thế cạnh tranh cho các bên cung cấp cả về thời gian, chất lượng và giá cả hàng hóa hay dịch vụ cung ứng, đem lại lợi ích ngày càng tăng cao cho người tiêu dùng. Không chỉ giúp người dùng giảm được chi phí sử dụng mà kinh tế chia sẻ còn giúp tăng thêm thu nhập cho các chủ sở hữu thông qua việc cho thuê tài sản nhàn rỗi của mình, giúp tận dụng tối đa công dụng của tài sản.

Năm 2014, theo kết quả nghiên cứu khảo sát của Nielsen (2014) về mức độ sẵn sàng sử dụng sản phẩm chia sẻ và sẵn sàng chia sẻ tài sản cá nhân tại Việt Nam cho thấy, có tới 76% người Việt Nam được hỏi sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ chia sẻ, cao hơn rất nhiều so với con số 66% đối với người tiêu dùng toàn cầu. Do đó, khi Covid-19 trở thành đại dịch trên toàn cầu từ năm 2020 đến nay, suy thoái kinh tế khiến thu nhập người dân bị giảm thì sự sẵn sàng sử dụng các sản phẩm trong kinh tế chia sẻ lại được nâng cao hơn. Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ mất việc làm, thất nghiệp của lao động không ngừng tăng cao trong năm 2020, 2021 và cả những tháng đầu năm 2022.  (Hình 1)

Khởi nghiệp

Đứng trước bối cảnh sụt giảm của thu nhập trong năm 2020, 2021, các sản phẩm của kinh tế chia sẻ được người dân Việt Nam biết đến và sử dụng rộng rãi hơn nhờ giải quyết được vấn đề cắt giảm chi tiêu và tăng thu nhập từ các sản phẩm nhàn rỗi có xu hướng tăng cao.

Thứ tư, sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai - thời kỳ hậu Covid  sẽ là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ trong thời gian tới. Như đã phân tích ở trên, đại dịch Covid-19 dẫn tới suy thoái kinh tế, thất nghiệp, sụt giảm thu nhập nhưng đây cũng là thời cơ cho sự phát triển của kinh tế chia sẻ khi người dân bắt đầu lựa chọn sử dụng nhiều hơn những sản phẩm có xu hướng tiết kiệm chi phí trong nền kinh tế chia sẻ và cũng ngày càng có nhiều hơn những người sở hữu quan tâm tới việc tận dụng hết giá trị sử dụng của sản phẩm và tiến hành chia sẻ giá trị sử dụng của tài sản mình sở hữu nhằm kiếm thêm thu nhập trong bối cảnh nguồn thu đang bị sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch.

Như vậy, với sự phát triển tiềm năng trong giai đoạn nền kinh tế suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ là môi trường thuận lợi để nền kinh tế chia sẻ tiếp tục tăng trưởng, là cơ hội cho các nhà đầu tư khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ.

Theo số liệu được thể hiện tại Hình 1 về thu nhập bình quân tháng tại Việt Nam, 3a quý đầu năm 2022 thu nhập bình quân tháng của người dân tăng mạnh so với năm 2021, cao hơn so với cùng kỳ của năm 2019 -= năm trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 9 tháng đạt trên 163.000, tăng 38,6% so cùng kỳ, gấp 1,44 lần số doanh nghiệp rút lui. Điều này cho chúng ta những tín hiệu lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và giai đoạn tới sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.

4. Kết luận và gợi ý chính sách thúc đẩy khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ

Kinh tế chia sẻ tại Việt Nam đã có được những cơ hội phát triển từ trong những khó khăn, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và cũng có những tiềm năng phát triển ở giai đoạn hậu Covid-19. Tuy nhiên, để có thể biến những cơ hội và tiềm năng ấy thành hiện thực, các nhà đầu tư cần nhìn nhận đúng để có thể khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ đúng hướng và đúng thời điểm, đồng thời nhận định được những khó khăn, thách thức để có thể đưa ra các biện pháp tháo gỡ. Với những vấn đề nội tại của các doanh nghiệp gây khó khăn cho sự phát triển của kinh tế chia sẻ, cần có những thay đổi nhanh chóng và phù hợp, nâng cao chất lượng sản phẩm cung ứng và tăng cường an toàn giao dịch trực tuyến để tăng niềm tin khi tiêu dùng giữa các bên cung ứng tham gia nền tảng này.

Với những thách thức mang tính khách quan bên ngoài, các nhà đầu tư cần có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ để đảm bảo một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế chia sẻ như vấn đề về tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của các doanh nghiệp kinh tế chia sẻ hay các vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đối với hành lang pháp lý, Chính phủ cần khẩn trương thực hiện thử nghiệm các Sandbox đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ để có thể hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp này cũng như có thể đưa ra được những quy định pháp luật phù hợp cho sự phát triển của các doanh nghiệp kinh tế chia sẻ sau thời gian thử nghiệm Sandbox. Đối với vấn đề bổ sung nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp cần được thiết lập thường xuyên và chặt chẽ hơn để nhà trường có thể đào tạo ra những nguồn nhân lực đáp ứng luôn được nhu cầu của doanh nghiệp ngay khi tốt nghiệp. Về lâu dài, bộ Giáo dục và Đào tạo cần căn cứ vào dự báo nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ thông tin để đưa ra những định hướng, chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo phù hợp nhằm tăng nguồn cung cho thị trường lao động này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Alrawadieh, Z., & Alrawadieh, Z. (2018). Exploring entrepreneurship in the sharing accommodation sector: Empirical evidence from a developing country. Tourism Management Perspectives, 28, 179-188. doi: https://doi.org/10.1016/j.tmp.2018.09.001
  2. Carter, N. M., Gartner, W. B., & Reynolds, P. D. (1996). Exploring start-up event sequences. Journal of Business Venturing, 11(3), 151-166. doi: https://doi.org/10.1016/0883-9026(95)00129-8
  3. Chính phủ (2020). Nghị định số 10/2020/nđ-cp ngày 17/01/2020 của chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.
  4. Cheng, X., Fu, S., Sun, J., Bilgihan, A., & Okumus, F. (2019). An investigation on online reviews in sharing economy driven hospitality platforms: A viewpoint of trust. Tourism Management, 71, 366-377. doi: https://doi.org/10.1016/j.tourman.2018.10.020
  5. Fu, H., Okumus, F., Wu, K., & Köseoglu, M. A. (2019). The entrepreneurship research in hospitality and tourism. International Journal of Hospitality Management, 78, 1-12. doi: https://doi.org/10.1016/j.ijhm.2018.10.005
  6. Gregory, R. P. (2019). Financial openness and entrepreneurship. Research in International Business and Finance, 48, 48-58. doi: https://doi.org/10.1016/j.ribaf.2018.12.006

Opportunities in the sharing economy for start-ups in the context of post-COVID-19 pandemic period in Vietnam

Master. Luong Nguyet Anh

Thuongmai University

Abstract:

Sharing economy is an economic field in the digital economy and circular economy, and it has received a great attention and development supports from the Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam. As the economy has been severely affected by the COVID-19 pandemic, this paper delves into the opportunities for the development of the sharing economy in the context of COVID-19 pandemic. It can be seen that the sharing economy has had development opportunities from the digital economy’s general development, the trend of cost-saving consumption due to the income reduction related to the COVID-19 pandemic, and the evelopment supports from the Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam. In addition, the recovery and development trend of Vietnam's economy in the post-COVID-19 pandemic period will be a great development opportunity for the sharing economy, and it will promote the development of start-ups in this field.

Keywords: start-ups, sharing economy, post-Covid-19 pandemic, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10 tháng 4 năm 2023]

Tạp chí Công Thương