Cửa khẩu Na Mèo từ lâu đã trở thành cung đường thú vị với dân du lịch. Từ Mai Châu (Hòa Bình) du khách có thể qua Quan Sơn (Thanh Hóa) rồi qua Hủa Phăn - Lào rất thuận tiện. Qua cửa khẩu quốc tế Na Mèo du khách cũng có thể đi thăm "thủ đô cách mạng Lào" Viêng Xay rồi qua Sầm Nưa tới Xiêng Khoảng bước vào con đường di sản nổi tiếng của Lào. Hành trình đến với Na Mèo sẽ không khỏi bất ngờ trước khung cảnh núi rừng hùng vĩ, những tảng đá lớn nhỏ, nhiều dáng hình lô nhô bên dòng suối với làn nước trong xanh. Bốn bề là những ngọn núi cao ngất, cây rừng nguyên sinh nổi bật trên nền trời xanh ngắt.
Nhưng Na Mèo không chỉ là tài nguyên du lịch. Trong những năm qua Na Mèo không những đã khẳng định vị thế là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Quan Sơn mà còn là vị trí quan trọng trong an ninh - quốc phòng của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung góp phần đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác trước mắt cũng như lâu dài đối với nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và các nước trong khu vực.
Năm 2004 tại cửa khẩu Na Mèo, xã Na Mèo, chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã tổ chức khai trương cửa khẩu quốc tế Na Mèo - Nậm Xôi. Đường biên giới giữa hai nước đi qua chính giữa cây cầu nằm sau cột mốc biên giới 327 phía Việt Nam. Trong những năm qua cửa khẩu Na Mèo đã đáp ứng nhu cầu giao lưu, buôn bán, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn. Tổng trị giá hàng hóa thông qua cửa khẩu này đạt trên 1 triệu USD/năm.
Nhìn từ góc độ địa - kinh tế, Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo cách thành phố Thanh Hóa 194 km, cách trung tâm huyện lỵ Quan Sơn 53 km về phía Việt Nam và cách tỉnh lỵ Xamneua của Hủa Phăn 80 km, huyện lỵ Viêng Xay 40 km về phía Lào. Ðô thị cửa khẩu Na Mèo với diện tích đất quy hoạch xây dựng đô thị là 120 ha, nằm trên quốc lộ 217 tại km 188, phía Bắc giáp sông Luồng; phía Đông giáp sông Luồng và quốc lộ 217; phía Nam giáp đồi rừng, phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn (Lào).
Cửa khẩu Na Mèo là một trong 8 cửa khẩu quốc tế trên đường biên giới giữa nước Việt Nam với nước Lào. Xét về khoảng cách địa lý, đây là cửa khẩu gần nhất nối thủ đô Hà Nội với thủ đô Viêng Chăn của Lào; đồng thời cũng là cửa khẩu thuận lợi nhất nối vùng Bắc Lào với các cảng biển lớn khu vực miền Bắc Việt Nam, như: Cảng Nghi Sơn, Cảng Hải Phòng. Trong khi đó, Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Na Mèo nằm trong quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam đến năm 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 52 ngày 25/4/2008 và được dự kiến thành lập giai đoạn sau năm 2020.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo là cần thiết trong tương lai; với kỳ vọng sẽ tạo ra cửa ngõ giao thương kinh tế - văn hóa quan trọng, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam – Lào, đồng thời tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn, Lào.
Cuối năm 2020, đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có buổi làm việc với một số bộ, ngành và Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa để lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa Lê Minh Nghĩa nhất trí với các nội dung được đưa ra tại dự thảo Nghị quyết Chương trình hành động của Chính phủ, đồng thời đề xuất bổ sung thêm 5 nhóm nhiệm vụ căn cứ vào Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đó là Đề án phát triển khu vụ Cảng hàng không Thọ Xuân trở thành thành phố sân bay văn minh, hiện đại theo xu hướng thế giới; Đề án phát triển KKT Nghi Sơn gắn kết với Đảo Mê trên cơ sở kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh; Thành lập KKT cửa khẩu Na Mèo; Đề án xây dựng nông thôn mới tại 15 xã biên giới và xã Mường Lý (huyện Mường Lát) của tỉnh Thanh Hóa như áp dụng tại địa bàn 27 xã khu vực biên giới tỉnh Nghệ An; Xây dựng Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ vùng Bắc Trung Bộ tại Thanh Hóa. Điều đó cho thấy, việc thành lập KKT cửa khẩu Na Mèo được Thanh Hóa và Bộ Kế hoạch Đầu tư hết sức quan tâm.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Thanh Hóa, việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo là cần thiết trong tương lai; với kỳ vọng sẽ tạo ra cửa ngõ giao thương kinh tế - văn hóa quan trọng, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam – Lào, đồng thời tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng miền núi phía tây tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn, Lào.
Tuy nhiên, việc xác định thời điểm để xây dựng Khu kinh tế này cần phải nghiên cứu thêm để phù hợp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và các yếu tố liên quan. Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho đơn vị tư vấn là Viện quy hoạch Kiến trúc Thanh Hóa tiếp thu ý kiến đóng góp của các sở, ngành, đơn vị để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện đề án.
Trong đó, phân tích, làm rõ những khó khăn về hạ tầng kỹ thuật kết nối, dân số, địa chất, tài chính đầu tư và các yếu tố khác. Chỉ ra được quỹ đất để xây dựng khu kinh tế; tính toán thời gian, giai đoạn phù hợp để thực hiện việc đầu tư Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Na Mèo, huyện Quan Sơn trong tương lai; và tập trung đánh giá cụ thể thực trạng, nhất là về hạ tầng, tài nguyên đất đai, tiềm năng lợi thế về phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, thương mại dịch vụ và du lịch của khu vực nghiên cứu.
Sau khi hoàn thiện dự án và triển khai thực hiện, chắc chắn Cửa khẩu biên giới này sẽ phát huy được tiềm năng và cơ hội về kinh tế và du lịch.