Theo báo cáo của Cục Điều tiết điện lực (ĐTĐL), trong năm 2021, hệ thống điện đã vận hành an toàn, ổn định, tin cậy, đáp ứng về cơ bản nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt của nhân dân.
Cục ĐTĐL đã phối hợp với các đơn vị hoàn thành tổng kết thi hành Luật Điện lực và lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực để trình trình báo cáo Chính phủ xem xét; phối hợp với Tổng cục QLTT và các đơn vị liên quan tổng kết, xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2013/NĐ-CP trình Chính phủ.
Để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), Cục ĐTĐL cũng đã thực hiện nghiên cứu, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành quy định về cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng và đơn vị phát triển NLTT.
Cục ĐTĐL cũng đang triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện xây dựng 3 Quyết định liên quan đến cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, khung giá của mức giá bán lẻ điện và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; bên cạnh đó nghiên cứu xây dựng dự thảo Thông tư quy định về khung giá và phương pháp xác định giá, đàm phán giá các dự án điện điện gió, điện mặt trời.
Về công tác giá điện, thực hiện quy định về kiểm tra, minh bạch chi phí sản xuất kinh doanh điện tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương đã thành lập Đoàn kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đã tiến hành kiểm tra tại EVN và các đơn vị thành viên. Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan tổ chức công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2020 của EVN sau khi có kết quả kiểm tra.
Đặc biệt, trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, Chính phủ đã ban hành chính sách giảm giá điện, giảm tiền điện 3 đợt trong năm 2021, trong đó, đợt 1 thực hiện trong 7 tháng, ước tính tổng số tiền giảm khoảng 1.200 đến 1.300 tỷ đồng; đợt 2 thực hiện trong 2 tháng, số tiền giảm khoảng gần 2.500 tỷ đồng; đợt 3 thực hiện trong 3 tháng, số tiền giảm khoảng gần 650 tỷ đồng.
Về công tác thị trường điện, năm 2021, việc vận hành thị trường điện đã đẩy mạnh tính minh bạch trong huy động các nhà máy điện, tạo môi trường cạnh tranh, tăng cường tình chủ động của các đơn vị tham gia thị trường trong công tác vận hành, đồng thời từng bước xóa bỏ độc quyền trong ngành điện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thị trường đã có sự tham gia cạnh tranh của 104 nhà máy điện trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường điện với tổng công suất đặt là 28118 (MW) chiếm khoảng 41,26% tổng công suất toàn hệ thống và 6 đơn vị mua buôn điện trực tiếp tham gia mua điện trên thị trường giao ngay cũng như ký hợp đồng song phương với các nhà máy điện.
Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đang được Cục ĐTĐL triển khai thực hiện theo đúng Đề án thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh được phê duyệt Quyết định số 2093/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 7/8/2020.
Để chuẩn bị cho vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, Cục ĐTĐL đã xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành điện, tập trung vào các bước thực hiện tách bạch chi phí khâu phân phối điện và khâu kinh doanh bán lẻ điện của các đơn vị phân phối bán lẻ điện hiện tại.
Hiện tại, Cục ĐTĐL đang phối hợp với các đơn vị hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng Chinh phủ cơ chế cho phép các nhà máy điện NLTT được phép thí điểm bán điện trực tiếp cho các khách hàng sử dụng điện cuối cùng (cơ chế DPPA). Cơ chế DPPA khi triển khai sẽ là bước đầu tiên trong lộ trình triển khai thị trường bán lẻ điện. Cơ chế này cũng sẽ hỗ trợ và thúc đẩy phát triển các nguồn điện NLTT ở nước ta trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, năm 2021 vừa qua, cả thế giới, trong đó có Việt Nam, đi qua năm thứ hai từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện với những tác động khủng khiếp. Trong khó khăn đó, kinh tế nước ta vẫn ghi nhận mức tăng trưởng dương 2,58%. Ngành Công Thương đã có những đóng góp quan trọng, tích cực, như chỉ số phát triển ngành đạt 4,8-5,2%, đặc biệt công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,37%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 668,5 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2020, đặc biệt ở thời điểm tháng 9 còn nhập siêu thì đến nay xuất khẩu đã đạt 337 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020 và vượt 15% so với kế hoạch đề ra, giúp cả nước xuất siêu trên 4 tỷ USD.
Đóng góp vào thành tích chung của ngành, việc điều tiết điện lực, điều hành thị trường điện và giá điện cũng có đóng góp quan trọng.
Cục ĐTĐL đã làm tốt chức năng tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong chỉ đạo, điều hành hoạt động điện lực nói chung và ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói riêng. Đặc biệt, dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng Cục ĐTĐL đã làm khá tốt công tác điều hành cung ứng điện trong năm 20221, duy trì và bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội đất nước, nhất là những thời điểm cam go của đại dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang hay các tỉnh phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ,…
Đồng thời, chủ động và tích cực tham mưu cho Bộ Công Thương để tham mưu Chính phủ triển khai 3 lần giảm giá điện hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và cho người dân, đặc biệt các cơ sở lưu trú, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Cục ĐTĐL cũng đã làm tốt công tác tổng kết tình hình thực hiện Luật Điện lực, làm cơ sở cho tham mưu sửa đổi toàn diện Luật Điện lực trong thời gian tới, mà trước hết là sửa đổi Điều 2 và Điều 4 của Luật Điện lực sẽ được Quốc hội bấm nút bỏ phiếu thông qua vào ngày mai (11/1/2021).
Bên cạnh những kết quả tích cực, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế còn tồn tại trong việc chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất với Bộ và các cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực điện lực. Việc phát hiện các điểm bất cập trong quá trình thực thi luật hiện hành còn chậm, cũng như chưa quyết liệt trong giải quyết các vấn đề liên quan đến xây dựng thị trường điện cạnh tranh.
Năm 2022, Bộ trưởng nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục ĐTĐL là phải nghiên cứu, đề xuất tham mưu cho Bộ và Chính phủ chỉ đạo điều hành bảo đảm đủ điện năng cung ứng cho nền kinh tế, đặc biệt là phục vụ chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch.
Hai là, quyết liệt triển khai, hoàn tất các công tác chuẩn bị cho việc sửa đổi toàn diện Luật Điện lực.
Ba là, tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan, tham mưu cho lãnh đạo Bộ và các cấp có thẩm quyết giải quyết các hạn chế còn tồn tại trong cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động điện lực.