Ngày 26/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật 71/2014/QH13 (Luật 71) phân bón được chuyển từ diện chịu thuế GTGT 5% sang không chịu thuế GTGT.
Khi Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, toàn bộ các khoản thuế GTGT đầu vào của doanh nghiệp phân bón như: điện, than, hóa chất, vận tải, nguyên liệu, thậm chí cả thiết bị đầu tư không được khấu trừ.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, kể từ năm 2015, khi thực hiện Luật thuế 71, giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%, phân supe lân tăng 6,5 - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2 - 6,1%... so những năm trước đó khi còn áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón.
Từ đó nảy sinh nguy cơ phân bón sản xuất trong nước thua ngay trên sân nhà. Theo Hiệp định Atiga, thuế nhập khẩu ưu đãi cho mặt hàng phân bón (Urea) đều là 0% cho giai đoạn từ 2015 trở đi.
Số liệu thống kê trong giai đoạn 5 năm (2015-2019) cho thấy, bình quân hàng năm Việt Nam nhập khẩu hơn 4,2 triệu tấn phân bón các loại với giá trị bình quân 1,2 tỷ USD; chiếm hơn 40% tổng nhu cầu tiêu thụ cả nước.
Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón tại Việt Nam chủ yếu dành thị trường nội địa tỷ lệ dành xuất khẩu dao động trong khoảng 20%-25% tổng sản lượng.
Do không được khấu trừ 100% thuế các nguyên liệu đầu vào, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước từ năm 2015 tới nay rơi vào cảnh khó khăn vô cùng khi doanh thu và lợi nhuận liên tục sụt giảm mạnh, thậm chí rất nhiều doanh nghiệp phân bón đang từ làm ăn có lãi chuyển sang lỗ ròng nhiều năm trời.
Theo số liệu thống kê kết quả kinh doanh cốt lõi, nhất là chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế (LNST) từ 10 đơn vị của ngành phân bón trong nước cho thấy, LNST tuyệt đối có xu hướng giảm mạnh.
Cụ thể, năm 2015, LNST của các đơn vị là 1.792 tỷ đồng nhưng đến năm 2019 giảm còn 1.161 tỷ đồng (tương đương mức giảm 35% so với năm 2015) và theo kế hoạch SXKD công bố của các đơn vị thì LNST của 10 đơn vị năm 2020 chỉ còn 620 tỷ đồng (tương đương mức giảm 65% so với năm 2015).
Trước tình hình đó, doanh nghiệp và Hiệp hội phân bón đã nhiều lần kiến nghị đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng, ở mức 5%.
Tháng 8/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét để tháo gỡ vướng mắc về thuế suất thuế giá trị gia tăng theo chỉ đạo tại Thông báo 80/TB- VPCP ngày 18/6/2020.
Trong đó, cần nêu rõ sự cần thiết, hiệu quả kinh tế, bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu.
Mới đây, ngày 7/10 trong văn bản số 8405/VPCP-KTTH gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT, Bộ Tư pháp và Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Văn phòng Chính phủ cho biết, xét đề nghị của Bộ Tài chính tại Văn bản số 176/TTr-BTC ngày 1/10/2020 về việc báo cáo Quốc hội về chính sách thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ, phát triển, doanh nghiệp phân bón, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có ý kiến như sau:
Bộ Tài chính khẩn trương tổng hợp ý kiến các Bộ, cơ quan: Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT , Bộ Tư pháp, Hiệp hội Phân bón Việt Nam về đề xuất mức thuế suất thuế giá trị gia tăng cho phân bón theo nguyên tắc không làm tăng chi phí đầu vào cho nông dân trong khi chưa sửa được Luật thuế giá trị gia tăng theo đúng chỉ đạo tại Thông báo số 80/TB-VPCP ngày 18/6/2020, các văn bản số 1860/VPCP-KTTH ngày 11/7/2020 và số 2505/VPCP-KTTH ngày 16/9/2020, làm rõ căn cứ đề xuất điều chỉnh, đánh giá tác động tới các đối tượng liên quan.
Hoàn thiện nội dung tờ trình Báo cáo Chính phủ cho phép trình Quốc hội thông qua nội dung tháo gỡ vướng mắc về thuế suất giá trị gia tăng cho phân bón khi trình Quốc hội về Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021, báo cáo Chính phủ trước ngày 10/10/2020.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong khi chưa sửa được Luật thuế 71, việc các bộ, ngành tính toán đề xuất mức thuế suất VAT cho phân bón từ 0% đến 5% sẽ giúp giảm bớt khó khăn cho các đơn vị trong ngành SXKD trong nước, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành; giảm lượng phân bón nhập khẩu từ nước ngoài vào thị trường nội địa.