TÓM TẮT:
Hợp đồng dịch vụ pháp lý là một dạng hợp đồng dịch vụ đặc thù với những điểm riêng biệt không giống như những hợp đồng dịch vụ thông thường hiện nay. Nhằm làm rõ các đặc trưng của hợp đồng dịch vụ pháp lý, bài viết phân tích, đưa ra những so sánh giữa hợp đồng dịch vụ pháp lý với hợp đồng trợ giúp pháp lý để thấy được điểm giống và khác nhau giữa hai loại hợp đồng này. Từ đó, người đọc có cái nhìn đúng về hợp đồng dịch vụ pháp lý nhằm áp dụng trong các trường hợp cụ thể trên thị trường, cũng như trên quy định về pháp luật hiện nay.
Từ khóa: hợp đồng dịch vụ, hợp đồng dịch vụ pháp lý, hợp đồng trợ giúp pháp lý, điểm khác nhau.
1. Đặt vấn đề
Trên thực tế, sự phát triển nhanh chóng của xã hội đã thúc đẩy các ngành dịch vụ phát triển và không ngừng cải thiện để phù hợp với nhu cầu cũng như xu thế của thị trường, trong đó dịch vụ pháp lý cũng được coi là một ngành dịch vụ thiết yếu với nhu cầu sử dụng các dịch vụ hỗ trợ về pháp luật của cá nhân, tổ chức ngày càng tăng. Khi xã hội ngày càng phát triển, những nhu cầu hiểu biết và học hỏi các kiến thức liên quan đến pháp luật, cũng như nhu cầu được cung cấp các dịch vụ pháp lý ngày càng trở nên phổ biến hơn trong đời sống. Từ đó, các dịch vụ pháp lý ra đời và hợp đồng dịch vụ pháp lý đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với các chủ thể trong xã hội. Chính vì vậy, việc nắm bắt hiểu biết rõ ràng các đặc trưng của một hợp đồng dịch vụ pháp lý rất cần thiết. Bên cạnh hợp đồng dịch vụ pháp lý, hợp đồng trợ giúp pháp lý cũng tồn tại song song, việc so sánh giữa hai loại hợp đồng này sẽ giúp cho người đọc có được cái nhìn toàn diện hơn về các đặc trưng của một hợp đồng pháp lý.
2. Đôi nét về hợp đồng dịch vụ pháp lý
2.1. Khái niệm hợp đồng dịch vụ pháp lý
Quan điểm thứ nhất: "Hợp đồng dịch vụ pháp lý là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ pháp lý thực hiện công việc cho bên yêu cầu, bên yêu cầu phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng theo thỏa thuận".
Quan điểm thứ hai: "Hợp đồng dịch vụ pháp lý là một loại hợp đồng thuộc ngành dịch vụ nghề nghiệp, theo đó bên Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho bên thuê Luật sư, còn bên thuê Luật sư phải trả tiền thù lao theo thỏa thuận".
Tham khảo các quan điểm trên cùng với khái niệm hợp đồng dịch vụ quy định tại Điều 513 Bộ luật Dân sự năm 2015 và quy định của Luật Luật sư về dịch vụ pháp lý của luật sư, có thể đưa ra một khái niệm hợp đồng dịch vụ pháp lý như sau:
"Hợp đồng dịch vụ pháp lý là sự thỏa thuận giữa bên cung ứng dịch vụ pháp lý và bên sử dụng dịch vụ, theo đó bên cung ứng dịch vụ pháp lý thực hiện công việc theo yêu cầu, còn bên sử dụng dịch vụ phải thanh toán tiền dịch vụ tương ứng với công việc mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng".
2.2. Đặc điểm của hợp đồng dịch vụ pháp lý
Đối tượng của hợp đồng dịch vụ pháp lý là công việc gắn liền với pháp luật. Theo yêu cầu của khách hàng, Luật sư bằng năng lực, trách nhiệm của mình sẽ thực hiện các công việc pháp lý nhằm đảm bảo mục tiêu công việc mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý. Các công việc liên quan đến pháp luật thường được luật sư cung cấp trên thực tế có thể kể đến như: tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý (cho những đối tượng theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý); đại diện ngoài tố tụng; tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho khách hàng.
2.3. Nội dung hợp đồng dịch vụ pháp lý
Một hợp đồng dịch vụ pháp lý được lập thành văn bản và có những nội dung chính cơ bản sau đây:
- Tên, địa chỉ của khách hàng hoặc người đại diện của khách hàng, đại diện của tổ chức hành nghề luật sư hoặc luật sư hành nghề với tư cách cá nhân;
- Nội dung dịch vụ; thời hạn thực hiện hợp đồng;
- Quyền, nghĩa vụ của các bên;
- Phương thức tính và mức thù lao cụ thể; các khoản chi phí (nếu có);
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
- Phương thức giải quyết tranh chấp.
3. Điểm giống nhau giữa hợp đồng dịch vụ pháp lý và hợp đồng trợ giúp pháp lý
Hợp đồng dịch vụ pháp lý và hợp đồng trợ giúp pháp lý đều tồn tại những điểm giống nhau như sau:
Thứ nhất, đối tượng của hợp đồng dịch vụ pháp lý và hợp đồng trợ giúp pháp lý đều là các công việc liên quan đến pháp luật.
Những công việc này có thể là thực hiện các hoạt động tư vấn pháp lý, đại diện cho một bên khác trong các vụ án, vụ việc nhất định và các công việc khác nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của một chủ thể. Trong đó, để thực hiện được những công việc này dù trong hợp đồng nào thì bên thực hiện công việc phải có tính chuyên nghiệp, tính tổ chức cao, có kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật mới có khả năng đáp ứng được kết quả và chất lượng của công việc.
Thứ hai, hợp đồng dịch vụ pháp lý và hợp đồng trợ giúp pháp lý đều là hợp đồng có đền bù.
Nghĩa là khi một bên thực hiện những công việc về pháp lý cho một bên khác thì họ sẽ nhận được một lợi ích vật chất nào đó tương xứng. Từ những điểm này, có thể thấy hợp đồng dịch vụ pháp lý và hợp đồng trợ giúp pháp lý có những điểm giống nhau và cùng chung một nguồn gốc.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm giống nhau thì hai loại hợp đồng này cũng có những điểm khác biệt nhất định và đó là những yếu tố quan trọng để giúp phân biệt hai hợp đồng này với nhau, tránh những nhầm lẫn hiểu biết về cả về lý luận và thực tiễn, từ đó áp dụng chúng trong những hoàn cảnh phù hợp và dựa trên những căn cứ pháp lý chính xác.
4. Điểm khác biệt giữa hợp đồng dịch vụ pháp lý và hợp đồng trợ giúp pháp lý
Bên cạnh những điểm giống nhau, hợp đồng dịch vụ pháp lý và hợp đồng trợ giúp pháp lý có những điểm khác biệt, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về khoản thù lao và chi phí thực hiện công việc trong hợp đồng.
Đối với hợp đồng dịch vụ pháp lý, các khoản thù lao hay phí dịch vụ là bên cung ứng dịch vụ nhận được sẽ được xác định dựa trên thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật. Trong đó, đa phần thù lao và các khoản phí dịch vụ pháp lý chủ yếu được xác định theo thỏa thuận, xuất pháp từ tính chất thị trường của hợp đồng dịch vụ pháp lý. Một hợp đồng nói chung sẽ luôn tôn trọng sự thỏa thuận của các bên và với hợp đồng dịch vụ pháp lý, điều này càng rõ hơn khi chịu ảnh hưởng bởi quy luật thị trường và một trong những yếu tố chịu ảnh hưởng rõ nhất đó chính là thù lao hay phí dịch vụ trong hợp đồng. Thỏa thuận về thù lao và phí dịch vụ lúc này không chỉ đơn thuần là góc nhìn của các bên trong hợp đồng, mà phải cân nhắc đến giá trị thị trường của các đối thủ cạnh tranh, vì nếu đi quá xa khỏi yếu tố thị trường đó không có những lợi thế đặc biệt, sẽ tạo ra rủi ro nhất định trong việc thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý của bên cung ứng dịch vụ. Ngoài ra, trong một số trường hợp các hợp đồng dịch vụ pháp lý khác, thù lao hay phí dịch vụ sẽ phát sinh dựa trên thỏa thuận. Ví dụ như trong hợp đồng thực hiện các hoạt động về công chứng, giá dịch vụ công chứng sẽ được áp trần tối đa bởi Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh. Lúc này, các tổ chức hành nghề công chứng dù có xác định giá cụ thể đối với từng loại việc nhưng cũng sẽ không được phép vượt quá mức giá tối đa do Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh ban hành. Nghĩa là, với những dịch vụ đặc thù về quản lý nhà nước, việc xác định giá dịch vụ hay thù lao phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.
Trong khi đó, với hợp đồng trợ giúp pháp lý, vẫn phát sinh thù lao thực hiện công việc cho bên thực hiện trợ giúp pháp lý, nhưng những khoản thù lao này các bên không thể tự thỏa thuận được một con số cụ thể, mà phải tuân thủ theo các quy định pháp luật có liên quan. Các khoản thù lao này sẽ được tính dựa trên một con số tham chiếu, đó chính là mức lương cơ sở do pháp luật quy định nhân với thời gian làm việc thực tế để tính ra con số cuối cùng, dù vậy, thời gian làm việc cũng sẽ được giới hạn bởi một số tối đa trong từng trường hợp cụ thể, điều này xuất phát từ bản chất hợp đồng trợ giúp pháp lý là hỗ trợ và giúp đỡ cho những đối tượng với hoàn cảnh đặc biệt, do vậy yếu tố lợi nhuận sẽ không được đặt lên hàng đầu nên Nhà nước sẽ tiến hành chi trả cho những khoản thù lao và chi phí những đảm bảo một giới hạn nhất định, chủ yếu để bù đắp cho những chi phí hoạt động trong quá trình giải quyết vụ việc.
Bảng 1. Điểm khác biệt về khoản thù lao và chi phí thực hiện công việc trong hợp đồng
Hợp đồng dịch vụ pháp lý |
Hợp đồng trợ giúp pháp lý |
Các khoản thù lao hay phí dịch vụ là bên cung ứng dịch vụ nhận được dựa trên thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật. |
Các khoản thù lao không do các bên tự thỏa thuận được một con số cụ thể, mà phải tuân thủ theo các quy định pháp luật có liên quan. |
Một hợp đồng luôn tôn trọng sự thỏa thuận của các bên và với hợp đồng dịch vụ pháp lý. Một số trường hợp các hợp đồng dịch vụ pháp lý thì thù lao hay phí dịch vụ sẽ phát sinh dựa trên thỏa thuận. |
Các khoản thù lao sẽ được tính dựa trên một con số tham chiếu, chính là mức lương cơ sở do pháp luật quy định nhân với thời gian làm việc thực tế để tính ra con số cuối cùng. |
Nguồn: Tác giả thực hiện
Thứ hai, về chủ thể hưởng lợi ích từ hợp đồng.
Đối với hợp đồng dịch vụ pháp lý, các chủ thể hưởng lợi ích từ hợp đồng có thể là một bên thứ ba bên ngoài hợp đồng. Nếu như bên yêu cầu dịch vụ pháp lý tìm đến bên cung ứng dịch vụ để giải quyết cho các vấn đề mà chính bản thân mình đang gặp phải thì lúc này họ là người hưởng lợi ích hợp đồng từ những công việc mà bên cung ứng dịch vụ thực hiện. Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp bên yêu cầu dịch vụ pháp lý mong muốn việc cung ứng dịch vụ đó để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho một chủ thể khác, đó có thể là những người thân hoặc những người có mối quan hệ nhất định với bên yêu cầu dịch vụ, mà vì một lý do nào đó không trực tiếp thực hiện việc yêu cầu dịch vụ này. Trường hợp này, bên yêu cầu dịch vụ là bên giao kết hợp đồng, nhưng người hưởng lợi ích lại là bên thứ ba bên ngoài phạm vi hợp đồng, phù hợp với mong muốn của bên yêu cầu dịch vụ pháp lý.
Đối với hợp đồng trợ giúp pháp lý, đây được xem là một hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Cụ thể trong hợp đồng trợ giúp pháp lý, bên thứ ba hưởng lợi ích được gọi là người được trợ giúp pháp lý, còn lại người thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ giao kết hợp đồng trợ giúp pháp lý với một cơ quan nhà nước có thẩm quyền để mang lại lợi ích cho bên thứ ba. Lúc này, người được trợ giúp pháp lý sẽ nhận được sự hỗ trợ miễn phí từ việc thực hiện các công việc nhất định về pháp luật mà không trả bất kỳ một khoản phí nào.
Bảng 2. Điểm khác biệt về chủ thể hưởng lợi ích từ hợp đồng
Hợp đồng dịch vụ pháp lý |
Hợp đồng trợ giúp pháp lý |
Các chủ thể hưởng lợi ích từ hợp đồng có thể là một bên thứ ba bên ngoài hợp đồng. Bên yêu cầu dịch vụ là bên giao kết hợp đồng nhưng người hưởng lợi ích là bên thứ ba bên ngoài phạm vi hợp đồng, phù hợp với mong muốn của bên yêu cầu dịch vụ pháp lý. |
Bên thứ ba hưởng lợi ích được gọi là người được trợ giúp pháp lý, còn lại người thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ giao kết hợp đồng trợ giúp pháp lý với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để mang lại lợi ích cho bên thứ ba. |
Nguồn: Tác giả thực hiện
Thứ ba, về mục tiêu và tính chất của hợp đồng.
Hợp đồng dịch vụ pháp lý là một loại hợp đồng mang tính chất thị trường, hướng đến mục tiêu tạo ra lợi nhuận và thu nhập cho chủ thể cung ứng dịch vụ pháp lý, nghĩa là khi một chủ thể tham gia cung ứng một dịch vụ pháp lý nhất định chủ thể đó mong muốn nhận được những khoản thù lao hay phí dịch vụ tương ứng với công sức mình bỏ ra và có thặng dư từ hoạt động thực hiện công việc đó. Vì vậy, bản thân các hợp đồng dịch vụ pháp lý phải tuân theo những quy luật thị trường về kinh tế, quy luật về giá trị, quy luật cạnh tranh… tất cả những điều này đều có tác động đến nội dung và các vấn đề khác của hợp đồng dịch vụ pháp lý mà các bên sẽ giao kết với nhau.
Trong khi đó, hợp đồng trợ giúp pháp lý, ngay từ tên gọi của hợp đồng, đã cho thấy được tính chất thiên về sự hỗ trợ, thể hiện bản chất xã hội nhiều hơn chứ không thiên về mục tiêu kiến lợi nhuận. Trên thực tế trong xã hội, tồn tại sự hỗ trợ này do đối tượng nhận sự trợ giúp pháp lý là những đối tượng đặc biệt, có những vấn đề liên quan đến nhân thân, gia đình hoặc gặp khó khăn về tài chính, do vậy pháp luật nhận thấy cần thiết phải có sự hỗ trợ cho họ đối với những công việc nhất định về pháp lý.
Như vậy, hợp đồng trợ giúp pháp lý mang tính chất tương trợ nhiều hơn, hướng đến mục tiêu xã hội giúp đỡ cho những đối tượng đặc biệt chứ không mang tính chất thị trường như hợp đồng dịch vụ pháp lý. Vì thế, bên được trợ giúp pháp lý sẽ hoàn toàn không phải trả bất kỳ một khoản phí nào cho bên thực hiện trợ giúp pháp lý mà các khoản phí này sẽ lấy từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc các khoản đóng góp, tài trợ của các cá nhân, tổ chức khác.
Bảng 3. Điểm khác biệt về mục tiêu và tính chất của hợp đồng
Hợp đồng dịch vụ pháp lý |
Hợp đồng trợ giúp pháp lý |
Hợp đồng mang tính chất thị trường, mục tiêu tạo ra lợi nhuận và thu nhập cho chủ thể cung ứng dịch vụ pháp lý. |
Hợp đồng mang tính chất sự hỗ trợ, thể hiện bản chất xã hội nhiều hơn, không thiên về mục tiêu kiến lợi nhuận. |
Chủ thể tham gia cung ứng dịch vụ pháp lý sẽ nhận được những khoản thù lao hay phí dịch vụ tương ứng với công sức bỏ ra. |
Bên được trợ giúp pháp lý sẽ không phải trả phí cho bên thực hiện trợ giúp pháp lý, các khoản phí này sẽ lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước. |
Nguồn: Tác giả thực hiện
Thứ tư, về chủ thể tham gia giao kết hợp đồng.
Đối với hợp đồng dịch vụ pháp lý, yêu cầu dịch vụ pháp lý có thể là bất kỳ chủ thể nào có nhu cầu đối với các dịch vụ pháp lý đó, thường là các cá nhân, tổ chức thông thường trong xã hội. Các cá nhân tổ chức này có thể lựa chọn bất kỳ bên cung ứng dịch vụ pháp lý nào cho mình dựa trên sự tin tưởng về độ uy tín và chất lượng dịch vụ mà mình sẽ nhận được. Và phần lớn trong mọi trường hợp bên cung ứng dịch vụ pháp lý sẽ phải là các tổ chức như các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức hành nghề công chứng, trung tâm trọng tài… còn lại các cá nhân chỉ có thể hành nghề với tư cách cá nhân đối với tổ chức mà mình có hợp đồng lao động với tổ chức đó. Như vậy, bản thân cá nhân không thể tự cung cấp dịch vụ pháp lý với tư cách cá nhân đối với các cá nhân, tổ chức khác có mong muốn sử dụng dịch vụ pháp lý mà bắt buộc phải cung ứng dịch vụ thông qua một tổ chức có tư cách pháp nhân.
Trong khi đó, đối với hợp đồng trợ giúp pháp lý, bên mong muốn có sự trợ giúp pháp lý trong trường hợp này chính là Nhà nước, do trợ giúp pháp lý được xem là trách nhiệm của Nhà nước nhằm hỗ trợ cho những đối tượng có những hoàn cảnh đặc biệt. Do vậy, Nhà nước, cụ thể là Sở tư pháp chính là chủ thể tham gia giao kết hợp đồng trợ giúp pháp lý với tư cách là bên yêu cầu trợ giúp pháp lý. Còn chủ thể thực hiện trợ giúp pháp lý, mặc dù cũng là những chủ thể chuyên nghiệp, có chuyên môn, kinh nghiệm và kỹ năng thực hiện công việc về pháp lý cho các chủ thể được trợ giúp pháp lý, tuy nhiên phạm vi được mở rộng hơn so với hợp đồng dịch vụ pháp lý. Trong đó, không chỉ các tổ chức mà ngay cả cá nhân cũng có thể trực tiếp giao kết hợp đồng trợ giúp pháp lý với tư cách cá nhân bao gồm các luật sư, trợ giúp viên pháp lý, tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
Bảng 4. Điểm khác biệt về chủ thể tham gia giao kết hợp đồng
Hợp đồng dịch vụ pháp lý |
Hợp đồng trợ giúp pháp lý |
Yêu cầu dịch vụ pháp lý có thể là bất kỳ chủ thể nào có nhu cầu đối với các dịch vụ pháp lý đó, thường là các cá nhân, tổ chức thông thường trong xã hội. |
Bên mong muốn có sự trợ giúp pháp lý chính là Nhà nước, do trợ giúp pháp lý được xem là trách nhiệm của Nhà nước nhằm hỗ trợ cho những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt. |
Bên cung ứng dịch vụ pháp lý phải là các tổ chức như các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức hành nghề công chứng, trung tâm trọng tài… |
Nhà nước, cụ thể là Sở tư pháp chính là chủ thể tham gia giao kết hợp đồng trợ giúp pháp lý với tư cách là bên yêu cầu trợ giúp pháp lý. |
Nguồn: Tác giả thực hiện
5. Kết luận
Như tác giả đã nêu ở trên, dựa trên so sánh những điểm giống nhau và khác nhau giữa hai loại hợp đồng gồm hợp đồng dịch vụ pháp lý và hợp đồng trợ giúp pháp lý, chúng ta có thể thấy hợp đồng trợ giúp pháp lý có nguồn gốc từ hợp đồng dịch vụ pháp lý vì có nhiều nét tương đồng. Tuy nhiên, hợp đồng trợ giúp pháp lý có những đặc điểm riêng mang tính chất đặc thù, do xuất phát từ tính chất xã hội, cũng như từ tính chất mang tính hỗ trợ cho những chủ thể có hoàn cảnh đặc biệt. Vì vậy, hợp đồng dịch vụ pháp lý có phạm vi rộng hơn, tổng quát hơn so với hợp đồng trợ giúp pháp lý.
Tài liệu tham khảo:
- Kiều Thị Thùy Linh (2017). Hợp đồng dịch vụ theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Luật Hà Nội.
- Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2023). Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023.
- Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2017). Nghị định số 144.2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.
- Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2013). Nghị định số 68/2013/NĐ-CP.
- Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2015). Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2015). Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam năm 2015.
- Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2015). Điều 513 Bộ luật Dân sự năm 2015 và quy định của Luật Luật sư về dịch vụ pháp lý của luật sư.
- Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2006). Điều 26 Luật Luật sư năm 2006.
Understanding special features of legal service contracts and legal aid contracts
Master. Nguyen Van Ro
Ba Ria - Vung Tau University
Abstract:
A legal service contract is a distinct type of service agreement with unique characteristics that set it apart from general service contracts. This study aims to clarify the defining features of legal service contracts by analyzing and comparing them with legal aid contracts, highlighting their similarities and differences. Through this comparative approach, the study provides a clearer understanding of legal service contracts, enabling their accurate application in market transactions and ensuring compliance with current legal regulations.
Keywords: service contracts, legal service contracts, legal aid contracts, differences.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1 tháng 1 năm 2025]