Tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2016

ThS. HOÀNG HIẾU THẢO (Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong năm 2016, FDI có tăng trưởng ấn tượng cả vốn đăng ký và giải ngân. Cụ thể, trong năm 2016, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước tính đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015, đạt mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay.

Từ khóa: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư trực tiếp, tăng trưởng kinh tế.

I. Đặt vấn đề

Đối với bất kì một quốc gia nào, dù là nước phát triển hay đang phát triển thì vốn có một vai trò đặc biệt quan trọng và cần thiết trong quá trình phát triển kinh tế cũng như giải quyết các vấn đề chính trị, văn hóa và xã hội. Nguồn vốn để phát triển kinh tế có thể được huy động ở trong nước hoặc từ nước ngoài, tuy nhiên nguồn vốn trong nước thường có hạn, nhất là đối với những nước đang phát triển như Việt Nam (có tỷ lệ tích lũy thấp, nhu cầu đầu tư cao nên cần một số vốn lớn để phát triển kinh tế). Vì vậy, nguồn vốn đầu tư nước ngoài ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia.

Hơn nữa, trong bối cảnh của kinh tế phát triển, tự do hóa thương mại và ngày càng hội nhập vào thị trường tài chính quốc tế. Vai trò của vốn đầu tư đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài để phát triển kinh tế được đánh giá là rất quan trọng. Bất kì một quốc gia nào muốn tăng trưởng và phát triển đều cần một điều kiện không thể thiếu được đó là phải thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn cho nền kinh tế. Vấn đề thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cho việc phát triển kinh tế - xã hội đều được các quốc gia đặc biệt là quốc gia đang phát triển quan tâm.

Việt Nam cũng nằm trong quy luật đó. Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng công tác thu hút đầu tư từ nước ngoài. Chính phủ đã liên tục cải thiện môi trường đầu tư tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

II. Thực trạng thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Theo số liệu của Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 26/12/2016 cả nước có 2.556 dự án mới được cấp Giấy Chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 15,18 tỷ USD, tăng 27% về số dự án và bằng 97,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Có 1.225 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,76 tỷ USD, tăng 50,5% về số dự án và bằng 80,3% về vốn tăng thêm so với cùng kỳ.

Cũng trong năm 2016, có 2.547 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần với tỷ lệ vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện với tổng vốn đầu tư là 3,425 tỷ USD.

Trong năm 2016, số dự án cấp mới và tăng vốn vẫn tăng mạnh so với năm 2015. Về vốn đầu tư đăng ký và tăng thêm có giảm hơn so với cùng kỳ năm 2015 do trong năm 2016 không có nhiều dự án quy mô lớn được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) (năm 2016 chỉ có một dự án có quy mô trên 1 tỷ USD, đó là Dự án LG Display Hải Phòng, cấp phép ngày 15/4/2016, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD do LG Display Co.,ltd (Hàn Quốc) đầu tư). Đồng thời theo dự kiến năm 2016 có 2 dự án lớn là dự án điện BOT Nghi Sơn 2, vốn 2,5 tỷ USD và dự án điện Vũng Áng 2, vốn 2,5 tỷ USD được cấp GCNĐKĐT, tuy nhiên 2 dự án này không có khả năng cấp phép trong năm nay mà phải sang năm 2017. Trong khi trong năm 2015 chỉ tính riêng các dự án quy mô trên 1 tỷ USD đã đóng góp tới 6,6 tỷ USD.

Bảng 1: Đầu tư nước ngoài theo các ngành năm 2016

Trong năm 2016 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 1.020 dự án đầu tư đăng ký mới, 861 lượt dự án điều chỉnh vốn và 290 dự án, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, tổng số vốn cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 15,53 tỷ USD, chiếm 63,7% tổng vốn đầu tư đăng ký trong cả năm. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy đứng thứ 2 với 505 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 1,899 tỷ USD, chiếm 7,79% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với 1,68 tỷ USD, chiếm 6,9% tổng vốn đầu tư.

Bảng 2: Vốn đầu tư nước ngoài tăng thêm trong năm 2016

Trong năm 2016, không kể các dự án đầu tư cho dầu khí, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 56 tỉnh thành phố, trong đó TP. Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) nhất với 836 dự án cấp mới, 222 lượt dự án điều chỉnh vốn và 1.935 dự án, tổ chức có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, tổng số vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm là 3,42 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 2,98 tỷ USD, chiếm 12,26%. Tiếp theo là TP. Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai với tổng số vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần lần lượt là 2,79 tỷ USD, 2,36 tỷ USD và 2,23 tỷ USD.

III. Đánh giá tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài

1. Lợi ích từ việc gia tăng FDI

- Tạo ra một phương thức thu hút đầu tư mới

Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, “khơi dậy” và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước. Giai đoạn 2011- 2015, FDI đã đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển, chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tỷ trọng đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong GDP tăng từ 2% (năm 1992) lên 20,1% (năm 2015).

- Thúc đẩy xuất nhập khẩu

Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong năm 2016 ước đạt 125,9 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 71,55% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô trong năm ước 2016 đạt 123,55 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ 2015 và chiếm 70,2% kim ngạch xuất khẩu.

Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tính trong năm 2016 ước đạt 102,2 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 58,9% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong năm 2016, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 23,7 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 21,35 tỷ USD không kể dầu thô.

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Hiện nay, 58,2% vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào lĩnh vựccông nghiệp chế biến chế tạo, tạo ratrên 50%giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông, dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin, thép, xi măng… Đầu tư nước ngoài góp phần nhất định vào việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu và tiếp thu một số công nghệ tiên tiến. Trong lĩnh vực dịch vụ, đầu tư nước ngoài đã tạo nên một số ngành dịch vụ chất lượng cao như ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, vận tải biển, logistic,khách sạn, văn phòng, căn hộ cho thuê....

- Nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế

Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó nâng cao trình độ công nghệ nền kinh tế. Từ một nước nông nghiệp, Việt Nam đã có những thay đổi tích cực, đặc biệt là trong một số ngành như dầu khí, điện tử,viễn thông, tin học, cơ khí chế tạo ô tô, xe máy và dệt may, giày dép. Trong đó viễn thông, dầu khí được đánh giá có hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài có tác động lan tỏa công nghệ đến các khu vực khác của nền kinh tế (tạo sức ép cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất).

2. Hạn chế và thách thức từ việc gia tăng FDI

- Tỷ lệ việc làm mới tạo ra chưa tương xứng

Trên thực tế, lao động làm việc trong khu vực có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài chỉ chiếm có 3,9% trong tổng số lao động có việc làm. Thu nhập bình quân của người lao động khu vực ĐTNN chỉ cao hơn chút ít so với khu vực tư nhân. Vẫn còn có nhiều vụ đình công, tranh chấp liên quan đến lao động, tiền lương. Theo thông tin từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phản ánh trên báo Dân trí thì trong hai tháng đầu năm 2016, khối doanh nghiệp FDI dẫn đầu với 20 cuộc đình công, chiếm 68,9% các cuộc đình công. Đặc biệt, cuộc đình công tại Công ty Pouchen VN (Công ty 100% vốn Đài Loan) tại Đồng Nai đã thu hút tới khoảng 17.000 công nhân tham gia đình công.

- Quy mô dự án không đồng đều, chủ yếu tập trung vào các dự án nhỏ

Bên cạnh các dự án đầu tư quy mô lớn, các dự án FDI là dự án quy mô nhỏ, số lượng dự án dưới 5 triệu USD vẫn chiếm tới 75,9% số dự án nhưng chỉ chiếm 5,7% tổngvốn đầu tư, dự án dưới 1 triệu USD chiếm 45,1% số dự án và chỉ 1% tổng vốn đầu tư.

- Xuất hiện việc doanh nghiệp đầu tư nước ngoài áp dụng thủ thuật chuyển giá, trốn thuế, vi phạm quy định về môi trường.

Nạn chuyển giá và trốn thuế đối với doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã không còn mới, báo cáo của Thanh tra Tổng cục Thuế mới đây cho thấy hầu như doanh nghiệp FDI nào bị kiểm tra cũng vi phạm về khai lỗ, trốn thuế. Điển hình như 2 công ty là CoCa-Cola Việt Nam (vốn đầu tư ban đầu là 2950 tỷ đồng) và PepsiCo Việt Nam (vốn đầu tư ban đầu hơn 1200 tỷ đồng), cả 2 công ty cùng thông báo lỗ, vì lỗ nên các doanh nghiệp không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh thu của Coca-Cola luôn tăng thêm từ 20-30%, kế hoạch đầu tư thêm 300 triệu USD tại Việt Nam, còn PepsiCo thì vẫn liên tục mở rộng đầu tư, xây các nhà máy mới ở Đồng Nai (45 triệu USD), Bắc Ninh (73 triệu USD). Qua 2 công ty trên, có thể thấy được cơ quan thuế đã để thất thu số tiền lớn thế nào và chính sách quản lý của chúng ta như thế nào.

Không chỉ thất thu thuế, mà nhiều doanh nghiệp còn vi phạm quy định về môi trường. Vụ án mà được dư luận quan tâm gần đây không thể không kể đến là sự cố Formosa đề cập đến hiện tượng cá chết hàng loạt tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) bắt đầu từ ngày 6/4/2016, sau đó còn lan ra cả vùng biển 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Công ty Formosa đã thừa nhận và đền bù số tiền lên đến 500 triệu USD. Nhưng hậu quả của nó để lại ảnh hưởng đến môi trường là hết sức nặng nề, to lớn, ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển.

Có thể nói bên cạnh những kết quả đã đạt được như ở phần 1, Việt Nam cũng đã nhận diện ra những hạn chế, thách thức của khu vực đầu tư nước ngoài và đang tích cực có những giải pháp quyết liệt để khắc phục tình trạng này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2016. Trang thông tin điện tử Đầu tư nước ngoài

2. Thu hút đầu tư nước ngoài đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế bền vững của đất nước. Trang thông tin điện tử Đầu tư nước ngoài.

3. Tăng trưởng xuất khẩu: Vẫn dựa vào khối ngoại (thoibaokinhdoanh.vn).

4. Quan hệ lao động trong doanh nghiệp FDI: Những vấn đề đặt ra (tapchitaichinh.vn).

ATTRACTING FDI INTO VIETNAM IN 2016

Master. HOANG HIEU THAO

Hoang Hieu Thao

Faculty of Business Management, University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

Foreign direct investment (FDI) has significantly contributed to the economic growth of Vietnam. In 2016, Vietnam experienced a significant surge in FDI in terms of registered capital and disbursement. The total disbursement of FDI in Vietnam hit record at 15.8 billion USD in 2016 and up 9% on a yearly basis.

Keywords: Foreign direct investment (FDI), direct investment, economic growth.


Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây