Ngày 19/11, tại Hà Nội, Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và chống buôn lậu thuốc lá - những vấn đề đặt ra”.
Tọa đàm nhằm lắng nghe ý kiến đánh giá từ các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà quản lý từ các cơ quan Nhà nước và Hiệp hội về mối tương quan giữa tăng thuế và thuốc lá lậu, cũng như ghi nhận những đề xuất về mức tăng và lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội để hỗ trợ tốt nhất cho thực hiện các mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, dù các cơ quan Nhà nước đã có nhiều nỗ lực, tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp. Trong 10 tháng năm 2024 có đến 1.067 vụ vi phạm liên quan đến thuốc lá nhập lậu, 800 vụ bị xử lý, trong đó có 3 vụ chuyển hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 3,1 tỉ đồng và trị giá hàng hóa vi phạm là hơn 5,6 tỉ đồng. Số lượng bao thuốc và tương đương bị xử lý bao gồm 23.931 bao thuốc lá và 4.000 sản phẩm các loại như thiết bị, tinh dầu thuốc lá điện tử.
Chỉ ra nguyên nhân của thực trạng này, Thượng tá Lê Thiện Thành - Phó Trưởng phòng Hướng dẫn Điều tra, Cục Phòng, chống Ma túy và Tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cho hay, trong năm 2024 hoạt động buôn lậu, nhập lậu thuốc lá điếu ngoại, nguyên liệu thuốc lá không rõ nguồn gốc xuất xứ vào nước ta đang là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Trong bối cảnh đó, theo Thượng tá Lê Thiện Thành, cần có lộ trình, chính sách tăng thuế hợp lý, phù hợp thực tiễn, trong đó chủ động thực hiện hài hòa mục tiêu của Chính phủ đặt ra về hạn chế tiêu dùng. Lộ trình tăng thuế nên giãn ra để lực lượng Bộ đội Biên phòng và Quản lí thị trường có thêm thời gian để chuẩn bị kế hoạch và lực lượng nhằm ứng phó hiệu quả với thuốc lá lậu.
Đáng chú ý, ông Thành đề xuất cần sớm sửa đổi Nghị định 98/2020/NĐ-CP để ban hành chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc lá lậu, củng cố cơ sở pháp lý trong công tác phòng chống buôn lậu, cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp hợp pháp tồn tại.
Ông Tráng A Dương, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phân tích mối liên hệ giữa việc tăng thuế và tăng thuốc lá lậu. Nhìn lại năm 2016, Việt Nam tăng thuế từ 65% lên 70% và cũng trong năm này, số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ 6,8 triệu bao năm 2016 lên gần 7,5 triệu bao năm 2017. Năm 2019, khi tăng thuế từ 70% lên 75%, số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ gần 1,4 triệu bao năm 2019 lên hơn 5,1 triệu bao năm 2020 và lên gần 6,6 triệu bao năm 2021.
“Việc tăng thuế tất nhiên không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến tăng thuốc lậu, tuy nhiên khi suy xét lại các cột mốc kể trên, nếu tăng thuế theo lộ trình phù hợp sẽ giảm đi một nguy cơ quan trọng gia tăng việc buôn bán bất hợp pháp sản phẩm thuốc lá”, ông Tráng A Dương nhận định.
Theo ông Dương, các phương án tăng thuế cho thấy mức tăng cao và lộ trình tăng liên tục hằng năm có thể gây ra thách thức lớn cho ngành thuốc lá hợp pháp trong việc thích nghi, chuyển đổi và ổn định sản xuất, có thể tác động tiêu cực đến việc làm của người lao động và vấn đề an sinh xã hội. Đồng thời, để hỗ trợ công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá hiệu quả sau khi tăng thuế, lộ trình tăng thuế nên giãn ra, tần suất tăng thuế nên là 2 - 3 năm/lần để các cơ quan quản lí thị trường có thêm thời gian để lên kế hoạch và chuẩn bị lực lượng nhằm ứng phó với thuốc lá lậu sau khi thuế tăng.
Cũng tại Tọa đàm, phân tích mối tương quan thuế và thuốc lá lậu, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch VTCA cho biết, do thuế TTĐB nằm trong giá bán, tăng thuế TTĐB sẽ tăng tỷ lệ thuế cơ cấu trong giá bán lẻ thuốc lá. Giá bán cao để giảm thiểu người hút thuốc lá, đặc biệt là hạn chế thế hệ trẻ tiếp cận với thuốc lá, hướng đến đảm bảo sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu các căn bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là liên quan đến hô hấp, ung thư phổi.
Tuy nhiên, khi giá bán trong nước cao là cơ hội cho thuốc lá lậu. Điều này sẽ gây ra thiệt hại nặng nề cho ngành thuốc lá, các doanh nghiệp có thể phá sản trong thời gian ngắn khi doanh thu sụt giảm khoảng 32%-35%.
Trong khi đó, ông Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng đến thời điểm hiện nay, việc tăng thuế cần bảo đảm có lộ trình hợp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp thuốc lá trong nước có thời gian thích nghi và ổn định sản xuất, từ đó giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực việc làm của người lao động trong toàn chuỗi giá trị của ngành, đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời hỗ trợ sử dụng nguồn vốn Nhà nước hiệu quả đối với những doanh nghiệp sản xuất thuốc lá có vốn đầu tư Nhà nước.
“Với bản chất thuế TTĐB áp dụng để điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, cần có đánh giá định lượng xem xét liệu việc tăng thuế TTĐB lên mặt hàng thuốc lá có thực sự khiến giảm số lượng người hút thuốc, hay lại đẩy người tiêu dùng tìm đến các loại thuốc lá lậu, giá rẻ, chất lượng không đảm bảo” ông Hiếu nhấn mạnh.
Dự kiến, tại đợt 2 kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra tại Hà Nội vào ngày 20/11/2024, Quốc hội sẽ cho ý kiến 13 dự luật, trong đó có dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Tại Dự luật, Chính phủ đề xuất 2 phương án: giữ nguyên tỷ lệ thuế suất hiện hành 75% và cộng 2.000 đồng/bao cho phương án 1, và 5.000 đồng/bao cho phương án 2, sau đó tiếp tục tăng hàng năm, hướng đến mục tiêu tăng thuế tuyệt đối tới 10.000 đồng/bao vào năm 2030.
Theo ý kiến các đại biểu tham gia Tọa đàm, khi cân nhắc giữa hai phương án tăng thuế của Chính phủ, phương án 1 là cách tiếp cận hợp lý hơn, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến các chủ thể liên quan so với phương án 2. Tuy nhiên, mức tăng nên thấp hơn đề xuất hiện nay và lộ trình tăng thuế nên được giãn ra một cách phù hợp hơn, không nên tăng liên tục hằng năm, nhằm giúp ngành thuốc lá hợp pháp có đủ thời gian chuyển đổi và thích nghi, cũng như có thời gian lên kế hoạch và đầu tư vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm.
Những đại biểu tham dự Tọa đàm cũng đồng tình rằng, khi công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá tại Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp, chính sách thuế đối với thuốc lá hợp pháp cần được điều chỉnh hợp lý - cân nhắc tới phương án đề xuất của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam để làm giảm động lực của những người buôn lậu, từ đó đảm bảo nguồn thu NSNN bền vững. Song song với tăng thuế hợp lý, cần tăng cường công tác chống buôn lậu hiệu quả và kết hợp nhiều biện pháp khác, như: giúp đỡ để bỏ thuốc lá, tăng cường cảnh báo về sự nguy hiểm của thuốc lá...nhằm góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ về giảm tỷ lệ hút thuốc.