Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Mỹ

Ngày 18/11/2024, Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Mỹ đã chính thức khai mạc tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil.

Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Mỹ là hoạt động quan trọng của Bộ Công Thương nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong công tác Thương vụ thời gian qua và thảo luận những định hướng, nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thời gian tới, góp phần đẩy mạnh hoạt động kinh tế - thương mại, công tác thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đến các nước trong khu vực và thế giới.

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, cùng các Tham tán Thương mại, các Trưởng cơ quan Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại khu vực châu Mỹ và Lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng của Bộ Công Thương.

Ngày 18/11/2024, Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Mỹ đã chính thức khai mạc tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu trực tuyến khai mạc Hội nghị tại Hà Nội

Phát biểu trực tuyến khai mạc Hội nghị từ Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những kết quả hoạt động của hệ thống Thương vụ đã đạt được trong thời gian vừa qua tại thị trường châu Mỹ - địa bàn có những đối tác xuất khẩu chiến lược hàng đầu của Việt Nam, đồng thời cũng là khu vực Việt Nam đang ưu tiên nỗ lực mở rộng hợp tác về mọi mặt, chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại...

Điểm lại tình hình thế giới nổi bật thời gian qua, những cơ hội và thách thức trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá sâu những kết quả đạt được, những hạn chế, yêu kém và nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm; đồng thời, đánh giá, nhận diện những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức tại thị trường châu Mỹ thời gian tới và những thay đổi trong chính sách của nước sở tại để tham mưu cho Bộ và Chính phủ có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời nhằm bảo đảm lợi ích cao nhất của quốc gia.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Hội nghị cần tìm ra các giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về thị trường và phổ biến thông tin thị trường; các biện pháp thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại, đa đạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu và đẩy mạnh đưa hàng Việt Nam vào các chuỗi phân phối tại khu vực châu Mỹ nhằm khai thác tối đa tiềm năng các thị trường và phát huy vai trò cộng đồng người Việt trong việc đẩy mạnh xuất khẩu; các giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, năng lượng giữa Việt Nam với các đối tác tại khu vực châu Mỹ; tận dụng những cơ chế Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban Hỗn hợp, các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp công nghệ cao.

Ngày 18/11/2024, Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Mỹ đã chính thức khai mạc tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil.
Khung cảnh Hội nghị tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Hội nghị đã tập trung đánh giá hiện trạng, xu hướng chính sách kinh tế, thương mại tại khu vực châu Mỹ, những tác động đến Việt Nam, những vấn đề đặt ra trong thời gian tới và trao đổi để đưa ra các khuyến nghị về chiến lược, các biện pháp phát triển thị trường khu vực châu Mỹ cho giai đoạn 2024 - 2026 và các năm tiếp theo.

Trong các phiên họp, Hội nghị cũng thảo luận và trao đổi về kinh nghiệm triển khai và khả năng xây dựng các khung hợp tác mới về kinh tế và thương mại, cơ hội và thách thức với các quốc gia cũng như với những thay đổi mới của khu vực, các giải pháp nhằm tăng cường kết nối kinh tế, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ mới. Đồng thời, công tác vận động chính sách, tháo gỡ rào cản thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại phục vụ doanh nghiệp cũng là những chủ đề ưu tiên tại kỳ họp năm nay.

Phát biểu chỉ đạo kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, khung hợp tác để tận dụng cơ hội do hội nhập đem lại, thúc đẩy việc tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, cũng như tham gia hình thành các chuỗi giá trị mới, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các Thương vụ và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng chỉ đạo các Thương vụ cần tập trung vào 06 nhóm nhiệm vụ chính gồm:

Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Chính phủ và chính sách, pháp luật của nhà nước; các đề án, chiến lược phát triển và quy hoạch ngành quốc gia; chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ … để chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của mình.

Hai là, tăng cường nắm bắt, đánh giá tình hình quốc tế và tại địa bàn phụ trách; và những thay đổi trong chính sách của nước sở tại để nhanh chóng tham mưu cho Bộ và Chính phủ có phản ứng và chính sách phù hợp nhằm bảo đảm lợi ích cao nhất của quốc gia, dân tộc.  Đồng thời, làm tốt công tác tham mưu các cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu phù hợp với diễn biến thực tế; dự báo tình hình, cung cấp thông tin cho các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trong nước để có những điều chỉnh cần thiết trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình.

Ba là, làm tốt chức năng xúc tiến thương mại và đầu tư giữa các hiệp hội doanh nghiệp trong nước với nước ngoài, đặc biệt chú ý khai thác lợi thế và nhu cầu của mỗi bên trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu và khai thác hiệu quả dữ liệu của do các Thương vụ cung cấp.

Bốn là, tăng cường công tác nghiên cứu tiền khả thi và đẩy mạnh vận động các nước châu Mỹ đàm phán các thỏa thuận ưu đãi thương mại với Việt Nam, trong đó ưu tiên các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với độ mở cao phù hợp với thực tiễn kinh tế song phương và trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Năm là, chủ động nắm bắt tình hình, tiếp tục chú trọng công tác phòng vệ thương mại trước xu hướng gia tăng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các Đề án lớn về phòng vệ thương mại để tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu, đồng thời tích cực tập trung xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại hoặc xử lý tranh chấp giữa các doanh nghiệp.

Sáu là, tập trung vận động, thu hút đầu tư, kết nối hợp tác của các nước với Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; công nghiệp trọng điểm, công nghệ lõi, năng lượng mới…; chú trọng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường để có thể giúp tạo ra năng lực sản xuất mới.

thành phố Rio de Janeiro, Brazil
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân yêu cầu trong thời gian tới các Thương vụ cần nỗ lực phát huy vai trò của mình, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh vai trò quan trọng của các Thương vụ khi là đại diện cho Bộ Công Thương trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế; khai thác hiệu quả các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các hiệp định thương mại tự do, phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng cũng yêu cầu trong thời gian tới các Thương vụ cần nỗ lực phát huy vai trò của mình, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động Thương vụ, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Tham tán thương mại, trưởng các cơ quan Thương vụ, xây dựng hệ thống Thương vụ Chuyên nghiệp - Chính quy - Hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu công việc, phục vụ tốt nhất cho cộng động doanh nghiệp, góp phần hoàn thành các mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã giao cho ngành Công Thương.

Năm 2023, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và khu vực châu Mỹ đạt gần 137,7 tỷ USD, giảm 10,5% so với năm 2022 và chiếm tỷ trọng 20,2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường các nước châu Mỹ trong năm 2023 đạt 91,3 tỷ USD.

10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với khu vực châu Mỹ đã có phục hồi đáng kể, đạt hơn 136,5 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó xuất khẩu đạt hơn 114,9 tỷ USD, tăng 22,3%; nhập khẩu từ châu Mỹ đạt 21,6 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2023, thặng dư thương mại đạt 93,3 tỷ USD.

- Về xuất khẩu: xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ năm 2023 đạt 114,5 tỷ USD giảm 10,7% so với năm 2022. Trong đó, Hoa Kỳ là đối tác hàng đầu với kim ngạch xuất khẩu đạt 97,02 tỷ USD, giảm 11,3% so với năm 2022; tiếp đến là nhóm các nước CPTPP với 11,69 tỷ USD (giảm 10,9%) và Khối MERCOSUR với 3,6 tỷ USD (tăng 9,1%). Trong năm 2023 tỷ trọng xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ chiếm 32,3% tổng xuất khẩu của cả nước.

Trong 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam với các nước châu Mỹ lấy lại đà tăng trưởng mạnh, đạt 114,9 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm 2023. Hoa Kỳ, các nước thành viên CPTPP và Khối MERCOSUR tiếp tục là những đối tác nhập khẩu nhiều hàng hóa Việt Nam nhất, lần lượt đạt 98,7 tỷ USD (tăng 24,6%); 11,3 tỷ USD (tăng 15,4%) và 2,8 tỷ USD (giảm 9,3%). Trong 10 tháng đầu năm 2024 tỷ trọng xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ chiếm 34,2% tổng xuất khẩu của cả nước.

- Về nhập khẩu: kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực châu Mỹ trong năm 2023 đạt 23,1 tỷ USD, giảm 9,7% so với năm 2022. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam là Hoa Kỳ đạt 13,8 tỷ USD (giảm 4,5%), Khối MERCOSUR đạt 7,3 tỷ USD (giảm 16,9%), các nước thành viên CPTPP đạt 1,8 tỷ USD (giảm 10,8%)...

Trong 10 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu từ châu Mỹ đạt 21,6 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2023. Hoa Kỳ, Khối MERCOSUR và các nước thành viên CPTPP tiếp tục là những đối tác quan trọng với kim ngạch lần lượt đạt 12,2 tỷ USD (tăng 7,9%); 7,4 tỷ USD (tăng 20,9%) và 1,8 tỷ USD (tăng 15,3%).

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết và thực thi 03 hiệp định ưu đãi thương mại với các quốc gia khu vực châu Mỹ, bao gồm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Chile, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP (04 quốc gia châu Mỹ là thành viên gồm Canada, Mexico, Peru và Chile) và Hiệp định thương mại Việt Nam – Cuba.

Việt Nam hiện đang duy trì các cơ chế hợp tác và đối thoại song phương trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và khoa học kỹ thuật với nhiều đối tác quan trọng tại khu vực châu Mỹ như Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư với Hoa Kỳ, các Ủy ban liên Chính phủ với Argentina, Peru, Venezuela và Cuba, các Ủy ban Hỗn hợp với Canada, Brazil, Uruguay, Mexico và Colombia và Hội đồng Thương mại tự do với Chile.

Huyền My - Tiến Thành