Theo Cổng Thông tin Bộ Công Thương, chiều 17/11/2024, tại thành phố Cà Mau, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 - 2025. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham gia đoàn công tác và phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Cà Mau là đất cực Nam của Tổ quốc, có 3 mặt giáp biển với bờ biển dài gần 255 km, có phù sa bồi đắp quanh năm với hệ sinh thái rừng ngập mặt đa dạng sinh học (với diện tích trên 90 ngàn ha, là rừng ngập mặn lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau rừng ngập mặn Amazon Nam Mỹ). Cà Mau cũng là xứ sở của lúa gạo, trái cây, các loại thủy sản, là vùng đất của đầy nắng và gió. Vì thế, Cà Mau có tiềm năng trong các lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản và các sản phẩm lượng thực, thực phẩm; có thế mạnh để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng khí và công nghiệp hóa dầu. Đặc biệt, Cà Mau có tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, dịch vụ nhất là dịch vụ du lịch sinh thái kết hợp với thương mại, qua đó phát triển mô hình xuất khẩu tại chỗ.
Nhận thức được tiềm năng và thế mạnh đó, những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Cà Mau đã lãnh đạo đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhận định, do hạ tầng giao thông còn hạn chế, bị chia cắt bởi sông ngòi kênh rạch, và còn thiếu cơ chế chính sách phù hợp; hơn thế nữa, thời gian gần đây, Cà Mau còn bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng sạt lở, sụt lún, xâm nhập mặn…diễn ra gay gắt. Vì thế, tỉnh chưa có sự bứt phá trong khai thác, phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của mình để phát triển kinh tế.
Bộ trưởng đồng tình với những phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đề ra trong thời gian tới. Dưới góc độ ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất một số giải pháp nhằm khai thác, phát huy tốt hơn những lợi thế sẵn có để thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Cà Mau.
Theo đó, Bộ trưởng đề nghị Cà Mau khẩn trương tập trung quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và cấp mã số vùng trồng cũng như chú ý nâng cao chất lượng những sản phẩm nuôi trồng trên địa bàn. Cùng với đó, tỉnh cần đẩy mạnh hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản có khả năng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ sạch để làm đầu kéo và hỗ trợ cho các hộ sản xuất chế biến, đủ điều kiện để xuất khẩu chính ngạch, bởi đây là những sản phẩm thế mạnh của Cà Mau rất có tiềm năng để thâm nhập vào các thị trường mà Việt Nam đã ký FTA. Bộ Công Thương sẵn sàng hỗ trợ Cà Mau trong lĩnh vực này, Bộ trưởng khẳng định.
Bên cạnh đó, đề nghị tỉnh chú trọng mở rộng phát triển mạnh diện tích rừng ngập mặn để đạt mục tiêu kép vừa chống biến đổi khí hậu, vừa phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt là có thể khai thác phát triển thị trường tín chỉ carbon, đồng thời kết hợp phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời và điện gió.
Bộ trưởng cũng đề nghị Cà Mau khẩn trương rà soát điều chỉnh Quy hoạch tỉnh phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch ngành Quốc gia. Đồng thời xây dựng điều chỉnh kế hoạch để sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư mới. Quan tâm tạo điều kiện để thu hút các dự án trọng điểm trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản, nhất là các dự án khai thác chế biến khí và các sản phẩm hóa dầu, nhiên liệu mới (hydrogen xanh, amoniac xanh, pin năng lượng sạch).
Bộ trưởng lưu ý, tỉnh cần quan tâm quy hoạch thu hút đầu tư các dự án logistics, sân bay, bến cảng, các điểm nút giao thông để xây dựng các kho bãi tập kết hàng hóa, cơ sở bảo quản, sơ chế sản phẩm v.v. để hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh. Đồng thời chú trọng phát triển hạ tầng thương mại truyền thống (chợ, siêu thị) và quản lý thật tốt thương mại điện tử, các hoạt động xúc tiến thương mại và khai thác hiệu quả thị trường nội địa, thị trường Trung Quốc, ASEAN, các thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal, bởi sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương rất phù hợp với nhu cầu, thị hiếu, tại những thị trường này.
Về đề xuất của tỉnh trong việc phát triển điện gió ngoài khơi để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ Công Thương đồng tình và thống nhất cao với đề xuất này bởi các lý do: Cà Mau có tiềm năng lớn về nắng, gió nhất là bờ biển dài 255km và thềm lục địa rất rộng 72.000 km2, có 3 mặt giáp biển. Hơn thế nữa, Luật Điện lực sửa đổi sẽ được thông qua cùng với lần điều chỉnh theo kỳ của Quy hoạch Điện VIII (từ đầu năm 2025) sẽ cho phép phát triển không giới hạn năng lượng tái tạo để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nếu đáp ứng các tiêu chí về mặt kỹ thuật và quốc phòng an ninh. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh ủng hộ Bộ Công Thương thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), đồng thời phối hợp với Bộ vận hành các thủ tục cần thiết cho việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, thu hút đầu tư điện gió ngoài khơi và xuất khẩu năng lượng sạch.
Đề nghị tỉnh quan tâm, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan để phát triển, khai thác thị trường tín chỉ carbon. Ngoài ra, Cà Mau cũng có nhiều sản phẩm hàng hóa từ rừng, biển như: mật ong, tôm cá để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ và một số thị trường phát triển khác, song cần chú ý về các quy định về đánh bắt bất hợp pháp, chống phá rừng của các thị trường xuất khẩu, do vậy tỉnh cần công bố sớm các quy hoạch về vùng trồng, vùng nuôi, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm hàng hóa.
Đối với đề xuất Phát triển trung tâm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, đến ngày 31/12/2027, Thỏa thuận hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí trong khu vực chồng lấn trên biển giữa Việt Nam - Malaysia sẽ hết hiệu lực. Tuy nhiên, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt nam đã có kiến nghị và Bộ Công Thương đã hoàn tất các thủ tục để điều chỉnh thời gian kéo dài thời gian thỏa thuận trên đến năm 2048, như vậy Cà Mau sẽ có điều kiện để tiếp tục khai thác phát triển công nghiệp khí, hóa dầu, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.