Sau 2 năm dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, làm ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động cung ứng cũng như tiêu thụ các sản phẩm hàng hoá, đặc biệt là sản phẩm hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng của mình qua các kênh phân phối khác.
Bên cạnh việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua các kênh phân phối lớn nhỏ trong nước và qua các kênh thương mại điện tử, việc tận dụng các hoạt động văn hoá - du lịch đã hỗ trợ rất nhiều cho việc phát triển thương mại và tiêu thụ sản phẩm khu vực này.
Đây được coi là một kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hoá rất tiềm năng, thông qua những tuần hàng, lễ hội văn hoá hay chương trình kích cầu du lịch đã thu hút rất nhiều khách tiêu dùng trong nước và quốc tế đến trải nghiệm trực tiếp sản phẩm.
Qua đó, không chỉ quảng bá truyền thống văn hoá đặc sắc của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mà còn thu hút nhiều hơn lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá của bà con dân tộc, nâng cao chất lượng đời sống và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Từ những kinh nghiệm thực tiễn của địa phương, doanh nghiệp đã gắn phát triển văn hoá - du lịch với hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khu vực này như thế nào? Và giải pháp nào để tận dụng hơn nữa lợi thế từ các hoạt động trải nghiệm văn hoá du lịch trong tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi?
Vấn đề này sẽ được làm rõ hơn trong Toạ đàm ngày hôm nay của Tạp chí Công Thương với chủ đề “Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua phát triển văn hoá - du lịch”.
Tham dự Tọa đàm có các vị khách mời:
- Ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang;
- TS Nguyễn Minh Phong, Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội;
- Ông Võ Văn Tài, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Lan Rừng.
Nội dung Tọa đàm tập trung vào các vấn đề:
(i) Kinh nghiệm thực tiễn của địa phương, doanh nghiệp trong việc sử dụng các hoạt động văn hoá - du lịch để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;
(ii) Tiềm năng, triển vọng của việc gắn tiêu thụ sản phẩm hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với phát triển văn hoá - du lịch;
(iii) Giải pháp, định hướng trong thời gian tới để vừa phát triển văn hoá - du lịch vừa hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thông qua những góp ý, đề xuất giải pháp của chuyên gia kinh tế, địa phương, doanh nghiệp nhằm tận dụng hiệu quả các lợi thế của hoạt đông văn hoá - du lịch, hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh xây dựng thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, qua đó thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm du lịch và sản phẩm hàng hoá địa phương, nâng cao chất lượng đời sống của bà con ở khu vực này và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.