[TỔNG THUẬT TỌA ĐÀM] Phòng vệ thương mại: Góc nhìn từ các vụ việc điều tra với ngành hàng tấm pin năng lượng mặt trời

Tại Tọa đàm do Tạp chí Công Thương thực hiện sáng 27/12, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia và địa phương đã tập trung thảo luận về: Xu hướng, hình phát triển của ngành pin năng lượng mặt trời, những nguy cơ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với ngành hàng này và những điểm đáng lưu ý về các biện pháp phòng vệ thương mại từ góc nhìn của ngành tấm pin năng lượng mặt trời…
Toạ đàm “Phòng vệ thương mại: Góc nhìn từ các vụ việc điều tra với ngành hàng tấm pin năng lượng mặt trời” do Tạp chí Công Thương tổ chức sẽ được phát trực tuyến trên nền tảng Tạp chí Công Thương điện tử và Fanpage Tự hào hàng Việt Nam vào 9h30 ngày 27/12/2024.
Khung cảnh Tọa đàm "Phòng vệ thương mại: Góc nhìn từ các vụ việc điều tra với ngành hàng tấm pin năng lượng mặt trời" do Tạp chí Công Thương thực hiện sáng 27/12/2024

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), chi tiêu cho năng lượng mặt trời đang có xu hướng phát triển mạnh, vượt xa chi tiêu cho sản xuất dầu trong những năm gần đây. Đây cũng  là cơ hội lớn đối với lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu pin năng lượng mặt trời của thế giới nói chung và của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Việt Nam hiện được đánh giá là quốc gia có năng lực lớn trong sản xuất và xuất khẩu tấm pin năng lượng mặt trời, bắt kịp xu hướng phát triển của ngành năng lượng xanh trên toàn cầu.

Tuy nhiên, cùng với các cơ hội sản xuất và xuất khẩu, đây cũng là điều kiện gia tăng mạnh mẽ các biện pháp phòng vệ thương mại với ngành hàng này. Riêng với Hoa Kỳ, thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn tấm pin năng lượng mặt trời đồng thời cũng là thị trường rất tích cực trong việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hiện đang bị áp dụng cả 4 biện pháp phòng vệ thương mại với ngành sản xuất này của Việt Nam.

Vậy các doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời cần lưu ý như thế nào để hạn chế bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại?

Và từ vụ việc điển hình của ngành hàng có xu hướng phát triển này, chúng ta có thêm bài học kinh nghiệm nào để áp dụng với các ngành sản xuất công nghiệp có tiềm năng xuất khẩu lớn trong thời gian tới?

Vấn đề này sẽ được chia sẻ tại Tọa đàm ngày hôm này do Tạp chí Công Thương phối hợp với Cục phòng vệ thương mại tổ chức.

Tọa đàm với chủ đề: Phòng vệ thương mại: Góc nhìn từ các vụ việc điều tra với ngành hàng tấm pin năng lượng mặt trời.

Tới dự Tọa đàm có sự tham gia của các vị khách mời. Xin trân trọng giới thiệu:

- Bà Nguyễn Yến Ngọc, Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương

- Ông Vũ Thanh Hải, Chuyên gia Viện Năng lượng (Bộ Công Thương)

- Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang

- Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại - Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ (trực tuyến)

Xin cảm ơn các vị khách mời đã đến với Tọa đàm của Tạp chí Công Thương ngày hôm nay. Và trước khi bắt đầu Chương trình, xin mời quý vị cùng theo dõi một phóng sự do Tạp chí Công Thương tổng hợp.

BTV Huyền My: Quay trở lại với trường quay của Tạp chí Công Thương. Câu hỏi đầu tiên xin được hỏi Ông Vũ Thanh Hải, Chuyên gia Viện Năng lượng (Bộ Công Thương):

Xin ông cho biết xu hướng phát triển và đặc điểm các thị trường nhập khẩu chính của ngành tấm pin năng lượng mặt trời hiện nay?

Ông Vũ Thanh Hải - Chuyên gia Viện Năng lượng, Bộ Công Thương:

Như chúng ta đã biết, hiện nay trên thị trường thế giới, sản phẩm tấm pin năng lượng mặt trời đang được sử dụng rất rộng rãi với quy mô lớn và công nghệ chế tạo tấm pin đang được cập nhật và phát triển rất nhanh, hiệu suất của các tấm pin này ngày càng được nâng cao. Trong thị trường này, Trung Quốc nổi bật lên như một bên vừa có nghiên cứu phát triển công nghệ vừa là nước có nền sản xuất phát triển. Còn về thị trường, hiện nay ở trên thế giới có 4 xu hướng thị trường chính: thị trường nhập khẩu (như là Mỹ, Liên minh Châu Âu, Ấn Độ) các nước đang phát triển (như ở châu Phi, các nước ở Đông Nam Á trong đó có chúng ta, Việt Nam).

Hiện tại, như ở Hoa Kỳ vào năm 2023 đã lắp đặt 430 GW và dự kiến cuối năm 2024 sẽ đạt 550 GW, nghĩa là sản lượng rất lớn liên quan đến lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời. Tương tự như vậy, Ấn Độ và Trung Quốc cũng là thị trường trong năm 2023 và 2024 này lắp đặt lên đến hàng trăm GW tấm pin năng lượng mặt trời.

Và các công nghệ cũng rất phát triển, chẳng hạn, trước đây, công nghệ truyền thống là dùng nguyên liệu polysilicon làm nguyên liệu để làm tấm pin thì hiệu suất còn bị hạn chế mặc dù độ bền cao. Hiện nay, trên thế giới đã có tấm pin công nghệ mới như tấm pin năng lượng mặt trời sử dụng hai mặt dạng như là TOPCon, hay là mono tức là đơn tinh thể silicon Mono PERC thì đảm bảo năng lượng cao hơn, hiệu suất thu năng lượng mặt trời cao và bền. Và hiện nay, các nước nhu cầu nhập khẩu cao và họ cũng đòi hỏi tiêu chuẩn sản xuất cũng như thông số về kỹ thuật cao. Thì đấy là một số xu hướng chính về công nghệ và tiêu chuẩn liên quan đến thị trường nhập khẩu.

Phòng vệ thương mại: Góc nhìn từ các vụ việc điều tra với ngành hàng tấm pin năng lượng mặt trời
Ông Vũ Thanh Hải - Chuyên gia Viện Năng lượng, Bộ Công Thương

BTV Huyền My: Tác động của những yếu tố trên tới đặc điểm phát triển ngành sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Thanh Hải - Chuyên gia Viện Năng lượng, Bộ Công Thương:

Đối với thị trường ở Việt Nam thì các công ty hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời chủ yếu là các doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp của chính các công ty nội địa Việt Nam thì không có nhiều. Chẳng hạn như doanh nghiệp lớn ta có thể kể đến như Bách Khoa Solar, thì năng lực sản xuất hàng năm của họ có thể lên đến 300 MW. Trong khi các doanh nghiệp FDI, chẳng hạn như doanh nghiệp của Trung Quốc, năng lực của họ có thể lên đến 3-5 GW một năm thì đó là một yếu tố áp đảo, tính đặc thù. Các doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn vào thị trường sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời thì cần phải tập trung, tìm cách chuyển giao công nghệ, mua công nghệ của nước ngoài làm sao để sản phẩm của Việt Nam có tính cạnh tranh thứ nhất là về công nghệ, thứ hai là về giá thành để có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp FDI.

Còn về tổng thể công nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam không phân biệt doanh nghiệp nội địa hay doanh nghiệp FDI thì hiện nay rất phát triển. Tuy rằng, việc sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời này còn một số vấn đề, có thể gọi là rủi ro, nhưng không hẳn nhưng là vấn đề chúng ta cần quan tâm về chính sách và thị trường nhập khẩu. Họ sẽ có những chế tài hay biện pháp bảo hộ thị trường trong nước phát triển của họ hoặc để đảm bảo tiêu chuẩn để họ nhập về và phát triển trong nước. Đó là vấn đề cần lưu ý và nó có một độ rủi ro nhất định nên việc phối hợp từ Nhà nước cho tới doanh nghiệp phải nhịp nhàng, chặt chẽ để chúng ta vượt qua được và phát huy thế mạnh của mình để xuất khẩu và phát triển sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời một cách có hiệu quả nhất.

BTV Huyền My: Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của nhu cầu sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời cho chúng ta thấy đây là một ngành hàng xuất khẩu tiềm năng. Nhưng đây cũng là ngành bị áp dụng các biện pháp phòng vệ rất cao.

Thưa bà Nguyễn Yến Ngọc, thời gian qua xu hướng điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hiện gia tăng như thế nào?

Bà Nguyễn Yến Ngọc, Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương:

Năm 2024 tiếp tục chứng kiến xuất khẩu của Việt Nam trên đà tăng trưởng do đó các mặt hàng của chúng ta cũng phải đổi mặt với xu hướng bảo hộ của các nước nhiều hơn trong đó xu hướng áp dùng phòng vệ thương mại. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta.

Nếu tính đến hết năm 2024, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam hiện đã phải đối mặt với khoảng 273 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ các thị trường và đến nay, theo chúng tôi thống kê đã có 25 thị trường tiến hành điều tra phòng vệ thương mại đối với chúng ta. Và trong những năm gần đây, có một số thị trường mới lần đầu tiên tiến hành điều tra chúng ta, ví dụ như thị trường Mexico đã bắt đầu điều tra chúng ta từ năm 2021 khi Hiệp định Đối tác Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPPP) bắt đầu có hiệu lực. Hay là trong năm 2024 thì lần đầu tiên thị trường Nam Phi tiến hành điều tra một vụ việc phòng vệ thương mại đối với chúng ta. Và nếu chỉ tính riêng năm 2024 thì con số các vụ việc phòng vệ thương mại mới do nước ngoài khởi xướng là 29 vụ việc, đây là con số cao thứ 2 trong lịch sử và chỉ thấp hơn năm 2020 là 39 vụ việc. Những con số điều tra mới trong năm 2024 đã tăng gấp đôi so với năm 2023. Điều này cho thấy xu hướng điều tra phòng vệ thương mại sẽ còn có thể gia tăng trong thời gian tới.

Có một điều đặc biệt đáng lưu ý là về những mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại, nếu như trước đây chúng ta chỉ nghĩ rằng chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn hay các mặt hàng công nghiệp có tính cạnh tranh mạnh trên thế giới, cạnh tranh mạnh với các nước thì mới có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại như mặt hàng pin năng lượng mặt trời, chúng ta xuất khẩu sang Hoa Kỳ 4,2 tỷ USD, thì trong năm 2024 chúng ta đã chứng kiến xu hướng khác đó là thậm chí các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp, nhỏ như ngành đĩa giấy chỉ có 9 triệu USD thôi cũng bị điều tra phòng vệ thương mại. Điều này khiến các doanh nghiệp của chúng ta phải hết sức lưu ý, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa.

BTV Huyền My: Quay lại với ngành hàng có nhiều tiềm năng này. Được biết, thời gian qua Cục Phòng vệ thương mại đã từng cảnh báo về việc mặt hàng tấm pin năng lượng mặt trời của Việt Nam có nguy cơ bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt tại thị trường Hoa Kỳ.

Vì sao chúng ta có những cảnh báo này? Và hiện mặt hàng này đang bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Yến Ngọc, Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương:

Trong bối cảnh thế giới đang chuyển sang xu hướng sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch và Trung Quốc là nước thường xuyên bị cáo buộc về dư thừa năng suất, dư thừa nguồn cung về năng lượng sạch thì chúng tôi nhận định rằng, bởi vì theo chúng tôi nhận định tại Hoa Kỳ, ngành năng lượng mặt trời là một trong những ngành thường xuyên được bảo hộ, cũng như là ngành nhạy cảm, sử dụng nhiều lao động, do đó, chúng tôi đánh giá rằng đây là ngành có nhiều khả năng bị tiến hành điều tra phòng vệ thương mại. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam về năng lượng mặt trời như các quý vị đã được nghe, chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Chúng tôi đã thu thập được thông tin từ các luật sư, cơ quan thương vụ của Hoa Kỳ để có thông tin sớm. Do đó, chúng tôi đã đưa mặt hàng pin năng lượng mặt trời vào danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại từ năm 2021.

Phòng vệ thương mại: Góc nhìn từ các vụ việc điều tra với ngành hàng tấm pin năng lượng mặt trời
Bà Nguyễn Yến Ngọc, Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương

Đến nay, theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại, mặt hàng pin năng lượng mặt trời đã bị 3 nước tiến hành điều tra các biện pháp phòng vệ thương mại. Thứ nhất là Ấn Độ như chúng ta được xem trong phóng sự, Ấn Độ điều tra chúng ta về biện pháp chống bán phá giá năm 2021 tuy nhiên may mắn là sau đấy bên nguyên đơn đã rút đơn và chúng ta chấm dứt vụ việc đó. Tiếp theo, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với biện pháp chống bán phá giá với chúng ta vào năm 2023 và chúng ta đã có kết quả vụ việc là tất cả doanh nghiệp hợp tác trong vụ việc đều được mức thuế 0%, đây là kết quả rất tích cực.

Một thị trường cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh hơn là thị trường Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là nước đã tiến hành điều tra 3 biện pháp phòng vệ thương mại với chúng ta là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ và họ tiến hành điều tra mở rộng của các biện pháp trên là điều tra chống lẩn tránh về chống bán phá giá và chống trợ cấp. Đầu tiên, về lịch sử chúng ta có thể điểm lại, Hoa Kỳ đã điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp với pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc từ năm 2017, sau đó đến năm 2018 họ đã áp mức thuế tự vệ đối với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ toàn cầu, tức là gồm tất cả các nước chứ không riêng Trung Quốc nữa. Theo biện pháp tự vệ chỉ được áp dụng trong 4 năm (đến năm 2022) và họ đã tiếp tục gia hạn 1 lần là tới 2026. Tiếp tục năm 2021, ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ tiếp tục nộp đơn đề nghị điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mặt hàng pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam, Thái Lan và Malaysia với cáo buộc chúng ta sử dụng nguyên liệu chính từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, đơn đề nghị điều tra lúc đó đã bị cơ quan điều tra của Hoa Kỳ từ chối với lý do ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ đã nộp đơn nặc danh, không rõ danh tính. Sau đó, họ tiếp tục hoàn thiện đơn kiện ấy, đến năm 2022 thì một lần nữa ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ lại nộp đơn điều tra chống lẩn tránh, lần này họ đề nghị điều tra thêm với Campuchia. Sau đó, Hoa Kỳ đã tiến hành khởi xướng điều tra vụ việc. Đến năm 2023, Hoa Kỳ công bố kết quả điều tra chống lẩn tránh này, đối với Việt Nam chúng ta có 2 doanh nghiệp là bị đơn bắt buộc trong vụ việc, trong đó, một bị đơn đã được kết luận là không lẩn tránh, còn kết quả của bị đơn còn lại thì được áp dụng đối với tất cả DN khác là chúng ta bị coi là lẩn tránh. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp cung cấp được giấy tờ chứng nhận không sử dụng nguyên liệu chính của Trung Quốc thì doanh nghiệp vẫn có thể xuất sang bình thường mà không bị áp dụng biện pháp. Trên thực tế, các doanh nghiệp của chúng ta đều có thể cung cấp giấy chứng nhận nói trên để tiếp tục xuất khẩu sang Hoa Kỳ và xuất khẩu vẫn tăng trưởng. Phía Hoa Kỳ, họ rất có nhu cầu phát triển năng lượng sạch do đó họ vẫn có nhu cầu nhập khẩu đầu vào để phát triển ngành năng lượng sạch của họ. Vì thế, Tổng thống Joe Biden lúc đó đã đưa ra tuyên bố miễn thuế pin năng lượng mặt trời đến tháng 6/2024. Nghĩa là đến tháng 6/2024 chúng ta sẽ không phải chịu mức thuế nào kể cả đối với doanh nghiệp chưa cung cấp giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, đến năm 2024, ngành sản xuất trong nước lại tiếp tục yêu cầu điều tra thêm biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với pin năng lượng mặt trời và mặt hàng bị điều tra lần này, họ đã loại trừ những sản phẩm có nguyên liệu chính của Trung Quốc, tức là nếu sản phẩm sử dụng nguyên liệu chính của Trung Quốc sẽ bị áp dụng theo mức thuế đối với Trung Quốc, theo kết luận của vụ việc chống lẩn tránh. Còn những mặt hàng sử dụng nguyên liệu của Việt Nam, coi là hàng của Việt Nam sẽ bị điều tra và có thể sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang tiến hành. Hiện nay, như chúng ta đã xem trong phóng sự thì vụ việc mới có kết luận sơ bộ, đang tiếp tục điều tra, chưa có kết luận cuối cùng.

BTV Huyền My: Đến với một địa phương có nhiều nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, tỉnh Bắc Giang.

Thưa ông Phạm Công Toản, xin ông cho biết điểm nổi bật của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tấm pin năng lượng mặt trời tại Bắc Giang hiện nay?

Ông Phạm Công Toản - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang:

Đối với ngành hàng tấm pin năng lượng mặt trời ở Bắc Giang, có một vài điểm như sau:

Thứ nhất, 100% các dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời đều là doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ hai, số lượng doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời ở tỉnh Bằng Giang hiện nay là 14 doanh nghiệp với tổng mức đầu tư rất lớn, riêng vốn giải ngân khoảng hơn 2 tỷ USD.

Thứ ba, giá trị sản xuất rất cao, năm 2023, ngành hàng tấm pin năng lượng mặt trời đóng góp tới hơn 7 tỷ USD cho tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, đến năm 2024 đã giảm hơn 2 tỷ USD, xuống chỉ còn khoảng 4-5 tỷ USD.

Thứ tư, các doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời ở Bắc Giang được đầu tư rất bài bản từ nhà xưởng đến dây chuyền sản xuất rất đồng bộ và hiện đại.

Điểm cuối cùng là các doanh nghiệp sử dụng lao động chủ yếu là lao động có kỹ thuật và số lượng lao động ít hơn so với các doanh nghiệp điện tử khác.

BTV Huyền My: Hiện tại, một số doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của nước ta nói chung và của Bắc Giang nói riêng đang phải đối mặt với một số biện pháp phóng vệ thương mại từ thị trường nhập khẩu (ví dụ Hoa Kỳ).

Xin ông cho biết, doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của chúng ta và tỉnh Bắc Giang nói riêng đang đối mặt như thế nào trước nguy cơ gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại?

Ông Phạm Công Toản - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang:

Từ năm 2021 đến nay, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong các vụ việc phòng vệ thương mại. Riêng đối với vụ việc lần này, các doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại tỉnh Bắc Giang đã có sự sụt giảm rõ rệt, có những doanh nghiệp giảm đến trên 50% sản lượng, rất khó khăn. Nguyên liệu đầu vào tăng rất cao, cùng với đó là chi phí logistics - chi phí vận chuyển cũng rất cao thì đây là những điểm rất khó khăn. Khó khăn nữa là vấn đề nhận thức về phòng vệ thương mại, về các thị trường xuất khẩu của một số doanh nghiệp thì họ cũng chưa đề cao vấn đề thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại của các thị trường xuất khẩu, tức là họ vẫn coi nhẹ vấn đề này, ngay kể cả chúng tôi cũng đã thực hiện nhiều giải pháp như việc tổ chức các chương trình tập huấn mời Cục Phòng vệ thương mại hỗ trợ, nhưng khi cử đại diện đi dự họ cũng chỉ cử các đại biểu của Việt Nam như trợ lý tham dự  nên khi triển kahi các quy định của pháp luật về hội nhập kinh tế quốc tế thì chúng tôi cũng gặp khó khăn và doanh nghiệp cũng gặp khó khăn.

Khi tham gia vào các vụ việc như thế thì các doanh nghiệp tại Việt Nam họ chỉ sản xuất thôi, mọi sự quyết định là lại phải báo cáo về Tập đoàn, báo cáo về nhà đầu tư phía nước bạn rồi mới quyết định hợp tác với các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang cũng như hợp tác với Cục Phòng vệ thương mại, vì vậy, mỗi lần trao đổi cũng hết sức khó khăn.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều khó khăn thì tôi cũng xin được điểm lại một số khó khăn hiện nay và đang phải đối mặt trong các vụ việc phòng vệ thương mại.

Phòng vệ thương mại: Góc nhìn từ các vụ việc điều tra với ngành hàng tấm pin năng lượng mặt trời
Ông Phạm Công Toản - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang

BTV Huyền My: Xin kết nối với đầu cầu trực tiếp từ Hoa Kỳ.

Thưa ông Đỗ Ngọc Hưng, xin ông cho biết, vì sao thị trường Hoa Kỳ hay sử dụng các biện pháp PVTM và những đặc điểm chính của các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa kỳ với hàng hóa nhập khẩu Việt Nam hiện nay?

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Hoa Kỳ:

Có thể nói, Hoa Kỳ là một trong những nước thành viên WTO mà áp dụng một cách nhuần nhuyễn các biện pháp về điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Theo thống kê, hiện nay là Hoa Kỳ áp dụng cũng như khởi xướng điều tra đối với 70 vụ việc và riêng từ đầu năm 2024 đến nay thì đã tiến hành triển khai 10 vụ việc phòng vệ thương mại. Đối với các mặt hàng bị điều tra thì cũng rất là đa dạng, từ các mặt hàng nông nghiệp cho đến các mặt hàng công nghiệp.

Đối với các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn đến các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cũng rất khiêm tốn, như túi giấy rồi là các mặt hàng có kim ngạch chỉ khoảng 11 triệu USD. Hiện nay các vụ việc về điều tra phòng vệ thương mại được giao cho 2 cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ, bao gồm Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra về biên độ phá giá và trợ cấp; và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ điều tra về tự vệ và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. Do vậy, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng phải dàn trải nguồn lực trên cả 2 Mặt trận, nên có thể dẫ đến việc gặp khó khăn cũng như chưa đáp ứng được các yêu về cung cấp thông tin cũng như yêu cầu cung cấp, hỗ trợ, phối hợp điều tra trong quá trình diễn ra vụ việc. Hiện nay, các cơ quan của Hoa Kỳ cũng yêu cầu nhiều thông tin và dữ liệu từ nhiều năm trước. Do vậy khối lượng công việc rất lớn. Ví dụ như một số vụ việc thì thời gian lưu giữ hồ sơ tối thiểu phải 5 năm.

Về xu hướng về điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, có thể gói gọn đó là:

Thứ nhất, Hoa Kỳ do trong 10 tháng đầu năm 2024 theo thống kê của Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ thì Hoa Kỳ nhập siêu khoảng 1.000 tỉ USD, do vậy các biện pháp phòng vệ thương mại của chính quyền Hoa Kỳ cũng ngày càng gia tăng.

Thứ hai, Hoa Kỳ tăng cường điều tra kép cả về phá giá và trợ cấp.

Thứ ba, cơ quan của Hoa Kỳ luôn luôn áp dụng những thay đổi pháp luật mới vào các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gặp ngày càng nhiều khó khăn, đơn cử như gần đây các cơ quan điều tra của Hoa Kỳ đã áp dụng cách tính về trợ cấp xuyên biên giới cũng như các quy định liên quan đến vấn đề về lao động cũng như môi trường.

Nguyên nhân thì rõ ràng là thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ là rất lớn, do vậy cũng ảnh hưởng cạnh tranh trực tiếp đối với doanh nghiệp cũng như ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ. Thứ hai là hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng dần chiếm lĩnh được thị trường, với giá cả cũng cạnh tranh đã gây áp lực rất lớn đối với ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ. Thứ ba là các biện pháp thuế quan của Hoa Kỳ khiến cho chuỗi cung ứng bị thay đổi, do vậy, đối với chính sách Trung Quốc +1 thì rất nhiều các doanh nghiệp cũng như các cơ sở sản xuất cũng dịch chuyển đầu tư, đa dạng hóa trong chuỗi cung ứng và dịch chuyển sang các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Và nguyên nhân cuối cùng là chính sách bảo hộ ngày càng tăng, do đây cũng là năm bầu cử và vận động canh cử của Tổng thống Hoa Kỳ, kể cả Tổng thống Joe Biden cũng như Tổng thống đắc cử Donald Trump trong cương lĩnh vận động tranh cử cũng luôn coi người lao động và ngành sản xuất trong nước, ngành sản xuất nội địa là trung tâm, do vậy thì mọi chính sách đều hướng về các đối tượng này, khiến cho các vụ việc phòng vệ thương mại nói chung, cũng như các vụ việc phòng vệ thương mại áp dụng với Việt Nam là một trong ba quốc gia mà có tạm giữ thương mại lớn nhất đối với Hoa Kỳ là ngày càng gia tăng trong thời gian vừa qua.

BTV Huyền My: Như chúng ta đã biết, gần đây, Hoa Kỳ liên tiếp áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với tấm pin năng lượng mặt trời của Việt Nam (hiện đã có cả 4 biện pháp phòng vệ thương mại).

Theo ông, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong thị trường tấm pin năng lượng mặt trời tại thị trường Hoa Kỳ hiện nay ra sao?

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Hoa Kỳ:

Pin năng lượng mặt trời là mặt hàng xuất khẩu khá hiếm ở Việt Nam mà có liên quan đến tất cả các biện pháp phòng vệ thương mại do Hoa Kỳ áp dụng.

Hiện nay, sự cạnh tranh tấm pin năng lượng mặt trời trên thị trường Hoa Kỳ rất là gay gắt, vì thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của các bên, kể cả các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng như là các nước, các cũng như các doanh nghiệp sản xuất trong nước của Hoa Kỳ, do hiện nay các doanh nghiệp này cũng đã đáp ứng phần nào nhu cầu tiêu dùng đối với tấm pin năng lượng mặt trời trong thị trường nội địa.

Điều này thể hiện là các biện pháp phòng vệ thương mại mặc dù được Tổng thống Joe Biden chưa áp dụng nhưng kể cả khi Tổng thống Joe Biden ra lệnh miễn trừ thì các nghị sĩ của Hoa Kỳ vẫn đưa ra dự thảo Luật để bác bỏ lệnh miễn trừ của Tổng thống. Điều này cho thấy sự mâu thuân cũng như sự phân hóa rất lớn trong ngành pin năng lượng mặt trời tại Hoa Kỳ, với mục tiêu đó, phát triển năng lượng sạch và bảo vệ phòng vệ thương mại là song song cùng một lúc.

Về thuận lợi, như tôi đã nêu, nhu cầu thị trường rất lớn, hàng năm nhập khẩu hàng tỷ USD và chính sách hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ khi lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời đối với các hộ dân cũng khá linh hoạt. Ngời ra các sản phẩm ở Việt Nam có chất lượng, giá cả, nhiều mẫu mã và phù hợp với nhu cầu của thị trường Hoa Kỳ, đây cũng là một trong những mặt hàng được người tiêu dùng Hoa Kỳ biết đến.

Phòng vệ thương mại: Góc nhìn từ các vụ việc điều tra với ngành hàng tấm pin năng lượng mặt trời
Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ

Còn khó khăn, như tôi nêu ở trên, chính sách bảo hộ thương mại ngày càng chặt cũng như phức tạp của chính quyền, của Hoa Kỳ và sức cạnh tranh và quyền lợi sát sườn của các ngành sản xuất nội địa và hiện nay cũng được coi là một trong nhũng công cụ hữu hiệu chính để áp dụng, giúp cho doanh nghiệp Hoa Kỳ đạt được lợi thế cạnh tranh.

Để hạn chế những rủi ro trong tương lai có thể bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường Hoa Kỳ thì tôi nghĩ là doanh nghiệp của Việt Nam sẽ phải tiếp tục, phối hợp chặt chẽ với cả cơ quan quản lý trong nước của Việt Nam cũng như các cơ quan điều tra của Hoa Kỳ trong khi diễn ra các vụ việc về phòng vệ thương mại.

BTV Huyền My: Trở lại với trường quay của Tạp chí Công Thương, câu hỏi tiếp theo tôi xin được gửi tới ông Vũ Thanh Hải.

Theo ông, các doanh nghiệp tấm pin năng lượng mặt trời của Việt Nam có những lợi thế như thế nào trong quá trình sản xuất và cạnh tranh tại thị trường quốc tế? Chúng ta đang có chính sách gì hỗ trợ các doanh nghiệp gia tăng năng lực sản xuất và cạnh tranh?

Ông Vũ Thanh Hải - Chuyên gia Viện Năng lượng (Bộ Công Thương):

Các doanh nghiệp hiện nay ở tại Việt Nam có một số lợi thế.

Thứ nhất là lợi thế về chi phí. Chi phí lao động ở thị trường Việt Nam về cơ bản nói chung vẫn còn đang thấp và cạnh tranh để. Giúp cho các nhà sản xuất giảm giá thành của sản phẩm.

Thứ hai là chi phí vận hành hợp lý. Hiện nay cơ sở hạ tầng ở Việt Nam đều đáp ứng tốt và đặc biệt, các khu công nghiệp đã giảm được chi phí liên quan đến logistics và chi phí vận hành.

Thứ ba, về thị trường, rõ là là nhu cầu của thị trường hiện nay vẫn là cao, kể cả bản thân thị trường nội địa trong nước cũng như thị trường thế giới với tấm pin năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo ngày càng là một trong thành phần chính trong cơ cấu của ngành năng lượng. Thị trường quốc tế cũng vậy thì Việt Nam là một nhà cung cấp rất lớn hiện nay cho thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và vùng Đông Nam Á lẫn một số các khu vực đang phát triển, các sản phẩm của Việt Nam là sản phẩm tốt, do được thừa hưởng một số công nghệ của các doanh nghiệp FDI mang lại.

Ngoài ra, ở thị trường Việt Nam cũng có tiềm năng phát triển về công nghệ, hiện nay là các công nghệ sản xuất tâm pin năng lượng mặt trời vẫn đang phát triển và có những bước tiến hứa hẹn có hiệu suất cao thì thị trường của Việt Nam cũng được thừa hưởng những công nghệ này từ các nhà đầu tư FDI.

Về chính sách hiện nay Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam, Chiến lược phát triển năng lượng và vừa rồi là Tổng sơ đồ phát triển điện lực của Việt Nam thì đều hướng tới, tức là năm 2050 là phát thải ròng bằng 0, Zero Carbon. Để thực hiện được điều này, cơ cấu của ngành năng lượng sẽ càng ngày càng tăng về năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, điện mặt trời. Do vậy công nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, cũng sẽ được quan tâm và có nhiều chính sách ưu đãi, chẳng hạn như chính sách hỗ trợ ngành năng lượng để giảm các các thuế nhập khẩu thiết bị và ưu đãi tín dụng cho các dự án về năng lượng mới.

BTV Huyền My: Tỉnh Bắc Giang đã và đang có những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời như thế nào để đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, thưa ông Phạm Công Toản?

Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang:

Mọi kết luận liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp đều ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của tỉnh Bắc Giang, cũng như các doanh nghiệp tương tư hoặc các vùng miền tương tự trong tương lai, ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang. Chính vì vậy, trước và trong các vụ việc phòng vệ thương mại, tỉnh Bắc Giang cũng đã có nhiều giải pháp cơ bản để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngay từ khi nhà đầu tư đến với Bắc Giang, chấp thuận đầu tư, tỉnh đã hỗ trợ thông tin về các chính sách, trong đó có các chính sách hội nhập kinh tế quốc tế về phòng vệ thương mại. Điển hình trong vụ việc vừa rồi, trong thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 02 tháng chúng tôi tổ chức 05 cuộc, hỗ trợ chuẩn bị tài liệu, hướng dẫn kê khai, trả lời không những cho doanh nghiệp mà còn cho các cơ quan của tỉnh Bắc Giang.

Thứ hai, tỉnh Bắc Giang không phân biệt đối xử các doanh nghiệp của quốc gia nào hay của thành phần nào mà chúng tôi hỗ trợ bình đẳng về hạ tầng sản xuất, về các dịch vụ đi kèm như là điện năng hay logistics để doanh nghiệp vào có thể sản xuất ổn định.

Thứ ba, chúng tôi tổ chức rất nhiều Hội nghị, hội thảo để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường và các quy định của các thị trường mà Việt Nam tham gia là một thành viên của các FTA.

Chúng tôi cho rằng các biện pháp phòng vệ thương mại như vậy thì các doanh nghiệp cũng phải thực hiện đầu tư một các nghiêm túc để phòng tránh việc sử dụng nguyên vật liệu hoặc một phần sản phẩm của quốc gia khác. Vì vậy, chúng tôi cũng làm việc với các doanh nghiệp là phải sản xuất, đầu tư sản xuất nghiêm túc theo quy định của pháp luật Việt Nam và thị trường quốc tế.

Một điểm nữa là tỉnh Bắc Giang thì khi xảy ra những vụ việc phòng vệ thương mại thì cũng vào cuộc rất sát, phân công cho từng sở, ngành, từng cơ quan xuống tận nơi hỗ trợ.

Đó là một số giải pháp tỉnh Bắc Giang đã thực hiện để hỗ trợ các doanh nghiệp, không riêng gì doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời mà các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Phòng vệ thương mại: Góc nhìn từ các vụ việc điều tra với ngành hàng tấm pin năng lượng mặt trời
Toàn cảnh Tọa đàm

BTV Huyền My: Có thể thấy, nhu cầu sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời đang gia tăng mạnh mẽ trên thế giới. Và như chúng ta vừa được nghe, Hoa Kỳ là thị trường có sức tiêu thụ rất lớn, nhưng cũng là thị trường sử dụng mọi công cụ phòng vệ thương mại với mặt hàng này từ thị trường nhập khẩu, trong đó có Việt Nam. 

Từ trường hợp của một ngành hàng có nhu cầu tiêu thụ lớn và xu hướng phát triển, cạnh tranh mạnh mẽ trên thế giới như tấm pin năng lượng mặt trời, nhìn rộng ra với các mặt hàng đang có xu hướng phát triển hiện nay, theo Bà chúng ta rút ra được bài học như thế nào? Chúng ta có những lưu ý như thế nào với các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này?

Bà Nguyễn Yến Ngọc, Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương:

Có thể nói ngành pin năng lượng mặt trời là một ngành điển hình trong các trường hợp bị điều tra phòng vệ thương mại vì đã bị điều tra tất cả các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại. Điều này có thể rút ra một bài học cho các ngành khác, là những sản xuất, xuất khẩu của chúng ta, nếu như là ngành có tính cạnh tranh cao như ngành pin năng lượng mặt trời, ngành thép, ngành nhôm,… trên thế giới hoặc các nước nhập khẩu thì chúng ta hết sức lưu ý. Vì những ngành cạnh tranh đó khi xuất khẩu sang một thị trường khác thì cần phải tìm hiểu xem ngành sản xuất trong nước của họ thế nào. Nếu như ngành sản xuất trong nước của họ khá mạnh và có nhu cầu bảo hộ cao thì chúng ta cũng hết sức lưu ý vì những ngành sản xuất này họ có thể nộp những đơn kiện về phòng vệ thương mại đối với chúng ta.

Giả sử như nếu như ngành sản xuất đó đã có tiền lệ từng nộp đơn kiện phòng vệ thương mại với chúng ta thì cũng cần hết sức cảnh giác. Vì không phải chỉ bị điều tra 1 vụ việc phòng vệ thương mại, 1 biện pháp mà ví dụ như ngành pin năng lượng mặt trời này thì chúng ta đã bị điều tra tất cả các biện pháp rồi và như vậy thì chúng ta không thể chủ quan được, đặc biệt trong trường hợp biện pháp điều tra áp dụng ban đầu có mức thuế thấp hoặc là không bị áp thuế thì rủi ro sẽ vẫn còn tồn tại. Do đó, chúng ta phải hết sức lưu ý.

Qua quá trình hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại thì chúng tôi cũng đã tổng hợp được một số những lưu ý đối với các doanh nghiệp. Theo đó, trước khi có vụ việc xảy ra, chúng tôi luôn lưu ý với doanh nghiệp rằng nếu doanh nghiệp có ý định xuất khẩu thì cần tìm hiểu kỹ các quy định của thị trường này, có thể tìm hiểu thông qua việc nghiên cứu hoặc hỏi thông qua các cơ quan thương vụ, đồng thời phải đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của các nước sở tại cũng như chúng ta cần phải lưu ý tránh những hành vi được coi là tiếp tay cho những hành vi lẩn tránh, hoặc gian lận xuất xứ, vì những hành vi này sẽ bị trừng phạt rất nặng. Chúng ta cũng cần tìm hiểu kỹ các quy trình điều tra phòng vệ thương mại với những nước này để lường trước những rủi ro và cũng có thể tham gia các buổi tập huấn do các Sở, ban, ngành, Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) tổ chức để trang bị thêm kiến thức cho mình trước khi vụ việc xảy ra để tránh bị bỡ ngỡ. Chúng tôi đã thường xuyên cập nhật danh sách cảnh báo những mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại trên website Cục Phòng vệ thương mại và của Bộ Công Thương cũng như gửi đến các Sở, ban, ngành, các Hiệp hội, các doanh nghiệp có thể liên quan thì các doanh nghiệp có thể tham khảo danh sách này để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có thể tìm hiểu thông tin thông qua các đối tác nhập khẩu của mình thì họ cũng sẽ là người nắm được thông tin tương đối sớm. Các doanh nghiệp cũng cần lưu ý nên đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của mình cũng như đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu để tránh khi có vụ việc xảy ra thì chúng ta sẽ mất thị trường, cũng như không thể xuất được mặt hàng khác sang nữa, và cần nhiều thời gian để chuyển đổi. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý chúng ta nên cạnh tranh bằng chất lượng, thay vì cạnh tranh về giá, vì những việc chúng ta cứ giảm giá như vậy có thể sẽ bị điều tra chống bán phá giá.

Chúng tôi cũng đã tư vấn các Sở, ban, ngành và các cơ quan của Chính phủ cũng phải rà soát, tránh đưa ra những chính sách có thể bị coi là trợ cấp. Và qua những vụ việc như vừa rồi, Hoa Kỳ điều tra chống trợ cấp cũng như trong các vụ việc khác với chúng ta, chúng ta đã chứng minh được rằng rất nhiều chính sách của chúng ta không phân biệt đối xử và không có ưu đãi đặc biệt cho 1 ngành nghề hay 1 doanh nghiệp nào đó riêng biệt. Do đó, mức thuế trợ cấp mà các nước quyết định với chúng ta thì rất thấp, ví dụ như trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống trợ cấp với pin năng lượng mặt trời này thì mức thuế trợ cấp sơ bộ chỉ ở mức 0,81% - dưới mức thuế tối thiểu và sẽ tính là 0%, còn các doanh nghiệp khác sẽ là 2,8% - cũng là mức thuế rất thấp, trừ những doanh nghiệp không hợp tác. Chúng ta có thể xác định, việc tích cực tham gia đã đem lại kết quả rất tốt.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tư vấn các doanh nghiệp cần lưu ý khi đầu tư cần phải nâng cao tỷ lệ nội địa hóa lên và để sử dụng các nguyên liệu của Việt Nam hoặc sử dụng nguyên liệu chính nhập khẩu từ các nước không bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để tránh nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế sau này. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần lưu trữ các sổ sách, kế toán và có hệ thống truy suất nguồn gốc để có thể xuất trình được những tài liệu chứng minh trong các vụ việc điều tra, như anh Hưng đã chia sẻ, Hoa Kỳ yêu cầu phải lưu giữ tài liệu tối thiểu trong 5 năm trong các vụ việc điều tra chống lẩn tránh, thậm chí trong những vụ việc trợ cấp thì họ lại điều tra theo vòng đời sản phẩm, có những vụ việc lên đến 15 năm, tức là chúng ta phải xuất trình được tài liệu liên quan trong 15 năm, do đó chúng ta rất lưu ý vấn đề này.

Còn đối với trường hợp mà vụ việc đã xảy ra rồi, chúng tôi cũng tư vấn doanh nghiệp rằng chúng ta cũng không nên bi quan. Tất nhiên là khi vụ việc xảy ra chúng ta sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, nhưng việc tham gia tích cực sẽ có thể đem lại rất nhiều lợi ích, thậm chí một số doanh nghiệp khi mà có vụ việc xảy ra, nếu chúng ta tham gia tích cực ở mức thuế thấp hoặc là thuế cạnh tranh hơn so với những đối thủ cùng bị điều tra thì thậm chí sau khi mà có kết luận của vụ việc chúng ta lại có lợi thế tương đối so sánh so với những nước khác và xuất khẩu của chúng ta thậm chí còn tốt hơn. Ví dụ như ngành lốp xe đã chứng kiến những trường hợp như vậy. Chúng tôi lưu ý rằng khi vụ việc xảy ra thì đầu tiên doanh nghiệp phải bố trí ngay nguồn lực cũng như nhân sự, và xem xét có cần thiết phải thuê luật sư hay không, thứ hai là doanh nghiệp cần phải tuân thủ đầy đủ tất cả những yêu cầu cơ quan điều tra, như anh Hưng đã nói về cơ quan điều tra Hoa Kỳ họ yêu cầu như thế nào, có 2 cơ quan như thế nào thì chúng ta sẽ phải theo dõi và phải tuân thủ một cách đầy đủ để đảm bảo được kết quả của chúng ta và lưu ý rằng trong những quá trình đấy thì phải tuân thủ cả về kỹ thuật, thể thức, thời hạn.

Tất cả những yếu tố đấy đều sẽ dẫn đến kết quả của chúng ta tốt hay không và điều cuối cùng chúng tôi vẫn lưu ý doanh nghiệp, đó là trong suốt quá trình diễn ra vụ việc cần phải phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại là cơ quan đầu mối của Việt Nam liên quan đến phòng vệ thương mại để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời thì chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và kết nối với cả các sở, ban, ngành liên quan trong vụ việc.

Phòng vệ thương mại: Góc nhìn từ các vụ việc điều tra với ngành hàng tấm pin năng lượng mặt trời

BTV Huyền My: Được biết, thời gian tới, xu hướng bảo hộ và chính sách nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ dự báo sẽ có những thay đổi.

Theo ông, xu hướng này sẽ tác động như thế nào tới tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới?

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Hoa Kỳ:

Trong giai đoạn tới, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2025 sẽ là những giai đoạn khá khó khăn đối với cả các nước mà xuất khẩu có thặng dư thương mại lớn sang Hoa Kỳ nói chung và trong đó có Việt Nam. Trong các tuyên bố khi vận động tranh cử thì ông Trump cũng có nêu là sẽ áp thuế 10% là thuế toàn cầu đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu, 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada, và tuyên bố nếu mà EU không hợp tác trong vấn đề tăng cường mua các mặt hàng dầu khí, mặt hàng năng lượng truyền thống thì sẽ áp thuế lên hàng xuất khẩu của khối này. Như vậy có thể hiểu là thuế quan sẽ là công cụ, chính sách thương mại chính của chính quyền Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Việc hiện nay Việt Nam trong 10 tháng đầu năm đứng thứ ba về thặng dư thương mại, chỉ sau Trung Quốc và Mexico đạt 102 tỉ USD sẽ khiến chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cũng phải mạnh rằng các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam về cơ bản không cạnh tranh trực tiếp với hàng sản xuất trong nước của Hoa Kỳ, mà đây là do cơ cấu ngoại thương của hàng xuất khẩu của Việt Nam và mang tính chất bổ trợ. Bên cạnh thuế quan thì Hoa Kỳ cũng có thể tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như là tăng khoảng 40% các vụ việc phòng vệ thương mại như ở mức nhiệm kỳ 1 của ông Donald Trump thì việc bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là điều khó có thể tránh khỏi và các biện pháp này là WTO cho phép nên các khuyến nghị như tôi nêu trên trong thời gian tới sẽ tiếp tục được chính quyền của Hoa Kỳ tăng cường áp dụng.

Đối với cơ quan và quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp, chúng ta cũng cần cố gắng xem xét để triển khai những thỏa thuận với phía Hoa Kỳ, trong đó có cam kết là mua hàng từ Hoa Kỳ để cân bằng cán cân thương mại, qua đó tránh cho Hoa Kỳ coi như là cái “cớ” để áp dụng những biện pháp phòng vệ thương mại đối với Việt Nam.

Ngoài ra, phía Hoa Kỳ cũng rất quan tâm đến vấn đề mà chuyển tải bất hợp pháp. Do vậy, trong thời gian tới thì chúng ta cũng cần xem xét về vấn đề gian lận xuất xứ rồi truyền tải bất hợp pháp thông qua các cơ chế như Đề án 824 của Cục Phòng vệ thương mại, Nghị quyết 119255 năm 2019 cũng như là tăng cường tuyên truyền và phổ biến các vấn đề về thực thi với phía Hoa Kỳ để có thêm thông tin.

Gần đây, phía cơ quan bảo vệ biên phòng và Hải quan của Hoa Kỳ (CBP) cũng như là Bộ Thương mại Hoa Kỳ rất đánh giá cao việc mà Tổng cục Hải quan Việt Nam sang làm việc và ký kết với CBP một bản thỏa thuận MOU - Biên bản ghi nhớ để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực về thông quan hàng hóa cũng như là chia sẻ thông tin trong các vụ việc về phòng vệ thương mại.

BTV Huyền My: Thưa ông, để hạn chế những rủi ro bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường Hoa Kỳ thì các doanh nghiệp cần phải thay đổi như thế nào trong cách tiếp cận cũng như là xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, cụ thể với các doanh nghiệp xuất khẩu tấm pin năng lượng mặt trời?

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Hoa Kỳ:

Các nội dung mà chỗ chị Ngọc, anh Hải cũng như là đại diện của tỉnh Bắc Giang nêu thì tôi hoàn toàn nhất trí, đây cũng là một trong những nội dung mà trong các hoạt động tiếp xúc với doanh nghiệp cũng như đối tác của Hoa Kỳ ở phía Thương vụ cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ luôn luôn thường xuyên nêu với các đối tác.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải xác định rõ là việc phòng vệ thương mại thì sẽ luôn song hành và đây vừa là cơ hội và thách thức đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trong giao dịch thương mại quốc tế với Hoa Kỳ và đây là những biện pháp mà được WTO cho phép áp dụng trong những điều kiện nhất định và do vậy khi chúng ta tăng cường xuất khẩu cũng như thặng dư thương mại lớn thì doanh nghiệp cũng cần phải chuẩn bị để luôn sẵn sàng ứng phó với việc các cơ quan điều tra của Hoa Kỳ là sẽ khởi kiện vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và tại Hoa Kỳ nói riêng.

Phòng vệ thương mại: Góc nhìn từ các vụ việc điều tra với ngành hàng tấm pin năng lượng mặt trời

Tuy nhiên, như chúng ta thấy thì nếu mà doanh nghiệp của Việt Nam hợp tác đầy đủ và cung cấp thông tin một cách kịp thời cho phía cơ quan điều tra của Hoa Kỳ thì thuế áp dụng với doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất thuận lợi, thậm chí là thấp hơn các đối thủ cạnh tranh. Do vậy, nếu mà chúng ta tận dụng tốt cơ hội này thì sẽ tăng cơ hội xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng như tạo lợi thế cạnh tranh về giá cũng như về tiếp cận, mở cửa thị trường.

Để chủ động xử lý khi vụ việc xảy ra đối với cả địa bàn của Hoa Kỳ thì tôi cũng chỉ xin nêu lại ngắn gọn một số ý mà chị Ngọc đã nêu, đó là việc mà các doanh nghiệp mà đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu thì cần phải chủ động xử lý, nắm và tìm hiểu kỹ quy định về phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ để hình dung ra được quy trình, các mốc thời gian để nộp các tài liệu kiểm chứng cũng như là các tài liệu theo yêu cầu của vụ việc. Việc này chúng ta có thể phổ biến để doanh nghiệp được tham gia đầy đủ các chương trình, các khóa đào tạo mà Cục Phòng vệ thương mại phối hợp với địa phương và hiệp hội ngành hàng để phổ biến cho doanh nghiệp.

Thứ hai là doanh nghiệp phải chủ động chuẩn bị hệ thống sổ sách kế toán, lưu trữ, chứng từ, thông tin khoa học hiện đại để có thể sử dụng và trích xuất khi cần thiết.

Thứ ba là liên tục phải nghiên cứu cải thiện sản phẩm, nâng cao hàm lượng chất xám cũng như tỉ lệ nội địa hóa, tránh phụ thuộc vào các lợi thế cạnh tranh về giá sản phẩm.

Tiếp theo đó là doanh nghiệp Việt Nam cũng nghiên cứu, xem xét để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu để nhập khẩu, sản xuất và xuất khẩu, tránh nhập khẩu từ những nước bị Hoa Kỳ coi là đối tượng xem xét tăng cường nhập khẩu các nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ Hoa Kỳ thì đây cũng là một trong những biện pháp mà chúng ta có thể cân bằng thương mại với cả Hoa Kỳ.

Do vậy trong thời gian tới các doanh nghiệp cũng như là hiệp hội ngành hàng và đặc biệt là các doanh nghiệp đối với cả trong lĩnh vực về pin năng lượng mặt trời thì cũng cần tăng cường hợp tác, không chủ quan trước những kết quả thuận lợi và luôn luôn cần nắm rõ thông tin, phối hợp với cơ quan quản lý trong nước cũng như là cơ quan thương vụ tại Hoa Kỳ để nắm thông tin cũng như là có các chính sách và các biện pháp sản xuất trong kinh doanh trong thời gian tới.

BTV Huyền My: Ông có khuyến nghị như thế nào với các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển sản xuất, tránh những rủi ro trong quá trình xuất khẩu nói chung và tránh các biện pháp phòng thương mại nói riêng?

Ông Vũ Thanh Hải - Chuyên gia Viện Năng lượng (Bộ Công Thương):

Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đẩy mạnh công tác nội địa hóa sản phẩm của mình, chẳng hạn như các thành phần phụ trong tấm cái năng lượng mặt trời có thể nội địa hóa được.

Thứ hai là một số nguyên liệu nếu có thể nội địa hóa được thì nội địa hóa.

Thứ ba là liên quan đến đầu tư vào khoa học công nghệ, các doanh nghiệp Việt Nam luôn cần cải tiến sản phẩm vì nhu cầu của thị trường rất cao và tốc độ yêu cầu về tiêu chuẩn cũng như về các đặc tính và hiệu suất năng lượng của tin năng lượng mặt trời càng ngày càng cao. Do vậy chúng ta phải không ngừng cải tiến hoặc không ngừng phải tìm hiểu và nếu cần thì phải nhập các công nghệ hiện đại mới về để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm của mình đối với thị trường.

Thứ tư là liên quan đến các mô hình, phải đổi mới mô hình quản lý hay kiểm soát chất lượng của sản phẩm, nhất là các sản phẩm mà xuất khẩu ra ngoài.

Thứ năm là những vấn đề liên quan đến pháp lý thì cần phải phối hợp rất chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại cũng như khi mà tìm hiểu thị trường thì phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan thương vụ để tìm hiểu và để đối phó với những bất chắc, rủi ro, hoặc là để phát triển thị trường.

Ý kiến cuối cùng của tôi là các doanh nghiệp Việt Nam ngoài thị trường chính như thị trường Hoa Kỳ và Châu Âu thì cũng cần phải tìm hiểu và phát triển, tức là đa dạng hóa thị trường để xuất khẩu, tránh bị phụ thuộc vào một số các thị trường nhất định, việc phát triển lúc đó sẽ lớn hơn, chẳng hạn như thị trường Australia hay là thị trường các nước đang phát triển và thậm chí ngay cả thị trường của Đông Nam Á cũng có tốc độ phát triển về năng lượng tái tạo hiện nay là rất mạnh.

BTV Huyền My: Tới đây, Bắc Giang sẽ có những biện pháp như thế nào tiếp theo để hạn chế những tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại tới ngành sản xuất nói chung và tấm pin năng lượng mặt trời nói riêng? Chúng ta có những đề xuất gì với các bên liên quan?

Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang:

Tỉnh Bắc Giang là địa phương đầu tiên hoàn thiện Quy hoạch tỉnh, vì vậy chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ các điều kiện để thu hút các nhà đầu tư, song hành với việc thu hút đầu tư thì cũng như chia sẻ của chị Ngọc, anh Hưng, anh Hải thì ngay từ khi nhà đầu tư đến khảo sát hoặc đến tìm hiểu thông tin đầu tư thì đều cung cấp rất đầy đủ và thành lập tổ hỗ trợ doanh nghiệp để hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện đầu tư tại Bắc Giang, trong đó có các biện pháp phòng vệ thương mại, để giúp nhà đầu tư hình dung ra được những công việc trong tương lai.

Thứ hai là chúng tôi xây dựng Chiến lược xuất khẩu hàng hóa rất căn cơ cho giai đoạn 2025-2030, trên cơ sở định hướng của Bộ Công Thương, bám vào quy hoạch tỉnh và chúng tôi xây dựng được các ngành hàng sản xuất vào các thị trường xuất khẩu để nhà đầu tư khi đến Bắc Giang nhìn vào bức tranh đó, họ có thể lựa chọn cho phù hợp. Trên cơ sở đó, hiện nay đang thực hiện là sắp xếp tinh gọn bộ máy, riêng Bắc Giang chúng tôi trong bộ máy phục vụ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế, công tác xuất nhập khẩu rồi phòng vệ thương mại là không giảm mà còn được đầu tư hơn. Chúng tôi rất coi trọng các công tác như thế này.

Một số ý kiến đối với doanh nghiệp thì các quý vị cũng đã nghe anh Hưng, chị Ngọc, anh Hải đã chia sẻ, ở góc độ địa phương, chúng tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp khi có bất kỳ khó khăn gì liên hệ với Sở Công Thương hoặc các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang sẵn sàng trả lời, chia sẻ, phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại, Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tiếp nữa là chúng tôi khai thác thông tin từ website của Bộ Công Thương, của Cục Phòng vệ thương mại, của Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài như là bên anh Hưng để chúng tôi có thông tin thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp thì các doanh nghiệp cũng cố gắng là tiếp nhận thông tin đó như là một bộ tài liệu để trong quá trình sản xuất và định hướng xuất khẩu của doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ tọa đàm này, chúng tôi cũng rất mong các doanh nghiệp, các quý vị cùng chia sẻ những khó khăn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế còn nhiều khó khăn hơn nữa để phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương, của Bộ Công Thương để làm sao doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, xuất khẩu hiệu quả, đạt được mục tiêu của địa phương cũng như của Trung ương.

Phòng vệ thương mại: Góc nhìn từ các vụ việc điều tra với ngành hàng tấm pin năng lượng mặt trời

BTV Huyền My: Theo ông (bà) xu hướng điều tra áp dụng phòng vệ thương mại trong thời gian tới như thế nào, những ngành hàng nào có nguy cơ cao bị điều tra áp dụng?

Bà Nguyễn Yến Ngọc, Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương:

Đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam thì một trong những thị trường rất quan trọng của chúng ta đó là thị trường Hoa Kỳ, vừa rồi quý vị cũng đã được nghe, anh Hưng chia sẻ, xu hướng của thị trường Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ tiếp tục gia tăng những vụ việc về phòng vệ thương mại đối với cả những vụ việc điều tra chống lẩn tránh. Chúng ta căn cứ dựa trên những tuyên bố của Tổng thống đắc cử Donald Trump và chúng ta có thể đánh giá được tình hình như vậy.

Xin được thêm cung cấp thêm thông tin là trong năm 2024 này Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thông báo rằng họ đã nhận được những đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp cao nhất lịch sử của Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa rằng năm 2024 họ điều tra rất nhiều và xu hướng này theo tôi sẽ tiếp tục ở trong tương lai.

Và với việc Hoa Kỳ là nước mà điều tra nhiều nhất phòng vệ thương mại Việt Nam cho đến nay và dự kiến sẽ tiếp tục điều tra trong 2025 thì tôi nghĩ là con số các vụ việc trong năm 2025 sẽ tiếp tục gia tăng. Ngoài ra, với sức ảnh hưởng của một nước lớn như Hoa Kỳ thì tôi nghĩ rằng những chính sách của Hoa Kỳ cũng sẽ có những tác động nhất định đến chính sách của các nước khác, liên quan đến phòng vệ thương mại, ví dụ như điển hình trong năm 2024 thì Bộ trưởng Thương mại Indonesia cũng đã đưa ra tuyên bố sẽ tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế dự kiến lên từ 100 - 200% với nhiều mặt hàng của Việt Nam, dự kiến như là những mặt hàng điện tử, dệt may, da giày hay là gạch ốp lát... Điều này mặc dù mới chỉ ở tuyên bố thôi nhưng cũng sẽ có thể tạo ra những thách thức và những rủi ro nhất định đối với ngành xuất khẩu của chúng ta.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) đã có danh sách cảnh báo sớm các mặt hàng nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại. Danh sách này thì đã được chúng tôi theo dõi và định kỳ công bố để cho các Hiệp hội, các ngành hàng cũng như các Sở, ban, ngành, địa phương có thể theo dõi để chuẩn bị trước. Và theo danh sách mới nhất của chúng tôi, dự kiến những đặt hàng vẫn có rủi ro cao có thể bị điều tra trong năm 2025 và thời gian tới cần phải lưu ý đó là những mặt hàng liên quan đến sản phẩm gỗ, những mặt hàng liên quan đến sản phẩm thép nhôm, ống đồng, những mặt hàng như là tủ lạnh, máy giặt hay là lốp xe,… thì một số mặt hàng sẽ có nguy cơ cao hơn so với những mặt hàng khác và những doanh nghiệp mà xuất khẩu những mặt hàng này thì cần phải lưu ý và theo dõi chặt chẽ những động thái ở bên thị trường xuất khẩu của mình để sớm có biện pháp phù hợp.

Phòng vệ thương mại: Góc nhìn từ các vụ việc điều tra với ngành hàng tấm pin năng lượng mặt trời
Bà Nguyễn Yến Ngọc, Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương

BTV Huyền My: Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đã và đang có những hành động như thế nào hỗ trợ doanh nghiệp hạn chế những rủi ro bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tại những thị trường tiềm năng và kết quả như thế nào?

Bà Nguyễn Yến Ngọc, Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương:

Đến nay có thể nói là chúng ta đã bị điều tra phòng vệ thương mại bởi 25 thị trường, các thị trường này đều là những thị trường xuất khẩu chủ lực của chúng ta, hoặc là những thị trường đã có Hiệp định thương mại tự do với chúng ta và trong quá trình đó, Bộ Công Thương cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp để ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Hiện nay, chúng ta đã kinh nghiệm ứng phó với 273 vụ việc, tức là cũng rất dày dặn kinh nghiệm và trong quá trình đó thì chúng tôi đã tuân thủ các quy định của Luật Ngoại thương cũng như các văn bản hướng dẫn để hỗ trợ doanh nghiệp thông qua một loạt các biện pháp.

Đầu tiên, chúng tôi đã duy trì được danh sách cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra để các doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng có thể chuẩn bị trước và chúng tôi cũng đã kết hợp với cả các địa phương, các sở, ban, ngành để tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho các hiệp hội ngành hàng để có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa. Khi vụ việc diễn ra chúng tôi cũng đã ngay lập tức phải thông tin cho doanh nghiệp, hướng dẫn các doanh nghiệp về những quy trình, thủ tục của từng nước cụ thể trong vụ việc đó để đề xuất những giải pháp ứng phó phù hợp và khi mà Chính phủ Việt Nam cũng là một bên bị điều tra trong vụ việc thì chúng tôi cũng đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND địa phương để cung cấp thông tin, trả lời bản câu hỏi cũng như là tham gia những đoàn thẩm tra của cơ quan điều tra nước ngoài để chứng minh rằng ở Việt Nam không trợ cấp chẳng hạn hay là chúng ta cũng cung cấp thông tin theo yêu cầu để giải trình những chính sách của chúng ta để họ có thể hiểu hơn và đưa ra những kết luận khách quan cho chúng ta.

Ngoài ra, trong suốt cả quá trình diễn ra vụ việc chúng tôi cũng theo dõi, phối hợp với cả doanh nghiệp để có thể đưa ra những ý kiến tham vấn với cơ quan điều tra, trong trường hợp cơ quan điều tra họ đưa ra những cáo buộc thiếu chính xác hoặc là trong hoạt động điều tra hoặc kết luận điều tra có những vi phạm so với cả quy định của Tổ chức Thương mại thế giới hoặc các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam và nước nhập khẩu cùng là thành viên hoặc là vi phạm quy định điều tra phòng vệ thương mại của chính nước sở tại thì chúng ta sẽ ngay lập tức có ý kiến.

Chúng tôi cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đưa 5 vụ việc của Việt Nam ra cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới WTO trong trường hợp mà chúng ta cho rằng các nước nhập khẩu đã ban hành những biện pháp vi phạm với quy định của Tổ chức WTO để bảo vệ cho doanh nghiệp của Việt Nam.

Kết quả mà chúng ta đã đạt được thời gian qua thì cũng đã có những kết quả tích cực, điển hình là những doanh nghiệp của chúng ta trong nhiều vụ việc đã không bị áp thuế hoặc là áp thuế thấp hoặc một số vụ việc thì đã được chấm dứt hoặc là chúng ta có những mức thuế tốt hơn so với những nước cùng bị điều tra, điều này giúp cho doanh nghiệp của chúng ta có thể giữ vững và phát triển được thị trường xuất khẩu của mình.

Tôi xin được điểm một số những vụ việc có kết quả tích cực trong năm 2024, ví dụ như đối với thị trường Hoa Kỳ, chúng ta cũng ghi nhận được rất nhiều những thành công như là Hoa Kỳ đã chấm dứt điều tra phạm vi sản phẩm đối với mặt hàng bánh xe kéo bằng thép; hay là cũng đã chấm dứt điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm nhôm đùn ép của Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã chấm dứt điều tra chống lẩn tránh đối với cả tủ gỗ của Việt Nam trong năm 2024.

Đối với mặt hàng tôm nước ấm bị điều tra trợ cấp, tuy nhiên là kết quả cuối cùng của vụ việc là chúng ta được hưởng mức thuế khá là thấp 2,84% và con số này là thấp hơn nhiều so với những nước cũng bị điều tra như là Ấn Độ hay Ecuador và giúp cho ngành thủy sản của chúng ta trong năm 2024 vẫn có sự tăng trưởng, đặc biệt là ngành tôm có sự tăng trưởng so với những năm trước.

Tủ gỗ cũng đã có tăng trưởng so với những năm trước và ngoài ra thì chúng ta cũng được một số kết quả thành công ở trong những thị trường khác, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ thì cũng kết luận rằng những doanh nghiệp hợp tác của chúng ta thì được hưởng thuế lẩn tránh là 0% trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế, chống phá giá đối với cả pin năng lượng mặt trời; hay là Ấn Độ trong vụ việc điều tra ống thép không gỉ thì cũng đã kết luận là những doanh nghiệp hợp tác của chúng ta thì được hưởng mức thuế 0%.

BTV Huyền My: Kính thưa quý vị,

Trước “sức ép” của xu hướng phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng với mức độ và quy mô vụ việc phức tạp hơn, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt hoạt động, chương trình nhằm trang bị thêm kiến thức cho các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng cũng như các địa phương.

Tuy nhiên, như các vị khách mời đã chia sẻ, ở những ngành hàng và thị trường có xu hướng và tiềm năng phát triển mạnh mẽ, chắc chắn sẽ có xuất hiện thêm nhiều phương thức bảo hộ và áp dụng triệt để các biện pháp phòng vệ thương mại. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cũng cần có những chuyển biến trong nhận thức và cách thức tổ chức sản xuất, tham gia thị trường.

Để phát triển bền vững và dài hạn, doanh nghiệp cần chú trọng đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu; hướng đến cạnh tranh bằng chất lượng thay vì bằng giá, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản xuất tại Việt Nam. Đặc biệt, doanh nghiệp cần tăng cường sử dụng các nguyên liệu được sản xuất trong nước hoặc từ các nguồn cung cấp không bị nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng; áp dụng hệ thống kế toán chuẩn quốc tế.

Một lần nữa xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia Tọa đàm ngày hôm nay.

Xin cảm ơn Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tham gia trực tuyến tại Tọa đàm.

Trân trọng cảm ơn sự theo dõi của quý vị và các bạn.

Xin chào, và hẹn gặp lại. 

Bà Nguyễn Yến Ngọc, Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương:

 

An Chi