Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp do hàng hóa có khuyết tật

LÊ THANH TÙNG  (Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình Giao thông 2)

TÓM TẮT:

Nền kinh tế ngày càng phát triển, xã hội đã xuất hiện quan hệ tiêu dùng với sự tham gia đông đảo của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ và các tổ chức, cá nhân tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp trong kinh doanh, phân phối hàng hóa đối với sản phẩm có khuyết tật, để đảm bảo cân bằng và lợi ích của khách hàng. Bài viết bàn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp do hàng hóa có khuyết tật.

Từ khóa: hàng hóa, pháp luật, bồi thường, sản phẩm, khuyết tật.

1. Những vấn đề lý luận về pháp luật trách nhiệm bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp đối với sản phẩm có khuyết tật

Bồi thường thiệt hại do sản phẩm có khuyết tật gây ra là một loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại đặc biệt của các nhà sản xuất, nhập khẩu, nhà phân phối cung ứng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng trước những thiệt hại phát sinh và người tiêu dùng phải gánh chịu trong quá trình sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khuyết tật đó.

Như vậy, pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm có khuyết tật gây ra sẽ là chế định đặc biệt của cơ chế áp dụng bồi thường dân sự đối với người tiêu dùng và có vị trí khá độc lập với chế định hợp đồng dân sự. Trên thực tế, nó không phải là pháp luật hợp đồng như nhiều người vẫn thường hay nghĩ. Tại Việt Nam, để có một cách nhìn nhận cụ thể và rõ ràng với loại trách nhiệm này thì vẫn còn là một điều khá mới mẻ.

Những quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bắt đầu nhen nhóm từ những năm 90, khi Việt Nam chuyển đổi cơ chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, đặc biệt trong ngành Kinh doanh bảo hiểm. Để đáp ứng nhu cầu thực tế bảo hiểm, trách nhiệm sản phẩm đã xuất hiện trong danh mục các sản phẩm bảo hiểm của doanh nghiệp được Bộ Tài chính xây dựng nhiều năm nay. Pháp luật về trách nhiệm sản phẩm cũng đã được hình thành trong hệ thống các văn bản pháp luật Việt Nam trong nhiều năm nay.

Tại điều 8,11, 22, 23, 24 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 đã quy định về quyền được bồi thường và trách nhiệm bồi thường do hàng hóa có khuyết tật gây ra, Điều 445 Bộ luật Dân sự 2015 về bảo đảm chất lượng vật mua bán, Điều 608 Bộ luật Dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng, mục 2 chương 5 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007 quy định vấn đề bồi thường thiệt hại về chất lượng sản phẩm hàng hóa, cũng đã phần nào thể hiện tinh thần của chế định trách nhiệm sản phẩm tại Việt Nam và là một bước tiến trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, vì không được quy định bởi một khái niệm chính thức, rõ ràng, nên cách hiểu về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm có khuyết tật gây ra; hay quy định về trách nhiệm sản phẩm còn tản mát, không thống nhất, tồn tại nhiều bất cập trên thực tế. Cụ thể như sau:

(i) Còn nhiều quan điểm tranh cãi liên quan đến khái niệm trách nhiệm sản phẩm vì các học giả cho rằng sản phẩm thì không thể có trách nhiệm như chủ thể con người, tổ chức, việc áp dụng thuật ngữ này còn xa lạ, máy móc, không phù hợp với pháp luật và không thực sự chính xác về mặt luật học. Quy định tên gọi về loại trách nhiệm này sao cho phù hợp với thực tế Việt Nam vẫn còn là điều tranh cãi;

(ii) Hiện nay, có rất nhiều văn bản pháp luật Việt Nam điều chỉnh về loại trách nhiệm này, nhưng lại không có văn bản nào đưa ra khái niệm cụ thể về trách nhiệm sản phẩm, cũng như khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm có khuyết tật gây ra, nên loại trách nhiệm này cụ thể là gì vẫn còn là một câu hỏi gây ra sự nhầm lẫn với các chế tài dân sự khác;

(iii) Bản thân cụm từ “hàng hóa có khuyết tật” được Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng định nghĩa có phạm vi, nội hàm nhỏ hơn cụm từ “sản phẩm có khuyết tật” của chế định trách nhiệm sản phẩm của các nước, không thể chỉ ra hết những đối tượng sản phẩm không phải là hàng hóa cho phép áp dụng trách nhiệm này, khiến quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra mà Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định không rõ ràng về mặt phạm vi;

(iv) Cách tiếp nhận về trách nhiệm sản phẩm hiện nay ở nước ta trên thực tế mới chỉ dừng lại ở trách nhiệm bồi thường thiệt hại thông thường nói chung, nên vẫn không làm rõ được bản chất đặc thù và ý nghĩa của loại trách nhiệm này.

(v) Vì nằm rải rác trong các văn bản khác nhau, nên phạm vi khái niệm “trách nhiệm sản phẩm” được hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp vẫn chưa được quy định thống nhất.

2. Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp kinh doanh khi sản phẩm có khuyết tật theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 ra đời trên nền tảng pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 1999 là một bước tiến vượt bậc cả về chất và lượng và được xem có ích mạnh mẽ đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung ở Việt Nam hiện nay. Ngoài những quy định về bảo vệ người tiêu dùng nói chung, như quy định về quyền nghĩa vụ của người tiêu dùng, Luật còn quy định rõ trách nhiệm của tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây cũng là một trong những văn bản điều chỉnh và quy định trực tiếp trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm có khuyết tật gây ra, như Điều 8 về quyền của người tiêu dùng; Điều 23 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra của nhà sản xuất, nhà phân phối. Tuy nhiên, những quy định này còn chung chung, nặng về hình thức, thiếu những biện pháp để đảm bảo thực thi trên thực tế, chưa chi tiết được cơ chế bồi thường của nhà sản xuất, nhà phân phối đối với tác phẩm có khuyết tật gây thiệt hại cho người tiêu dùng và những hệ lụy pháp lý liên quan. Vì vậy, mặc dù đã được ra đời 10 năm, nhưng trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà sản xuất, nhà phân phối cho người tiêu dùng vẫn bị bỏ qua và quyền lợi của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng.

Căn cứ vào áp dụng chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng được thực hiện theo pháp luật dân sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại được áp dụng khi thỏa mãn 4 căn cứ áp dụng sau: (i) Có hành vi vi phạm; (ii) Có thiệt hại thực tế xảy ra; (iii) Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế xảy ra; (iv) Có lỗi. Dựa trên cơ sở đó, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng áp dụng và quy định bổ sung một số ngoại lệ.

Trước những rủi ro không thể biết, không thể phát hiện được, người tiêu dùng vẫn được xem là đối tượng yếu thế hơn so với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Do vậy, quy định về miễn trách nhiệm trong trường hợp này đang đẩy sự rủi ro, bất lợi sang cho phía người tiêu dùng. Vì vậy, quy định này có phần làm giảm đi tinh thần của pháp luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng với tư cách là bên yếu thế.

3. Yêu cầu về hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp đối với sản phẩm khuyết tật

Thứ nhất, rà soát các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm có khuyết tật gây ra. Đồng thời, bổ sung các quy định về nguyên tắc áp dụng, phối hợp các đạo luật chuyên ngành cần được xác định rõ phạm vi, thứ tự ưu tiên áp dụng, tránh chồng chéo và mâu thuẫn.

Xác định mối quan hệ giữa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản pháp luật liên quan khác.

Thứ hai, xây dựng các quy định pháp luật cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong sản phẩm có khuyết tật gây ra để tiến hành sửa đổi, bổ sung ban hành mới, trên cơ sở nghiên cứu và học hỏi những kinh nghiệm xây dựng pháp luật về trách nhiệm sản phẩm ở một số nước trên thế giới.

Thứ ba, xác định các văn bản pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng có liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm có khuyết tật gây ra và mức độ cần được quy định trong từng văn bản.

Thứ tư, điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện pháp luật quy định về trách nhiệm trách nhiệm sản phẩm đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ năm, điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện pháp luật quy định về trách nhiệm sản phẩm đối với doanh nghiệp phù hợp với nền kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền của Việt Nam.

Thứ sáu, hoàn thiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuất, xuất phát từ những hạn chế, bất cập của thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật ở Việt Nam.

4. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp đối với sản phẩm có khuyết tật

Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, nhìn nhận dưới những cơ sở lý luận đã phân tích, tác giả xin đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp đối với sản phẩm có khuyết tật như sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng rất phong phú và nằm trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngoài những quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nội dung này còn được quy định trong Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Dược, Luật Điện lực, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm, Pháp lệnh Quảng cáo, các Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trên các lĩnh vực cụ thể,… Để các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực thi trong cuộc sống, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần phải hoàn thiện theo hướng các quy định được xây dựng thống nhất, đồng bộ; sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Hai là, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với cá nhân, tổ chức cung cấp sản phẩm.

Các chủ thể tham gia thị trường phải nhận thức rõ nghĩa vụ của mình đối với người tiêu dùng; về những hậu quả pháp lý phải gánh chịu khi vi phạm. Bên cạnh đó, các cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ còn phải nhận thức được rằng thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng là bảo vệ quyền lợi của chính họ và bảo vệ lợi ích chung của xã hội.

Muốn nâng cao ý thức pháp luật của các chủ thể trong xã hội về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, cần đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong đó, các cơ quan truyền thông cần xác minh về tính trung thực và chính xác của tính năng sản phẩm quảng cáo trước khi đăng tải; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc cảnh báo những vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quảng cáo không trung thực.

Ba là, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hiện nay, nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn hạn chế, nhất là nguồn nhân lực. Vì vậy, cần hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương đến địa phương, vì quyền lợi người tiêu dùng chỉ có thể được bảo vệ hữu hiệu nếu có sự tham gia tích cực và có hiệu quả của Nhà nước.

Bốn là, quan tâm đầu tư kinh phí để nâng cao năng lực và kỹ thuật xét nghiệm, phân tích mẫu sản phẩm.

Hiện nay ở nước ta, hệ thống kiểm tra, kiểm nghiệm chưa được trang bị hiện đại và quan trọng hơn là chưa có cơ chế thuận lợi để người tiêu dùng có thể kiểm tra chất lượng sản phẩm khi có nhu cầu. Đây cũng là một lý do khiến người tiêu dùng ít khi sử dụng quyền khởi kiện các đối tượng vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra Tòa án. Vì vậy, cần tăng cường trang bị các phương tiện, máy móc để người tiêu dùng có căn cứ phân biệt giữa sản phẩm đạt tiêu chuẩn và sản phẩm không đảm bảo chất lượng, từ đó, có cơ sở để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình.

Năm là, cần thiết lập cơ chế hỗ trợ và bảo vệ người tiêu dùng hữu hiệu nhất, nên để cho các hiệp hội, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng có quyền đại diện hoặc/và tham gia sâu hơn ngay từ giai đoạn khiếu nại để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong giai đoạn hiện nay, để thiết lập cơ chế hỗ trợ và bảo vệ người tiêu dùng hữu hiệu nhất, nên để cho các Hiệp hội, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng có quyền đại diện hoặc/và tham gia sâu hơn ngay từ giai đoạn khiếu nại để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Điều này phần nào giúp người tiêu dùng có nhiều hy vọng đòi lại được sự công bằng.

Mặt khác, việc tham gia vào hoạt động khiếu nại của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng không chỉ nhằm bảo vệ tối đa lợi ích của người tiêu dùng, mà còn tạo ra cơ hội đối thoại và thương lượng cho nhà cung cấp. Thông qua hoạt động của tổ chức này sẽ giúp doanh nghiệp lắng nghe ý kiến đóng góp tích cực người tiêu dùng, để từ đó hoàn thiện cơ chế quản lý, công nghệ và quy trình công nghệ, thậm chí cả chính sách kinh doanh đang triển khai. Đồng thời, đây cũng là một trong những phương thức hữu hiệu góp phần bảo vệ uy tín của doanh nghiệp, tổ chức làm ăn chân chính khi người tiêu dùng vì tính vụ lợi, khiếu nại quá đáng, hay lạm dụng quyền khiếu nại đòi quyền lợi không đúng. Bên cạnh việc gia tăng quyền hạn của hiệp hội, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, việc quy định rõ ràng đối tượng, trình tự thủ tục khiếu nại, chế tài xử lý khi cơ sở kinh doanh không thực hiện giải quyết khiếu nại trong Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ người tiêu dùng sẽ được ban hành trong thời gian tới là một yêu cầu hết sức cần thiết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2010), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.
  2. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự 2015.
  3. Quốc hội (2007), Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007.
  4. Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp,  (2007), Cơ chế pháp lý bảo vệ người tiêu dùng - thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế. Tài liệu hội thảo.
  5. Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (2018), Báo cáo thường niên năm 2018, Truy cập tại http://www.vca.gov.vn/books/CucCT&BVNTD_BCTN2018.pdf.
  6. Lê Hồng Hạnh, (2013), Chế định trách nhiệm sản phẩm trong pháp luật Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

The liability of businesses to compensate for damage caused by their defective goods

Le Thanh Tung

No.2 Traffic Construction Consultancy Joint Stock Company

ABSTRACT

Along the growth of economy, consumer relations among organizations and their consumers have boomed. In addition, businesses and individuals specializing in trading goods and services have to be responsible for their defective products to ensure the interests of their customers. This paper discusses the liability of businesses  to compensate for damage caused by their defective goods.

Keywords: goods, law, compensation, products, defects.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24, tháng 10 năm 2021]