Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường EU tính chung 4 tháng đầu năm nay đã đạt 60 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng tăng 70% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, một số thị trường ghi nhận tăng trưởng kim ngạch vượt trội như Đức với tăng trưởng kim ngạch đạt 78% trong 4 tháng đầu năm nay. Đồng thời, thị trường EU chiếm tới 11% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Đây được xem là kết quả tích cực đến từ nỗ lực tái xây dựng hình ảnh thương hiệu cá tra Việt Nam tại thị trường EU sau thời gian dài bị nhận thức sai về vấn đề chất lượng và các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam áp dụng chiến lược kinh doanh chưa hiệu quả.
Trước đó, EU từng là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt đỉnh 511 triệu USD vào năm 2010, chiếm 36% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Tuy nhiên, từ loại cá có giá khá cao, các nhà xuất khẩu Việt Nam đã liên tục hạ giá bán, có lúc giá giảm đến 35%, nhằm nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần.
Sản lượng tăng mạnh, giá xuống thấp đã tạo áp lực cạnh tranh gay gắt đối với các sản phẩm cá khác vốn có mặt tại EU từ lâu, đặc biệt là các sản phẩm cá thịt trắng bản địa. Một số nhóm lợi ích tại thị trường EU đã có các hoạt động khiến người tiêu dùng EU nhận thức sai về vấn đề nuôi trồng và an toàn thực phẩm của cá tra Việt Nam.
Điển hình, Đài truyền hình Cuatro TV (Tây Ban Nha) đã phát sóng chương trình “El Punto de Mira”, với nội dung chứa đựng thông tin không chính xác và cố ý bôi nhọ hình ảnh của cá tra Việt Nam được nuôi trên những lồng bè không sạch trên sông Mekong, thức ăn không được chế biến theo quy chuẩn công nghiệp mà từ cá chết và các loại phế phẩm khác… Sau chương trình này, chuỗi siêu thị bán lẻ châu Âu Carrefour đã tuyên bố sẽ ngừng bán cá tra tại các cửa hàng ở Tây Ban Nha, Bỉ và Pháp.
Mặc dù giới chức EU đã lên tiếng đảm bảo về chất lượng và VASEP có hành động bảo vệ nhưng nhiều siêu thị tại EU vẫn ngừng kinh doanh cá tra Việt Nam. Đồng thời, người tiêu dùng EU có định kiến nhất định về sản phẩm cá tra Việt Nam. Qua đó, thị trường EU dần tụt xuống vị trí thứ 3, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc, trong số các thị trường trọng điểm của cá tra Việt Nam.
Tuy nhiên, kể từ năm 2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU đang dần phục hồi khi nhiều yếu tố thuận lợi xuất hiện cùng lúc. Cụ thể, xung đột quân sự Nga - Ukraine khiến nguồn cung cá từ Nga sang EU sụt giảm đáng kể, cùng với đó là lạm phát tăng cao khiến cá tra với lợi thế giá cả phải chăng trở thành sự lựa chọn phù hợp cho nhiều người tiêu dùng tại EU. Đồng thời, với vị thế là nhà cung ứng cá tra lớn nhất vào EU, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra Việt Nam cũng chủ động chia sẻ một phần chi phí vận chuyển với đối tác, nhà nhập khẩu để duy trì mức giá hợp lý, tận dụng tốt nhu cầu thị trường để duy trì đà tăng trưởng lâu dài.
Ngoài ra, trong những năm vừa qua, ngành cá tra Việt Nam đã liên tục chủ động nâng cao kỹ thuật và năng lực kiểm soát chất lượng, chú trọng vấn đề truy xuất nguồn gốc, quản lý tác động môi trường và trách nhiệm xã hội trong suốt toàn bộ chuỗi cung ứng với việc đạt hàng loạt chứng nhận quốc tế về thực hành nuôi tốt. Qua đó, những nhận thức sai về hình ảnh cá tra Việt Nam được xoá bỏ, thương hiệu cá tra Việt Nam dần củng cố vị thế tại thị trường EU nói riêng và các thị trường nước ngoài khó tính khác nói chung.
Trong thời gian tới, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU còn nhận được trợ lực từ việc thuế GSP 5,5% sẽ giảm về 0% đối với sản phẩm cá tra đông lạnh theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” tại Thành phố Hồ Chí Minh, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Tại Hội nghị, đại diện VASEP đã đề xuất xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như cá tra, tôm và cá ngừ,…
Trong năm nay, Bộ Công Thương đã và đang tổ chức hàng loạt hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài; tăng cường hỗ trợ, cung cấp thông tin ở từng thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp tận dụng tối đa các cơ hội, đặc biệt là các lợi thế có được từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; và tập trung tháo gỡ rào cản để giúp các doanh nghiệp duy trì thị trường truyền thống cũng như thâm nhập vào các thị trường xuất khẩu mới.