Kế hoạch của Bộ Công Thương xác định nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Phấn đấu hoàn thành toàn bộ các mục tiêu cụ thể thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công Thương được nêu trong Quyết định số 1157/QĐ-TTg ngày 12/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025.
Hỗ trợ, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức có liên quan để hoàn thành các mục tiêu cụ thể của Chương trình hành động của Chính phủ thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các địa phương, đơn vị đó.
Theo đó, Bộ Công Thương đề ra 10 nhóm nhiệm vụ chính để hiện thực hóa các mục tiêu này.
Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Xây dựng kế hoạch và tổ chức Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3 hàng năm; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tuyên truyền, phổ biến các cam kết quốc tế, khu vực và quốc gia về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Thứ hai, kiện toàn hệ thống cơ quan, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trung ương tới địa phương; Phát triển mạng lưới tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ cấp tỉnh, thành phố xuống cấp quận, huyện; Thành lập các tổ chức hòa giải về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ ba, tăng cường công tác đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm: Đề xuất cơ chế phối hợp và hỗ trợ giữa cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; Đề xuất cơ chế, tổ chức, trang bị một số công cụ, phương tiện, thiết bị kiểm tra, đánh giá; Hỗ trợ tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng độc lập; Xây dựng cơ sở pháp lý phục vụ công tác đánh giá chất lượng hàng hóa, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, tăng cường công tác bảo vệ người tiêu dùng.
Thứ tư, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Xây dựng các bộ tài liệu và công cụ, phương tiện đào tạo về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Tổ chức các khóa đào tạo, lớp tập huấn ngắn, trung và dài hạn trong và ngoài nước cho các cán bộ, công chức, người lao động làm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Thứ năm, xây dựng, nâng cấp, phát triển, hoàn thiện và kết nối các hệ thống tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng trên toàn quốc.
Thứ sáu, xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo vệ người tiêu dùng.
Thứ bảy, triển khai các chương trình khuyến khích doanh nghiệp thực hiện quy tắc đạo đức ứng xử với người tiêu dùng, tiêu chí, chuẩn mực trong kinh doanh nhằm tối ưu hóa lợi ích của người tiêu dùng.
Thứ tám, hợp tác quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Chủ trì, phối hợp hoặc tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong khu vực và trên thế giới; Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, cơ chế hợp tác, phối hợp với cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các nước trên thế giới để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch xuyên biên giới và thu hồi hàng hóa có khuyết tật; Tăng cường công tác trao đổi kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ chín, thúc đẩy hoạt động kinh doanh và bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử, kinh tế số và kinh tế chia sẻ.
Thứ mười, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện hoạt động, hành vi kinh doanh, tiêu dùng bền vững; các hoạt động phát triển công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khác phù hợp với thực tiễn và pháp luật.
[Quảng cáo]