Triển khai kế hoạch thực hiện các FTA thế hệ mới

Với vai trò là cơ quan đầu mối trong thực thi các FTA thế hệ mới, Bộ Công Thương đã chủ động tổ chức cung cấp thông tin, phổ biến tuyên truyền, cùng cac sbooj, ngành xây dựng pháp luật, nghiên cứu thị trường... nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường này.

Hiệp định CPTPP

Bộ Công Thương tiếp tục là cơ quan đầu mối thông tin về Hiệp định CPTPP để cung cấp thông tin, hướng dẫn, làm rõ các nội dung cam kết và các vấn đề có liên quan đến Hiệp định CPTPP.

Đồng thời, Bộ cũng tiếp tục duy trì việc kết nối với các đầu mối CPTPP của từng Bộ, ngành, địa phương thông qua ứng dụng di động để nhanh chóng và thuận tiện trong việc triển khai công tác phổ biến, tuyên truyền, đôn đốc cũng như tiếp nhận những phản hồi về các khó khăn mà các Bộ, ngành, địa phương gặp phải liên quan đến Hiệp định CPTPP.

Về công tác xây dựng pháp luật, thể chế, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành của Việt Nam đã ban hành 16 văn bản (gồm 2 Luật, 4 Nghị định, 9 Thông tư, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) để thực thi cam kết của Hiệp định CPTPP.

Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta về cơ bản là đáp ứng được yêu cầu của Hiệp định và được các nước thành viên CPTPP ghi nhận và đánh giá cao.

Tính đến tháng 9 năm 2020, Chính phủ và Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản để thực thi Hiệp định CPTPP gồm:

Nghị định 95/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 08 năm 2020 hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định CPTPP.

Thông tư số 06/2020/TT-BCT ngày 24 tháng 3 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2019/TT-BCT ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Bộ Công Thương quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP.

Thông tư số 04/2020/TT-BCT ngày 22 tháng 01 năm 2020 của Bộ Công Thương về quy định đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng theo Hiệp định CPTPP.

Thông tư số 03/2020/TT-BCT ngày 22 tháng 01 năm 2020 của Bộ Công Thương về quy định việc nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan theo Hiệp định CPTPP.

Ngoài ra, với vai trò cơ quan đầu mối, Bộ Công Thương đã liên tục đôn đốc các Bộ, ngành nhanh chóng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Hiệp định CPTPP.

Hiệp định EVFTA

Bộ Công Thương đã có những bước đi nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng được các ưu thế mà Hiệp định EVFTA mang lại, với những hoạt động chính cụ thể như sau:

Thứ nhất, về ban hành kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA

Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2091/QĐ-BCT ngày 06 tháng 8 năm 2020 Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Bộ Công Thương.

Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các đơn vị phối hợp tổ chức thực hiện kế hoạch. Trong đó, các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm 5 nhóm chính:

Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; và chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Thứ hai, về công tác phổ biến, tuyên truyền. Trong 9 tháng đầu năm 2020, Bộ Công Thương đã tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm cung cấp, phổ biến thông tin và hướng dẫn thực thi các cam kết trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA cho doanh nghiệp, cá nhân và các cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, để đổi mới phương pháp tuyên truyền trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã và đang triển khai Chương trình tập huấn trực tuyến về các cam kết trong Hiệp định EVFTA, tập trung vào các cam kết về dịch vụ - đầu tư, thuế, quy tắc xuất xứ, phát triển bền vững, quyền sở hữu trí tuệ và chỉ dẫn địa lý.

Chương trình tập huấn bao gồm các video clip hướng dẫn và các buổi trao đổi trực tuyến (livestream) giữa người tham gia và các chuyên gia của Bộ Công Thương và Đoàn đàm phán Chính phủ. Chương trình được triển khai trên hai nền tảng là Facebook và Youtube.

Kể từ khi công bố thông tin về Chương trình vào ngày 15 tháng 5 năm 2020, Bộ Công Thương đã nhận được hơn 1600 lượt đăng ký đến từ 1.000 doanh nghiệp, 20 hiệp hội và hơn 10 trường đại học tại khắp tỉnh, thành phố trên cả nước. Cụ thể, Bộ Công Thương đã tổ chức:

Khóa tập huấn về cam kết dịch vụ - đầu tư trong Hiệp định EVFTA vào ngày 02 tháng 6 năm 2020.

Khóa tập huấn về cam kết thuế trong Hiệp định EVFTA và tiếp cận thị trường EU vào ngày 23 tháng 6 năm 2020.

Khóa tập huấn về cam kết quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA vào ngày 30 tháng 9 năm 2020.

Thứ ba, về ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực thi Hiệp định EVFTA

Bộ Công Thương đã liên tục đôn đốc các Bộ, ngành nhanh chóng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Hiệp định EVFTA. Theo đó, để thực thi Hiệp định EVFTA, Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như sau:

Nghị định số 111/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2020 về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA giai đoạn 2020-2022.

Nghị định số 103/2020/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2020 quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu.

Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 06 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Chính phủ.

Quyết định số 1175/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quyết định về việc chỉ định cơ quan đầu mối thực thi Hiệp định EVFTA.

Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2020 của Bộ Công Thương quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA.

Thứ tư, về thiết lập đầu mối cung cấp thông tin Hiệp định EVFTA

Bộ Công Thương vẫn đang tiếp tục vận hành chuyên trang thông tin điện tử về Hiệp định EVFTA tại địa chỉ: http://evfta.moit.gov.vn

Hiện tại, Bộ đã và đang liên tục tiếp nhận và xử lý nhiều vướng mắc thực tiễn mà các doanh nghiệp gặp phải cũng như cung cấp thông tin giải thích liên quan đến các cam kết trong Hiệp định. Bộ cũng đang tổng hợp đầu mối của các Bộ ngành trong những nội dung/lĩnh vực cụ thể của Hiệp định.

Thứ năm, về công tác nghiên cứu thị trường

Hiện tại, công tác nghiên cứu thị trường vẫn đang được tiếp tục được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có tâm thế sẵn sàng để có thể tận dụng ngay các ưu đãi về thuế quan khi Hiệp định được chính thức đưa vào thực thi.

Bộ Công Thương tiếp tục duy trì Bản tin nông lâm thủy sản hàng tuần, xây dựng kênh thông tin cập nhật diễn biến thị trường, dự báo và đánh giá về tình hình cung cầu, giá cả để doanh nghiệp có thông tin định hướng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Song song với đó, Bộ cũng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu.

[Quảng cáo]

Gia Viễn