Tham dự Lễ kỷ niệm có ông Trịnh Huy Thành - Bí thư Đảng ủy khối Công nghiệp Hà Nội, ông Lý Quốc Hùng - Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam, bà Trần Thị Bạch Dương - Phó Vụ trưởng, Hàm Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Phó Vụ trưởng, Phụ trách Vụ Phát triển Nguồn nhân lực, cùng các đồng chí là lãnh đạo thuộc các Cục, các Vụ trực thuộc Bộ Công Thương, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Dạy nghề, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, lãnh đạo các Tổng Công ty, các Công ty trong và ngoài ngành Điện, các cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh sinh viên Nhà trường qua các thời kỳ...
Ôn lại lịch sử 50 năm ngày truyền thống Trường Đại học Điện lực, TS. Trương Huy Hoàng cho biết: Tiền thân của Trường Đại học Điện lực là Trường Trung học Điện lực thuộc Bộ Công nghiệp, tách từ Trường Trung cao Cơ điện ngày 8/2/1966. Năm 2001, Trường Trung học Điện lực được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Điện lực, và nay là Trường Đại học Điện lực. Suốt 50 năm qua, Nhà trường luôn giữ vững chất lượng đào tạo, xác định chất lượng đào tạo là mục tiêu quan trọng nhất khẳng định sự tồn tại và phát triển của Nhà trường. Với định hướng đó, học sinh, sinh viên của Trường tốt nghiệp được các cơ sở sản xuất chấp nhận và đánh giá cao, nhiều cựu học sinh của Trường hiện đang nắm giữ các vị trí chủ chốt quan trọng của ngành Điện và các lĩnh vực liên quan.
TS. Trương Huy Hoàng - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu lễ kỷ niệm
Hiện tại, đội ngũ cán bộ giáo viên của Trường có hơn 454 người, trong đó hơn 85
PGS và TS, hơn 250 thạc sĩ. Hiện nay, Trường đang đào tạo gần 15.000 sinh viên,
trong đó có khoảng 700 học viên hệ thạc sĩ, 11.000 sinh viên hệ đại học, cao đẳng
chính quy và hơn 3.000 sinh viên hệ vừa làm vừa học.
“Với 50 năm truyền thống, Nhà trường đã phát triển cả về lượng và về chất. Từ một
trường trung học với số lượng cán bộ giáo viên khiêm tốn, đào tạo số lượng học
sinh ít ỏi và chỉ ở một vài chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực điện. Đến nay, Trường đang đào tạo 28 chuyên ngành bậc đại học và cao đẳng; 7 chuyên ngành đào
tạo thạc sĩ” - TS. Trương Huy Hoàng khẳng định.
Đặc biệt, năm 2016 ghi nhận một bước phát triển mới của Nhà trường khi Trường
được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo tiến sĩ.
Nhà trường xác định mục tiêu đào tạo các cán bộ, kỹ sư không chỉ cho
ngành Điện, mà cho các ngành Kinh tế - Kỹ thuật trong cả nước để sinh
viên ra trường nhanh chóng tìm kiếm được việc làm, nuôi sống bản thân và góp ích
làm giàu cho xã hội.
TS. Trương Huy Hoàng cho biết một thông tin đáng mừng là thăm dò gần đây cho thấy, khoảng
80% sinh viên hệ cao đẳng và 85% sinh viên hệ đại học của Trường ra trường tìm được việc làm
sau 6 tháng. Con số này phần nào khẳng định được chất lượng đầu ra của sinh
viên.
Không chỉ thuần túy đào tạo, đảm bảo theo các tiêu chí chất lượng công khai, Hiệu trưởng Đại học Điện lực cũng cho biết, Trường thường xuyên tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học trực tiếp giải quyết các vấn đề "nóng" của ngành Điện hiện nay và các lĩnh vực liên quan. Chỉ trong năm học 2015 - 2016, Trường Đại học Điện lực đã và đang tiến hành triển khai 3 đề tài dự án cấp Nhà nước, 12 đề tài cấp Bộ Công Thương, 3 đề tài cấp Tập đoàn, cùng với trên 90 đề tài cấp trường. Ngoài ra, cán bộ của Trường còn tham gia 3 đề tài nhánh cấp Bộ cùng với các đơn vị khác ngoài trường. Nhiều đề tài, dự án được nghiệm thu và đưa vào sản xuất và giảng dạy, như: Công tơ điện tử một pha đa chức năng; Công tơ điện tử ba pha đa chức năng; Hệ thống đo đếm điện năng; Thiết bị bù hạ thế, xe đạp phát điện…
Khẳng định sự phát triển của Đại học
Điện lực trong thời gian qua, đại diện Bộ Công Thương cho biết: Trường Đại học
Điện lực đang khẳng định được vị trí và thương hiệu của mình trong lĩnh vực
giáo dục đào tạo. Trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên ngày càng được nâng cao,
số giảng viên có trình độ trên Đại học là 85%, trong đó có 24% là PGS, TS. Nguồn
nhân lực có trình độ cao của Nhà trường là một trong những điểm sáng của các trường đại học trực
thuộc Bộ Công thương.