TÓM TẮT:
Truy xuất nguồn gốc (TXNG) đang là xu thế tất yếu giúp nâng cao năng lực cạnh tranh thị trường thực phẩm trong và ngoài nước cho các mặt hàng sản phẩm nông nghiệp. TXNG là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối. Nhiều quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, cộng đồng châu Âu, Nhật Bản,… đã luật hóa vấn đề TXNG sản phẩm. Trước xu thế mới của thị trường, để có thể gia nhập vào các thị trường khó tính và nâng cao sự cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước, Việt Nam đã nỗ lực triển khai việc TXNG sản phẩm trong những năm qua. Bài viết nghiên cứu về hành lang pháp lý cho việc TXNG và đang tiến tới xây dựng cổng thông tin quốc gia về TXNG.
Từ khóa: sản phẩm nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc, nguồn gốc, kinh nghiệm quốc tế.
1. Tổng quan chung về truy xuất nguồn gốc
1.1. Định nghĩa về truy xuất nguồn gốc
Theo quy định tại Điều 2, Luật ATTP số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010, TXNG là việc truy tìm quá trình hình thành và lưu thông thực phẩm.
Theo quy định tại Thông tư số 03/2011/TT-BNNPTNT ngày 21/01/2011 và Thông tư 01/VBHN-BNNPTNT ngày 18/5/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, TXNG là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối.
Theo quy định tại Điều 3 trong Quy định (EC) số 178/2002 sửa đổi ngày 26/7/2019[1] của Nghị viện và Hội đồng châu Âu, gọi tắt EC178), khả năng TXNG có nghĩa là khả năng truy tìm và theo dõi thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, động vật sản xuất thực phẩm hoặc chất được dự định đưa vào hoặc dự kiến được đưa vào thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi, thông qua tất cả các giai đoạn sản xuất, chế biến và phân phối.
Như vậy, hiểu một cách khái quát, TXNG là chỉ ra chính xác một đơn vị sản phẩm thuộc về lô sản phẩm nào, sản xuất ở đâu, sử dụng các chất gì trong quá trình sản xuất, đồng thời cung cấp thông tin làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan tới việc sản xuất, đóng gói, phân phối,… lô sản phẩm từ đầu đến cuối chuỗi cung ứng. Đơn vị sản phẩm này sẽ gắn với trách nhiệm của các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng, nền tảng tiêu chuẩn chất lượng áp dụng, và quan trọng nhất là đáp ứng các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người tiêu dùng.
1.2. Chuỗi cung ứng sản phẩm
Chuỗi cung ứng sản phẩm mô tả cấu trúc và các mối liên kết giữa các doanh nghiệp và tổ chức cùng tham gia vào quá trình tạo ra, duy trì và phân phối một loại sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Để có dòng thông tin TXNG chính xác, cần nhận diện được chuỗi cung ứng sản phẩm. Mô hình chuỗi cung ứng thể hiện đường đi của dòng sản phẩm từ đầu vào đến thành phẩm cuối cùng. Về cơ bản, chuỗi cung ứng có thể tóm lược trong 3 mắt xích quan trọng sau: 1) Đầu vào: Trại giống - nguyên liệu (thức ăn, phân bón, …) - Thuốc phòng/chữa bệnh; 2) Sản xuất: Trại nuôi - Thương lái - Vận chuyển; 3) Chế biến: Nhà máy - Xuất khẩu/Siêu thị - Người tiêu dùng.
1.3. Vai trò của TXNG
TXNG sản phẩm giúp cải thiện khả năng cạnh tranh và cung cấp sự đảm bảo cho khách hàng.TXNG giúp người tiêu dùng và đối tác thương mại có thể biết các thông tin về sản phẩm từ khâu sản xuất tới khi thành sản phẩm lưu thông trên thị trường. Điều này tạo thêm sự tin tưởng của khách hàng đối với nhà sản xuất. TXNG cũng cung cấp khả năng hỗ trợ các tuyên bố về thực phẩm của các bên.TXNG cũng làm rõ được vai trò và trách nhiệm của các bên tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm.TXNG giúp cơ quan quản lý và doanh nghiệp truy hồi nhanh, chính xác lượng hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), giảm thiệt hại về người và của.TXNG là quy định bắt buộc ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay. Do đó, TXNG sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng quy định của quốc tế và quốc gia nhập khẩu.
2. Kinh nghiệm quốc tế về TXNG sản phẩm nông nghiệp
2.1. Liên minh Châu Âu
Từ ngày 01/01/2005, EU đã đưa TXNG trở thành quy định bắt buộc đối với các nước thành viên của EU, quy định hàng hóa đưa ra thị trường phải được dán nhãn bằng phương thức thích hợp để TXNG. Các quy định của EU về TXNG sản phẩm nông nghiệp như sau:
Nguyên tắc và yêu cầu về TXNG: tại Điều 18 (1,2) của EC178 đã quy định TXNG của thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, động vật sản xuất thực phẩm và bất kỳ chất nào khác được dự định hoặc dự kiến đưa vào thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi phải được thiết lập ở tất cả các giai đoạn sản xuất, chế biến và phân phối. Để thực hiện điều này, các nhà kinh doanh phải có các hệ thống và quy trình cho phép đưa ra các thông tin trên theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Quy định về mã hóa, dán nhãn và thông tin ra bên ngoài: tại Điều 18 (4) của EC178 đã quy định đối với thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi được đưa vào thị trường hoặc có khả năng được đưa vào thị trường tiêu thụ phải được dán nhãn hoặc nhận dạng đầy đủ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc. Dấu hiệu, hình thức và phương pháp nhận dạng được quy định cụ thể tại phần 1, Phụ lục 2 của Quy định (EC) số 853/2004 sửa đổi ngày 01/01/2021[2] của Nghị viện và Hội đồng châu Âu, trong đó yêu cầu dấu hiệu nhận dạng phải được áp dụng trước khi sản phẩm rời khỏi cơ sở sản xuất. Các thông tin trong chuỗi thực phẩm cũng được quy định cụ thể trong phần 2, phụ lục 2 của quy định này. Đối với việc mã hóa, các sản phẩm được mã hóa định dạng cụ thể bằng mã (code), mã số mã vạch (barcode), chip điện tử hoặc các phương pháp khác nhưng cần đảm bảo gắn trên từng lô hàng vật lý
Quy định về trang trại: tại phần B, Phụ lục 2 của Quy định (EC) số 852/2004 sửa đổi ngày 20/4/2009[3] của Nghị viện và Hội đồng châu Âu đã đưa ra quy định về thực hành vệ sinh tốt để kiểm soát các mối nguy trong sản xuất cơ bản và các hoạt động liên quan gắn với việc TXNG, cụ thể: 1) Phải sử dụng đúng và thích hợp các sản phẩm bảo vệ thực vật và chất diệt khuẩn và khả năng truy xuất nguồn gốc của chúng; 2) Phải sử dụng đúng và thích hợp các sản phẩm thuốc thú y và phụ gia thức ăn chăn nuôi và khả năng truy xuất nguồn gốc của chúng; 3) Phải chuẩn bị, bảo quản, sử dụng và truy xuất nguồn gốc thức ăn chăn nuôi.
Quy định về lấy mẫu, kiểm soát sản phẩm xuất, nhập khẩu: tại các Điều 14, 26 và 46 của Quy định (EU) 2017/625 hiệu lực ngày 14/12/2019[4] của Nghị viện và Hội đồng châu Âu quy định các biện pháp kiểm soát chính thức có liên quan đến TXNG. Khi cần thiết, việc kiểm soát chính thức sẽ kiểm tra các tài liệu, hồ sơ xác định nguồn gốc và các hồ sơ khác có thể liên quan nhằm đánh giá việc tuân thủ các quy tắc đã được quy định. TXNG được thực hiện ở tất cả các giai đoạn sản xuất, chuẩn bị và phân phối. Đối với kiểm soát động vật và hàng hóa tại biên giới, khi cần thiết, cơ quan chức năng có thể yêu cầu lấy mẫu động vật, hàng hóa tại các chốt kiểm soát biên giới và quyết định liệu lô hàng có cần bị giam giữ trong khi chờ kết quả phân tích, xét nghiệm hoặc chẩn đoán hay không hay có thể được xuất kho với điều kiện đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc của lô hàng.
Quy định về cảnh báo, thu hồi: sản phẩm được quy định bắt buộc nhập thông tin lên RASFF[5] - Hệ thống cảnh báo nhanh cho thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (được quy định cụ thể tại Điều 50, 51 và 52 trong EC178) để ngăn ngừa mối nguy từ xa.
2.2. Hoa Kỳ
Tại Hoa Kỳ, Luật ban hành để đảm bảo sự an toàn của nguồn cung cấp thực phẩm và thiết lập mức độ bảo vệ của quốc gia, thể hiện rõ sự phân chia quyền lực, dựa trên cơ sở khoa học và mang cách tiếp cận phòng ngừa dựa trên rủi ro. Quy định của Hoa Kỳ về TXNG sản phẩm nông nghiệp cụ thể như sau:
Nguyên tắc và yêu cầu về TXNG: Luật An ninh Y tế và Sẵn sàng đối phó với khủng bố sinh học năm 2002[6] đã đưa ra các điều luật về an ninh và an toàn thực phẩm nhằm TXNG thực phẩm và đảm bảo các loại thực phẩm nhập khẩu vào Hoa Kỳ sẽ không bị nhiễm bệnh, chống lại nguy cơ khủng bố. Tại Mục 305 của Luật này, bất kỳ doanh nghiệp nào sản xuất, chế biến, đóng gói, lưu giữ đồ uống, thực phẩm hoặc các thành phần của thực phẩm dành cho người tiêu dùng và động vật tại Mỹ phải đăng ký với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để được cấp mã số (đã được quy định trong hệ thống mã số chung của liên bang -Code of Federal Regulations) trước khi xuất khẩu vào Mỹ. Trong trường hợp có nguy cơ hoặc xảy ra khủng bố sinh học hoặc phát sinh ốm đau do thực phẩm gây ra, các thông tin đăng ký cơ sở sẽ giúp cho FDA xác định địa điểm và nguồn gốc sự kiện và thông báo nhanh chóng đến các cơ sở có thể bị ảnh hưởng. Phương pháp một bước trước, một bước sau (phương pháp sử dụng trong TXNG) được đóng vai trò quan trọng trong theo dõi sự ATTP vì có thể hỗ trợ việc thu hồi nhanh sản phẩm bị nhiễm độc.
Quy định về mã hóa, dán nhãn và thông tin ra bên ngoài: Mục 306 của Luật An ninh Y tế và Sẵn sàng Đối phó với Khủng bố Sinh học năm 2002 quy định cơ quan chức năng có thể truy cập và sao chép các hồ sơ cần thiết liên quan đến sản phẩm (gồm thông tin về sản xuất, chế biến, đóng gói, phân phối, nhận, giữ hoặc nhập khẩu) để hỗ trợ việc xác định xem thực phẩm có bị tạp nhiễm hay không, liệu có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng có hại cho sức khỏe hoặc tử vong cho con người hay động vật hay không. Các thông tin được truy cập sẽ được bảo đảm giữ bí mật. Mỗi điểm dọc theo chuỗi cung ứng, cần phải có tài khoản cho nơi họ nhận được thực phẩm từ đâu và điểm kết thúc.
Mục 308 của Luật này cũng quy định, khi lô hàng bị từ chối nhập khẩu vào Hoa Kỳ, khi cần thiết, Bộ trưởng có thể yêu cầu đóng dấu dán nhãn rõ ràng và dễ thấy vào hộp đựng thực phẩm “UNITED STATES: REFUSED ENTRY” để tránh việc hàng hóa được mua bán lại tại cảng và đưa vào tiêu thụ trong nước, gây nguy hại cho sức khỏe con người và động vật.
Để nhập khẩu vào Hoa Kỳ, việc đăng ký cơ sở sản xuất với FDA là bắt buộc và mỗi cơ sở sẽ được cấp 1 mã, mã này sẽ giúp FDA quản lý và truy xuất thông tin về doanh nghiệp, cũng như hàng hóa khi cần thiết.
Quy định về lấy mẫu, kiểm soát sản phẩm xuất, nhập khẩu: Lô hàng xuất khẩu được kiểm tra, chứng nhận theo quy định hiện hành khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Trong đó, tại Mục 519, 520, 584 và 806 Luật Liên bang Thực phẩm, Dược phẩm và Mỹ phẩm (FFDCA)[7] sửa đổi ngày 27/12/2020 quy định về truy xuất nguồn gốc để kiểm soát sản phẩm xuất, nhập khẩu, yêu cầu việc lưu trữ hồ sơ, thử nghiệm, kiểm tra và đánh giá cơ sở vật chất, truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm thực phẩm, kiểm soát nhiệt độ, và thực hành tìm nguồn cung ứng của nhà nhập khẩu.
Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu thực phẩm sang Hoa Kỳ, phải tuân thủ các quy định về Phân tích mối nguy và Kiểm soát phòng ngừa dựa trên rủi ro - HARPC[8].
Quy định về cảnh báo, thu hồi sản phẩm: một số quy định về cảnh báo, thu hồi sản phẩm được quy định trong Đạo luật hiện đại hóa về ATTP (FSMA)[9] ngày 4/01/2011. Luật này không cho phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ bất kỳ sản phẩm nào nếu sản phẩm đó: (1) được sản xuất, chế biến hay đóng gói trong những điều kiện không vệ sinh; (2) bị cấm hay hạn chế bán ở nước mà sản phẩm đó được sản xuất hay xuất khẩu; (3) chưa được chấp nhận là một loại thuốc mới; hoặc (4) bị pha trộn hoặc dán nhãn sai. Luật chủ yếu tập trung vào việc ngăn ngừa, cảnh báo, kiểm soát các vấn đề về ATTP.
2.3. Nhật Bản
Từ năm 2005, Nhật Bản đã đưa ra yêu cầu các lô hàng nhập khẩu phải có khả năng TXNG khi gặp sự cố về chất lượng. Quy định của Nhật Bản về TXNG sản phẩm nông nghiệp cụ thể như sau:
Nguyên tắc, yêu cầu TXNG: tại Mục 2, Điều 3 của Luật vệ sinh thực phẩm Nhật Bản năm 2020[10] quy định người kinh doanh thực phẩm phải cố gắng lập hồ sơ về mọi thông tin cần thiết như tên của người đã bán thực phẩm để bán,... hoặc nguyên liệu của họ cho người kinh doanh thực phẩm và lưu giữ hồ sơ đó, trong giới hạn cần thiết cho ngăn ngừa các mối nguy về vệ sinh thực phẩm,...
Tại Điều 8 của Luật ATTP cơ bản năm 2009[11] quy định người điều hành cơ sở kinh doanh sản xuất, nhập khẩu, bán hoặc kinh doanh khác đối với phân bón, nông dược, thức ăn chăn nuôi, phụ gia thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và các nguyên liệu sản xuất khác cho nông, lâm, ngư nghiệp có thể ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, thực phẩm (bao gồm cả nông sản, các sản phẩm lâm nghiệp và thủy sản được sử dụng làm nguyên liệu thô), chất phụ gia phải chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết một cách thích hợp để đảm bảo an toàn thực phẩm tại mỗi giai đoạn của quy trình cung cấp thực phẩm.
Quy định về mã hóa, dán nhãn và thông tin ra bên ngoài: tại Điều 4 của Luật ghi nhãn sản phẩm năm 2020[12] quy định các sản phẩm phải được dán nhãn với các thông tin: tên, chất gây dị ứng; phương pháp bảo quản, ngày hết hạn; các thành phần, phụ gia, giá trị dinh dưỡng và giá trị calo, quốc gia xuất xứ và thông tin khác mà những người kinh doanh liên quan đến thực phẩm,... nên hiển thị khi bán thực phẩm
Lấy mẫu, kiểm soát sản phẩm xuất, nhập khẩu: Việc kiểm tra giám sát được thực hiện tại các trạm kiểm dịch của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi khi thực phẩm và hàng hóa bị nghi ngờ về việc đảm bảo tuân thủ theo quy định của Luật Vệ sinh thực phẩm. Kiểm tra giám sát sẽ tăng lên 50% lô hàng sẽ bị lấy mẫu nếu phát hiện 01 lô vi phạm.
2.4. Thái Lan
Năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đã ban hành tiêu chuẩn quốc gia về TXNG, xây dựng cổng thông tin điện tử về TXNG để nông dân vào đăng ký dùng miễn phí, TraceThai.com[13]. Các sản phẩm như chuối, sầu riêng, hoa quả bán tại nhiều cửa hàng ở Thái Lan cũng được dán mã vạch QR (Quick Response) phục vụ TXNG.
2.5. Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO)
Tổ chức đã ban hành các tiêu chuẩn liên quan đến TXNG như: ISO 22005:2007[14] xác định nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm và thức ăn chăn nuôi - Nguyên tắc chung và yêu cầu cơ bản đối với việc thiết kế và thực hiện hệ thống tháng 7 năm 2007; tiêu chuẩn ISO 34101-3 nêu các yêu cầu đối với TXNG ca cao được công bố tháng 5 năm 2019.
2.6. Tổ chức mã số mã vạch quốc tế (GS1)
Tổ chức đã ban hành tiêu chuẩn TXNG GS1 quy định các loại mã số phân định của GS1 sử dụng trong TXNG; GS1 cũng xây dựng mô hình đánh giá chứng nhận hệ thống TXNG phù hợp tiêu chuẩn TXNG của GS1.
3. Hiện trạng TXNG sản phẩm nông nghiệp ở Việt Nam
3.1. Các quy định pháp lý về TXNG sản phẩm nông nghiệp
Hệ thống văn bản quy định về TXNG của Việt Nam hiện nay gồm: Luật ATTP số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010; Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa số 30/VBHN-VPQH ngày 10/12/2018; Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15/11/2017; Luật Thủy Sản số 18/2017/QH14 ngày 21/11/2017; Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14 ngày 19/11/2018; Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 ngày 19/11/2018; Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành các thông tư như: Thông tư số 03/2011/TT-BNNPTNT ngày 21/01/2011 quy định về TXNG và thu hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng, ATTP trong lĩnh vực thủy sản, Thông tư số 44/2018/TT-BNNPTNT ngày 28/12/2018 về kiểm tra nhà nước về ATTP đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu, Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 quy định về quản lý và TXNG Lâm Sản; Thông tư số 25/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định TXNG sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý; Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG; Quyết định số 1978/QĐ-BCT ngày 28/7/2020 của Bộ Công Thương về Kế hoạch thực hiện “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và nhiều văn bản pháp luật riêng cho từng lĩnh vực có liên quan. Tổng hợp chung các quy định trong các văn bản trên như sau:
Nguyên tắc, yêu cầu TXNG: Các cơ sở phải lưu giữ và thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc theo nguyên tắc một bước trước - một bước sau để đảm bảo khả năng nhận diện, truy tìm một đơn vị sản phẩm trong từng giai đoạn của chu trình sản phẩm.
Quy định về mã hóa, dán nhãn và thông tin ra bên ngoài: Các cơ sở phải áp dụng hệ thống mã số nhận diện (mã hóa) sản phẩm, nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm trong suốt quá trình sản xuất.
Các thông tin tối thiểu về sản phẩm mà các cơ sở cần cung cấp gồm: Thông tin về địa điểm và điều kiện sản xuất; thông tin về mã số nhận diện; thông tin về tiêu chuẩn công bố áp dụng, thông tin về nước xuất khẩu (nếu sản phẩm dành cho xuất khẩu).
Quy định về trang trại: Phải có các giấy tờ, hóa đơn ghi rõ xuất xứ của Giống; giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền (đối với động vật). Nguyên liệu được sử dụng trong quá trình nuôi, trồng phải có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, có nhãn hàng hóa đầy đủ theo quy định về ghi nhãn hàng hóa và được bảo quản theo hướng dẫn ghi trên nhãn hàng hóa. Thuốc, vi sinh vật, chế phẩm sinh học, hóa chất và chất xử lý cải tạo môi trường dùng cho việc phòng, trị bệnh, xử lý, cải tạo phải có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam; có nhãn hàng hóa đầy đủ theo quy định về ghi nhãn hàng hóa và được bảo quản theo hướng dẫn ghi trên nhãn hàng hóa. Phải đăng ký mã số ao nuôi.
Quy định về lấy mẫu, kiểm soát sản phẩm xuất, nhập khẩu: Cơ sở tham gia chương trình chứng nhận xuất khẩu theo từng thị trường, đáp ứng các quy định về ghi nhãn các thông tin bắt buộc theo quy định của thị trường nhập khẩu, không làm sai lệch bản chất của hàng hóa và không vi phạm pháp luật Việt Nam.
Các cơ sở tham gia sản xuất lô hàng có trách nhiệm lưu giữ đầy đủ hồ sơ sản xuất và kiểm soát ATTP đối với các công đoạn sản xuất do cơ sở thực hiện, bảo đảm khả năng TXNG sản phẩm khi lấy mẫu kiểm tra.
Quy định về cảnh báo, thu hồi: Khi các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát hiện sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu, các cơ sở phải có trách nhiệm thực hiện việc TXNG nhằm xem xét việc liệu có thu hồi sản phẩm hay không. Các thông tin phục vụ TXNG bao gồm: Tên, chủng loại sản phẩm đã mua, đã bán; Ngày, tháng, năm, số lượng, khối lượng, số lô, số mẻ của sản phẩm (nếu có) đã mua, bán.
3.2. Thực tế triển khai TXNG sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam
Ngày 19/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg[15] phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG, với mục tiêu: Hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về TXNG; Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động TXNG để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa; Nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về TXNG thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan; Đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin TXNG của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về TXNG.
Việc triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG theo Đề án trên được thực hiện thống nhất toàn quốc. Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ và 63 tỉnh/thành phố thống nhất hệ thống TXNG trong các sản phẩm quản lý của Bộ, của địa phương để kết nối với cổng thông tin truy xuất quốc gia. Hiện nay, 45/63 tỉnh/thành phố đã xây dựng đề án hoặc kế hoạch triển khai áp dụng TXNG các sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhằm tăng năng lực cạnh tranh thị trường trong và ngoài nước.
Trong thời gian vừa qua, có rất nhiều cơ sở, doanh nghiệp sử dụng mã QR code để cung cấp thông tin về sản phẩm và gọi đó là tem TXNG, tuy nhiên, hoạt động truy xuất thông qua tem truy xuất này chưa được chuẩn hóa về nội dung và hình thức.
Tem truy xuất mới chỉ sử dụng được hệ thống mã nội bộ, chỉ có khả năng truy xuất trong cùng hệ thống, chưa đáp ứng đúng yêu cầu truy xuất. Các hệ thống TXNG mang tính khép kín, chưa được kết nối với các cơ quan quản lý, không có khả năng mở để các bên tham gia hệ thống TXNG này có thể tham gia với các hệ thống TXNG khác cũng như kết nối với các hệ thống TXNG của các nước khác trên thế giới.
Do chưa có một chuẩn mực chung cho TXNG sản phẩm nên gây ra nhận thức không đúng trong xã hội về TXNG. Có rất nhiều những ngộ nhận, chẳng hạn như: có Bar code hoặc có QR code trên bao bì là có TXNG, hoặc cho rằng đưa thông tin về doanh nghiệp/vị trí sản xuất là có TXNG. Dẫn đến xuất hiện nhiều công ty phần mềm chào bán dịch vụ/phần mềm TXNG mà thực tế chưa có giải pháp/thông tin đúng về các yêu cầu của TXNG.
Ngoài ra, việc gắn kết giữa các bên liên quan trong quá trình sản xuất còn hạn chế. Các quy định của Việt Nam rất cụ thể trong từng khâu, từng đơn vị, nhưng chưa có quy định về việc báo cáo, lưu truyền thông tin giữa các đơn vị trong chuỗi cung ứng sản phẩm. Trong một số trường hợp, chưa có quy định cụ thể về phương pháp truyền thông tin TXNG giữa các đơn vị, nên mặc dù có nhiều quy định cụ thể về hoạt động truy xuất trong nội bộ, nhưng chưa gắn kết thông tin từ đầu đến cuối chuỗi theo yêu cầu đặt ra từ các thị trường nhập khẩu. Bênh cạnh đó, việc không tuân thủ quy trình, ghi chép của doanh nghiệp và người dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh là yếu tố khiến dữ liệu TXNG không đầy đủ và cập nhật so với yêu cầu về thông tin TXNG.
4. Một số khuyến nghị nâng cao hiệu quả áp dụng TXNG đối với sản phẩm nông nghiệp ở Việt Nam
Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định pháp luật, bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước về TXNG; thống nhất, chuẩn hóa hình thức, nội dung thẻ, tem, nhãn hoặc định dạng bằng một phương thức thích hợp để TXNG; thống nhất về các thông tin TXNG sản phẩm.
Thứ hai, quy định rõ vai trò và trách nhiệm của từng bên trong chuỗi cung ứng. Cần có sự kiểm tra, giám sát của bên thứ ba trong toàn bộ quá trình tạo ra sản phẩm, chẳng hạn như: các giấy tờ kiểm định, kiểm nghiệm, các giấy chứng nhận về chất lượng, các loại giấy đánh giá. Khi sản phẩm bị thu hồi, loại bỏ, thông qua TXNG có thể biết trách nhiệm thuộc về bên nào, tại khâu nào trong chuỗi cung ứng sản phẩm. Dựa vào quy định, đưa ra hình thức xử lý phù hợp với các bên và với sản phẩm. Như vậy, quy định rõ trách nhiệm của từng bên sẽ giúp nâng cao trách nhiệm của các bên trong quá trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Thứ ba, xây dựng quy định xử phạt vi phạm liên quan đến tính chính xác của dữ liệu TXNG. Việc đưa thông tin sai lệch hoặc lưu trữ thông tin không chính xác, trung thực làm ảnh hưởng tới kết quả truy xuất, dẫn đến sai lệch về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.
Thứ tư, xây dựng quy trình và công cụ ghi chép nhật ký điện tử về toàn bộ quá trình hình thành ra sản phẩm. Đây là một tài liệu quan trọng để chứng minh toàn bộ quá trình tạo ra cũng như luân chuyển sản phẩm có đảm bảo vệ sinh ATTP hay không, trong quá trình vận chuyển hàng hóa được bảo quản ra sao, có ảnh hưởng tới chất lượng hay không.
Thứ năm, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm các nguy cơ mất an toàn thực phẩm giống như hệ thống RASFF của châu Âu hay hệ thống Phân tích mối nguy và Kiểm soát phòng ngừa dựa trên rủi ro HARPC của Hoa Kỳ. Các hệ thống như RASFF, HARPC đang mang lại hiệu quả cao trong việc cảnh báo sớm các nguy cơ mất ATTP.
Thứ sáu, xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia và kết nối đồng bộ với hệ thống thông tin khác tại các tỉnh/thành phố giúp việc truy xuất được đầy đủ và thống nhất. Bên cạnh đó, cổng thông tin truy xuất quốc gia cần kết nối thông tin truy xuất với các cổng thông tin của các thị trường xuất khẩu hoặc các tổ chức quốc tế có liên quan để thúc đẩy nhanh chóng việc kiểm tra, kiểm duyệt sản phẩm, hàng hóa trước khi được xuất/nhập khẩu.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] EC178 đưa ra các nguyên tắc và yêu cầu chung về quản lý thực phẩm và thức ăn chăn nuôi; quy định các thủ tục liên quan đến an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi; và thành lập Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu. https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=CELEX%3A02002R0178-20190726#tocId83.
[2] EC853 đưa ra các quy định cụ thể về vệ sinh thực phẩm có nguồn gốc động vật cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Những quy tắc này bổ sung cho những quy định được đặt ra bởi Quy định (EC) số 852/2004. https://eur-lex.europa.eu/eli/reg/2004/853/2021-01-01.
[3] EC852 đưa ra quy tắc chung về vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm. https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=CELEX%3A02004R0852-20090420.
[4] EU 2017/625 đưa ra quy tắc về kiểm soát chính thức và các hoạt động chính thức khác được thực hiện để đảm bảo việc tuân thủ Luật thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, các quy định về sức khỏe và an sinh động vật, sức khỏe thực vật và các sản phẩm bảo vệ thực vật (Quy định này thay thế Quy định (EC) số 854/2004 về những quy định cụ thể tổ chức kiểm soát chính thức các sản phẩm có nguồn gốc động vật dùng làm thực phẩm cho người và Quy định (EC) số 882/2004 về kiểm soát chính thức nhằm xác nhận sự tuân thủ luật thức ăn và thực phẩm, các qui định về sức khỏe động vật và an sinh động vật). https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri=CELEX:32017R0625&from=en.
[5] European Commission. https://ec.europa.eu/food/safety/rasff_en.
[6] Public Health Security and Bioterrorism Preparedness and Response Act of 2002, gọi tắt là Luật Chống Khủng bố Sinh học (the Bioterrorism Act) được Tổng thống Hoa Kỳ G.W. Bush ký ngày 12/6/2002. https://www.congress.gov/107/plaws/publ188/PLAW-107publ188.pdf
[7] https://www.govinfo.gov/content/pkg/COMPS-973/pdf/COMPS-973.pdf - Federal Food, Drug, and Cosmetic Act- FFDCA
[8] Thuật ngữ này xuất phát từ Đạo luật Hiện đại hóa An toàn Thực phẩm (FSMA) năm 2011. Theo yêu cầu của FSMA, FDA đã ban hành quy định HARPC (còn được gọi là “ Quy tắc Kiểm soát Phòng ngừa ”cho ngành công nghiệp thực phẩm) vào ngày 17/9/2015. https://www.harpc.com/ -
[9] U.S. Food and Drug Administration. https://www.fda.gov/food/food-safety-modernization-act-fsma/full-text-food-safety-modernization-act-fsma, FSMA
[10] Food Sanitation Law - Luật được sửa đổi bổ sung từ Luật số 46 năm 2018 và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/6/2021. http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail/?printID=&id=3524&re=02&vm=02.
[11] The Food Safety Basic Law – ban hành ngày 28/5/2009, Luật được sửa đổi bổ sung từ Luật số 8 năm 2007. http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail/?printID=&ft=1&re=02&dn=1&x=46&y=4&co=01&ia=03&ja=04&ky=the+food+safety+basic+law&page=41&vm=02&id=1839&lvm=01.
[12] Food Labeling Act –, Luật được sửa đổi bổ sung từ Luật số 97 năm 2018. http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail/?printID=&re=02&vm=02&lvm=02&id=3586
[13] https://tracethai.com
[14] Việt Nam đã ban hành TCVN ISO 22005 : 2008 hoàn toàn tương đương với ISO 22005 : 2007
[15] Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ), Bộ Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì Đề án này. Trong đó, Trung tâm Mã số, Mã vạch quốc gia thuộc STAMEQ - là tổ chức đại diện duy nhất của Việt Nam tại GS1 quốc tế; đại diện cho GS1 để triển khai Hệ thống GS1 tại Việt Nam - được giao phụ trách xây dựng và quản lý Hệ thống truy xuất nguồn gốc Quốc gia tại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
Tiếng Anh
Liên minh Châu Âu (EU)
- Regulation (EC) No 178/2002 of 20/07/2019
- Regulation (EC) No 852/2004 of 20/4/2009
- Regulation (EC) No 853/2004 of 01/01/2021
- Regulation (EU) No 2017/625 of 14/12/2019
- RASFF - the Rapid Alert System for Food and Feed
Hoa Kỳ
- Public Health Security and Bioterrorism Preparedness and Response Act of 2002
- Federal Food, Drug, and Cosmetic Act-FFDCA of 27/12/2020
- Hazard Analysis and Risk-Based Preventive Controls - HARPC
- FDA Food Safety Modernization Act (FSMA) of 4/01/2011
Nhật Bản
- Food Sanitation Law 2020
- The Food Safety Basic Law 2009
- The Food Labeling Law 2020
ISO
- https://www.iso.org/standard/36297.html, Traceability in the feed and food chain - General principles and basic requirement for system design and implementation
- https://www.iso.org/standard/64767.html, Sustainable and traceable cocoa - Part 3: Requirements for traceability
GS1
- GS1: https://www.gs1.org/
Tiếng Việt
- Quốc hội (2010). Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010.
- Quốc hội (2018). Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa số 30/VBHN-VPQH ngày 10/12/2018.
- Quốc hội (2017). Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15/11/2017.
- Quốc hội (2017). Luật Thủy sản số 18/2017/QH14 ngày 21/11/2017.
- Quốc hội (2018). Luật Trồng trọt 31/2018/QH14 ngày 19/11/2018.
- Quốc hội (2018). Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 ngày 19/11/2018.
- Quốc hội (2008). Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2011). Thông tư số 03/2011/TT-BNNPTNT ngày 21/01/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định về TXNG và thu hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng, ATTP trong lĩnh vực thủy sản.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2018). Thông tư số 44/2018/TT-BNNPTNT ngày 28/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về kiểm tra nhà nước về ATTP đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2018). Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định về quản lý và TXNG Lâm sản.
- Bộ Y tế (2019). Thông tư số 25/2019/TT-BYT ban hành ngày 30/8/2019 quy định TXNG sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.
- Chính phủ (2019). Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG.
- Bộ Công Thương (2020). Quyết định số 1978/QĐ-BCT ngày 28/7/2020 của Bộ Công Thương về Kế hoạch thực hiện “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
TRACEABILITY OF AGRICULTURAL PRODUCTS: INTERNATIONAL EXPERIENCES AND RECOMMENDATIONS FOR VIETNAM
MSc. NGUYEN THI HA 1
PhD.TRAN HAU NGOC 1
MSc. PHAM QUYNH ANH 1
MSc. NGUYEN QUYNH NGA 1
1 Vietnam Center for Science and Technology Evaluation,
Ministry of Science and Technology
ABSTRACT:
Traceability is an inevitable trend to improve the competitiveness of agricultural products in domestic and international markets. Traceability is the ability to track and identify a product through each stage of the production, processing and distribution processes. Many developed countries such as the US, the European Union and Japan have legalized the traceability. Facing the new market trend, Vietnam has made efforts to trace the origin of products in recent years in order to enter difficult markets and enhance the competition of products in the domestic market. This paper analyzes the legal framework for the product traceability and the proposal of developing a national traceability information portal.
Keywords: agricultural products, traceability, origin, international experience.