Sự kiện do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cùng các đối tác tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại các điểm cầu ở cả 3 miền Bắc, Trung Nam.
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) bà Ngụy Thị Khanh cho biết, Tuần lễ năng lượng tái tạo là một sự kiện thường niên được khởi xướng từ năm 2016, với nỗ lực đóng góp cho quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch ở Việt Nam.
Chương trình đã trở thành diễn đàn cho các bên liên quan từ Trung ương tới địa phương và cả người dân trong cộng đồng cùng tương tác, trao đổi và đóng góp sáng kiến, ý tưởng, hành động và đề xuất cho phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam.
Đánh giá về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam, bà Cecicl Leroy - đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, Nhà nước Việt Nam đã ban hành các chính sách và cơ chế để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như Chiến lược phát triển năng lượng, cơ chế hỗ trợ giá mua điện sinh khối, mặt trời, gió cũng như gia tăng bổ sung vào quy hoạch điện các dự án điện gió, điện mặt trời.
Tính đến hết tháng 6/2020, tổng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo đã đi vào vận hành đạt khoảng 5.500MW, trong đó, điện mặt trời áp mái đạt trên 31.750 dự án với tổng công suất là 658.88MWp. Năng lượng tái tạo hiện chiếm khoảng 10% công suất của cả hệ thống điện và Việt Nam được biết đến như một quốc gia đang dẫn đầu về tăng trưởng năng lượng tái tạo trong khu vực ASEAN.
“Chúng tôi đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác với các Bộ, ngành của Việt Nam trong việc chuyển đổi năng lượng bền vững. Hiện nay EU đã hỗ trợ đối tác năng lượng Việt Nam trong chính sách, kinh nghiệm phát triển năng lượng; hợp tác cùng các tổ chức để tăng cường năng lực, nhận thức, cải thiện khả năng tiếp cận năng lượng của người dân Việt Nam.
Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ về mặt chuyên môn dự án, tài chính, khung pháp lý cho phục hồi và phát triển xanh”, bà Cecile Leroy nói.
Trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ năng lượng tái tạo 2020, nhiều sự kiện chuyên sâu khác sẽ diễn ra như: “Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: lợi ích, nút thắt và giải pháp tháo gỡ”; “Chuyển dịch năng lượng công bằng qua thúc đẩy phát triển các giải pháp điện mặt trời kết hợp nông nghiệp và điện mặt trời nổi”; “ Chuyển dịch năng lượng sạch: Xu thế toàn cầu và hành động địa phương” và cuối cùng là “Phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam: Những đột phá kỳ vọng”… Sự kiện Tuần lễ năng lượng tái tạo 2020 sẽ diễn ra đến 28/8.