Ứng dụng kinh tế số đối với phụ nữ khởi nghiệp tại Việt Nam

TS. LÊ VĂN SƠN (Trưởng Bộ môn Kinh tế và Đầu tư - Học viện Phụ nữ Việt Nam)

TÓM TẮT:

Kinh tế số đang tạo ra cơ hội lớn cho các bên liên quan để gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 phát triển nhanh chóng. Phụ nữ khởi nghiệp có thể nắm bắt các xu hướng của kinh tế số nhằm thực hiện được mục tiêu của mình với thời gian sớm nhất và đảm bảo sự phát triển bền vững trước nhiều thách thức do môi trường kinh doanh có những thay đổi căn bản. Bài viết nhằm cung cấp những cơ sở lý luận và khuyến nghị những ứng dụng kinh tế số, điển hình là thương mại điện tử đối với phụ nữ khởi nghiệp tại Việt Nam.

Từ khóa: kinh tế số, phụ nữ khởi nghiệp, ứng dụng kinh tế số, cách mạng khoa học công nghệ 4.0.

1. Tổng quan về kinh tế số

1.1. Sự ra đời của Internet và các giai đoạn phát triển chính

Internet có lịch sử ra đời khá muộn nhưng nhanh chóng phát triển và trở nên phổ biến như ngày nay. Sự lớn mạnh của Internet đã làm thay đổi căn bản đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của nhân loại. Lịch sử của Internet tuy ngắn nhưng được chia ra 3 giai đoạn chính, đánh dấu sự phát triển cũng như sự tác động sâu rộng mọi mặt trên phạm vi toàn cầu. Cụ thể như sau:

  • Giai đoạn Internet 1.0 - Xây dựng mạng lưới

Giai đoạn đầu tiên của Internet bắt đầu vào những năm 60 khi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ bắt đầu xây dựng một mạng máy tính của riêng mình. Sau khi Robert Kahn và Vinton Cerf phát triển Giao thức điều khiển truyền và Giao thức Internet, hoặc TCP/IP, một giao thức truyền thông các tiêu chuẩn đã thiết lập về cách dữ liệu có thể được truyền giữa các máy chủ, các ý tưởng khác như kết nối Ethernet, HTML và World Wide Web. Người dùng đã bắt đầu tạo email và sử dụng công cụ này để truyền tải thông tin cho nhau. Để tìm thông tin, người dùng cần đến các công cụ tìm kiếm cần thiết, đó là lý do tại sao Yahoo và Ask xuất hiện. Đến cuối những năm 1990, các doanh nghiệp bắt đầu bán các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như eBay và Amazon.

  • Giai đoạn Internet 2.0 - Chia sẻ trên mạng

Bắt đầu từ những năm 2000, người dùng internet đã tham gia vào các nền tảng điện tử nơi mọi người tham gia có cơ hội chia sẻ cảm xúc, hình ảnh, tài liệu, ý kiến ​​và niềm tin thông qua các blog như Facebook và MySpace, hoặc chia sẻ videoo trên nền tảng điện tử YouTube. Giai đoạn này, thông qua kết nối internet, mạng xã hội ra đời đã kết nối mọi người với nhau và trao cho mọi người cơ hội để chia sẻ thông tin cá nhân và nghề nghiệp của mình. Như vậy, mạng xã hội ra đời và phát triển nhanh chóng trước xu hướng chia sẻ trên mạng của con người khắp nơi trên thế giới. Thời kỳ này chứng kiến hàng loạt mạng xã hội ra đời ở khắp các quốc gia trên thế giới và cuối cùng những mạng xã hội nổi trội hơn đã không ngừng phát triển, trong khi những mạng xã hội thiếu chiến lược phát triển phù hợp đã nhanh chóng lụi tàn. Mạng xã hội thành công nhất đến từ các cường quốc về công nghệ thông tin và nền kinh tế có ảnh hưởng nhất thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc.

  • Giai đoạn Internet 3.0 - Mạng lưới giá trị

Thế hệ thứ ba của Internet cho thấy rằng một mạng xã hội mà mọi người không chỉ có thể trao đổi thông ti,n mà còn trao đổi cả giá trị. Sự phát triển mạnh mẽ của internet đã trở thành cơ sở quan trọng thúc đẩy kinh doanh trên nền tảng internet bùng nổ. Chính vì thế, thương mại điện tử đã khẳng định được tính ưu việt trong kỷ nguyên mới và góp phần thúc đẩy tiến bộ cho nền kinh tế toàn cầu. Những mạng xã hội hàng đầu trong việc tạo ra xã hội số trên không gian internet ngày nay đã thực sự chi phối nhiều mặt của đời sống kinh tế, văn hóa của người dân và doanh nghiệp trên toàn thế giới, trong đó phải kể đến như: Facebook, Tiktok, Wechat. Sự phát triển mạnh mẽ của Facebook được thể hiện qua quyết tâm của Tập đoàn này khi xây dựng các mục tiêu to lớn hơn qua việc đổi tên mới là Meta để hướng về kỷ nguyên vũ trụ số.

1.2. Kinh tế số

Kinh tế số ngay từ khi ra đời đã có sự lan tỏa mạnh mẽ và trở thành chủ đề lớn thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và các bên liên quan khác. Kinh tế số thường được biết đến dưới các tên gọi như kinh tế internet, kinh tế mới, kinh tế mạng hay kinh tế chia sẻ.

Nghị viện châu Âu (2015) đưa ra khái niệm “Digital Economy” là một “cấu trúc tổng hợp” gồm nhiều cấp độ, nhiều tầng lớp được kết nối với nhau bằng số lượng nút gần như không hạn chế và có xu hướng gia tăng theo thời gian (European Parliament, 2015).

Những tiếp cận gần đây về kinh tế số thường cho rằng kinh tế số có bao gồm đến công nghệ kỹ thuật số và những nội dung của kinh tế số chứa đựng các công nghệ mới về blockchain, mạng di động và mạng cảm biến, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, thực tế ảo, kết nối vạn vật.

Kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số”, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Kinh tế số hiện diện trên tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng,...). Về bản chất, đây là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số [3].

Thuật ngữ này phát triển từ những năm 1990, khi trọng tâm là tác động của internet đối với nền kinh tế. Điều này được mở rộng để bao gồm sự xuất hiện của các loại hình công ty định hướng kỹ thuật số mới và sản xuất công nghệ mới. Theo Misha Ketchell (2020), nền kinh tế số là một thuật ngữ chỉ tác động của công nghệ kỹ thuật số đối với các mô hình sản xuất và tiêu dùng. Điều này bao gồm cách hàng hóa và dịch vụ được tiếp thị, giao dịch và thanh toán.

Ngày nay, thuật ngữ này bao gồm một loạt các công nghệ và những ứng dụng của chúng. Theo đó, kinh tế số bao gồm: trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, thực tế ảo và tăng cường, điện toán đám mây, blockchain, robot và xe tự hành.

Nền kinh tế số hiện được công nhận là bao gồm tất cả các bộ phận của nền kinh tế khai thác sự thay đổi công nghệ dẫn đến thị trường, mô hình kinh doanh và hoạt động hàng ngày được chuyển đổi. Vì vậy, nó bao gồm tất cả mọi thứ từ các lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông truyền thống cho đến các lĩnh vực kỹ thuật số mới. Chúng bao gồm thương mại điện tử, ngân hàng số và thậm chí cả các lĩnh vực “truyền thống” như nông nghiệp, khai thác mỏ hoặc sản xuất đang bị ảnh hưởng bởi việc áp dụng các công nghệ mới nổi.

Theo Bei Chen (2021), cùng với sự phát triển của nền kinh tế số của Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách đang đứng trước bài toán lớn là làm sao để phát triển hơn nữa kinh tế số. Nghiên cứu này của Bei Chen về các nhân tố tác động tại các thành phố của Trung Quốc thông qua mẫu khảo sát tại 100 thành phố năm 2018 và 113 thành phố năm 2019, với kết quả là khả năng đổi mới và mức độ phát triển kinh tế của thành thị là 2 nhân tố chính ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế số độ thị. Cụ thể, vốn nguồn nhân lực, mật độ giao thông đường sá, thu nhập bình quân đầu người, đầu tư của chính phủ đối với nghiên cứu khoa học có tác động đến sự phát triển của kinh tế số đô thị qua khả năng đổi mới đô thị. Nền kinh tế số trở thành động lực dẫn dắt mới trong phát triển kinh tế của Trung Quốc (Nguồn: [1])

Nghiên cứu gần đây của Luyanda Dube William (2021), cho thấy: Lĩnh vực kỹ thuật số (Công nghệ thông tin và truyền thông - ICT và Công nghệ thông tin) thể hiện nền tảng của các nền kinh tế kỹ thuật số. Tuy nhiên, phạm vi của nền kinh tế kỹ thuật số bao gồm một nhóm các khuôn khổ tổ chức kỹ thuật số mới nổi (Nguồn: [7]).

Hình 1: Cơ sở Công nghiệp 4.0

co-so-cong-nghiep-4-0 Nguồn: Luyanda Dube William (2021)

2. Cơ hội từ nền kinh tế số đối với phụ nữ khởi nghiệp

2.1. Giới thiệu về phụ nữ khởi nghiệp

Phụ nữ khởi nghiệp trong những năm gần đây được biết đến rộng rãi bởi nhiều cuộc thi dành cho phụ nữ khởi nghiệp và nhiều chương trình xúc tiến ươm mầm cũng như hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế. Các hoạt động hướng đến phụ nữ làm kinh tế đã có chủ trương và chính sách của Nhà nước từ rất lâu nhưng giai đoạn từ năm 2010 đến nay đã trở nên rộng khắp và có sức ảnh hưởng rất lớn trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội nước ta. Tuy vậy, phụ nữ khởi nghiệp vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ với nhiều người và hiện nay cũng có nhiều cách hiểu khác nhau về chủ đề này.

Theo nghĩa đơn giản nhất, phụ nữ khởi nghiệp là thuật ngữ nhằm nói đến phụ nữ thực hiện một hay nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh với vai trò là người làm chủ một phần hay làm chủ toàn bộ cơ sở sản xuất, kinh doanh đó. Với cách tiếp cận này, phụ nữ khởi nghiệp có thể là các cá nhân đứng ra làm chủ một cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, như: cửa hàng tiện ích, tiệm kinh doanh hàng hóa, xưởng gia công, xưởng chế biến, đại lý bán hàng hay là thành lập mới doanh nghiệp do bản thân họ tham gia điều hành, quản lý hoặc góp vốn [6].

Ngân hàng thế giới định nghĩa doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là doanh nghiệp do phụ nữ làm công tác quản lý điều hành hàng ngày. Trong khi đó, tác giả Nguyễn Hồng Sơn, Phan Chí Anh (2013) cho rằng nữ doanh nhân là phụ nữ làm chủ và điều hành doanh nghiệp của mình. Theo đó, khái niệm làm chủ được đề cập là người phụ nữ có đủ số cổ phần hoặc quyền sở hữu để quyết định được hoạt động của doanh nghiệp [8].

Trên phạm vi toàn cầu, phụ nữ khởi nghiệp ngày nay chiếm khoảng 1/3 nhân lực khởi nghiệp và đóng góp ngày càng nhiều cho các quốc gia và vùng lãnh thổ. Phụ nữ khởi nghiệp góp phần đáng kể vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở các quốc gia đang phát triển, cũng như khẳng định năng lực thực sự trong nỗ lực bình đẳng giới.

2.2. Những đặc điểm của phụ nữ khởi nghiệp

- Phụ nữ có thu nhập thấp đều có mong muốn được trở thành phụ nữ khởi nghiệp.

- Phụ nữ có điều kiện hạn chế có khát khao trở thành các doanh nhân.

- Phần lớn phụ nữ khởi nghiệp đều đã kết hôn và được sự hỗ trợ của người chồng nên họ thực hiện được mong muốn khởi nghiệp của mình.

- Khi tiến hành hoạt động kinh tế, phụ nữ khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn và tài chính là những khó khăn thường trực nhất mà họ gặp phải.

- Phụ nữ khởi nghiệp cũng được biết là nhóm hạn chế trong làm kinh tế bởi trình độ học vấn hạn chế trong nhiều cộng đồng.

- Phụ nữ khởi nghiệp cũng không phải hoàn toàn là thu nhập mà họ có thể có những mong muốn khác như tham gia chủ động vào hoạt động kinh tế hay thể hiện năng lực của bản thân.

- Phụ nữ khởi nghiệp thường là lao động chăm chỉ, kiên trì và theo đuổi công việc tiến triển tốt đẹp, có tính bền vững cao.

- Phụ nữ khởi nghiệp có suy nghĩ thấu đáo, chắc chắn và họ chú ý nhiều đến vấn đề an toàn hơn là tăng tưởng lợi nhuận trước mắt.

- Phụ nữ khởi nghiệp chú ý sự phát triển ổn định và kiểm soát rủi ro tiềm ẩn ở mức cao nhất.

- Sự cẩn thận, bền bỉ và chắc chắn có thể tạo sự chắc chắn cho các hoạt động kinh tế của phụ nữ khởi nghiệp.

Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu đã mang lại cho phụ nữ trên khắp thế giới tham gia nhiều hơn vào công tác điều hành, quản lý các cơ sở kinh doanh, trong đó nổi lên là phong trào phụ nữ khởi nghiệp trên thế giới. Những động lực cơ bản để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào khởi nghiệp có thể là những nội dung như sau:

- Phụ nữ mong muốn được độc lập về tài chính, tìm kiếm thu nhập do chính bản thân mình và chủ động gia tăng thu nhập.

- Phụ nữ có mong muốn được làm chủ và từ đó dễ dàng tự đưa ra các quyết định cho mình trong đời sống kinh tế của bản thân, cũng như cho người khác.

- Phụ nữ tự khẳng định vị trí của mình trong xã hội thay vì phải chấp nhận là thuế, phụ thuộc vào người khác.

- Phụ nữ thực hiện tốt nhất nỗ lực của bản thân để đạt kết quả cao nhất cho chính mình.

- Tham gia sản xuất, kinh doanh với tư cách là người chủ thực sự sẽ mang lại tiếng nói mạnh mẽ, quyết định đối với các vấn đề bên trong và bên ngoài doanh nghiệp do chính phụ nữ lập ra.

Những lĩnh vực phụ nữ khởi nghiệp tham gia nhiều nhất và thuận lợi nhất chưa có nghiên cứu cụ thể cho mọi quốc gia nhưng nghiên cứu chung cho phụ nữ khởi nghiệp ở một số quốc gia cho thấy tính thuận tiện, ít rủi ro, sự gần gũi, sự phù hợp, tài chính vừa phải, kỹ năng có nhiều nét tương đồng đối với các nước đang phát triển.

Cecile Fruman (2021), đã xác định một chương trình để hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo như sau:

 - Hỗ trợ có mục tiêu của chính phủ đối với các doanh nghiệp nữ, bao gồm cải cách luật và chính sách phân biệt đối xử, thúc đẩy việc tạo ra các nền tảng thương mại điện tử và khuyến khích đào tạo và cố vấn thực hiện. Các nhà hoạch định chính sách nên theo dõi và đo lường tác động.

- Doanh nhân nữ tổ chức theo khu vực. Phụ nữ nên đưa ra tiếng nói của mình trong khu vực để vận động thay đổi chính sách thương mại và cung cấp các khóa đào tạo và cố vấn.

- Sự tham gia của phụ nữ trong chính phủ. Phụ nữ cần được tham gia ở tất cả các cấp để tác động đến các chính sách đáp ứng nhu cầu thay đổi của phụ nữ.

- Các hạn mức tín dụng mục tiêu và các hình thức tài chính khác cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Sự tài trợ kịp thời của chính phủ có thể giúp các nữ doanh nhân sống sót qua sự hỗn loạn tài chính do đại dịch gây ra.

 - Tài liệu đào tạo, tập huấn có thể giúp thay đổi nhận thức và góp phần vào hạn chế khoảng cách giới của địa phương trong việc làm, trả lương, tinh thần khởi nghiệp, giáo dục và cơ hội phát triển [4].

Trong lĩnh vực dịch vụ, tài sản kỹ thuật số cho phép phụ nữ tiếp cận các thị trường rộng lớn hơn, trực tiếp đạt được cơ hội làm việc, tiếp cận đại lộ thông tin, truyền thông và tài nguyên kỹ năng. Nâng cao công nghệ kỹ thuật số cho phép phụ nữ kinh doanh tiến hành công việc dịch vụ thuận lợi. Các phương tiện kỹ thuật số nâng cao tạo điều kiện cho lao động nữ và các doanh nhân để trực tiếp giao dịch với một thị trường rộng lớn thông qua mô hình thương mại điện tử doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và doanh nghiệp với chính phủ (B2G).

Nền kinh tế số đã chính thức chuyển sang một kỷ nguyên mới, đó là thời kỳ doanh nghiệp tiêu dùng có sự kết nối thông suốt qua các hình thức marketing, quảng cáo, bán hàng trực tuyến. Cơ hội lớn đến với phụ nữ khởi nghiệp ngày nay và cũng là kỷ nguyên doanh nhân nữ có cơ sở để vươn lên mạnh mẽ thương trường từ việc mở rộng thị trường qua các kênh điện tử cho tới việc tiếp cận khách hàng mọi nơi. Kinh tế số đang hạn chế nhanh chóng những rào cản đối với phụ nữ trong tiếp cận các nguồn lực để phát triển kinh tế.

3. Những ứng dụng kinh tế số đối với phụ nữ khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định, đến năm 2025 kinh tế số đạt tỷ trọng 20% GDP, đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP. Để đạt mục tiêu trên, Văn kiện cũng nhấn mạnh yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học kỹ thuật, nhất là cuộc cách mạng công nghệ 4.0; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển kinh tế số, xã hội số. Phát triển mạnh hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số [3].

Trước xu thế kinh tế số phát triển nhanh chóng và mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, phụ nữ khởi nghiệp cần nắm bắt cơ hội để tìm hướng đi phù hợp cho mình và thực hiện các ứng dụng cụ thể một cách hiệu quả nhất. Những ứng dụng kinh tế số đối với phụ nữ khởi nghiệp hiện nay tại Việt Nam được tiếp cận như sau:

(i). Truyền thông, marketing và bán hàng qua mạng xã hội

Mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube với hàng tỷ người dùng trên thế giới đã và đang thu hút rất lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia truyền thông, quảng cáo và bán hàng cho cộng đồng người dùng mạng xã hội trên toàn thế giới. Theo đó, sử dụng mạng xã hội để marketing và bán hàng thực sự có hiệu quả và có tính cạnh tranh hơn nhiều so với các kênh truyền thống, đặc biệt với các sản phẩm tiêu dùng cho cá nhân và hộ gia đình. Phụ nữ khởi nghiệp thực hiện công việc marketing và bán hàng qua mạng xã hội sẽ nhanh chóng thiết lập cho mình 1 tập khách hàng tiềm năng, qua đó tiếp tục phát triển mối quan hệ để bán hàng.

(ii). Bán hàng qua sàn thương mại điện tử

Ở Việt Nam hiện nay, có khá nhiều sàn thương mại điện tử dành cho các cá nhân khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện việc bán hàng. Theo đó, phụ nữ khởi nghiệp nhận thấy việc tiếp cận thị trường nhanh nhất, có được đơn hàng thuận tiện nhất qua sàn Shopee, Lazada, Sendo, Tiki.

Sự gia tăng uy tín và chất lượng của các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam thời gian qua đang khuyến khích mạnh mẽ cộng động phụ nữ khởi nghiệp coi sàn thương mại điện tử là cánh cửa nhìn ra thị trường rộng lớn. Bên cạnh các sàn thương mại điện tử trong nước, phụ nữ khởi nghiệp cũng hoàn toàn có thể tham gia kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử quốc tế như: alibaba.com, Amazon.com, ebay.

(iii). Bán hàng qua website của doanh nghiệp

Nếu như sàn thương mại điện tử do bên thứ ba vận hành cùng với mạng xã hội đang hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp kinh doanh, thì bán hàng qua website của doanh nghiệp cũng đang đóng vai trò quan trọng trong quản lý sát sao và hiệu quả cho doanh nghiệp.

Duy trì kênh bán hàng qua website doanh nghiệp là biện pháp tăng tính kết nối thực chất hơn với công chúng khách hàng. Bởi vì, website của doanh nghiệp có độ ổn định hơn và trực tiếp hơn nên việc giao dịch sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt nhất các vấn đề kinh doanh của họ. Hơn nữa, trong trường hợp ngoài ý muốn, chẳng hạn như các sàn thương mại điện tử gặp lỗi, thì website của doanh nghiệp sẽ là kênh chính để thực hiện hoạt động bán hàng trực tuyến, cũng như tương tác với khách hàng.

          Ngoài những ứng dụng chủ đạo như trên, phụ nữ khởi nghiệp còn có rất nhiều cơ hội trong nền kinh tế số đối với hoạt động marketing và bán hàng trực tuyến, chẳng hạn như quảng cáo qua công cụ tìm kiếm google. Bên cạnh đó, phụ nữ khởi nghiệp hoàn toàn có thể tạo ra hay cung cấp các sản phẩm số cho công chúng khách hàng thay vì các sản phẩm truyền thống. Hơn nữa, phụ nữ cũng có nhiều cơ hội để khởi nghiệp và phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin, như:  sáng tạo các phần mềm ứng dụng trong bán hàng, quản lý khách hàng, cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng, cho đến lĩnh vực nội dung số.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bei Chen (2021). Analysis on the Influencing Factors of Digital Economy Development in Chinese Cities. IPEC2021: 2021 2nd Asia-Pacific Conference on Image Processing, Electronics and Computers April 2021, 916-920.
  2. Bộ Thông tin và Truyền thông (2020). Sách trắng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2020. Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông.
  3. Bùi Kim Thanh (2021). Phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Truy cập tại: https://tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/phat-trien-kinh-te-so-o-viet-nam-134586.
  4. Cecile Frucman. (2021). COVID-19 propels South Asian women entrepreneurs into the digital economy. World Bank Blogs. Retrieved from:

https://blogs.worldbank.org/endpovertyinsouthasia/covid-19-propels-south-asian-women-entrepreneurs-digital-economy

  1. Haiqing Yu and Lili Cui. (2019). China’s ecommerce: Empowering Rural women? The China Quaterly, Vol 238. Doi: 10.1017/S0305741018001819.
  2. Lê Văn Sơn (2019). Phụ nữ khởi nghiệp trong nền kinh tế số. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, tháng 11/2019.
  3. Luyanda Dube William. (2021). Concepts of Digital Economy and Industry 4.0 in Intelligent and information systems. International Journal of Intelligent Networks, 2, 122-129.
  4. Misha Ketchell (2020). The digital economy is becoming ordinary. Best we understand it. Retrieved from: https://theconversation.com/the-digital-economy-is-becoming-ordinary-best-we-understand-it-130398.
  5. Nguyễn Hồng Sơn và Phan Chí Anh (2014). Phụ nữ khởi nghiệp tại Việt Nam. Đại học Quốc gia Hà Nội.
  6. OECD. (2015). Addressing the Tax Challenges of the Digital Economy, Action 1 - 2015 Final Report, OECD/G20 Base Erosion and Profit Shifting Project. Paris, France: OECD Publishing.
  7. Qing Wang and Michael Keane (2020). Struggling to be more visible: Female digital creative entrepreneurs in China. Global Media and China, 5(4).
  8. USAID. (2018). Women’s economic empowerment in the digital economy, White paper. Arlington, Virginia, US: Nathan Associates

 

DIGITAL ECONOMIC APPLICATIONS FOR WOMEN ENTREPRENEURS IN VIETNAM

Ph.D. LE VAN SON

Head of Economics and Investment Department, Vietnam Women's Academy

ABSTRACT:

The digital economy creates huge opportunities for stakeholders to increase their production and business efficiency in the wake of the rapidly development 4.0 scientific and technological revolution. Women entrepreneurs can grasp the trends of the digital economy to realize their goals in the shortest time and ensure their development under many business environment changes. This paper aims to provide the basis and recommendations for digital economy applications, typically e-commerce applications for women running their businesses in Vietnam.

Keywords: digital economy, women entrepreneurs, digital economy application, 4.0 technological and scientific revolution.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 24, tháng 10 năm 2021]