Thị trường hàng hóa chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu hàng hóa tập trung cao vào mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, thuốc phòng, chữa bệnh… và một số mặt hàng thực phẩm đồ khô, thực phẩm chế biến sẵn.
Đáng lưu ý, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số bộ phận người dân có tâm lý lo ngại và có những thời điểm hoang mang nên thị trường hàng hóa có những giai đoạn bất ổn cục bộ. Nắm bắt tình hình này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ động có phương án chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp sớm có kế hoạch ứng phó với các tình huống diễn biến của thị trường nên đã xử lý nhanh các biến động của thị trường.
Mới đây, đoàn công tác của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc trực tiếp với Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang để nắm bắt tình hình, phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương đưa ra các biện pháp nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Sẵn sàng kích hoạt 4 kịch bản chống dịch
Ông Phạm Văn Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở Công Thương đã tích cực vào cuộc, tổ chức theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả thị trường; khảo sát đánh giá thực trạng giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, Sở Công Thương Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch cũng như có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, chủ động theo dõi nắm bắt tình hình thị trường, chủ động nguồn hàng hóa để tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, phục vụ nhu cầu sản xuất cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Đáng chú ý, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, ngay từ khi nhận thông tin về dịch bệnh, đơn vị đã lên các kịch bản để ứng phó với diễn biến bất thường của dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương án ngay cả khi dịch bệnh diễn biến xấu nhất.
Trước hết, với kịch bản chưa có dịch: thường xuyên theo dõi, nắm bắt sát diễn biến cung cầu, hàng hóa trên địa bàn tỉnh; tình hình thông quan tại các cửa khẩu để thông tin, cảnh báo doanh nghiệp; tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho người dân.
Kịch bản hai, khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn còn nhỏ lẻ: nắm các vùng dịch và địa bàn cách ly để có phương án phân phối hàng hóa phục vụ nhân dân. Vận động nhân dân duy trì sản xuất, chăn nuôi, có thể cung cấp đủ nguồn lương thực, thực phẩm cung ứng tại chỗ và cung cấp ra thị trường khi cần thiết.
Kịch bản ba, khi dịch bùng phát ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh: thực hiện phương án “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”. Trường hợp nguồn cung vẫn đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, cần giám sát chặt chẽ việc bán hàng nhằm ngăn chặn tình trạng găm hàng, nâng giá.
Trong trường hợp thiếu hàng, khoanh vùng khu vực, khảo sát khả năng cung ứng của các đơn vị, nhóm hàng có sức mua tăng cao để kịp thời điều tiết.
Trường hợp cần thiết, Sở sẽ phối hợp với Sở Tài Chính xây dựng phương án, đề xuất cơ chế hỗ trợ công tác dự trữ hàng hóa và vận chuyển hàng hóa phục vụ người dân khu vực cách ly khi dịch bệnh xảy ra.
Kịch bản bốn, khi dịch bùng phát, lan rộng trên địa bàn tỉnh: Chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối tổ chức điều tiết, để mọi người dân đều có thể mua được hàng hóa. Có phương án kết nối và phân phối hàng hóa đến các địa bàn còn thiếu. Tổ chức kiểm tra kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến. Trường hợp cần thiết, Sở sẽ đề xuất lên Bộ Công Thương có cơ chế hỗ trợ khi nguồn cung hàng hóa thiết yếu quá khan hiếm, không đáp ứng được nhu cầu phục vụ nhân dân.a
“Với mỗi kịch bản, Sở Công Thương Bắc Giang đã lên kế hoạch, dự kiến lượng sản phẩm tiêu thụ cho mỗi giai đoạn, cho mỗi gia đình... Chúng tôi khẳng định, sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân ở trong bất kỳ một điều kiện, hoàn cảnh nào”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cam kết.
Bà Ngô Thị Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Dũng Tiến (Bắc Giang) cho hay, đơn vị là một doanh nghiệp phân phối ngành hàng tiêu dùng nhanh liên quan đến nhiều sản phẩm, mặt hàng thiết yếu như mỳ tôm, sữa cho trẻ em, hay gia vị…
Đặc biệt, với cơ sở rộng 10.000 m2, cùng các kho chứa hàng lớn, Dũng Tiến cam kết đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu cho người dân trong tỉnh. Người tiêu dùng có thể yên tâm, không sợ thiếu hàng vì năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước là rất lớn.
Nguồn cung đảm bảo, người dân an tâm mua sắm
Đánh giá cao sự chủ động vào cuộc của Sở Công Thương cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, công tác chuẩn bị hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch của tỉnh rất quyết liệt và cụ thể. Sở Công Thương Bắc Giang đã sẵn sàng kích hoạt các kịch bản để ứng với dịch bệnh.
Dù dịch bệnh diễn biến ở cấp độ nào, cũng không để xảy ra tình trạng khan hàng, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như: rau, thịt, gạo, mỳ tôm, thủy hải sản, các nhu yếu phẩm khác...
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng nhận định, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, công tác phát triển thị trường trong nước của chúng ta rất tốt, đặc biệt là vấn đề về phát triển hạ tầng thương mại, nước ta đã có trên 1.000 siêu thị và gần 10.000 chợ trên toàn quốc.
Qua đó, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng tại các tỉnh thành cũng như những địa bàn vùng sâu, vùng xa. “Có thể thấy sự vào cuộc rất kịp thời của các cấp, ngành, đặc biệt là Sở Công Thương các địa phương trong việc chuẩn bị hàng hóa theo phương châm chỉ đạo của Bộ Công Thương để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của bà con, trong thời điểm dịch bệnh đang lây lan nhanh”, ông Hoàng Anh Tuấn khẳng định.
Cùng với đó, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng đánh giá cao sự ủng hộ, phối hợp của các doanh nghiệp trong thời gian chống dịch vừa qua và nhấn mạnh, các doanh nghiệp sản xuất cần phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh hơn nữa để cùng chung tay, chung sức với Chính phủ, cũng như Bộ, ngành vượt qua thời điểm khó khăn, sản xuất sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng trong thời gian tới.
Riêng về phía người tiêu dùng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước khuyến cáo, người dân phải hết sức bình tĩnh trong công tác mua sắm, không tích trữ, dồn mua gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa.
“Người dân có thể yên tâm, Sở Công Thương các tỉnh dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương khẳng định xây dựng phương án đủ hàng hóa thiết yếu để phục vụ trên địa bàn tỉnh”, ông Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài tỉnh Bắc Giang, đoàn công tác của Vụ Thị trường trong nước còn có buổi làm việc với Sở Công Thương Bắc Ninh để nắm bắt tình hình thị trường, giá cả; phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, đưa ra các biện pháp đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Trước đó, đêm 6/3/2020, sau khi có công bố ca thứ 17 của Việt Nam nhiễm bệnh Covid-19, ngay lập tức Vụ Thị trường trong nước đã yêu cầu các doanh nghiệp phân phối (hệ thống các siêu thị, các cửa hàng tiện ích…) trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng cường nguồn cung hàng hóa và yêu cầu sẵn sàng bổ sung hàng từ ngoại tỉnh về thủ đô.
Ngay sáng 7/3, Vụ đã phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội đi kiểm tra và nắm tình hình thực tế tại một số siêu thị. Đồng thời phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin về nguồn cung và các biện pháp triển khai để ổn định tâm lý thị trường.
Tình hình cung ứng và tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang từ khi công bố dịch đến nay không có biến động. Nguồn cung cấp đảm bảo nhu cầu người dân, không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá.
Hiện nay, mỗi năm tỉnh Bắc Giang cung ứng ra thị trường 593.586 tấn lúa, 393.916 tấn rau các loại, 1.682.715 tấn thịt lợn, 10.272 tấn trâu bò, 70.149 tấn gà, 204.134 nghìn quả trứng.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp phân phối hàng hóa thiết yếu, các doanh nghiệp tăng lượng dự trữ so với ngày thường, đặc biệt là mỳ tôm và gạo.
Lượng dự trữ tại kho của các doanh nghiệp phân phối đạt gần 70.000 thùng mỳ và 350 tấn gạo. Lượng dự trữ của 02 siêu thị BigC và Co.op mark tại kho khoảng 9.000-11.000 thùng mỳ các loại.