TÓM TẮT:
Bài viết hạch toán doanh thu, chi phí, lợi nhuận của cơ sở chế biến nước ép xoài; phân tích sự biến động (phân tích độ nhạy) của kết quả sản xuất - kinh doanh khi có biến động của giá xoài nguyên liệu trên thị trường, chi phí đóng lon, chi phí vận chuyển cũng như khi sản lượng bán ra gia tăng do mở rộng được thị trường tiêu thụ. Kết quả hạch toán cho thấy với quy mô thị trường tiếp cận được, nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có tại địa phương và với dây chuyền máy ép do dự án ENHANCE (của tổ chức ILO) tài trợ thì hợp tác xã có lợi nhuận với tỷ suất lợi nhuận 8,2% ngay trong năm đầu tiên đi vào hoạt động. Kết quả phân tích độ nhạy cho thấy, khi giá xoài nguyên liệu, chi phí lon chứa, chi phí giao hàng và sản lượng bán ra biến động sẽ làm thay đổi đáng kể đến chi phí, doanh thu, lợi nhuận của cơ sở chế biến. Từ đó, bài viết đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở chế biến nước ép xoài tại các đơn vị sản xuất - kinh doanh tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Từ khóa: cơ sở chế biến nước ép xoài, hạch toán kết quả sản xuất - kinh doanh, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
1. Giới thiệu
Cơ sở sản xuất nước ép xoài thuộc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Chợ Mới, được thành lập từ hoạt động hỗ trợ của dự án ENHANCE (ILO), hợp phần hỗ trợ sinh kế trên địa bàn xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Tổng kinh phí tài trợ của dự án là 460 triệu đồng dưới hình thức đầu tư hệ thống dây chuyền máy ép xoài. Vốn đối ứng của Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Chợ Mới là 143,913 triệu đồng. Cơ sở đã hoàn tất việc lắp đặt, vận hành chạy thử cũng như sản xuất những lô hàng đầu tiên chào hàng tại kỳ hội chợ xuân vào tháng 1 năm 2020 tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Việc hạch toán doanh thu, chi phí, lợi nhuận cũng như phân tích những biến động có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của cơ sở ép xoài giúp cho ban quản lý có cái nhìn cụ thể về kết quả hoạt động kinh doanh, đồng thời có giải pháp phù hợp nhằm cải thiện kết quả kinh doanh của cơ sở ép xoài trong thời gian tới.
2. Kết quả và thảo luận
2.1. Hạch toán doanh thu
Với quy mô thị trường hiện tại mà năng lực của cơ sở có thể tiếp cận được thì sản lượng tiêu thụ ước tính khoảng 124.800 lon nước ép xoài/năm. Với quy cách đóng gói hiện tại, cơ sở có thể tiêu thụ được 4.000 thùng nước ép (loại 24 lon/thùng) và 4.800 lốc (loại 6 lon/lốc) trong một năm. Với giá bán ước tính hiện tại là 288.000 đồng/thùng (tương đương giá bán 12.000 đồng/lon) và 75.000 đồng/lốc (tương đương giá bán 12.500 đồng/lon) tổng doanh thu đạt được 1,512 tỷ đồng. Ước tính giá bán này hoàn toàn có cơ sở với phân khúc hiện tại, với chất lượng nước ép của cơ sở được đánh giá là ngon và đặc biệt là an toàn cho sức khỏe vì không chứa chất bảo quản. Điều này đã được khẳng định qua kỳ tham gia hội chợ xuân tháng 1 năm 2020 tại Long Xuyên, cơ sở đã bán được sản phẩm với giá 12.000 đồng/lon, hết hàng trong vòng 3 ngày đầu tiên của kỳ hội chợ. Hiện tại cơ sở đã có một khách hàng lớn nhận phân phối độc quyền với giá mua từ cơ sở là 300.000 đồng/thùng, trừ chi phí vận chuyển giao hàng đến Phú Quốc ước tính trung bình khoảng 10.500 đồng/thùng, thì giá bán này vẫn còn cao hơn giá bán tại địa bàn trong tỉnh. Ngoài ra, cơ sở đang đàm phán hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với cửa hàng “Ngon và Lành” tại thành phố Cần Thơ.
2.2. Hạch toán chi phí
Với sản lượng tiêu thụ ước tính như trên, mức sản xuất trung bình hiện tại của cơ sở là 30kg xoài nguyên liệu một ngày, số ngày hoạt động trong năm là 240 ngày thì tổng chi phí sản xuất của cơ sở (giá thành toàn bộ) trong năm khoảng 1,397 tỷ đồng (tương đương khoảng 11.200 đồng/lon). Trong đó, giá thành sản xuất tại cơ sở khoảng 1,168 tỷ đồng (tương đương khoảng 9.400 đồng/lon). Lưu ý trong cách tính này, chỉ tính khấu hao phần giá trị tài sản cố định mà hợp tác xã đã đối ứng, chưa tính khấu hao phần giá trị tài sản cố định mà dự án tài trợ cho hợp tác. Phần giá trị này xem như là một hỗ trợ của dự án cho cơ sở chế biến nước ép xoài nhằm mục tiêu phát triển cộng đồng.
Các khoản chi phí chính cấu thành nên giá thành sản xuất tại cơ sở chế biến xoài bao gồm: (1) chi phí nguyên vật liệu trực tiếp (xoài nguyên liệu, đường, phụ gia thực phẩm), (2) chi phí nhân công trực tiếp sản xuất tại cơ sở và (3) chi phí sản xuất chung (lon chứa, điện, nước). Trong đó, chi phí sản xuất chung là cao nhất, chiếm tới 59,8% giá thành sản xuất tại cơ sở. Kế đến là chi phí nguyên vật liệu trực tiếp chiếm 20,6% và sau cùng là chi phí nhân công trực tiếp chiếm 19,6%. Điều đáng chú ý là, chi phí lon chứa chiếm tới 47% giá thành sản xuất tại cơ sở. Cơ sở cần có biện pháp cắt giảm chi phí này trong thời gian tới để góp phần giảm giá thành sản xuất tại xưởng. Đối với ngành chế biến thực phẩm, chi phí nguyên vật liệu trực tiếp cho phép thường thấp hơn 30%. Trong trường hợp này, chi phí nguyên vật liệu trực tiếp của cơ sở chỉ chiếm 20,6% là một thành công bước đầu trong kiểm soát chi phí của cơ sở. Hơn nữa, chi phí xoài nguyên liệu có thể giảm vào thời điểm thu hoạch rộ cũng như tận dụng nguồn cung tại địa phương.
Bảng 1. Ước tính giá thành sản xuất tại xưởng của cơ sở ép xoài
Nguồn: Ước tính từ phương án sản xuất nước ép xoài của HTX, tháng 12 năm 2019
Tổng chi phí sản xuất của cơ sở (giá thành toàn bộ) khoảng 1,397 tỷ đồng, bao gồm: giá thành sản xuất tại cơ sở (giá vốn hàng bán) chiếm 83,6%, kế đến là chi phí bán hàng chiếm 11,2% và sau cùng là chi phí quản lý chiếm 5,2%.
Bảng 2. Ước tính giá thành toàn bộ của cơ sở ép xoài
Nguồn: Ước tính từ phương án sản xuất nước ép xoài của HTX, tháng 12 năm 2019
2.3. Hạch toán kết quả sản xuất - kinh doanh
Với chi phí sản xuất và doanh thu ước tính như trên thì lợi nhuận trước thuế của cơ sở đạt được là 114,7 triệu đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên chi phí của cơ sở ở mức 8,2%. Đây là tỷ suất không cao nhưng có ý nghĩa với một hợp tác xã nông nghiệp khi mà hoạt động của hợp tác xã còn chưa đa dạng, lợi nhuận còn hạn chế. Hơn nữa, với hoạt động của cơ sở ép xoài đã góp phần tiêu thụ xoài cho các thành viên HTX với giá tốt hơn so với thương lái trong vùng đặc biệt là ở thời vụ thu hoạch rộ. Hiện nay, cơ sở ép xoài có liên kết với 20 hộ nông dân trồng xoài, với tổng diện tích trên 20 ha (Nguồn: phỏng vấn sâu giám đốc HTX). Ngoài ra, hoạt động của cơ sở ép xoài của HTX có thể góp phần tạo ra việc làm cho 5 lao động thường xuyên và cho một số lao động thời vụ tại địa phương.
Bảng 3. Ước tính kết quả sản xuất - kinh doanh của cơ sở ép xoài
Nguồn: Ước tính từ phương án sản xuất nước ép xoài của HTX, tháng 12 năm 2019
2.4. Phân tích biến động của một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả sản xuất - kinh doanh
2.4.1. Phân tích biến động của kết quả sản xuất - kinh doanh theo giá nguyên liệu
Căn cứ vào tình hình thực tế, giá xoài nguyên liệu có thể giảm xuống khi cơ sở thay thế xoài loại 1 bằng xoài loại 2 mà vẫn đảm bảo chất lượng nước ép hay ở thời điểm thu hoạch rộ giá xoài trên thị trường thường xuống thấp (Nguồn: phỏng vấn sâu giám đốc HTX). Khi đó, giá thành sản xuất giảm xuống và lợi nhuận của cơ sở sẽ tăng lên.
Bảng 4. Kết quả phân tích biến động của kết quả sản xuất - kinh doanh theo giá xoài nguyên liệu
Nguồn: Ước tính từ phương án sản xuất nước ép xoài của HTX, tháng 12 năm 2019
2.4.2. Phân tích biến động của kết quả sản xuất - kinh doanh theo chi phí đóng lon
Như đã phân tích cơ cấu chi phí, chi phí lon chứa chiếm tới 47% giá thành sản xuất tại cơ sở. Vì vậy, nếu cơ sở cắt giảm được chi phí đóng lon sẽ góp phần đáng kể làm giảm giá thành sản phẩm, gia tăng được biên lợi nhuận. Qua trao đổi với ban giám đốc hợp tác xã, cơ sở có thể cắt giảm chi phí lon chứa bằng cách đặt hàng với số lượng lớn và đặt mua loại lon mới có độ dày mỏng hơn loại lon hiện tại cơ sở đang dùng (Nguồn: phỏng vấn sâu giám đốc HTX).
Bảng 5. Kết quả phân tích biến động của kết quả sản xuất - kinh doanh theo chi phí đóng lon
Nguồn: Ước tính từ phương án sản xuất nước ép xoài của HTX, tháng 12 năm 2019
2.4.3. Phân tích biến động của kết quả sản xuất - kinh doanh theo chi phí vận chuyển
Khi sản lượng bán gia tăng cũng như có nhiều khách hàng đại lý thì cơ sở có thể cắt giảm chi phí vận chuyển hàng đi bán bằng cách giao hàng bằng xe tải lớn hơn cũng như tối ưu hóa được quảng đường vận chuyển. Khi đó, cơ sở sẽ giảm được chi phí sản xuất, góp phần gia tăng lợi nhuận cho cơ sở.
Bảng 6. Kết quả phân tích biến động của kết quả sản xuất - kinh doanh theo chi phí vận chuyển
Nguồn: Ước tính từ phương án sản xuất nước ép xoài của HTX, tháng 12 năm 2019
2.4.4. Phân tích biến động của kết quả sản xuất - kinh doanh theo sản lượng tiêu thụ
Hướng sắp tới, cơ sở sẽ mở rộng thị trường sang Phú Quốc, bán sỉ cho đại lý phân phối ở thị trường này thì sản lượng trung bình bán ra có thể tăng 20%, từ 500 lon/ngày hiện nay lên 600 lon/ngày (Nguồn: phỏng vấn sâu giám đốc HTX). Bên cạnh đó, cơ sở sẽ mở rộng hợp tác với các đại lý ở thị trấn Chợ Mới và thành phố Long Xuyên để ký gửi hàng. Ngoài ra, cơ sở đang đàm phán hợp tác tiêu thụ sản phẩm với cửa hàng Ngon và Lành ở thành phố Cần Thơ. Vì vậy, có nhiều khả năng sản lượng bán ra của cơ sở sẽ gia tăng, góp phần gia tăng lợi nhuận của cơ sở. Theo chiều hướng ngược lại, nếu cơ sở không xúc tiến bán hàng thì cơ sở bắt đầu bị thua lỗ khi sản lượng giảm xuống dưới mức 99.000 lon/năm.
Bảng 7. Kết quả phân tích biến động của kết quả SXKD theo sản lượng tiêu thụ
Nguồn: Ước tính từ phương án sản xuất nước ép xoài của HTX, tháng 12 năm 2019
3. Kết luận và khuyến nghị
Với năng lực tiếp cận thị trường tiêu thụ hiện tại, cơ sở có thể bán được 124.800 lon nước ép/năm. Với giá bán sỉ ban đầu đã được khách hàng chấp nhận là 12.000-12.500 đồng/lon thì doanh thu ước đạt 1,512 tỷ đồng. Tổng chi phí sản xuất tương ứng với mức sản lượng này khoảng 1,397 tỷ đồng. Như vậy, cơ sở có thể đạt được lợi nhuận ngay trong năm đầu tiên với số tiền 114,714 triệu đồng, với tỷ suất lợi nhuận/chi phí là 8,2%/năm.
Hiệu quả sản xuất - kinh doanh có thể được cải thiện khi cơ sở cắt giảm được một số loại chi phí sản xuất, như: chi phí xoài nguyên liệu, chi phí đóng lon, chi phí vận chuyển hàng đi bán. Thứ nhất là, cơ sở có thể cắt giảm chi phí xoài nguyên liệu bằng cách thay thế xoài loại 1 bằng xoài loại 2 mà vẫn đảm bảo chất lượng nước ép xoài cũng như gia tăng sản xuất trong những thời điểm thu hoạch rộ để tận dụng cơ hội thu mua xoài nguyên liệu với giá giảm hơn ngày thường. Thứ hai là, cơ sở có thể cắt giảm chi phí lon chứa bằng cách đặt hàng với số lượng lớn, đặt hàng loại lon có độ dày mỏng hơn so với hiện tại. Thứ ba là, cơ sở có thể sắp xếp hợp lý các đơn hàng để giao hàng với khối lượng lớn, tối ưu hóa quảng đường vận chuyển từ đó giảm được chi phí giao hàng.
Bên cạnh đó, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của cơ sở sẽ được cải thiện đáng kể bằng việc tăng cường xúc tiến bán hàng như: tìm kiếm đại lý ở trong tỉnh như thành phố Long Xuyên, thị trấn Chợ Mới. Bên cạnh đó, cơ sở cần mở rộng hợp tác với nhà phân phối ngoài tỉnh như: nhà phân phối độc quyền ở Phú Quốc hay cửa hàng Ngon và Lành ở thành phố Cần Thơ là những ví dụ điển hình mà cơ sở đã làm khá tốt trong thời gian qua dưới sự hỗ trợ của nhóm tư vấn dự án. Ngược lại, nếu cơ sở không đẩy mạnh xúc tiến bán hàng, ở mức sản lượng tiêu thụ dưới 99.000 lon/năm, cơ sở bắt đầu rơi vào tình trạng thua lỗ. Từ đó cho thấy, công tác bán hàng vô cùng quan trọng, do đó cơ sở cần tập trung nguồn lực cho công việc này trong thời gian tới khi dự án kết thúc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- ILO (2019). Tài liệu triển khai dự án ENHANCE trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2019.
- ILO (2020). Báo cáo kết quả triển khai hộp phần sinh kế, dự án ENHANCE trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2020.
- Nguyễn Minh Châu (2019). Báo cáo đánh giá đầu kỳ hộp phần sinh kế, dự án ENHANCE trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2019.
- Nguyễn Minh Châu (2020). Báo cáo đánh giá cuối kỳ hộp phần sinh kế, dự án ENHANCE trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2020.
ESTIMATING REVENUE, COSTS AND PROFITS
OF A MANGO JUICE PROCESSING BUSINESS LOCATED
IN CHO MOI DISTRICT, AN GIANG PROVINCE
• Master. NGUYEN MINH CHAU
An Giang University, An Giang, Vietnam
Vietnam National University Ho Chi Minh City, Vietnam
ABSTRACT:
This study analyzes the revenue, costs and profits accounting of a mango juice processing business located in Cho Moi District, An Giang Province. The study also analyzes the volatility (sensitivity analysis) of this businesss production and business results in the case the costs of raw materials, can, and transportation fluctuate and in the case the sales volume increase. Based on the study’s results, some recommendations are proposed to improve the business performance of this mango juice processing business.
Keyword: mango juice processing business, production costs and profits accounting, Cho Moi district, An Giang province.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 4 năm 2021]