Vai trò của các tổ chức xã hội trong hình thành và điều tiết các quan hệ kinh tế thị trường

NGÔ VĨNH BẠCH DƯƠNG (Viện Nhà nước và Pháp luật)

TÓM TẮT:

Các tổ chức xã hội tham gia vào hình thành và điều tiết các quan hệ thị trường là một xu thế khách quan và phù hợp với bản chất của nền dân chủ. Tuy nhiên, các tổ chức xã hội phụ thuộc vào nhà nước, bởi nhà nước thiết lập một khuôn khổ cho sự hoạt động của các tổ chức xã hội ấy mà thường được gọi là khu vực thứ ba. Khu vực này không thể thiếu cho sự phát triển, nhưng bản thân nó không hề tạo ra sự phát triển. Nhận thức đúng vai trò này, sẽ có thể đem lại tư duy đúng trong việc xây dựng thể chế cho hoạt động của các tổ chức xã hội trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam. Bài viết bàn về vai trò của các tổ chức xã hội trong hình thành và điều tiết các quan hệ kinh tế thị trường.

Từ khóa: vai trò của tổ chức xã hội, kinh tế thị trường, quan hệ thị trường, sự tham gia.

1. Sự tồn tại khách quan của khu vực thứ ba

Khó có thể xác định được về mặt lịch sử rằng các tổ chức xã hội ra đời từ bao giờ. Tuy nhiên, nguyên tắc rường cột của mọi tổ chức xã hội đó là tự do liên kết theo sự lựa chọn của thành viên nhằm thúc đẩy lợi ích, thỏa mãn sở thích, nguyện vọng chung của họ. Nói cách khác, sự ra đời của tổ chức xã hội dựa trên căn bản của tự do liên kết hay còn gọi là tự do hiệp hội (freedom of association). Ở bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử, các liên kết cá nhân phi thương mại, phi chính trị và ngoài phạm vi gia đình luôn tồn tại, cho dù sự chặt chẽ và phổ biến của chúng có thể khác nhau.

Nhìn chung, các tổ chức xã hội được tổ chức và hoạt động xoay quanh các vấn đề cụ thể, một số công việc dễ thấy nhất và thành công nhất của họ là trong các lĩnh vực từ thiện, quyền con người, bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường. Trong các hoạt động của mình, chúng đóng vai trò là cơ chế cảnh báo sớm hoặc giám sát các hoạt động thuộc các khu vực công, tư. Các tổ chức xã hội đã hoạt động trong các lĩnh vực như dịch vụ xã hội với tư cách khu vực thứ ba, bên cạnh khối quyền lực nhà nước và thị trường, chúng thường phối hợp với chính quyền hoặc các đối tác tư nhân tạo thành mối quan hệ tích cực, tạo thuận lợi cho sự phát triển và bảo đảm cho sự phát triển ấy trở nên bền vững.

Trong các tài liệu học thuật, các tổ chức xã hội được phân loại là tổ chức vì thành viên hoặc tổ chức vì mục đích xã hội1. Nhóm đầu tiên cố gắng thúc đẩy lợi ích vật chất, xã hội của các thành viên của chính họ, chẳng hạn các hội nghề nghiệp, hiệp hội kinh tế, hội giải trí, học tập; trong khi nhóm thứ hai chỉ dành cho các mục tiêu xã hội như từ thiện, môi trường, quyền con người. Tiêu biểu như các quỹ từ thiện, chương trình giúp đỡ người nghèo, các chiến dịch môi trường,...

2. Các tổ chức xã hội với tính cách là một nhân tố hỗ trợ thị trường

Bất luận đứng từ lập trường nào, kinh tế thị trường vẫn là trung tâm của sự phát triển, bởi nó chính là nơi tạo ra của cải vật chất, là nơi quyết định đem lại sự phồn vinh của xã hội. Kinh tế thị trường cung cấp các nguồn lực cho hoạt động của nhà nước cũng như khu vực thứ ba thông qua sự đóng góp dưới các hình thức thuế, phí, tài trợ cũng như khả năng tài chính của các cá nhân trong xã hội. Bàn về kinh tế thị trường, chính vì thế, người ta chỉ tìm ra những phương cách để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững thông qua các thể chế, nhằm huy động tối đa các nguồn lực vào đầu tư và tạo ra lợi nhuận cao nhất, đồng thời hạn chế những khuyết tật của nó.

Sẽ không hợp lý, nếu nói các tổ chức xã hội là một nhân tố của thị trường, vì rõ ràng, nó là khu vực thứ ba, đứng ngoài nhà nước và thị trường. Tuy thế, nó lại tham gia điều tiết thị trường một cách tích cực. Điều này có thể nhìn nhận từ các góc độ: Chia sẻ thông tin; Thiết lập tiêu chuẩn; Điều chỉnh hành vi và trực tiếp tham gia. Thực tiễn cho thấy các phong trào, tổ chức xã hội đã đóng góp quan trọng cho việc phát triển bền vững của kinh tế thị trường. Bước đầu là sự chia sẻ đối với những người nghèo, thất nghiệp, từ những nguồn từ thiện. Tiếp theo là sự ra đời của những trào lưu thương mại công bằng (fair trade), trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), trách nhiệm giải trình xã hội của doanh nghiệp (SA) là kết quả của hàng loạt các hoạt động vận động chính sách của các hiệp hội môi trường, bảo vệ người lao động, bảo vệ người tiêu dùng. Đó cũng có thể là sự cộng tác mang tính trực tiếp bằng đầu tư các doanh nghiệp xã hội nhằm dành lợi nhuận cho những mục tiêu xã hội. Xa hơn nữa, các tổ chức xã hội có thể đóng góp ý kiến vào những chính sách của nhà nước về thị trường.

2.1. Giám sát và chia sẻ thông tin

Để theo đuổi các mục tiêu của mình, các tổ chức xã hội sử dụng một số kỹ thuật với mục đích gây áp lực dân chủ lên chính quyền, chủ yếu là chia sẻ thông tinh theo nhiều kênh khác nhau. Họ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, phân tích và các lựa chọn chính sách thay thế cho các cơ quan quản lý nhà nước. Có không ít các kiến nghị từ các tổ chức xã hội đã được chấp thuận đưa ra bàn thảo và ban hành hoặc chấm dứt một hoạt động thảo luận đang diễn ra. Ví dụ về việc chưa thông qua một số đạo luật hoặc dừng một dự án kinh tế lớn do sức ép của truyền thông có thể giúp chúng ta nhận dạng hành động này.

Chia sẻ thông tin cũng có thể là việc cung cấp những sự thật về thực thi chính sách hiện hành tại các doanh nghiệp, giúp giám sát các chính sách của nhà nước và đánh giá hiệu quả của chúng. Những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, đối xử bất công với người lao động hoặc có những hành động xâm hại người tiêu dùng có thể bị phát hiện. Các tổ chức xã hội có thể gây áp lực trực tiếp với doanh nghiệp đó hoặc tố cáo họ trước công luận và chính quyền để chấm dứt vi phạm. Sự thuận lợi của các tổ chức xã hội trong giám sát thực thi chính sách, pháp luật tại các doanh nghiệp là ở chỗ họ ở gần doanh nghiệp và cộng đồng hơn và thường có thông tin tốt hơn về việc tuân thủ và thực thi so với các quốc gia và tổ chức quốc tế2.

2.2. Thiết lập tiêu chuẩn

Hoạt động của các tổ chức xã hội nghề nghiệp lại hướng đến những tiêu chuẩn chung để áp dụng cho các hội viên của mình. Điều này hướng đến sự hợp tác giữa các hội viên và đồng thời nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm của họ trên thị trường. Tuy vậy, các tổ chức xã hội vì các mục tiêu xã hội cũng có những đóng góp rất tích cực trong việc hình thành nên các tiêu chuẩn trong kinh doanh, đặc biệt là các tiêu chuẩn ứng xử với người tiêu dùng, người lao động, đối tác yếu thế.

Các chính quyền có thể cần đến kỹ năng và kiến thức của các tổ chức xã hội để hỗ trợ và tư vấn cho họ về nội dung của pháp luật. Ví dụ: ở Anh, kế hoạch định giá đường ở trung tâm thành phố Luân Đôn chủ yếu dựa vào việc tham vấn với nhiều tổ chức từ các nhóm đạp xe địa phương3. Điều tương tự ở Việt Nam khi ban hành các quy phạm liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các ngành nghề kinh doanh, việc tham khảo các hiệp hội doanh nghiệp là một hoạt động mang tính bắt buộc4. Nó không chỉ thể hiện nguyên tắc bảo đảm sự tham gia của các bên liên quan, mà còn là nội dung của các quy định luôn cần có các kiến thức chuyên môn ngoài luật học.

Tương tự như vậy, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp có thể tham gia vào một mối quan hệ chính thức hơn để cải thiện các tiêu chuẩn đạo đức doanh nghiệp, nhiều trong số đó liên quan đến các vấn đề pháp lý như điều kiện làm việc và bảo vệ môi trường. Ví dụ, nhóm vận động của Hoa Kỳ, Nhóm Phòng vệ Môi trường đã làm việc với hãng đồ ăn nhanh McDonalds để phát triển bao bì bánh burger thân thiện với môi trường hơn5.

Sự cộng tác với khu vực tư có thể tăng cường sức mạnh cho các tổ chức xã hội (đặc biệt là ở những khu vực mà tạo ra nhiều lợi nhuận kinh tế) nếu được cân bằng bởi nền tảng nguồn lực của người dân. Các tổ chức xã hội nên dành những nỗ lực đáng kể cho sự hợp tác để vượt qua sự chia rẽ hay tách rời trong lòng các tổ chức xã hội. Điểm này được tạo ra bởi các tổ chức xã hội có thể rất “không mang tính dân sự” và là các nền dân chủ non yếu mà thường phát triển rất nhanh các tổ chức xã hội, nhưng nhìn chung tương đối không bền vững. Chẳng hạn các tổ chức xã hội nhận tiền tài trợ từ doanh nghiệp, điều này không bền vững bởi doanh nghiệp sẽ không thể tài trợ được mãi. Ngoài ra, tổ chức xã hội bị phụ thuộc vào ý chí của doanh nghiệp và họ sẽ trở thành người phát ngôn của doanh nghiệp, khi đó, tổ chức đó đã bị chuyển sang khu vực tư chứ không còn là bên thứ ba nữa.

Hợp tác vì mục tiêu chung trong xã hội có thể góp phần vào việc làm giảm tổi thiểu sự không bền vững. Liên kết giữa các tổ chức xã hội với khu vực thị trường để bổ sung điểm mạnh của mỗi bên và cải thiện những điểm yếu là rất quan trọng cho sự phát triển6.

Trước áp lực của các tổ chức xã hội, hầu hết các công ty lớn đã chủ động đưa CSR vào chương trình hoạt động của mình một cách nghiêm túc. Hàng nghìn chương trình đã được thực hiện như tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải carbon, xóa mù chữ, xây dựng trường học cứu trợ, ủng hộ nạn nhân thiên tai, thành lập quỹ và trung tâm nghiên cứu vắc xin phòng chống AIDS và các bệnh dịch khác ở các nước nhiệt đới, đang phát triển. Theo tổ chức Giving USA Foundation, số tiền các doanh nghiệp đóng góp cho các hoạt động xã hội trên toàn thế giới lên đến 13,77 tỷ USD ( năm 2005 ) và 14,55 tỷ USD năm 2011. Tuy vậy, cũng chính theo báo cáo này, có thể thấy được là con số các doanh nghiệp đóng góp cho các hoạt động từ thiện là rất ít so với những đóng góp của các cá nhân là 217,79 tỷ USD7. CSR, nếu chỉ là các hoạt động từ thiện, đóng góp theo hảo tâm và tùy hứng của chủ doanh nghiệp sẽ hoàn toàn không hiệu quả đối với các vấn đề xã hội cũng như việc xúc tiến quan hệ công chúng (Public relation - PR) cho doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là, khi xây dựng, thực hiện chính sách, chiến lược về phát triển bền vững, doanh nghiệp phải có lợi. Vì vậy, không thể chỉ dựa vào việc tẩy chay hay ủng hộ của các tổ chức hay phong trào xã hội, trước hết là tổ chức của người tiêu dùng, thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - một quan hệ mang tính chất tự nguyện giữa thị trường và xã hội, lại cần đến sự hỗ trợ của nhà nước - với những can thiệp mạnh tay và chắc chắn bởi pháp luật.

Hiện nay, tiêu chuẩn ISO 26000 được coi là bộ tiêu chuẩn toàn diện nhất về CSR. Tuy vậy, chính Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế cũng không đặt ra việc cấp chứng nhận đối với ISO 26000. Việc thiết lập hệ thống quản lý theo hướng dẫn của ISO 26000, tuy vậy, là một tiêu chí quan trọng cho việc dán nhãn CSR đối với các doanh nghiệp. Bên cạnh hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng ISO 26000, chính quyền các nước đều có hướng dẫn doanh nghiệp triển khai áp dụng các bộ tiêu chuẩn có liên quan đến CSR như bộ tiêu chuẩn về môi trường ISO 14000, bộ tiêu chuẩn về trách nhiệm giải trình xã hội SA8000. Thực hiện CSR, như trên đã trình bày, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện các bộ tiêu chuẩn nói trên, một mặt, giúp cho doanh nghiệp thực hiện cam kết CSR của mình, mặt khác nó có ý nghĩa làm minh bạch hóa các hoạt động của doanh nghiệp đối với cộng đồng xã hội, đặc biệt là cộng đồng người tiêu dùng, người lao động.

2.3. Kiến tạo, thiết lập và tham gia chuỗi cung ứng

Tại một hội thảo của FAO-VREDESEILANDEN năm 2006, người ta cho rằng phần lớn các tổ chức xã hội đang hướng tới việc khuyến khích nông dân thực hiện sản xuất theo hướng thị trường và trở thành người hỗ trợ chuỗi cung ứng.8 Điều này cũng tương tự khi hàng loạt các nhóm cá nhân, tổ chức xã hội hỗ trợ nông dân Việt Nam kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Mô hình giới thiệu vịt biển của nông dân Tiên Lãng, Hải Phòng, hay giới thiệu sản phẩm của hội phụ nữ đơn thân ở Sóc Sơn, Hà Nội, là những dẫn chứng như vậy.

Một xu hướng chính khác là các tổ chức xã hội tham gia và tìm kiếm quan hệ đối tác với doanh nghiệp như một cách vừa để khai thác các nguồn lực và kỹ năng kinh doanh vừa để tác động đến thực tiễn trong khu vực tư nhân. Xu hướng này thể hiện rõ ràng hơn trong các tổ chức vì quyền lợi thành viên là các doanh nghiệp - tổ chức xã hội nghề nghiệp của doanh nghiệp.

Cung ứng dịch vụ cho hội viên là điều thuộc nghĩa vụ mà hiệp hội phải làm, các hoạt động tập huấn kỹ năng nghề nghiệp, hội chợ xúc tiến thương mại do hiệp hội tổ chức là những hoạt động thể hiện nghĩa vụ đó. Không ít các hiệp hội còn thành lập doanh nghiệp với tư cách là chủ đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận để mua các dịch vụ cho hội viên (thường điều lệ các hiệp hội xác định họ là tổ chức phi lợi nhuận và nếu có lợi nhuận cũng không được chia lợi nhuận cho hội viên).

Không chỉ kiến tạo, kết nối, thế giới đã tồn tại xu hướng các tổ chức xã hội thành lập các doanh nghiệp xã hội dẫn đến việc xóa mờ ranh giới giữa tổ chức xã hội và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp xã hội được sở hữu toàn bộ hay một phần bởi các tổ chức đó, liệu nó có còn là tổ chức xã hội không, đặc biệt khi nó là tổ chức không hoạt động vì hội viên mà là các mục tiêu xã hội? Cà phê là một ví dụ về thị trường sản phẩm mà sự tham gia của tổ chức phi chính phủ đã rất rộng rãi và dưới nhiều hình thức khác nhau. Đã có những nỗ lực đáng kể của tổ chức phi chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị thông qua thương mại công bằng (cà phê toàn cầu là sản phẩm thương mại công bằng đầu tiên). Chẳng hạn Oxfam và Traidcraft thành lập công ty rang xay cà phê Café Direct, hiện là công ty đồ uống Fair Trade hàng đầu của Vương quốc Anh. Gần đây hơn, Oxfam với một nhóm hợp tác xã trồng cà phê đã thành lập Progreso Cafes Limited, với 25% cổ phần được mua thay mặt cho các hợp tác xã, 25% được nắm giữ bởi Quỹ tín thác những người sản xuất cà phê, sẽ thanh toán cho các dự án phát triển ở những vùng trồng cà phê không hiệu quả9.

2.4. Điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp

Mối quan tâm của nhiều tổ chức xã hội là cố gắng tác động đến hoạt động kinh doanh và chương trình nghị sự của doanh nghiệp. Thông thường những nỗ lực này được nhắm mục tiêu trực tiếp, hướng vào ứng xử của doanh nghiệp cụ thể. Các phong trào biểu tình chống doanh nghiệp không còn hiếm gặp. Họ công khai chống doanh nghiệp có hành động mà theo họ là không đúng. Chẳng hạn, các cuộc tẩy chay sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ của Nestle những năm 1980 hay gần đây là các cuộc biểu tình chống McDonalds vì đối xử không tốt với động vật.

Ở Việt Nam, những phong trào chống phá rừng làm resort, phản đối các doanh nghiệp gây ô nhiễm cũng đã bắt đầu xuất hiện mạnh mẽ. Nói chung, các hoạt động điều chỉnh hành vi trực tiếp này của các tổ chức xã hội là huy động ý kiến của quần chúng, tạo thành phong trào xã hội to lớn. Tuy vậy, điều chỉnh trực tiếp luôn có những rủi ro khó kiểm soát bới đám đông có thể gây ra nhiều hiệu ứng tâm lý tiêu cực, cản trở hoặc phá hoại tài sản hợp pháp của bên bị phản đối hoặc người khác, thậm chí có thể gây bạo loạn. Điều quan trọng cần lưu ý là, cách thức, không gian trình bày cũng như chủ thể tiếp nhận ý kiến của họ còn chưa rõ ràng và nhất quán.

3. Kết luận

Các tổ chức xã hội tham gia vào hình thành và điều tiết các quan hệ thị trường là một xu thế khách quan và phù hợp với bản chất của nền dân chủ. Tuy vậy, các tổ chức xã hội phụ thuộc vào nhà nước, bởi nhà nước thiết lập một khuôn khổ cho sự hoạt động của các tổ chức xã hội ấy mà thường được gọi là khu vực thứ ba. Khu vực này là không thể thiếu cho sự phát triển nhưng bản thân nó không tạo ra sự phát triển. Đây là phần cấu thành và góp phần vào sự phát triển nhưng cũng có thể làm suy yếu nó10. Tương tự, các tổ chức xã hội không tạo ra nền dân chủ11, mặc dù nó đóng vai trò lớn trong việc xây dựng và củng cố nền dân chủ và sự phát triển bền vững.

Chính vì vậy, khung pháp luật cho các hoạt động của các tổ chức xã hội là hết sức cần thiết, đặc biệt, nó giảm thiểu những hậu quả cực đoan của những hành động điều chỉnh trực tiếp đã nêu ở trên. Nội dung của khung pháp luật ấy, cần thiết có sự tham gia xây dựng của tất cả các bên. Đó không chỉ là một nguyên tắc của dân chủ, mà còn là sự tận dụng trí tuệ của các đại diện từ thị trường và các tổ chức xã hội.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Teegen, H., Doh, J., and Vachani, S. 2004. The importance of nongovernmental organizations (NGOs) in global governance and value creation: an international business research agenda. Journal of International Business Studies35, 463-483., trang 466.

2Braithwaite, J. and P. Drahos, Global business regulation. Cambridge, Cambridge University Press 2000, trang 574.

3Hutter, Bridget M., and Joan O'Mahony. The role of civil society organisations in regulating business. London: Centre for Analysis of Risk and Regulation, London School of Economics and Political Science, 2004, trang 6.

4Luật 63/2020/QH14, Sửa đổi bổ sung một số điều Luật Ban hành văn bản quy phạp pháp luật, Điều 6.

5Clark, J. Worlds apart: civil society and the battle for ethical globalization. Bloomfield, CT, Kumarian Press 2003, trang 204.

6Steve Waddell, IDR Reports, Vol 13, No 5, Institute for Development Research, 1997, trang i.

7Nguồn: USA Giving Foundation: Giving USA 2012

8Grieg-Gran, Maryanne, and Emma Wilson. "NGOs as market actors." Roles and responsibilities in supporting small producers in low-income countries, International Institute for Environment and Development (IIED) 2007, trang 3.

9Grieg-Gran, Maryanne, and Emma Wilson. "NGOs as market actors.", tài liệu đã dẫn, trang 3.

10Gerard Clarke, Non-governmental organizations and politics in the developing world, Political Studies, XLVI, 1998, trang 48

11Gerard Clarke, Non-governmental organizations and politics in the developing world, tài liệu đã dẫn, trang 50

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Braithwaite, J. and P. Drahos, Global business regulation. Cambridge, Cambridge University Press 2000.
  2. Clark, J. Worlds apart: civil society and the battle for ethical globalization. Bloomfield, CT, Kumarian Press 2003.
  3. Gerard Clarke, Non-governmental organizations and politics in the developing world, Political Studies, XLVI, 1998.
  4. Grieg-Gran, Maryanne, and Emma Wilson. "NGOs as market actors." Roles and responsibilities in supporting small producers in low-income countries, International Institute for Environment and Development (IIED) 2007.
  5. Hutter, Bridget M., and Joan O'Mahony. The role of civil society organisations in regulating business. London: Centre for Analysis of Risk and Regulation, London School of Economics and Political Science, 2004.
  6. USA Giving Foundation: Giving USA 2012.
  7. Steve Waddell, IDR Reports, Vol 13, No 5, Institute for Development Research, 1997.
  8. Teegen, H., Doh, J., and Vachani, S. 2004. The importance of nongovernmental organizations (NGOs) in global governance and value creation: an international business research agenda. Journal of International Business Studies 35, 463-483.
  9. Luật 63/2020/QH14, Sửa đổi bổ sung một số điều Luật Ban hành văn bản quy phạp pháp luật.

THE ROLE OF SOCIAL ORGANIZATIONS

IN THE FORMATION AND REGULATION

OF MARKET ECONOMIC RELATIONS

• NGO VINH BACH DUONG

Institute of State and Law  

ABSTRACT:

Social organizations participating in the formation and regulation of market relations is an objective trend and it is consistent with the nature of democracy. However, social organizations depend on the state becasue the state establishes a framework for the operation of those social organizations which is often referred to as the third sector. This sector plays an indispensable role in the development but this sector does not create development itself. If we correctly recognize the role of social organizations, we will have an appropriate approach in building institutions for the operation of social organizations in the context of the market economic development in Vietnam. This paper discusses the role of social organizations in the formation and regulation of market economic relations.

Keywords: the role of social organization, market economy, market relations, participation.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 12 năm 2022]