Vai trò của Công đoàn trong kiểm tra, thanh tra về thực hiện tài chính công đoàn tại doanh nghiệp

THS. NGUYỄN CHU DU - PGS.TS. HOÀNG THỊ NGA (Trường Đại học Công đoàn)

TÓM TẮT:

Vai trò của Công đoàn là đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động. Trong đó phải tiến hành đồng bộ cả 3 khâu: Tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách và kiểm tra giám sát với sự phân công trách nhiệm của từng cấp công đoàn, đảm bảo quyền lợi lớn nhất cho người lao động. Muốn làm được tốt vai trò đại diện quyền và lợi ích của người lao động trong doanh nghiệp, thì vai trò của Công đoàn trong tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát, thực hiện phản biện xã hội ở trong các doanh nghiệp là rất quan trọng. Bài viết sẽ đánh giá lại hiệu quả của hoạt động này trong thời gian qua tại doanh nghiệp.

Từ khóa: Công đoàn, tài chính công đoàn, thanh tra, kiểm tra, doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê điều tra, cập nhật ngày 31/12/2017, tổng số doanh nghiệp thực tế hoạt động trên phạm vi cả nước ước tính gần 600.000 doanh nghiệp (Phúc Nguyên, 2018). Công đoàn cơ sở và Công đoàn cấp trên cơ sở là nhóm nhân tố quan trọng tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát, thực hiện phản biện xã hội trong doanh nghiệp (VN, 2017). Từ thực tiễn đó đòi hỏi cần phải có những phương pháp và hình thức mới để Công đoàn tham gia hoạt động này một cách hiệu quả, giúp nâng cao uy tín của tổ chức trong doanh nghiệp.

Trong 5 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Công đoàn Việt Nam đã có những thành công nhất định trong vai trò của mình. Công đoàn đã tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát, phản biện xã hội trong các doanh nghiệp (DN) nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực trong các DN. Năm 2018, tổ chức Công đoàn đã tiến hành thực hiện khảo sát, tập trung tìm hiểu vấn đề công đoàn tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội trong các DN ở 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương nhằm cung cấp một bức tranh tổng quan về hoạt động của Công đoàn thời gian qua.

Bài viết này cũng nhằm đánh giá, phân tích thực trạng Công đoàn, cũng như đánh giá nhưng ưu điểm và hạn chế trong vấn đề tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát, thực hiện phản biện xã hội tại các DN.

2. Sự cần thiết phải kiểm tra, thanh tra về thực hiện tài chính công đoàn tại doanh nghiệp

Qua nghiên cứu khảo sát cho thấy, cán bộ công đoàn đã cung cấp thông tin về các hoạt động tài chính công đoàn cho đoàn viên và người lao động khi nào được yêu cầu (38,2%). Cán bộ công đoàn cho rằng, hoạt động công đoàn sẽ tự công khai hoạt động tài chính theo kế hoạch hàng năm đề ra (có thể theo quý hoặc theo năm) để đoàn viên công đoàn, người lao động biết những thông tin về tài chính công đoàn (71,3%) và những ý kiến khác (6,9%). Không có nhiều sự khác biệt giữa Công đoàn cơ sở và trên cơ sở, DNNNN và doanh nghiệp FDI.

Việc công khai tài chính công đoàn (TCCĐ) đã có văn bản hướng dẫn thi hành, tuy vậy theo đánh giá của đoàn viên, người lao động, sự công khai minh bạch về TCCĐ càng chi tiết càng tốt, càng cụ thể rõ ràng thì càng có thể thực hiện giám sát và phát hiện những sai phạm trong công tác tài chính một cách tốt nhất.

Công đoàn giám sát, thanh tra kiểm tra hoạt động TCCĐ bằng nhiều hình thức khác nhau. Cách tương đối tốt nhất là sự công khai minh bạch về tài chính để không chỉ công đoàn các cấp thực hiện giám sát, thanh tra, kiểm tra mà ngay cả người lao động cũng có thể giám sát và phát hiện những biểu hiện chưa đúng với quy định của pháp luật.

Tài chính công đoàn có một phần đóng góp rất lớn từ người lao động. Quyền được tiếp cận, được biết thông tin về những khoản thu - chi của công đoàn là một điều tất yếu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại nhiều đơn vị hầu hết các thông tin về tài chính đều ít được công khai; hoặc nếu có công khai thì tổng hợp chung chung, không đưa ra những khoản chi tiết, cho nên người lao động không thể so sánh, đối chiếu, giám sát hoạt động thu - chi của Công đoàn hiện nay. Từ đó dẫn tới làm giảm sự hiệu quả trong hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực TCCĐ. 

Theo số liệu khảo sát, người lao động biết rõ về các khoản thu chi của tổ chức công đoàn (30,5%), chỉ nghe nói công đoàn có công bố về các khoản thu chi (9,9%), không biết về tài chính công đoàn (45,5%) và không quan tâm về vấn đề này (14,1%). Kết quả nghiên cứu phần nào đó phản ánh một thực tế hiện nay đoàn viên, người lao động chưa được tiếp cận, giám sát về hoạt động TCCĐ, bên cạnh đó còn tồn tại một bộ phận không quan tâm đến lĩnh vực này.

3. Nâng cao vai trò của Công đoàn trong giám sát tài chính công đoàn tại doanh nghiệp

3.1. Khẳng định vai trò và tạo dựng niềm tin của Công đoàn trong hoạt động tài chính

Có thể nhận thấy, trong rất nhiều hoạt động có hiệu quả của tổ chức công đoàn thì có một nội dung Công đoàn cần chú trọng trong thời gian tới để nâng cao vị trí cũng như sự tin tưởng của đoàn viên, người lao động đối với tổ chức đó là việc tuyên truyền và công khai về TCCĐ. Việc làm này góp phần để người lao động hiểu rõ nguồn lực công đoàn đến từ đâu, biết đoàn phí do mình đóng góp được sử dụng như thế nào, hiệu quả ra sao. Từ đó, đoàn viên, người lao động có thể giám sát trong lĩnh vực TCCĐ, phát hiện, ngăn chặn và phòng ngừa những sai phạm, qua đó nâng cao niềm tin của đoàn viên, người lao động đối với tổ chức Công đoàn.

Trong thời gian tới, khi Việt Nam thực hiện các điều khoản của Hiệp định CPTTP thì người lao động được thành lập tổ chức đại diện của mình bên cạnh tổ chức Công đoàn. Do đó, nếu tổ chức Công đoàn không tạo dựng được niềm tin đối với người lao động thì rất có thể số lượng đoàn viên sẽ giảm đáng kể.

3.2. Công khai hình tài chính thu - chi

Bằng nhiều hình thức khác nhau, Công đoàn đã công khai về mặt tài chính đối với đoàn viên công đoàn và người lao động. Trong nghiên cứu thể hiện tỉ lệ đánh giá của cán bộ công đoàn về các hình thức công khai tài chính cao hơn so với đoàn viên, người lao động. Cán bộ công đoàn đánh giá hình thức công khai tài chính trên bản tin (51,7%), thông qua các đại diện của người lao động trong cuộc họp (48,6%), thông qua email (9,1%) và nhiều hình thức khác (11,4%), trong khi đó người lao động đánh giá có sự công khai về mặt tài chính bằng các hình thức này lần lượt (38,8%; 31,4%; 4,8%, 10,2%).

Kết quả khảo sát, hình thức công khai tài chính thu - chi ở các doanh nghiệp được thể hiện như Biểu đồ 1.

Như vậy, thông qua kết quả khảo sát thể hiện hoạt động công khai về TCCĐ ở các doanh nghiệp chưa thực sự đáp ứng được mong muốn của đoàn viên, người lao động. Họ chưa thực sự được tiếp cận với những thông tin cần thiết, do đó chưa rõ, chưa hiểu, cũng như chưa có cơ hội để thực hiện giám sát, thanh tra, kiểm tra, và phát hiện ra các vi phạm trong lĩnh vực tài chính.

3.3. Thanh tra, kiểm tra, giám sát thu - chi, quản lý tài chính Công đoàn trong doanh nghiệp

Đối với công đoàn cơ sở, thu, chi quản lý tài chính được cung cấp bất cứ khi nào (34%), tự công khai thu chi theo kế hoạch hàng năm (59,8%). Trong khi đó,  công đoàn cấp trên cơ sở chủ yếu chỉ thanh tra, kiểm tra, giám sát TCCĐ trong doanh nghiệp thông qua kế hoạch tự công khai tài chính hàng năm của doanh nghiệp (70,8%). Điều này cho thấy doanh nghiệp không sẵn sàng cung cấp số liệu thu - chi cụ thể cho người ngoài, đặc biệt là cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở.

4. Tình hình quản lý thu - chi tài chính công đoàn

Tìm hiểu thắc mắc của người lao động về thu - chi TCCĐ, cho thấy như sau: người lao động thắc mắc về thu - chi TCCĐ (27,1%) trong DNNNN và (22,7%) trong doanh nghiệp FDI. Điều đó cho thấy người lao động cũng quan tâm số tiền đoàn phí mình đóng sẽ được chi như thế nào, có phù hợp hay không. Kết quả nghiên cứu thể hiện đây là những con số đáng phải suy nghĩ và cần sự quan tâm của các cấp Công đoàn trong thời gian tới để làm sao người lao động tin tưởng vào tổ chức Công đoàn và nhận thấy việc tham gia vào tổ chức là cần thiết, khi đã là đoàn viên công đoàn thì có những lợi ích cho bản thân. Trong thời gian tới, khi người lao động được quyền lựa chọn một tổ chức khác có chức năng như tổ chức Công đoàn thì việc công khai, minh bạch, thanh tra, kiểm tra, giám sát về hoạt động TCCĐ cần được đặc biệt quan tâm.

Nhận định của người lao động, cán bộ công đoàn về hiệu quả công đoàn trong công tác tham gia, thanh tra, kiểm tra, giám sát về tài chính công đoàn được thể hiện trong Biểu đồ 2.

 Biểu đồ 2: Hiệu quả hoạt động công đoàn thanh tra, kiểm tra,

giám sát trong lĩnh vực tài chính công đoàn

Số liệu khảo sát thể hiện cán bộ công đoàn cũng như người lao động đánh giá hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát TCCĐ ở mức cao với lần lượt là 61,1% và 51,3%.

Thông qua các hoạt động của công đoàn, người lao động nhận thấy đoàn phí công đoàn do mình tự nguyện đóng góp đã được sử dụng đúng, trúng và hợp lý. Sự đánh giá rất cao hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về hoạt động tài chính của tổ chức Công đoàn các cấp một lần nữa thể hiện sự tin tưởng của người lao động đối với tổ chức Công đoàn và sự kỳ vọng của họ về các hoạt động mà Công đoàn sẽ làm cho người lao động từ kinh phí đóng góp. 

Tuy nhiên qua tìm hiểu cho thấy, thông qua hoạt động thanh tra kiểm tra, giám sát về kinh phí công đoàn của công đoàn cấp trên cơ sở đã thể hiện đoàn phí công đoàn còn chưa thu đủ theo quy định. Kinh phí công đoàn về cơ bản sử dụng có hiệu quả, đúng quy định nhưng bên cạnh đó cán bộ công đoàn vẫn phát hiện có những mục chi sai, chi vượt, chi không có trong quy định. Có những doanh nghiệp và công đoàn cơ sở chưa thực hiện đóng đủ đoàn phí công đoàn và còn diễn ra tình trạng nợ tồn đọng đoàn phí. Đặc biệt là TCCĐ còn để thất thu kinh phí, phải kể đến là các doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn, đối với các doanh nghiệp liên doanh nước ngoài đều có trình trạng “lách luật”, không đóng đầy đủ kinh phí công đoàn.

Đa số các doanh nghiệp thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn theo quý hoặc 6 tháng một lần. Có doanh nghiệp thực hiện nộp kinh phí công đoàn vào tháng đầu tiên của năm sau cho năm trước và chỉ thực hiện đóng phần cấp trên được hưởng[1].

Trên thực tế, từ báo cáo của các Liên đoàn 6 tỉnh cho thấy, sau khi đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát về hoạt động đóng kinh phí và đoàn phí công đoàn thì việc xử lý vi phạm về nộp TCCĐ của các doanh nghiệp chưa mạnh, các chế tài pháp luật như phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự còn rất hạn chế. Do vậy, chưa tạo được sự răn đe, cảnh cáo đối với doanh nghiệp để họ thực hiện theo pháp luật hiện hành.

Như vậy, kết quả nghiên cứu phần nào đó phản ánh một thực tế hiện nay đoàn viên, người lao động chưa được tiếp cận, giám sát về hoạt động TCCĐ. Bên cạnh đó, có một bộ phận không quan tâm đến lĩnh vực này của tổ chức Công đoàn. Các hình thức đoàn viên, người lao động nhận được thông tin công khai về TCCĐ như thông qua bản tin, thông qua tổ trưởng/người đại diện, qua email có tỉ lệ tương đối thấp. Tóm lại, thông qua kết quả khảo sát thể hiện hoạt động công khai về tài chính công đoàn chưa thực sự đáp ứng được mong muốn của đoàn viên, người lao động. Họ chưa thực sự được tiếp cận với những thông tin cần thiết dẫn đến chưa rõ, chưa hiểu, cũng như chưa có cơ hội để thực hiện giám sát, thanh tra, kiểm tra và phát hiện ra các vi phạm trong lĩnh vực tài chính.

5. Kết luận

Công đoàn đã thanh tra, kiểm tra, giám sát về thực hiện tài chính công đoàn trong các doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau như: tham gia xây dựng kế hoạch, thực hiện kế hoạch, quyết toán thu chi. Với nhiều phương pháp như: chủ động triển khai thực hiện dự toán hàng năm, trao đổi bàn bạc với trưởng phòng tài chính về các kế hoạch hoạt động, tham gia với các đoàn liên ngành của tỉnh... Đa số người lao động đánh giá cao Công đoàn có vai trò quan trọng trong tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát về hoạt động TCCĐ. Đối với việc chi kinh phí công đoàn, đa số cán bộ công đoàn cơ sở nhận định rằng họ tham gia giám sát thực hiện quyết toán thu, chi, quản lý tài chính công đoàn chi theo đúng pháp luật, xây dựng kế hoạch thu - chi, thực hiện dự toán thu - chi.

Ngoài ra, trong thực tế, vẫn còn doanh nghiệp chưa đóng đầy đủ kinh phí, đoàn phí công đoàn. Đặc biệt, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài thuê lao động qua trung gian, do đó doanh nghiệp không ký hợp đồng lao động, hay trả lương trực tiếp cho người lao động. Vì thế, rất cần phải có sự tham gia giám sát của tổ chức công đoàn đối với các hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong hoạt động tài chính công đoàn. 

Nhìn chung, mặc dù vẫn tồn tại những hạn chế nhất định nhưng người lao động vẫn đánh giá cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của công đoàn trong lĩnh vực tài chính công đoàn. Chính điều này một lần nữa thể hiện sự tin tưởng của người lao động đối với tổ chức Công đoàn và sự kỳ vọng của họ về các hoạt động mà Công đoàn sẽ làm cho người lao động.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Liên đoàn lao động tỉnh Hà Tĩnh - Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Kết qua giám sát việc thực hiện Nghị số 191/2013/NB-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn.     

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bùi Văn Cường. (2018). Tài liệu học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII - Tư duy mới và vấn đề lớn từ Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Hà Nội.
  2. Trần Văn Thuật. (2018). Tài liệu học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII - Công tác xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh; củng cố; kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban. Hà Nội.
  3. Liên đoàn 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hà Tĩnh. (2018) Tình hình, kết quả hoạt động Công đoàn năm 2018 và nhiệm vụ năm 2019.
  4. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (2018), Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 217 và Quyết định 218.
  5. Số liệu khảo sát Đề tài Mã số XH/TLĐ.2018.04 từ tháng 12/2018-01/2019 tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hà Tĩnh.

The role of trade union in supervising and inspecting financial

issues of trade union at enterprises

Master. Nguyen Chu Du

Assoc.Prof.Ph.D Hoang Thi Nga

Trade Union University

ABSTRACT:

The important role of trade union is to protect the legal rights and interests of union members and workers. In which, the role of trade union would be synchronously implemented in all three stages including participating in developing policies, organizing the adoption of regimes, policies and supervising the implementation of policies with the assignment of responsibilities of each trade union level in order to ensure the greatest interests for workers. In order to well perform the representation for the workers’ intterests and rights, it is necessary for trade union to actively take part in inspection, examination, supervision and implementation of policies in enterprises. This article is to evaluate the effectiveness of these activities of trade union in the past.

Keywords: Trade union, finance of trade union, inspection, supervision, enterprise.