TÓM TẮT:
Bài viết này tập trung vào việc phân tích mô hình kết hợp giữa đổi mới sáng tạo và giáo dục đại học nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Để đảm bảo tính bền vững của hệ sinh thái này, các trường đại học cần có chiến lược phát triển rõ ràng, đa dạng hóa nguồn tài chính, nâng cao năng lực nhân sự và hợp tác quốc tế. Cuối cùng, bài báo đề xuất một số giải pháp cụ thể để phát triển bền vững hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong bối cảnh hiện tại.
Từ khóa: đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, hệ sinh thái đổi mới, giáo dục đại học, mô hình SMARTI.
1. Đặt vấn đề
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vì mục tiêu bền vững không chỉ bao gồm sự tương tác mật thiết giữa các bên liên quan trong khu vực công, tư nhân và học thuật, mà còn phải thích ứng linh hoạt với các thay đổi trong môi trường bên ngoài (Costa & Matias, 2020). Trong bối cảnh này, các trường đại học đóng vai trò vô cùng quan trọng khi không chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn là trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ. Các nghiên cứu và chuyển giao công nghệ từ các trường đại học tạo ra giá trị kinh tế đáng kể và nâng cao chất lượng cuộc sống (Giddings et. al., 2002). Bên cạnh đó, các trường đại học cũng đóng vai trò kết nối mạng lưới cộng đồng và thúc đẩy các hành động vì sự phát triển bền vững thông qua việc tổ chức các hội thảo, sự kiện và chương trình hợp tác, tạo ra môi trường thuận lợi cho sự trao đổi kiến thức và hợp tác giữa các bên liên quan (Boons & Ldeke-Freund, 2013). Các trường đại học đang và sẽ tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững, nơi mà các sáng kiến bền vững không chỉ được phát triển mà còn được thực hiện một cách hiệu quả.
Sự kết hợp này không chỉ đáp ứng các yêu cầu hiện tại, mà còn chuẩn bị cho tương lai, đảm bảo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo có thể thích nghi và phát triển trong một thế giới không ngừng biến đổi. Do đó, việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vì mục tiêu bền vững đòi hỏi sự tham gia tích cực và hợp tác chặt chẽ của các trường đại học cùng với các bên liên quan khác. Yêu cầu đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững là xu thế tất yếu của mọi nền kinh tế và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Vai trò của các trường đại học vô cùng quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
2. Thực trạng hoạt động của hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại các trường đại học, cao đẳng và học viện tại Việt Nam
Trong những năm gần đây, các trường đại học, cao đẳng và các học viện tại Việt Nam đã ngày càng tích cực tham gia vào hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Sự quan tâm, hỗ trợ đến từ Chính phủ là rất to lớn như qua việc ban hành Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP vào năm 2005 cho các trường đại học trong việc thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - khóa XI nhằm chỉ đạo “Đổi mới hệ thống giáo dục theo mô hình mở, linh hoạt, tăng cường kết nối giữa các cấp học và phương thức giáo dục và đào tạo”. Theo thống kê của tác giả, Việt Nam có khoảng hơn 40 cơ sở giáo dục có thành lập đơn vị chuyên môn phụ trách các hoạt động về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển giao khoa học công nghệ. Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại cơ sở giáo dục được thành lập với mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức và hình thức thành lập khác nhau. Một số mô hình phổ biến là: Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp, Các phòng ban hỗ trợ khởi nghiệp, Các viện nghiên cứu… Hoạt động của các đơn vị này chủ yếu tập trung vào các chương trình tập huấn và đào tạo ngắn hạn để trang bị kiến thức cho sinh viên, tổ chức các hội thảo để khuyến khích tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên, đồng thời bồi dưỡng các dự án tham gia Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các cấp hoặc tổ chức các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp tại địa phương.
Một số trường đại học đầu tư không gian làm việc chung, phát triển các chương trình ươm tạo chuyên nghiệp như: Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Chỉ có số ít trường như: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh… có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khá hoàn chỉnh khi phối hợp được các nguồn lực trong cơ sở giáo dục theo định hướng chiến lược và kết hợp với các đối tác nước ngoài cùng hỗ trợ cho dự án khởi nghiệp, hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ và đầu tư cho các công ty khởi nghiệp.
Như vậy, thực trạng nêu trên cho thấy, các tổ chức khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại trường đại học, cao đẳng và học viện với một khoảng thời gian không quá dài đã đạt được nhiều thành tựu như: đã và đang thực hiện khá thành công hoạt động khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của sinh viên thông qua việc tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, tìm kiếm ý tưởng đổi mới sáng tạo và đặc biệt là tham gia các cuộc thi học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Tổ chức tốt các cuộc thi khởi nghiệp đã tạo ra môi trường thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và hỗ trợ sinh viên phát triển ý tưởng. Đồng thời, sự hỗ trợ từ các chương trình, đề án cấp Bộ/Nhà nước đã cung cấp nguồn lực quan trọng, giúp các tổ chức này tăng cường năng lực và hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp một cách hiệu quả. Các trường đại học, cao đẳng ở khu vực miền núi hoặc vùng sâu vùng xa còn được tạo điều kiện để nhận hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ (UNDP, Aus4Inno, USAID…) để nâng cao năng lực cho sinh viên trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại các trường đại học và cao đẳng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, cụ thể:
- Các trung tâm đổi mới sáng tạo tại các trường đại học cần phải có chiến lược phát triển và kết hợp các nguồn lực để hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo một cách hiệu quả. Đây là một thách thức lớn nhất vì điều này đòi hỏi sự xác định rõ ràng chiến lược phát triển của các tổ chức đổi mới sáng tạo chiến lược này phải đồng bộ với chiến lược chung của các trường đại học… Nếu thiếu sự đồng bộ giữa chiến lược của trung tâm, viện với chiến lược chung của các trường đại học, có thể dẫn đến sự xung đột về mục tiêu và phân bổ nguồn lực, dẫn tới tình trạng việc triển khai các chương trình và dự án rất khó khăn.
- Mặc dù đầu tư vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đem lại giá trị gia tăng cho tổ chức; tuy nhiên, vì đặc điểm của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là phải đầu tư chi phí cao, thêm vào đó, nó còn mang thuộc tính của hàng hóa công; do vậy chưa thể có đủ nguồn lực, thiếu cơ chế để đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là với các đơn vị công lập tự chủ.
- Thiếu nguồn lực tài chính, nhân sự và cơ sở vật chất cũng là một thách thức phổ biến đối với các trung tâm đổi mới sáng tạo tại các trường đại học. Nguồn tài chính hạn hẹp và sự cạnh tranh cao trong việc nhận được các khoản tài trợ khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn trong việc tổ chức các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp.
- Thiếu nhân sự có kinh nghiệm và khó khăn trong việc thu hút nhân tài do chế độ đãi ngộ không đủ hấp dẫn làm giảm hiệu quả tư vấn và quản lý các hoạt động khởi nghiệp.
- Hạ tầng chưa được đầu tư phù hợp và chi phí duy trì cao khiến nhiều đơn vị không có đủ không gian làm việc để ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực có ứng dụng công nghệ. Điều này dẫn đến các ý tưởng khởi nghiệp phát triển từ nhà trường chưa được hỗ trợ toàn diện, hoặc chỉ dừng lại ở việc tham gia các cuộc thi hoặc thiếu các nguồn vốn đầu tư mới để tiếp tục phát triển vượt qua giai đoạn Valley of Death.
- Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các trung tâm đổi mới sáng tạo tại các trường đại học đối mặt với thách thức lớn trong việc bảo vệ các sáng kiến và sản phẩm/dịch vụ của công ty khởi nghiệp khỏi sự cạnh tranh quốc tế và nguy cơ mất đi công nghệ vào tay các quốc gia khác. Sự cạnh tranh về tài năng và công nghệ, cùng với hệ thống bảo vệ sở hữu trí tuệ chưa hoàn thiện và khả năng thương mại hóa còn yếu, là những vấn đề cần được giải quyết để duy trì và phát triển các sáng kiến khởi nghiệp, sản phẩm khoa học công nghệ nghiên cứu trong nước.
- Thiếu hụt nguồn nhân lực cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ cao, đặc biệt là về kỹ thuật và khoa học phức tạp. Các trường đại học được định hướng xã hội khoa học và các chương trình hành chính. Giáo dục tiểu học và trung học không tuân thủ một chiến lược rõ ràng để tăng cường vai trò của toán học và khoa học cơ bản. Sáng tạo và đổi mới hầu như không được bao gồm trong các chương trình giảng dạy.
- Hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các tổ chức trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn yếu. Các trường đại học chủ yếu tập trung vào giảng dạy hoặc thực hiện nghiên cứu khoa học cơ bản, nhưng liên kết yếu với các doanh nghiệp.
3. Một số khuyến nghị giải pháp
Thứ nhất, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan chính sách khởi nghiệp. Trong đó, cần nhanh chóng và kiên quyết cải cách giảm bớt những thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho văn hóa khởi nghiệp được phát triển mạnh. Chính sách kinh doanh sáng tạo và khởi nghiệp có thể được coi như là những chính sách tìm cách cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp hiện tại và tương lai. Chúng có thể được nhóm thành 3 loại:
(1) Các chính sách định hướng việc nhận biết các cơ hội và chú ý đến các điều kiện: (a) định hướng bền vững; (b) nhận biết cơ hội bền vững và huy động tài nguyên; (c) hành động hợp tác và đổi mới hướng tới các cơ hội bền vững; và (d) thị trường cho các sản phẩm/dịch vụ bền vững.
(2) Các chính sách tạo điều kiện gia nhập thị trường và cho phép các công ty thử nghiệm các công nghệ và mô hình kinh doanh mới: Chúng chủ yếu là những chính sách cạnh tranh (ví dụ: Luật Chống độc quyền), quy định kinh doanh (ví dụ: gánh nặng hành chính về khởi nghiệp, các quy định có ảnh hưởng đến tăng trưởng bền vững, pháp luật phá sản), thuế (ví dụ: Thuế, giấy phép và lệ phí cần thiết của các công ty mới), chính sách thị trường lao động (ví dụ: Pháp luật bảo vệ lao động) và các quy tắc an sinh xã hội (ví dụ: Chi phí lao động phi tiền lương và các chế độ bảo hiểm xã hội).
(3) Các chính sách ảnh hưởng đến cơ hội thị trường: bao gồm các chính sách ảnh hưởng đến sự phát triển công nghệ, mua sắm công và cung cấp tài chính doanh nghiệp (đặc biệt là tài chính đầu tư cổ phần), hay các chương trình cung cấp thông tin và tư vấn về việc mở rộng và quốc tế hóa.
Các chính sách này cần đảm bảo tính đồng bộ và đảm bảo theo thông lệ quốc tế.
Thứ hai, cần có chính sách tăng cường mối liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp. Tạo lập kênh giao tiếp hay mạng lưới liên kết giữa các doanh nghiệp và các trường đại học (với vai trò thu thập, cập nhật dữ liệu, tư vấn và cung cấp các thông tin), đồng thời cải thiện các chương trình, các cơ chế hỗ trợ đối với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ mới từ các hoạt động nghiên cứu từ trường đại học. Chính phủ và các trường đại học cần có chính sách thúc đẩy các hình thức hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp. Các chính sách cần tập trung vào các hình thức hợp tác sau: (1) Hợp tác trong nghiên cứu; (2) Thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; (3) Thúc đẩy khả năng lưu chuyển của sinh viên; (4) Thúc đẩy sự vận động, lưu chuyển của giới hàn lâm; (5) Tham gia quản trị nhà trường.
Thứ ba, cần hoàn chỉnh hệ thống hành lang pháp lý cho việc thương mại hóa kết quả khoa học công nghệ. Cần thực hiện bổ sung một số chính sách đổi mới sáng tạo chủ yếu như: hỗ trợ đổi mới sáng tạo bằng các cơ chế và ưu đãi phù hợp, loại bỏ các rào cản đối với các ý tưởng đổi mới sáng tạo, thiết lập cấu trúc về nghiên cứu phù hợp, nuôi dưỡng tinh thần đổi mới sáng tạo trong cộng đồng xã hội và dễ hấp thụ thông qua các hệ thống giáo dục phù hợp.
Lời cảm ơn: Bài viết là sản phẩm của Đề tài Khoa học Công nghệ cấp Bộ được Bộ Giáo dục và Đào tạo tài trợ "Nghiên cứu về mức độ sẵn sàng thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo tại các trường đại học ở Việt Nam" - Mã số: B2023-KSA-02.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Hữu Thanh Chung, Nghiêm Xuân Huy, Mai Thị Quỳnh Lan, Trần Bích Liễu, Hà Quang Thụy, & Nguyễn Lộc (2018). Hướng tới Giáo dục Đại học 4.0 - Đặc điểm và Tiêu chí. Tạp chí Khoa học ĐH QGHN: Nghiên cứu Chính sách và Quản lý, 34(4), 1-28.
2. Boons, F., & Ldeke-Freund, F. (2013). Business models for sustainable innovation: State-of-the-art and steps towards a research agenda. Journal of Cleaner Production, 45, 9-19.
3. Costa, J., & Matias, J.C.O. (2020). Open Innovation 4.0 as an Enhancer of Sustainable Innovation Ecosystems. Sustainability, 12(19), p.8112.
4. Giddings, B., Hopwood, B., & O'Brien, G. (2002). Environment, economy and society: Fitting them together into sustainable development. Sustainable Development, 10(4), 187-196.
THE ROLE OF UNIVERSITIES
IN THE INNOVATION ECOSYSTEM
FOR SUSTAINABLE DEVELOPMENT
• Assoc.Prof.Ph.D PHAN THI BICH NGUYET
University of Economics Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
This study examines the integration of innovation and higher education to address the demands of sustainable development. It highlights the necessity for universities to adopt clear development strategies, diversify funding sources, enhance human resource capacity, and foster international collaboration to sustain this ecosystem. The study concludes by offering specific solutions to promote the sustainable development of the innovation ecosystem in the current global context.
Keywords: innovation, sustainable development, innovation ecosystem, higher education, SMARTI model.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25 tháng 12 năm 2024]