Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đặc biệt là tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh qua từng năm.
Nếu như năm 2001 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mới đạt hơn 30 tỷ USD thì năm 2011 đã đạt 200 tỷ USD; năm 2022 đạt 730 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đã tăng từ 15 tỷ USD vào năm 2001 lên hơn 96 tỷ USD vào năm 2011, và đạt 371 tỷ USD vào năm 2022.
Xuất khẩu tăng trưởng nhanh cho thấy năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều ngành đã cao hơn, hàng hóa của Việt Nam đã thâm nhập được và có chỗ đứng tại nhiều thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này có thể phải yêu cầu chính phủ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ mình.
Trên thực tế, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Theo báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại, tính đến hết tháng 8/2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 234 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường; trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (129 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (47 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (34 vụ việc) và chống trợ cấp (24 vụ việc).
Các mặt hàng bị điều tra tương đối đa dạng, từ mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra - basa, máy xịt rửa áp lực cao… đến các mặt hàng có kim ngạch nhỏ hơn như đệm mút, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá, hạt nhựa EPS, mật ong...
Trong xu thế chung, nhận thức của các doanh nghiệp Việt về vấn đề phòng vệ thương mại đã nâng cao hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sự lúng túng khi tiếp cận vấn đề này tại doanh nghiệp. Đặc biệt các doanh nghiệp tập trung hoạt động xuất khẩu đơn lẻ mà chưa hình dung được bức tranh tổng thể về biến động xuất khẩu của những mặt hàng. Điều này dẫn đến khả năng xuất hiện những yếu tố rủi ro hàng hóa Việt Nam bị yêu cầu điều tra tại thị trường nước ngoài và có thể dẫn đến việc bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước, chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, cần thiết phải đưa vào hoạt động một hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại. Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại (Đề án 316) được ban hành tại Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm giải quyết vấn đề này.
Mục tiêu của đề án nhằm cảnh báo trước những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại nhằm giúp các doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước, giúp các cơ quan chức năng thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm.
Thông qua công tác cảnh báo sớm, Bộ Công Thương đã sớm tiếp cận với các doanh nghiệp trong ngành để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để đáp ứng đầy đủ, chính xác nhất các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài.
Các hoạt động triển khai hiệu quả Đề án đã nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng.
Ông Vũ Văn Phụ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam khẳng định, thông tin cảnh báo sớm là “tài sản” đặc biệt và quý giá với các doanh nghiệp, ngành hàng, "ai biết sớm sẽ có lợi thế hơn". Do đó, Hiệp hội Nhôm Việt Nam thời gian qua đã liên tục cập nhật các thông tin của Cục Phòng vệ thương mại, Trung tâm Cảnh báo sớm để nắm bắt được thông tin, qua đó các doanh nghiệp hoặc Hiệp hội sẽ tham vấn được các ý kiến và cách xử lý trong vụ việc phòng vệ thương mại.
Đặc biệt, mới đây, Hiệp hội Nhôm Việt Nam đã phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại tổ chức chương trình tập huấn cho các doanh nghiệp ngành nhôm để nâng cao hiểu biết về thương mại quốc tế, về cách xử trí trong phòng vệ thương mại khi bị các nước kiện hay áp thuế bán chống phá giá, qua đó các doanh nghiệp cũng hiểu sâu hơn về việc ứng phó trong các tình huống đó như thế nào và có phương án điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình cho phù hợp, đặc biệt là cũng sẵn sàng để chuẩn bị dữ liệu tham gia vào các vụ kiện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp mình, của ngành hàng mình.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu có nhiều biến động, doanh nghiệp mong muốn Đề án 316 sẽ được thực hiện sâu rộng đến từng ngành hàng, thị trường hơn nữa, qua đó giúp doanh nghiệp chủ động cân nhắc để điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình hợp lý, tránh bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc có giải pháp ứng phó hiệu quả khi bị điều tra, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững cho nền kinh tế.