Thay đổi trái chiều
Trước hết một tin rất vui, tính đến ngày 15/4, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thặng dư 2,46 tỉ USD.
Trong các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong 3 tháng đầu năm, máy tính, sản phẩm điện tử có mức tăng cao nhất. Tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 3 tháng đầu năm ước đạt 8,19 tỉ USD, tăng 16,17% so với cùng kỳ năm trước.
Còn điện thoại các loại và linh kiện mang về nhiều ngoại tệ nhất trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu. Ước đến hết tháng 3, trị giá xuất khẩu điện thoại và linh kiện thu về khoảng 12,36 tỉ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, có sự thay đổi trái chiều ở các thị trường xuất khẩu nhiều mặt hàng.
Với nhóm mặt hàng điện thoại và linh kiện
Trong tháng 3/2020, thời điểm nền kinh tế chịu ảnh hưởng toàn thời gian của dịch Covid-19 nhưng giá trị kim ngạch nhóm hàng này đạt trị giá 5,32 tỉ USD, tăng 9,2% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu trong quí 1 đạt 12,88 USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khi thị trường EU (28 nước) giảm 13,4%; thị trường Hàn Quốc giảm 1,4%, thị trường Hoa Kỳ chỉ tăng 1,1%... so với quí 1/2019, thì thị trường Trung Quốc nhập khẩu tới 1,98 tỉ USD, tăng tới gấp 3,87 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Với nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử
Trung Quốc chi hơn 2,585 tỉ USD nhập từ Việt Nam, tăng đến 46% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng này mà Việt Nam xuất đi các nước (16,7%).
Với nhóm hàng Gỗ và sản phẩm gỗ
Trung Quốc là thị trường dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng nhập khẩu với 35,5%; tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ với trị giá 1,3 tỷ USD, tăng 26,1%; thị trường Nhật Bản với 324 triệu USD, tăng 7,1%.
Với nhóm hàng sắt thép
Chỉ trong hai tháng đầu năm 2020, sản lượng sắt thép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã bằng 50% sản lượng cả năm 2019.
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 3-2020, cả nước xuất khẩu 297.018 tấn sắt thép, tổng kim ngạch hơn 165 triệu USD.
Qua đó, nâng tổng kết quả từ đầu năm lên gần 1,5 triệu tấn, kim ngạch hơn 815 triệu USD, tăng 3,8% về sản lượng, nhưng kim ngạch giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2019.
Xét theo thị trường, Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhóm hàng sắt thép, nhưng sản lượng trong hai tháng đầu năm 2020 ở thị trường này bị giảm mạnh tới 20,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, xuất khẩu sắt thép sang thị trường Trung Quốc lại tăng đột biến. Hết tháng 2, sản lượng sắt thép xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 211.000 tấn, tăng 26 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu nhiều mặt hàng sang Trung Quốc tăng mạnh giúp cho nhập siêu từ thị trường Trung Quốc giảm mạnh. Theo Tổng cục Thống kê, hết quí 1, riêng thị trường Trung Quốc đóng góp hơn 25,5 tỉ USD, chiếm gần 20,8% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước và tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Trong đó, Việt Nam chi 16,175 tỉ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, giảm 50 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Tính ra, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc hơn 6,8 tỉ USD, giảm mạnh so với hơn 8,6 tỉ USD của quí 1/2019.