Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, các cuộc tham vấn giữa các Đối tác phát triển và các cơ quan Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã khẳng định sự cần thiết của việc thành lập Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG).
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đối với Việt Nam hiện nay, để đáp ứng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã tăng rất nhanh, khoảng 11,5% trong trong giai đoạn 2001-2010, trước khi có sự giảm nhẹ từ năm 2011 đến 2013 và tiếp tục tăng nhanh từ năm 2014 đến nay. Nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam cũng đã tăng trung bình 13,0%/năm trong giai đoạn 2006-2010 và khoảng 11%/năm trong các năm 2011 đến 2016.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc Hội nghịBộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, việc thành lập VEPG sẽ tạo ra cơ chế hợp tác mang tính sâu rộng, chặt chẽ; giữ vai trò cốt yếu cho quá trình công nghiệp hóa và tăng trưởng của Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút nguồn lực; tăng cường hiệu quả trong việc tham vấn về chính sách, góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu về an ninh năng lượng, phát triển kinh tế-xã hội cũng như thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển bền vững.
Tại Hội nghị, Đại sứ Bruno Angelet - Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam cũng cho rằng, phát triển năng lượng bền vững là mục tiêu chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam và EU cam kết mạnh mẽ sẽ cố gắng hết mức để giúp Việt Nam giải quyết thách thức này.
Đại sứ Bruno Angelet - Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam phát biểuĐại sứ Bruno Angele cũng cho biết thêm, hơn 100 đại diện từ các cơ quan chính phủ, các tổ chức đối tác phát triển, các tổ chức tài chính, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ đã tham gia Hội nghị cấp cao nhân dịp lễ ra mắt Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) được tổ chức chiều cùng ngày.
Đây là cơ hội để các đối tác phát triển và Bộ Công Thương Việt Nam trao đổi quan điểm và phát triển ngành năng lượng ở Việt Nam.
Bên lề buổi lễ ra mắt VEPG, Việt Nam, EU cùng Đức, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Ireland, Italia, Luxemburg, Slovakia, Tây Ban Nha, Anh đã ký một Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng bền vững.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Đại sứ Bruno Angelet trong lễ ký kếtBộ trưởng Trần Tuấn Anh trao đổi với ông Ousmane Dione Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt NamTuyên bố chung này nhằm tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của EU trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững số 7 “Đảm bảo việc tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người và Mục tiêu phát triển bền vững số 13 “Có biện pháp khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của nó” đã được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh về Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc vào ngày 25/9/2015, cũng như trong Đóng góp do Quốc gia tự quyết định Việt Nam đã được gửi cho Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực từ ngày 4/11/2016.
Thông qua Tuyên bố chung, EU và 11 nước thành viên sẽ tăng cường đối thoại với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng; cung cấp hỗ trợ kỹ thuật dành cho Việt Nam để đạt các mục tiêu chiến lược quốc gia; giúp đỡ xác định và giới thiệu các dự án năng lượng tiềm năng; hỗ trợ nâng cao sự tiếp cận với giải pháp cấp điện ngoài lưới; tăng cường sự huy động khu vực tư nhân cũng như các hiệp hội và tổ chức phi chính phủ vào lĩnh vực năng lượng...