Cùng tham dự buổi tiếp có đại diện các Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Vụ Tiết kiệm năng lượng, Văn phòng Bộ.
Mối quan hệ đối tác Việt Nam - Thụy Điển được thiết lập từ hơn 50 năm qua và không ngừng được củng cố, phát huy theo chiều sâu. Tại buổi làm việc, hai Bên đã điểm lại một số kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển cũng như hoạt động của các doanh nghiệp Thụy Điển tại Việt Nam.
Hai bên dành thời gian thảo luận các hoạt động được lên kế hoạch cho năm 2023 của Thụy Điển trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng xanh ở Việt Nam và khả năng tổ chức các đoàn công tác cấp cao nhân kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển vào năm 2024.
Thụy Điển là nước có thu nhập cao nên sức tiêu thụ của thị trường lớn, nhiều tiềm năng, thể hiện qua việc xuất khẩu từ Việt Nam sang Thụy Điển những năm gần đây đều đạt trên 1 tỷ USD và tăng trưởng đều đặn.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Thụy Điển là một thị trường quan trọng đối với Việt Nam trong các nước thuộc khối Bắc Âu và có rất nhiều tiềm năng để tiếp tục mở rộng quy mô thương mại song phương, bởi cơ cấu hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thụy Điển không những không cạnh tranh trực tiếp mà còn có tính bổ sung cho nhau.
Đây là điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp hai nước xây dựng, củng cố mối quan hệ hợp tác và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt đối với những ngành hàng, mặt hàng mà một bên có thế mạnh, bên kia có nhu cầu và ngược lại, như: May mặc, da giày, đồ gỗ, nông sản nhiệt đới, thuỷ hải sản... của Việt Nam hay hóa chất, dược phẩm, các sản phẩm giấy, điện, điện tử, máy móc thiết bị của Thụy Điển.
Thời gian tới, những khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu đòi hỏi hai nước cần hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn, nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư để cùng ứng phó và nâng cao sức chống chịu của mỗi nền kinh tế, đặc biệt là khai thác hiệu quả Hiệp định thương mại tự do EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA.
Về phía mình, bà Đại sứ nhấn mạnh trong thời gian gần đây, Thụy Điển luôn thể hiện mong muốn tăng cường phát triển hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng và phát triển bền vững, Thụy Điển là quốc gia Bắc Âu đi đầu trong đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, Thụy Điển có các kinh nghiệm thực tiễn, các doanh nghiệp Thụy Điển sở hữu các giải pháp công nghệ để tiên phong và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.
Đồng thời, bà Đại sứ cũng giới thiệu hai công ty lớn của Thụy Điển hoạt động trong lĩnh vực năng lượng là Ericsson, Hitachi Energy và triển vọng cung cấp giải pháp chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam của các công ty này.
Bà Đại sứ cũng thông báo tới Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin về Tổ chức tài trợ phát triển của Thụy Điển “Swedfund” với mong muốn hỗ trợ Việt Nam và cụ thể là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhận được những khoản tài trợ đối với việc nghiên cứu phát triển lưới điện thông minh.
Trao đổi về vấn đề năng lượng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định việc triển khai thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) là một trong những giải pháp quan trọng cho quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay thông tin về gói hỗ trợ trị giá hơn 15,5 tỷ đô la từ các nước phát triển cho Việt Nam để chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch vẫn chưa minh bạch, rõ ràng.
Trong khi đó, muốn triển khai thành công thì JETP cần có nội hàm rõ ràng hơn, lộ trình cụ thể hơn, và cần có cơ chế để hiện thực hoá các ý tưởng, cam kết bằng hành động, dự án cụ thể.
Việt Nam đề nghị các nước phát triển, trong đó có Liên minh châu Âu và Thụy Điển xây dựng những gói tài trợ cụ thể, để có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi năng lượng một cách hiệu quả. Hai bên cần sớm đưa ra lộ trình, cơ chế cần thiết để khoản vốn này sớm được giải ngân và đưa vào sử dụng hiệu quả, trong đó cần tập trung vào 03 nội dung hợp tác sau:
Thứ nhất, hỗ trợ tư vấn chính sách để Việt Nam có thể xây dựng chính sách phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch phù hợp cho tương lai.
Thứ hai, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các ngành năng lượng mới, công nghiệp mới, với chương trình hợp tác đào tạo cụ thể, từ đó có thể xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực để triển khai các ý tưởng chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam, sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới mà các nước phát triển có thể chuyển giao;
Thứ ba, hỗ trợ hoặc hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận công nghệ mới, làm chủ công nghệ, quá trình sản xuất các thiết bị phục vụ cho quá trình chuyển dịch năng lượng, bao gồm cả các thiết bị điện gió như cánh quạt, tuabin, động cơ điện...; sản xuất nhiên liệu mới sạch hơn cho quá trình chuyển đổi năng lượng như hydrogen, amoniac xanh, hỗ trợ Việt Nam xây dựng lưới điện thông minh…
Việt Nam cần những hỗ trợ thực chất để đảm bảo có thể tự chủ về các nguồn năng lượng mới, đưa giá thành năng lượng tái tạo về mức hợp lý, phù hợp với người dân, chứ không chỉ đơn thuần cần hỗ trợ vay vốn, mua thiết bị, mua công nghệ.
Năm 2024 sẽ kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Đại sứ Ann Måwe cùng bày tỏ mong muốn hai nước sẽ thiết lập được các đoàn trao đổi cấp cao và các hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp, năng lượng.
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Thụy Điển 1.264 triệu USD (tăng 5,4%) và nhập khẩu 353 triệu USD (tăng 9,9%), tổng kim ngạch đạt 1.617 triệu USD, tăng 6,3% so với năm 2021.
Quý I năm 2023, dưới tác động tiêu cực của lạm phát leo thang, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và nhu cầu sụt giảm tại thị trường EU, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 331 triệu USD (giảm 16,8%), trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 253 triệu USD (giảm 16,5%), kim ngạch nhập khẩu đạt 78 triệu USD (giảm 17,9%) so với cùng kỳ năm 2022.
Về đầu tư, đến hết tháng 3 năm 2023, Thụy Điển xếp hạng thứ 29 trong số 143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 103 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư hơn 680 triệu USD.
Hiện đang có hơn 70 doanh nghiệp Thụy Điển có văn phòng tại Việt Nam và hiện đang tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như: công nghệ thông tin và viễn thông, điện lực, máy móc cơ khí, công nghiệp ô tô và khai khoáng, hàng điện tử gia dụng, công nghiệp bao bì, kinh doanh bán lẻ….