Xây dựng kết nối chuỗi cung ứng
Dệt may đang chứng kiến những dự án đầu tư lớn vào ngành. Mới đây nhất, Công ty cổ phần An Hưng (Anhuco) vừa khởi công dự án tại Khu kinh tế Nam Phú Yên (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), với tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng, gồm chuỗi nhiều nhà máy sản xuất, khi đi vào hoạt động sẽ đón lõng thị trường xuất khẩu dệt may trong những năm tới.
Dự án của Anhuco gồm 3 nhà máy sản xuất chính với quy mô công suất 8 triệu sản phẩm/năm, gồm: nhà máy sản xuất veston với năng lực khoảng 600.000 bộ/năm; nhà máy woven sản xuất hàng vải dệt thoi; nhà máy dệt kim sản xuất hàng thời trang và thể thao.
Bà Huỳnh Thị Khiết, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Anhuco cho biết, khu sản xuất tập trung này sẽ giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động địa phương, đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 50 triệu USD/năm.
“Việc hình thành cụm sản xuất tập trung tại đây tạo điều kiện để ứng dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật tiên tiến, công nghiệp 4.0, áp dụng mô hình quản trị sản xuất tinh gọn, là cơ hội để Công ty thâm nhập sâu hơn trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu và đón cơ hội thị trường khó tính khi Việt Nam tham gia nhiều FTA thế hệ mới”, bà Khiết nhấn mạnh.
Anhuco đã chọn sản xuất những dòng sản phẩm chủ lực, có giá trị đơn hàng cao, điển hình là veston với kỹ thuật may đo cao cấp, chi tiết… để tận dụng được 2 hiệp định CPTPP và EVFTA, mở rộng các thị trường tại EU và Hoa Kỳ.
Điều này được Chủ tịch Vitas, ông Vũ Đức Giang nhận định là lựa chọn đúng đắn. “Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm được veston. Khi Anhuco đầu tư bài bản, họ đã có được khách hàng của mình, xây dựng kết nối chuỗi cung ứng với các nhà cung cấp nguyên liệu, phụ liệu và thiết bị, sẽ mang lại giá trị gia tăng tốt cho ngành”.
Sau 2 thập kỷ tăng trưởng mạnh về năng lực sản xuất, trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may Top 5 toàn cầu, dệt may Việt Nam đã trở thành sự lựa chọn đáng kể của các nhà đặt hàng lớn. Chuỗi dệt may toàn cầu đã có tên Việt Nam với mắt xích cung ứng ngày càng chặt chẽ. Điều này như một lực hút khiến Tập đoàn Regina dẫn đầu thế giới về thiết kế và sản xuất trang phục phụ nữ, trang phục thể thao cho các thương hiệu nổi tiếng như Victoria’s Secret, Adidas, Under Armour… đã khởi công tiếp dự án Regina Hưng Yên để xuất khẩu.
Dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019, với công suất thiết kế của nhà máy tới 25 triệu sản phẩm/năm và tăng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành ngay trong năm 2020.
Chọn những đơn hàng khó
Nếu không có gì thay đổi, ngành dệt may sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD vào cuối năm nay. Trong năm tới, cùng với một loạt dự án đầu tư lớn đưa vào hoạt động như của Anhuco, Regina và giả định tăng trưởng ở mức 10%, ngành này có thể đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 44 - 45 tỷ USD.
Thay vì nhận những đơn hàng gia công đơn thuần, các dự án đều có thể nhận những đơn hàng khó như veston, jacket, đồ lót…
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đồng thời là Phó chủ tịch Vitas đánh giá, các doanh nghiệp đầu tư vốn vào sản xuất ngày càng hiệu quả. “Thay vì đầu tư một nhà máy mới, thì doanh nghiệp đầu tư khâu cắt tự động, giúp công nhân đỡ vất vả, đạt được độ chính xác cao hơn, những khâu cực khó đều sử dụng robot hóa, thay thế được 8 công nhân tại cùng 1 công đoạn. Thậm chí, những kỹ thuật hóc hiểm của áo veston nam cũng đã được thay thế bằng máy móc tự động”.
Điều quan trọng, khi doanh nghiệp đầu tư sản xuất các mặt hàng khó về kỹ thuật còn đạt được mục tiêu khác là giảm thiểu sự biến động của thị trường vào doanh nghiệp. Thị trường biến động, đơn giá biến động, sức ảnh hưởng đến doanh nghiệp sẽ rất nhỏ, bởi khi doanh nghiệp làm mặt hàng khó, không dễ để bên đặt hàng tìm được nhà sản xuất khác thay thế.
Với một ngành hàng xuất khẩu có năng lực 45 - 50 tỷ USD, việc các nhà sản xuất quan tâm đến chất lượng xuất khẩu, phát triển theo hướng bền vững, tập trung vào chất lượng đơn hàng và chất lượng khách hàng là bài toán đầu tư khôn ngoan.
Khi ngành dệt may vẫn chưa tham gia được ở mắt xích có giá trị gia tăng cao, thì nâng tầm gia công với những đơn hàng khó cũng là cách để thu về giá trị cao hơn.
“Với Vinatex, chúng tôi lựa chọn ưu tiên và phấn đấu là đơn vị số 1 trong danh sách các nhà cung cấp mà khách hàng lựa chọn, bởi khi thị trường có đi xuống thì khách hàng cũng sẽ không loại bỏ đơn đặt hàng tại đơn vị mình”, ông Lê Tiến Trường cho biết.
Theo Vitas, doanh nghiệp ngành may cần tập trung vào 3 điều quan trọng là: tăng năng suất; tăng đầu tư cho tự động hóa để giảm nhân công; chọn đơn hàng cao cấp, hàng kỹ, có giá gia công cao, dựa vào lợi thế tay nghề công nhân kỹ thuật cao. Với 3 trọng tâm này, cùng với điều kiện sản xuất xanh, sạch, đảm bảo các yếu tố an toàn môi trường, an sinh xã hội sẽ là một lợi thế để các nhà mua lựa chọn.