WB: Giá thực phẩm tiếp tục giảm nhưng vẫn còn ở mức cao

Ngân hàng Thế giới đã cho biết giá thực phẩm trên toàn cầu đã tiếp tục giảm xuống nhưng vẫn còn nằm ở mức cao. Giá thực phẩm giảm xuống chủ yếu do giá các loại ngũ cốc giảm. Tuy nhiên, xu hướng giảm g

Chỉ số giá thực phẩm thế giới của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Food Price Index, trong giai đoạn từ tháng 6 tới tháng 10/2013 đã tiếp tục giảm xuống nhưng vẫn ở mức cao. Trong giai đoạn này, chỉ số Food Price Index đã giảm 6%. Tuy nhiên, bất chấp việc giá thực phẩm sụt giảm liên tiếp trong vài quý gần đây, giá thực phẩm vẫn còn nằm ở mức cao. Chỉ số Food Price Index chỉ giảm 12% so với năm ngoái và giảm 16% so với mức cao nhất từng được ghi nhận vào hồi tháng 8/2012.

Sự suy giảm tổng thể của giá thực phẩm trên thế giới chủ yếu do giá các loại ngũ cốc giảm xuống. Giá các loại ngũ cốc trong tháng 10/2013 đã giảm 19% so với hồi tháng 6/2013. Giá các loại chất béo và dầu ăn đã tăng 1%; giá các loại thực phẩm khác đã giảm nhẹ 0,3%. Giá đậu tương và đường đã có biến động trái ngược trong giai đoạn vừa qua. Tính riêng tháng 10/2013, giá đường đã tăng 7%.

Trong giai đoạn qua, giá dầu thô trung bình được tính toán bởi Ngân hàng Thế giới đã tăng 6%, và đạt mức trung bình 105 USD/thùng trong tháng 10/2013; trước đó, giá dầu thô đã lên gần mức 110 USD/thùng vào đầu tháng 9. Tuy nhiên, sự gia tăng của giá dầu thô đã không tác động đến giá phân bón.

Sự biến động giá của một số loại thực phầm và hàng hóa chính (Nguồn: Ngân hàng Thế giới)

Tuy nhiên, mức biến động giá của từng loại ngũ cốc riêng biệt có một số sự khác nhau. Giá ngô giao dịch quốc tế đã sụt giảm mạnh 32%. Trong khi đó, giá gạo (lấy giá gạo 5% tấm Thái Lan làm giá tham chiếu) cũng đã giảm xuống nhưng với tốc độ chậm hơn, giảm 16% trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 10/2013. Ngược lại, giá lúa mỳ giao dịch quốc tế đã tăng lên trong giai đoạn trên. Tính chung từ tháng 6 đến tháng 10/2013, giá lúa mỳ đã tăng 4%; tính riêng tháng 10/2013, giá lúa mỳ đã tăng mạnh 6%.

Sản lượng ngô tại Mỹ, quốc gia sản xuất và xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới, tăng lên mức kỷ lục cùng với sự gia tăng đáng kể sản lượng ngô tại các nước thuộc khu vực EU, khu vực Biển Đen và Trung Quốc dã đẩy giá ngô giảm mạnh trong những tháng gần đây. Ngoài ra, dự kiến nhu cầu thấp kết hợp với sản lượng tăng sẽ đẩy mức dự trữ ngô lên mức cao nhất từng được ghi nhận kể từ năm 2000.

Đối với gạo, nguyên nhân khiến giá gạo sụt giảm chủ yếu do: mức dự trữ gạo cao kỷ lục, đồng tiền của các nước xuất khẩu gạo chính giảm giá và triển vọng sản lượng gạo tăng lên. Mặc dù chịu tác động nghiêm trọng từ cơn bão Phailin vào hồi giữa tháng 10/2013 nhưng sản lượng gạo dự kiến sẽ có mức tăng cao nhất tại Ấn Độ do nước này có một mùa mưa thuận lợi.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới nhận định việc giải phóng kho gạo tồn của Thái Lan đã khiến giá gạo Thái Lan sụt giảm và kéo theo đó là giá gạo quốc tế giảm xuống.

Thời tiết

Tình trạng thời tiết và triển vọng mùa vụ được cải thiện đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đà giảm của giá lương thực trên thế giới. Ngân hàng Thế giới dự báo sản lượng lúa mỳ, ngô và gạo sẽ đạt mức kỷ lục.

Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới cũng lưu ý rằng những điều kiện thời tiết xấu và các yếu tố bất ổn khác trong thời gian gần đây có thể ảnh hưởng đến xu hướng giảm của giá thực phẩm. Đặc biệt, điều kiện thời tiết xấu tại Nam Mỹ, các nước xung quanh khu vực Biển Đen, Trung Quốc và Ấn Độ làm dấy lên những mối quan ngại về giá thực phẩm.

Sản lượng gạo của Trung Quốc hiện được dự báo sẽ lần đầu tiên sụt giảm kể từ năm 2003 do tình trạng hạn hán tại các tỉnh miền Trung Trung Quốc và mưa nhiều tại khu vực Đông Bắc và phía Nam Trung Quốc. Cơn bão Phailin và mưa to đi kèm sau bão cũng đã gây ảnh hưởng đến vụ thu hoạch lúa của Ấn Độ.

Tình trạng sương giá tại Brazil và Paraguay, cùng với tình trạng khô tại Argentina, và việc gieo trồng bị trì hoãn do thời tiết ẩm ướt tại các khu vực thuộc Nga và Ukraina đã khiến thị trường gia tăng lo ngại đối với vụ lúa mỳ mùa đông.

- Giá thực phẩm trên thế giới trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 10/2013 đã tiếp tục giảm xuống, nhưng vẫn tiệm cận mức cao nhất từng được ghi nhận.

- Điều kiện thời tiết thuận lợi và triển vọng mùa vụ được cải thiện đã giúp duy trì đà giảm của giá thực phẩm. Tuy nhiên, diễn biến thời tiết xấu và những điều bất thường có thể ảnh hưởng đến xu hướng giảm của giá thực phẩm.

Đặng Quang - Vi Thu (Theo Ngân hàng Thế giới)