Tại kỳ họp của Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEA-5.2), các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ) đã nhất trí xây dựng một hiệp ước ràng buộc pháp lý nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa, đánh dấu một trong những hành động môi trường tham vọng nhất của thế giới kể từ Nghị định thư Montreal nhấn mạnh vào loại bỏ sản xuất các chất làm suy giảm tầng ôzôn.
Việc thông qua Nghị quyết của LHQ định hướng cho quá trình xây dựng một hiệp ước mạnh mẽ, bao gồm các quy tắc và nghĩa vụ toàn cầu xuyên suốt vòng đời của nhựa. Điều này sẽ buộc các quốc gia, doanh nghiệp và xã hội phải có trách nhiệm trong việc loại bỏ ô nhiễm nhựa khỏi môi trường của chúng ta.
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) hoan nghênh quyết định này và kêu gọi các chính phủ trên thế giới nắm bắt cơ hội này để loại bỏ ô nhiễm nhựa, đồng thời hành động mạnh mẽ và dứt khoát trong việc xây dựng nội dung đầy đủ của hiệp ước vào năm 2024. WWF cam kết hỗ trợ Ủy ban Đàm phán Liên Chính phủ của Hội đồng Môi trường LHQ trong việc hoàn thiện các chi tiết quan trọng của hiệp ước lịch sử này trong hai năm tới.
“Chúng ta đang đứng trước ngã rẽ của lịch sử, khi những quyết định đầy tham vọng được đưa ra ngày hôm nay có thể ngăn chặn ô nhiễm nhựa, vấn đề đang góp phần huỷ hoại hệ sinh thái trên của hành tinh chúng ta. Bằng cách đồng lòng xây dựng một hiệp ước toàn cầu ràng buộc về mặt pháp lý về ô nhiễm nhựa, các nhà lãnh đạo thế giới của chúng ta đang mở đường cho một tương lai sạch hơn và an toàn hơn cho con người và hành tinh ”, ông Marco Lambertini, Tổng giám đốc WWF Quốc tế cho biết.
“Nhưng chúng ta còn một chặng đường dài phía trước - các nhà lãnh đạo thế giới hiện phải thể hiện quyết tâm hơn nữa trong việc phát triển và thực hiện một hiệp ước giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa hiện nay, và tạo điều kiện cho việc chuyển đổi hiệu quả sang nền kinh tế tuần hoàn đối với nhựa. Điều này đòi hỏi một hiệp ước với các tiêu chuẩn và mục tiêu toàn cầu rõ ràng và mạnh mẽ, tạo ra một sân chơi bình đẳng, khuyến khích các quốc gia tuân thủ các quy tắc và quy định chung, đồng thời có các biện pháp xử phạt các sản phẩm và thực hành có hại."
Áp lực từ mọi nơi đang dồn lên các chính phủ, yêu cầu phải có một hiệp ước ràng buộc pháp lý nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa. Hơn 2,2 triệu công dân trên khắp thế giới đã ký vào bản kiến nghị của WWF kêu gọi điều này, trong khi hơn 120 công ty toàn cầu và hơn 1.000 tổ chức xã hội dân sự cũng ủng hộ lời kêu gọi cho một hiệp ước.
WWF kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới, dựa trên sự ủng hộ toàn cầu mạnh mẽ này và thời điểm lịch sử hôm nay, thiết lập một hiệp ước toàn cầu đầy tham vọng về ô nhiễm nhựa vào năm 2024: Ràng buộc về mặt pháp lý với các quy tắc và luật lệ chung để có thể nhân rộng các giải pháp kinh tế tuần hoàn trên toàn thế giới; Đưa ra các quy định toàn cầu trong toàn bộ vòng đời của nhựa, bao gồm các lệnh cấm toàn cầu đối với các sản phẩm và hành động có hại, các tiêu chuẩn thiết kế sản phẩm và các biện pháp để giảm sản xuất và tiêu thụ nhựa nguyên sinh; Thừa nhận vai trò quan trọng của khối phi chính thức trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và cho phép khối ngành này tham gia vào các cuộc đàm phán.
Chính phủ Việt Nam kêu gọi doanh nghiệp hành động
Trong khuôn khổ các hoạt động chuẩn bị Hội nghị các bên tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNEP) triệu tập, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức Hội thảo: “Doanh nghiệp với Thỏa thuận toàn cầu ô nhiễm nhựa”.
Theo ông Hoàng Xuân Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT), Mục đích của hội thảo dành riêng cho khối doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực sản xuất bao bì, ngành nhựa. Đây cũng là một trong những đối tượng/doanh nghiệp dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng/tác động từ việc đàm phán và tham gia thỏa thuận, nhằm chia sẻ những thông tin ban đầu về việc Việt Nam tham gia vào tiến trình đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, những công việc chuẩn bị cho các phiên đàm phán sắp tới. Đồng thời, thông qua Hội thảo, Bộ TN&MT và UNDP mong muốn được lắng nghe ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, các ý kiến của doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với Bộ TN&MT trong quá trình tham gia đàm phán trực tiếp, trong quá trình đàm phán sẽ đảm bảo được lợi ích quốc gia, giảm thiểu được những ảnh hưởng, tác động bất lợi, đồng thời tận dụng và phát huy được những lợi thế và lợi ích của việc tham gia Thỏa thuận sẽ mang lại.
Ông Đào Xuân Lai - Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường (UNDP) cho rằng, chúng ta sẽ không thể giải quyết được vấn đề nan giải rác thải nhựa này nếu doanh nghiệp không vào cuộc. Cộng đồng quốc tế và chính phủ nhận thấy đã có những tín hiệu rất tích cực, và sự vào cuộc của các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp quốc tế hoạt động tại Việt nam, đã cam kết và triển khai các hoạt dộng cụ thể. Ví dụ như tập đoàn Duy Tân đã thành lập một công ty mới về tái chế nhựa, bắt đầu hoạt dộng từ năm 2020 với dây truyền tái chế 30,000 tấn chất thải nhựa một năm, và đến nay đã xuất khẩu các vật liệu sau khi sơ chế sang 12 nước. Hay Adidas - công ty sản xuất giày dép và quần áo thể thao - đã cam kết sử dụng 100% polyester tái chế trong tất cất rõ sản phẩm của họ vào năm 2024.
Những cam kết giảm thiểu lượng rác thải nhựa vừa giúp nâng cao uy tín thương hiệu, thể hiện trách nhiệm với trái đất, đồng thời tái chế đang mở ra một ngành kinh tế mới - xu hướng phát triển kinh tế theo hướng tuần hoàn, tạo thu nhập vào việc làm.
Thứ nhất, doanh nghiệp là động lực và hạt nhân của chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu: Điều đó liên quan đến vòng đời sản phẩm và rác thải nhựa phát sinh trên toàn cầu. Sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình soạn thảo Thỏa thuận là cần thiết để đảm bảo rằng rác thải nhựa sẽ được giảm thiểu tối đa.
Thứ hai, doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo: Các doanh nghiệp có nguồn lực và chuyên môn để phát triển các công nghệ mới và vật liệu thay thế, tạo ra các sản phẩm mới thay thế, giúp giảm sử dụng nhựa, hoặc làm cho việc sản xuất sử dụng nhựa bền vững hơn, ít tác động đến môi trường hơn. Vì thế, các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đàm phán, sẽ giúp đưa ra được các giải pháp sáng tạo để giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải nhựa.
Thứ ba, doanh nghiệp đóng vai trò tiên quyết và tiên phong trong tuân thủ và thực thi: Các doanh nghiệp cũng có trách nhiệm tuân thủ các quy định và hướng dẫn được mà sẽ được đồng thuận đưa vào Thỏa thuận toàn cầu, cũng như các chính sách tại các quốc gia. Khi các doanh nghiệp tích cực tham gia vào quá trình soạn thảo và đàm phán sẽ đảm bảo rằng Thỏa thuận có tích thiết thực và khả thi để các doanh nghiệp tuân thủ được, đồng thời có các cơ chế thực thi đầy đủ để đảm bảo việc tuân thủ, cũng như các cơ chế khuyến khích thích hợp nhất. Ví dụ, đảm bảo tính công bằng giữa các doanh nghiệp, giữa các ngành kinh tế, giữa các chuỗi giá trị là hết sức quan trọng.
Thứ tư, cần có lộ trình và sự chuẩn bị, tính đến các tác động kinh tế, xã hội: Ngành nhựa đóng góp đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu và bất kỳ thay đổi nào đối với chuỗi sản xuất và cung ứng các sản phẩm nhựa đều có thể có tác động kinh tế đáng kể. Việc tham gia của các doanh nghiệp đảm bảo rằng Thỏa thuận có tính đến tác động kinh tế của mọi thay đổi được đề xuất và có các biện pháp để giảm thiểu mọi tác động tiêu cực đến doanh nghiệp và nhân viên, và tác động kinh tế xã hội của địa phương, cũng như cấp quốc gia.