Tại các cuộc làm việc, hai bên nhất trí đánh giá việc hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện ngày 10/09/2023 vừa qua là cột mốc lịch sử trong quan hệ song phương, trong đó trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại tiếp tục là động lực quan trọng, đóng vai trò tiên phong thúc đẩy sự thịnh vượng chung giữa hai quốc gia; khẳng định Bộ Công Thương Việt Nam (MOIT), Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) và Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) cần hợp tác sâu rộng hơn nữa để triển khai và hiện thực hoá tầm nhìn của Lãnh đạo cấp cao, xác lập những mục tiêu phát triển tương xứng với mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cho chặng đường sắp tới.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long khẳng định Việt Nam chia sẻ và ủng hộ quan điểm của Hoa Kỳ về thương mại công bằng, và không có ý định áp dụng bất kỳ biện pháp nào gây phân biệt đối xử, tạo gánh nặng hoặc hạn chế thương mại, hay gây phương hại tới nền sản xuất và người lao động Hoa Kỳ; đồng thời bày tỏ quan ngại trước tần suất ngày càng gia tăng của các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ, cho rằng Hoa Kỳ hiện là nước điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, điều này không tương xứng với mối quan hệ hợp tác kinh tế tốt đẹp giữa hai bên. Thứ trưởng đề nghị Hoa Kỳ xem xét kỹ lưỡng các ý kiến của Việt Nam trong từng vụ việc cụ thể nhằm đảm bảo tự do hóa thương mại, tính công bằng, khách quan, minh bạch cho hoạt động giao thương của doanh nghiệp hai nước.
Tại cuộc làm việc với bà Sarah Ellerman, Trợ lý Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ trong thời gian qua; nhất là việc thúc đẩy hiệu quả hoạt động trao đổi chính sách đối với nhiều vấn đề kinh tế, thương mại thông qua cơ chế đối thoại của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA).
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long khẳng định mong muốn của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với phía Hoa Kỳ một cách toàn diện và bền vững. Bộ Công Thương, với vai trò Chủ tịch phân ban Việt Nam trong Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA) cam kết sẽ tiếp tục chủ động điều phối, hợp tác với các Cơ quan quản lý của Hoa Kỳ để giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của cả hai nước, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi.
Về vấn đề kinh tế thị trường, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long và Trợ lý USTR Sarah Ellerman thống nhất đây là vấn đề kỹ thuật, không phải là vấn đề chính trị; đề nghị hai bên sẽ tiếp tục hợp tác, trao đổi trong thời gian tới để Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong thời gian sớm nhất. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho rằng việc Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường không chỉ tạo cơ hội được đối xử công bằng hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam, mà còn không ảnh hưởng đến các quyền hợp pháp của ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ.
Ngoài ra, việc Hoa Kỳ ghi nhận các nỗ lực của Việt Nam trong cải cách nền kinh tế sẽ tạo động lực cho các nền kinh tế khác cũng như tạo thêm động lực cho Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, tạo ra nguồn cung chất lượng, ổn định chuỗi cung ứng cho nhu cầu nhập khẩu, tiêu dùng của các doanh nghiệp, người dân Hoa Kỳ.
Hai bên cũng thảo luận sâu rộng về các hướng hợp tác trong việc nâng cao năng lực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, làm rõ hơn một số quy định mới trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ số cũng như kế hoạch hợp tác trong năm 2025.
Tại cuộc làm việc với ông Arun Venkataraman, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long Việt Nam bày tỏ quan ngại sâu sắc về mức thuế chống bán phá giá sơ bộ mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) áp cho mật ong thô của Việt Nam trong đợt rà soát hành chính lần thứ nhất; cho biết mức thuế này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nuôi ong của Việt Nam mà còn tác động tiêu cực tới đời sống và an sinh của hơn 40 ngàn người nông dân nuôi ong, đi ngược lại nỗ lực của hai nước trong việc bảo vệ môi trường do đàn ong đóng vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái. Thứ trưởng đề nghị DOC cân nhắc sử dụng dữ liệu thay thế do phía Việt Nam đệ trình, cung cấp để điều chỉnh biên độ phá giá cuối cùng; đề nghị cơ quan điều tra DOC cân nhắc lại kỹ lưỡng ý kiến của cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam để các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong được hưởng một mức thuế công bằng.
Về phần mình, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ khẳng định Chính quyền tiếp theo tại Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam; cho biết các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao cơ hội đầu tư và chuyển dịch chuỗi cung ứng tới Việt Nam; đề nghị Việt Nam tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, đảm bảo khả năng thực thi, có tính dự báo để giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai các dự án.
Đối với các hoạt động hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đề nghị hai bên thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận đã ký kết, đề nghị Hoa Kỳ và các nước phát triển xây dựng những gói tài trợ cụ thể để hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi năng lượng một cách hiệu quả; đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ, giúp Việt Nam nâng cao năng lực chế biến và bảo vệ môi trường trong quá trình làm chủ và khai thác tài nguyên.
Kết thúc cuộc làm việc, hai bên nhất trí cần không ngừng vun đắp lòng tin chiến lược, tăng cường thảo luận, hợp tác sâu hơn trong những lĩnh vực mang tính cốt lõi trong tương lai như năng lượng, chuyển đổi năng lượng, sở hữu trí tuệ... đồng thời tìm ra những phương hướng thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới nhằm hiện thực hóa cam kết của Lãnh đạo hai nước.