Xây dựng vườn ươm khởi nghiệp ở Đắk Lắk - Thực trạng và những khuyến nghị

TS. NGUYỄN VĂN ĐẠT (Trường Đại học Tây Nguyên)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá thực trạng các dạng vườn ươm khởi nghiệp ở Đắk Lắk, đồng thời xem xét những bài học kinh nghiệm từ những mô hình vườn ươm trên thế giới. Qua đó, xác định những yếu tố quyết định đến sự thành công của các vườn ươm khởi nghiệp, các khuôn khổ pháp lý cho hoạt động vườn ươm cũng như những tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp.

Từ khóa: Đắk Lắk, vườn ươm khởi nghiệp, Tây Nguyên, Trường Đại học Tây Nguyên.

1. Đặt vấn đề

Khởi nghiệp đã và đang trở thành một làn sóng mới thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây. Với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, phong trào “quốc gia khởi nghiệp” ngày càng thu hút sự tham gia, chú ý của đông đảo người dân. Giới trẻ nói chung và học sinh sinh viên Việt Nam nói riêng với khả năng học hỏi và sáng tạo không ngừng, đóng vai trò chủ đạo dẫn dắt sự đi lên của phong trào này. Để có những bước đi vững chắc và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước, nhiều đề tài cũng như công trình nghiên cứu đã được triển khai, nhằm nâng cao hiểu biết về cách thức hoạt động cũng như xây dựng một vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo, để hỗ trợ thiết thực cho sự phát triển của các loại hình doanh nghiệp.

Có thể thấy vườn ươm khởi nghiệp ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang trong tình trạng hoạt động chưa hiệu quả. Như vậy, câu hỏi đặt ra là: Khởi nghiệp tại Tây Nguyên có khó không, cần phải chuẩn bị những gì? Và quan trọng nhất, để khởi nghiệp thành công, phải bắt đầu từ đâu?

Bài viết này trên cơ sở đánh giá thực trạng hoạt động khởi nghiệp ở Đắk Lắk, tổng kết kinh nghiệm của các nước trên thế giới và đưa ra một số khuyến nghị trong xây dựng vườn ươm khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay.

2. Cơ sở lý thuyết

            Vườn ươm doanh nghiệp là mô hình hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc trợ giúp những người muốn thành lập doanh nghiệp, bằng cách cung cấp những dịch vụ - như: dịch vụ tư vấn quản trị doanh nghiệp; tiếp cận tài chính, vốn; huấn luyện, đào tạo; và các cơ hội kết nối - giúp giảm bớt các chi phí tổ chức kinh doanh mà một doanh nghiệp non trẻ sẽ rất khó khăn để tự trang trải (Gonzalez, M., Lucea R., 2001).

Vườn ươm khởi nghiệp là tạo ra một môi trường nuôi dưỡng các doanh nghiệp khởi sự trong một thời gian nhất định, để các đối tượng này vượt qua những khó khăn ban đầu, có thể tồn tại và phát triển như những doanh nghiệp độc lập (Chandra, A. & Fealey, T, 2009). “Business Incubation in the United States, China and Brazil:). Vườn ươm doanh nghiệp được sử dụng như là những công cụ phát triển kinh tế của tất cả các nước (Mubarak Al-Mubaraki & Busler, 2010). Một trong những hình thức hỗ trợ hữu hiệu cho các doanh nghiệp khởi sự kinh doanh là thành lập các vườn ươm doanh nghiệp. Vườn ươm doanh nghiệp sẽ là cái nôi cho phép các doanh nghiệp học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, là nơi cung cấp thông tin, tư vấn mọi vấn đề liên quan giúp cho các doanh nghiệp khởi sự tránh sự bỡ ngỡ trong bước đầu khởi nghiệp (Nguyễn Thị Lâm Hà, 2011).   

“Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã được tác giả Bùi Nhật Quang (2017) làm rõ khái niệm về doanh nghiệp khởi nghiệp là doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới đồng thời phải thể hiện được tính đổi mới sáng tạo.

Một số dạng tồn tại của vườn ươm khởi nghiệp gồm: Vườn ươm trong các khu công nghệ cao, vườn ươm trong trường đại học và vườn ươm trong doanh nghiệp (Vũ Hải Hoàng, 2013).  

Các nhân tố quyết định đến sự thành công của việc ươm tạo doanh nghiệp gồm các nhân tố như: (1) năng lực của bản thân đơn vị kinh doanh; (2) khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính và vốn; (3) các hỗ trợ tài chính của những nhà đầu tư thiên thần; (4) năng lực của  đội ngũ quản lý vườn ươm trong việc định hình môi trường ươm tạo và thiết lập mối quan hệ cho các doanh nghiệp tham gia vườn ươm (Nguyễn Hùng Phong & ctg, 2017).

 Hệ thống tiêu chí đánh giá định lượng cho cơ sở ươm tạo doanh nghiệp bao gồm các yếu tố đầu vào như: (1) diện tích theo thiết kế và sử dụng; (2) mức độ hài lòng với cơ sở hạ tầng kỹ thuật của vườn ươm, (3) nhân lực, vốn đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, (4) chi phí duy trì hoạt động thường xuyên của cơ sở ươm tạo, (5) nguồn tài chính chi thường xuyên cho hoạt động của cơ sở ươm tạo, (6) thời gian cần thiết để đưa vào vận hành kể từ thời điểm dự án cơ sở ươm tạo được cấp quyết định thi hành (Nguyễn Thanh Tùng, 2014).

            Chức năng cơ bản của một vườn ươm khởi tạo doanh nghiệp thường gồm hai mảng chính, là: (1) quản lý về sở hữu trí tuệ - chuyển giao công nghệ, ươm tạo; (2) huấn luyện tăng tốc khởi nghiệp (Aerts, Matthyssens, & Vandenbempt, 2007).

Xây dựng vườn ươm khởi nghiệp là một quá trình lâu dài và chịu sự tác động của nhiều yếu tố như chiến lược phát triển kinh tế, sự nhận thức của những người tham gia vào khởi nghiệp, mối quan hệ, sự hợp tác, cơ sở hạ tầng, trình độ đội ngũ lao động cũng như giáo dục - đào tạo của khu vực, tạo công ăn việc làm, thu hút vốn đầu tư, nguồn lực và những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ (Wood, 2012).

3. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp thu thập dữ liệu: Nghiên cứu sử dụng số liệu thứ cấp được thu thập từ Báo cáo của các Sở, Ban, Ngành của Tỉnh như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê, Ban Chỉ đạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Hội Liên hiệp phụ nữ, Tỉnh đoàn… Và kết hợp phỏng vấn sâu một số giám đốc doanh nghiệp khởi nghiệp, chuyên gia, các nhà quản lý trong lĩnh vực khởi nghiệp của tỉnh Đắk Lắk và Trường Đại học Tây Nguyên.

Phương pháp phân tích: Phương pháp Thống kê kinh tế (thống kê mô tả, thống kê so sánh) được sử dụng để thể hiện sự biến động và trạng thái của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Phương pháp này nếu xét theo thời gian thì những thay đổi của các biến số sẽ cho thấy những biểu hiện của mối quan hệ cần phân tích. Đồng thời, kết hợp với phương pháp chuyên gia để đưa ra các nhận định, đánh giá cũng như các khuyến nghị cho nghiên cứu.

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.1. Thực trạng khởi nghiệp ở Đắk Lắk thời gia vừa qua

            Theo số liệu thống kê năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá so sánh của khu vực kinh tế tư nhân là 34.197 tỷ đồng, chiếm 72,5% tổng GRDP toàn tỉnh. Các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đã có đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, số lượng các doanh nghiệp được thể hiện ở Bảng 1.

Bảng 1. Tổng số các loại hình doanh nghiệp chính đang hoạt động

ở Đắk Lắk

tong_so_cac_loai_hinh_doanh_nghiep_chinh_dang_hoat_dong_o_dak_lakTổng thu cân đối NSNN trên địa bàn tỉnh năm 2018 đạt 5.881 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2017, trong đó thu từ khu vực ngoài quốc doanh tăng 15,4%. Một số doanh nghiệp trọng điểm phát sinh nguồn thu mới trong năm 2019 như: Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Trung, Công ty CP Cà phê Trung Nguyên,… Các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh đều tăng so với cùng kỳ đã góp phần quan trọng trong việc tăng trưởng về kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Bảng 2. Tình hình biến động doanh nghiệp trong 3 năm qua 2017 - 2019

tinh_hinh_bien_dong_doanh_nghiep

            Tính lũy kế đến hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 8.211 doanh nghiệp (bao gồm: 8.153 doanh nghiệp dân doanh, 49 công ty có vốn nhà nước và 09 doanh nghiệp có vốn nước ngoài) và 526 Hợp tác xã. Bên cạnh đó, trên địa bàn Tỉnh còn có 764 doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký hoạt động trên địa bàn theo hình thức chi nhánh được thể hiện ở Bảng 2.

Bảng 3. Hoạt động khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp năm 2019

hoat_dong_khoi_nghiep_va_ho_tro_khoi_nghiep_nam_2019

Các doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng khởi nghiệp tích cực, chủ động, nhiệt tình tham gia các hoạt động triển khai (đào tạo, tập huấn, tham gia kết nối sản phẩm…). Ngay từ đầu năm, UBND Tỉnh đã ban hành “Kế hoạch triển khai các hoạt động trong năm 2019” để làm cơ sở cho việc triển khai và đánh giá kết quả thực hiện trong năm. Đồng thời, quan tâm và bố trí kinh phí phù hợp trên cơ sở đề xuất của các ngành, tạo thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động theo kế hoạch đề ra. Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các Sở, ngành đơn vị có liên quan và sự chung tay của Hiệp hội doanh nhân trẻ, nhìn chung, các Sở, ngành, đơn vị trong toàn tỉnh đã chủ động, tích cực trong triển khai thực hiện các hoạt động diễn ra sôi nổi, thiết thực, đúng mục tiêu thể hiện ở Bảng 3. Về tổng quan hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh đã có những hướng phát triển ban đầu theo chiều sâu, hoạt động truyền thông khởi nghiệp phát triển tương đối tốt với việc hoàn thiện về hạ tầng.

            Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên công tác phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai các hoạt động vẫn còn chưa được thường xuyên. Một số hoạt động tính liên kết chưa cao, cần phát huy hơn nữa hiệu quả thực hiện, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong phạm vi toàn tỉnh (cụ thể như các hoạt động kết nối thương mại, giao thương còn tổ chức rời rạc; ít doanh nghiệp khởi nghiệp biết tham gia; các khóa đào tạo, tập huấn tại các đơn vị còn bị trùng về thời gian và nội dung dẫn đến phân tán). Các sản phẩm khởi nghiệp chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp và dịch vụ, hàm lượng khoa học công nghệ còn thấp, tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa cao, khả năng thương mại hóa sản phẩm nhìn chung còn nhiều hạn chế.

4.2. Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới

            Các vườn ươm khởi nghiệp của Đắk Lắk còn quá non trẻ trong quá trình phát triển, do đó, cần có những học hỏi từ kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cũng như các vườn ươm tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh,…

4.2.1. Kinh nghiệm của Singapore

       Singapore là một trong những trung tâm tài chính của thế giới và là một trung tâm khởi nghiệp quan trọng ở Đông Nam Á. Singapore sở hữu một môi trường kinh doanh thân thiện, vị trí địa lý thuận lợi cùng với số lượng người tiêu dùng và các tập đoàn đa quốc gia đủ lớn. Tuy nhiên, cũng có một số điểm yếu khi xét đến sự hấp dẫn của Singapore đối với các doanh nghiệp như chi phí sinh hoạt đắt đỏ và thị trường nội địa nhỏ.

 Hệ sinh thái khởi nghiệp của Singapore bao gồm tất cả các thành phần cần thiết cho một hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển và sôi động, như: có nhiều loại hình doanh nghiệp khởi nghiệp, vườn ươm, chương trình tăng tốc khởi nghiệp và các lựa chọn cấp vốn. Trong những năm gần đây, các vườn ươm ở đây có sự tăng trưởng nhanh chóng. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đã tăng gần gấp đôi từ năm 2017, là 42.000 doanh nghiệp, đến năm 2019, là 65.000 doanh nghiệp.  

        Từ năm 2012 đến năm 2017, Chính phủ Singapore đã dành hơn 11 tỷ USD để tăng cường nghiên cứu, đổi mới và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp. Đặc điểm quan trọng nữa trong việc Chính phủ Singapore thực hiện các chương trình hỗ trợ tài chính là không nhất thiết phải phân bổ trực tiếp cho các công ty, mà cho các thành phần khác như vườn ươm và trường học nhằm giúp các vườn ươm được tốt hơn. Các chương trình cấp vốn có thể được coi là công cụ chính sách quan trọng nhất ở Singapore. Singapore đã xây dựng được những thể chế đủ mạnh để thực thi các chính sách về đổi mới và khởi nghiệp.

            Thứ nhất, các quỹ mạo hiểm giai đoạn đầu hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp được ươm tạo bởi các vườn ươm công nghệ.

            Thứ hai, thông qua việc phối hợp với các cơ quan nhà nước và các đối tác trong các ngành, vận hành một cổng thông tin cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để cung cấp các thông tin về pháp luật kinh doanh, hỗ trợ của Chính phủ, các thông tin cụ thể theo ngành.

            Thứ ba, Cơ quan phát triển Thông tin và Truyền thông Singapore (IDA), một công cụ quan trọng của việc hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp.

4.2.2. Kinh nghiệm của Hà Lan

         Điều đáng chú ý nhất tại Hà Lan, đó là việc hệ sinh thái không bị giới hạn ở thủ đô Amsterdam, mà còn mở rộng ở 13 thành phố và khu vực khác. Những trung tâm này được liên kết với nhau, mỗi địa điểm lại tập trung vào một lĩnh vực cụ thể. Ngoài 13 trung tâm khởi nghiệp, Hà Lan cũng có số lượng khá lớn các vườn ươm khởi nghiệp và các thành phần liên quan khác, như: các chương trình tăng tốc khởi nghiệp, các nhà đầu tư và không gian làm việc chung.

        Cho đến năm 2017, các vườn ươm khởi nghiệp của Hà Lan bao gồm hơn 3.000 công ty khởi nghiệp, 300 nhà đầu tư, 40-50 chương trình ươm tạo và 10 tổ chức công. Chính phủ đã dành khoản ngân sách trị giá 75 triệu Euro nhằm thúc đẩy tiếp cận vốn, kiến thức, sáng tạo và thị trường toàn cầu. Đồng thời, cung cấp tài chính giai đoạn đầu để các doanh nhân có thể nghiên cứu một ý tưởng hay sản phẩm có khả thi về mặt kỹ thuật và phù hợp với thị trường.

     Hà Lan còn thực hiện cấp vốn theo chương trình Horizon 2020 của Ủy ban châu Âu để kích thích nghiên cứu và sáng tạo ở châu Âu. Bên cạnh các sáng kiến tập trung cụ thể vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, Chính phủ Hà Lan đã có một vai trò tích cực trong việc hỗ trợ sáng tạo và kinh doanh, có một số biện pháp hỗ trợ kinh doanh cho các startup. Những biện pháp này bao gồm bảo lãnh tính dụng chính phủ, cấp vốn, tín dụng cho đổi mới sáng tạo và ưu đãi thuế cho các hoạt động R&D.

4.2.3. Kinh nghiệm từ Mỹ

         New York thường xuyên được xếp vào một trong những hệ sinh thái phát triển vườn ươm nhất thế giới. Số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp tập trung vào công nghệ hoặc liên quan đến công nghệ cũng tăng nhanh. Chính các công ty này đã tạo ra một tỷ trọng đáng kể các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đáng chú ý là vốn đầu tư mạo hiểm liên quan đến công nghệ ở New York cũng tăng lên giai đoạn 2012-2017, trong khi các khu vực dẫn đầu về công nghệ khác ở Mỹ đang đối mặt với sự sụt giảm về đầu tư mạo hiểm. Mặc dù Thung lũng Silicon đang là trung tâm công nghệ hàng đầu ở Mỹ, New York vẫn có tầm quan trọng trong lĩnh vực công nghệ và có tác động lớn đối với các vườn ươm khởi nghiệp của Thành phố.

       Các chính sách và hoạt động của khu vực công cũng đóng một vai trò quan trọng. Ngoài các chính sách hỗ trợ gián tiếp cho hệ sinh thái liên quan đến kết cấu hạ tầng và sức hấp dẫn chung của thành phố, cũng có một vài chính sách ở cấp độ bang có mục tiêu trực tiếp là hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và vườn ươm khởi nghiệp.  

4.3. Khuyến nghị về xây dựng vườn ươm khởi nghiệp ở Đắk Lắk

Để cho doanh nghiệp khởi nghiệp ở Đắk Lắk được tồn tại và vượt qua giai đoạn đầu của thời kỳ khởi nghiệp cũng như hình thành và hoạt động có hiệu quả các vườn ươm khởi nghiệp,chúng ta cần:

Thứ nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/5/2016 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Đặc biệt, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội ban hành ngày 12/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 với chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Tại Đắk Lắk cũng đã có những chủ chương chính sách để phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, như: Kế hoạch số 2722/KH-UBND ngày 09/4/2018 về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch số 1873/KH-UBND ngày 8/3/2019 về các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2019; Kế hoạch số 2106/KH-UBND ngày 13/3/2020 về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh năm 2020… Tuy nhiên, tỉnh Đắk Lắk vẫn cần tăng cường hơn nữa việc ban hành các chính sách và hoạt động cụ thể trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời gian tới.

Thứ hai, cần tăng cường hỗ trợ liên quan đến tài chính cho các vườn ươm khởi nghiệp trong một thời gian nhất định, vì chức năng cơ bản của một vườn ươm khởi tạo doanh nghiệp thường gồm hai mảng chính là: i) quản lý về sở hữu trí tuệ - chuyển giao công nghệ, ươm tạo; ii) huấn luyện tăng tốc khởi nghiệp, hỗ trợ kêu gọi vốn đầu tư, xin kinh phí tài trợ, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện.

Thứ ba, cần tránh sự bất hợp lý trong quy định về nguồn kinh phí thực hiện các chương trình. Vườn ươm hoạt động trên cơ sở hạch toán thu - chi với sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước hoặc các tổ chức tài trợ, vậy nên cần có chính sách cho phép vườn ươm đạt được sự độc lập về tài chính với thời hạn nhất định sau khi thành lập.

Thứ tư, công tác triển khai xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, tìm kiếm đối tác, các đơn vị tham gia và vận hành vườn ươm cần có sự đồng bộ, tránh tình trạng kéo dài, khiến vườn ươm chậm được đưa vào hoạt động và làm giảm hiệu quả của các dự án tài trợ.

Thứ năm, chủ động xây dựng mạng lưới chuyên gia là các nhà khoa học của Trường Đại học Tây Nguyên và các nhà khoa học khác công tác ở các Sở, Ban, Ngành của Tỉnh cùng với các hoạt động dịch vụ chuyên nghiệp nhằm phục vụ công tác ươm tạo.

Thứ sáu, địa điểm xây dựng vườn ươm nên đặt tại Trường Đại học Tây Nguyên, nhằm mục đích thúc đẩy phát triển công nghệ, tận dụng các nguồn lực tại chỗ, chú trọng phát triển các ngành công nghệ cao, tận dụng công nghệ mới được nghiên cứu, triển khai và thương mại hóa các sản phẩm mới được nghiên cứu nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Thứ bảy, xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi, cũng như chú trọng công tác đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý và vận hành vườn ươm.

5. Kết luận

            Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng vườn ươm khởi nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk, nghiên cứu đã mô tả được bức tranh toàn cảnh về hoạt động khởi nghiệp ở đây cũng như hoạt động của các vườn ươm trên thế giới, để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Từ đó, tác giả đã đưa ra 7 khuyến nghị nhằm tận dụng thế mạnh từ các nguồn lực, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng vườn ươm khởi nghiệp ở Đắk Lắk một cách hiệu quả, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác hỗ trợ khởi nghiệp trong từng nhóm ngành chuyên môn, phát triển các hoạt động kết nối thị trường các sản phẩm khởi nghiệp địa phương,… Để làm được những điều này cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị một cách đồng bộ để ươm tạo và phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cả về số lượng và chất lượng, giúp doanh nghiệp phát triển ngày càng vững mạnh, nhằm đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung trong thời gian tới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Aerts, K., Matthyssens, P., & Vandenbempt, K. (2007). Critical role and screening practices of European business incubators. Technovation, 27(5), 254-267.
  2. Chandra, A. & Fealey, T. (2009). “Business Incubation in the United States, China and Brazil: A Comparison of Role of Government”, Incubator Funding and Financial.
  3. Gonzalez, M., Lucea R. (March 2001). “The evolution of Business Incubation”
  4. Nguyễn Thị Lâm Hà (2007). Kinh nghiệm xây dựng và phát triển vườn ươm khởi nghiệp ở Trung Quốc và bài học cho Việt Nam. Tạp chí Quản lý Kinh tế, số 16, trang 58-65.
  5. Nguyễn Hùng Phong và ctg (2017). Vườm ươm doanh nghiệp: Những vấn đề đặt ra về phương diện lý thuyết. Trung tâm Phát triển khởi nghiệp, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.
  6. Hackett, S.M. & Dilts, D.M. (2004a). “A real options-driven theory of business incubation”, The Journal of Technology Transfer, 29(1), 41-54.
  7. Hackett, S.M.&Dilts, D.M. (2004b). “Asystematic review of business incubationresearch”, The Journal of Technology Transfer, 29(1), 55-82.
  8. Mubarak Al-Mubaraki, H., & Busler, M. (2010). Business incubators models of the USA and UK: A SWOT analysis. World Journal of Entrepreneurship, Management and.
  9. Nguyễn Thanh Tùng (2014). Hệ thống tiêu chí đánh giá hoạt động của các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, Viện Chiến lược và Chính sách khoa học công nghệ, 3(2).
  10. Bùi Nhật Quang (2017), Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam.
  11. UBND tỉnh Đắk Lắk (2020), số 1 ngày 08/01/2020. Báo cáo Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020.
  12. UBND tỉnh Đắk Lắk (2020), số 593 ngày 20/3/2020, V/v Báo cáo tổng kết việc thực hiện kế hoạch số 87 - KH/TU ngày 17/11/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
  13. UBND tỉnh Đắk Lắk (2020), số 2106 KH-UBND ngày 13/3/2020 Kế hoạch Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh năm 2020.
  14. Wood. C (2012). Building an entrepreneurial ecosystem in Northwest Florida. Economic Development Journal, 11(1), 29-34.

 

THE ESTABLISHMENT OF START-UP INCUBATORS IN DAK LAK PROVINCE: CURRENT SITUATIONS AND RECOMMENDATIONS

PhD. NGUYEN VAN DAT

Tay Nguyen University

ABSTRACT:

This study assesses the current situations of start-up incubator types in Dak Lak province and reviews lessons learned from international start-up incubator models. This study also identify the factors determining the success of start-up incubators, the legal framework for the operation of start-up incubators and the criteria for evaluating the performance of start-up incubators, thereby drawing lessons for the establishment of start-up incubators in Dak Lak province.

Keywords: Dak Lak province, start-up incubator, Central Highlands, Tay Nguyen University.