Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên: Nghiên cứu trường hợp sinh viên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

ThS. NGUYỄN THỊ BÍCH LIÊN (Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

TÓM TẮT:

Bài viết xác định các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, từ đó đề xuất các hàm ý chính sách nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của sinh viên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 5 yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, bao gồm: Đặc điểm tính cách; Chuẩn chủ quan; Nhận thức tính khả thi; Nguồn vốn; và Giáo dục khởi nghiệp.

Từ khóa: Yếu tố ảnh hưởng, ý định khởi nghiệp, sinh viên, TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Hoạt động khởi nghiệp đang ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững ở nhiều quốc gia. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh sự đóng góp của các doanh nghiệp khởi nghiệp vào việc phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt thông qua việc tạo việc làm và tăng tính đa dạng của nền kinh tế. Vì vậy, thúc đẩy khởi nghiệp đã trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của nhiều quốc gia.

Tại Việt Nam, tinh thần doanh nhân và khởi nghiệp được nhân lên trong những năm gần đây, sau khi Chính phủ phát động phong trào khởi nghiệp và lấy năm 2016 là năm quốc gia khởi nghiệp. Nhiều trường đại học đã đưa giáo dục khởi nghiệp vào chương trình đào tạo, thậm chí xây dựng thành một ngành, chuyên ngành đào tạo. Tuy nhiên, tại TP. Hồ Chí Minh - nơi được xem là trung tâm kinh tế quan trọng của Việt Nam với hơn 80 trường đại học, cao đẳng nhưng số lượng và tỷ lệ sinh viên sau tốt nghiệp khởi nghiệp còn rất thấp. Đây chính là lý do để tác giả thực hiện nghiên cứu này, nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên tại TP. Hồ Chí Minh.

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Theo lý thuyết hành vi kế hoạch (TPB) của Ajzen (1991), ý định khởi nghiệp kinh doanh chịu tác động bởi 3 yếu tố chính, bao gồm: (1) Thái độ đối với hành vi khởi nghiệp; (2) Chuẩn chủ quan; (3) Nhận thức tính khả thi. Trong đó thái độ đối với hành vi khởi nghiệp, theo Luthje và Franke (2003) được giải thích bởi: nhu cầu thành đạt; xu hướng chấp nhận rủi ro và quỹ tích kiểm soát nội bộ (gọi chung là đặc điểm tính cách).

Ngoài các yếu tố trên, theo Luthje và Franke (2004), ý định khởi nghiệp còn chịu ảnh hưởng của các tác nhân từ bên ngoài đó là giáo dục khởi nghiệp. Nghiên cứu của Arenus và Minniti (2005) cho thấy các cá nhân được đào tạo bài bản sẽ có nhiều khả năng để theo đuổi các cơ hội kinh doanh. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Amou & Alex (2014), Perera (2011), Phan Anh Tú và Giang Thị Cẩm Tiên (2015) cho thấy yếu tố nguồn vốn cũng là một trong những nhân tố quan trọng trong việc hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, cho phép các bạn sinh viên triển khai hoạt động kinh doanh vào trong thực tiễn. Hầu hết các bạn sinh viên đều sử dụng tài trợ của cha mẹ và anh em, bạn bè hoặc vay ngân hàng trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Trên cơ ở đó, tác giả đề xuất 5 yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên, bao gồm: Đặc điểm tính cách; Chuẩn chủ quan; Nhận thức tính khả thi; Nguồn vốn; và Giáo dục khởi nghiệp.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng ý định khởi nghiệp của sinh viên tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Mô hình nghiên cứu

Đặc điểm tính cách: Theo Luthje và Franke (2003), đặc điểm tính cách ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp trên 3 khía cạnh: Nhu cầu thành đạt phản ánh mong muốn thành đạt của cá nhân; Quỹ tích kiểm soát nội bộ phản ánh mức độ tự tin và quyền lực của cá nhân trong vệc kiểm soát các hành vi kinh doanh và kết quả của hành vi đó và Chấp nhận rủi ro phản ánh sự sẵn sàng đối mặt, chấp nhận rủi ro trong quá trình thực hiện hành vi kinh doanh. Nghiên cứu  Luthje và Franke (2003); Ambad và Damit (2016) đều chỉ ra đặc điểm tính cách có ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.

H1: Đặc điểm tính cách ảnh hưởng cùng chiều đến ý định khởi nghiệp kinh doanh của sinh viên

Chuẩn chủ quan: Là nhận thức về những áp lực từ phía xã hội thể hiện sự ủng hộ, hay phản đối người có ý định thực hiện hành vi. Nó bao gồm các ảnh hưởng bên trong là ý kiến từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và các ảnh hưởng bên ngoài là các trào lưu xã hội. Nghiên cứu của Karali (2013); Ambad và Damit (2016) chỉ ra chuẩn chủ quan có ảnh hưởng trực tiếp và tích cực đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.

H2: Chuẩn chủ quan ảnh hưởng cùng chiều đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.

Nhận thức tính khả thi: Là mức độ cá nhân nhận thức về độ dễ dàng hay khó khăn; có bị kiểm soát, hạn chế hay không khi thực hiện hành vi, là mức độ tự tin của một cá nhân về khả năng thực hiện các hành vi (Ajzen, 2006). Trong nghiên cứu này là cảm nhận của cá nhân về khả năng khởi nghiệp. Luthje và Franke (2004); Haris và cộng sự (2016) đã chỉ ra yếu tố Nhận thức tính khả thi có ảnh hưởng trực tiếp đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.

H3: Nhận thức tính khả thi ảnh hưởng cùng chiều đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.

Nguồn vốn: Là khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho ý tưởng kinh doanh. Nếu tiếp cận nguồn tài chính một cách dễ dàng sẽ làm tăng cơ hội khởi nghiệp của sinh viên. Nghiên cứu của Luthje và Franke (2004), Wongnaa và Seyram (2014), Haris và cộng sự (2016) cho thấy yếu tố nguồn vốn có ảnh hưởng trực tiếp đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.

H4: Nguồn vốn ảnh hưởng cùng chiều với ý định khởi nghiệp của sinh viên.

Giáo dục khởi nghiệp: Liên quan đến chương trình, các bài giảng ngoại khóa hoặc các khóa học cung cấp cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng và thái độ để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh (Clouse, 1990; Ekpoh và Edet, 2011; Ooi và cộng sự, 2011). Ambad và Damit (2016) đã chứng minh giáo dục khởi nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.

H5: Giáo dục khởi nghiệp ảnh hưởng cùng chiều với ý định khởi nghiệp của sinh viên.

Ngoài các yếu tố trên, nghiên cứu của Autio và cộng sự (2001), Leong (2008) và một số nghiên cứu khác đã kiểm chứng có sự khác biệt về ý định khởi nghiệp theo các đặc điểm nhân khẩu học (giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn, gia đình, khóa học kinh doanh,…). Trong nghiên cứu này, tác giả đề xuất trong phân tích cần kiểm định thêm các yếu tố theo đặc điểm giới tính.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện qua 2 giai đoạn:

- Phương pháp nghiên cứu định tính sử dụng kỹ thuật thảo luận nhóm tập trung với sự tham gia của 2 nhóm (1 nhóm cựu sinh viên đã khởi nghiệp năm đầu sau khi tốt nghiệp; 1 nhóm sinh viên năm cuối có ý định khởi nghiệp kinh doanh, mỗi nhóm 10 người), nhằm thẩm định mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên được đề xuất trong hình 1 và thang đo các yếu tố này.

- Phương pháp nghiên cứu định lượng được thực hiện nhằm đánh giá độ tin cậy và giá trị của thang đo các khái niệm nghiên cứu; kiểm định mô hình nghiên cứu và các giả thuyết nghiên cứu; kiểm định sự khác biệt về mức độ ảnh hưởng của các yếu tố theo các đặc điểm nhân khẩu học của sinh viên. Mẫu được chọn theo phương pháp chọn mẫu thuận tiện với kích thước n = 424.

Bảng 1. Thông tin mẫu nghiên cứu

Thông tin mẫu nghiên cứu

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Kết quả nghiên cứu định tính khẳng định, các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được nhóm tác giả đề xuất trên Hình 1 là những yếu tố chính ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp kinh doanh của sinh viên, đồng thời phát triển thang đo các khái niệm nghiên cứu (thang đo Likert 5 bậc; 1 là hoàn toàn không đồng ý; 5 là hoàn toàn đồng ý) gồm 27 biến quan sát:

Bảng 2. Thang đo các khái niệm nghiên cứu ý định khởi nghiệp của sinh viên tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh

ý định khởi nghiệp của sinh viên

Kết quả Cronbach’s Alpha, sau khi loại biến NTTKT6 (Tôi có đủ khả năng trở thành một doanh nhân thành đạt) của thang đo Nhận thức tính khả thi có tương quan biến tổng (= 0,263) không đạt yêu cầu (> 0,3), thang đo các khái niệm nghiên cứu đều đạt độ tin cậy (> 0,6). Kết quả phân tích nhân tố khám phá (EFA) các biến độc lập và biến phụ thuộc bằng phương pháp trích Principal components và phép quay Varimax cho thấy: 22 biến quan sát (còn lại) đo lường 5 yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp được rút trích vào 5 nhân tố nguyên gốc với hệ số KMO = 0,919 và Sig. = 0,000; phương sai trích = 63,146%, tại Eigenvalue = 1,112, đồng thời tất cả các biến đều có hệ số tải nhân tố đạt yêu cầu (> 0,5). Bên cạnh đó, 4 biến quan sát của thang đo biến phụ thuộc (ý định khởi nghiệp) được rút trích vào cùng một nhân tố với hệ số KMO = 0,8 và Sig = 0,000; phương sai trích = 70,896%, tại Eigenvalue = 2,996, đồng thời tất cả biến đều có hệ số tải nhân tố đạt yêu cầu (> 0,5). Chứng tỏ, EFA các biến độc lập và biến phụ thuộc là phù hợp và có thể sử dụng kết quả này cho phân tích hồi qui ở bước tiếp theo.

Bảng 3. Các thông số của mô hình hồi quy

Các thông số của mô hình hồi quy

Kết quả phân tích hồi qui thu được R2 điều chỉnh = 0,616; giá trị kiểm định F = 90,733 với Sig = 0,000; các hệ số hồi quy B và Beta đều > 0, các giá trị kiểm định t đều có ý nghĩa thống kê (Bảng 3); kết quả kiểm tra các vi phạm giả định của mô hình hồi qui đều không bị vi phạm. Chứng tỏ:

- Mô hình hồi quy được dự đoán phù hợp với dữ liệu thị trường và giải thích được 61,6% sự biến thiên của ý định khởi nghiệp của sinh viên.

- Đồng thời, mức độ ảnh hưởng của các yếu tố (trong điều kiện các yếu tố khác không đổi) đến ý định khởi nghiệp của sinh viên tại TP. Hồ Chí Minh sắp xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp là: Giáo dục khởi nghiệp (GDKN); Nguồn vốn (NV); Đặc điểm tính cách (DDTC); Nhận thức tính khả thi (NTTKT) và Chuẩn chủ quan (CCQ).

Kết quả kiểm định sự khác biệt về ý định khởi nghiệp của sinh viên theo giới tính cho thấy, giá trị Sig của kiểm định Levene = 0,095 > 0,05 nên phương sai giữa hai giới tính giống nhau, nhưng Sig của kiểm định t = 0,000 < 0,05, nghĩa là có sự khác biệt về ý định khởi nghiệp giữa sinh viên nam và sinh viên nữ. Từ kết quả trên cho thấy, có sự khác biệt về ý định khởi nghiệp giữa nhóm sinh viên nữ và nhóm sinh viên nam tại TP. Hồ Chí Minh, trong đó sinh viên nam (Mean = 3,9660) có ý định khởi nghiệp cao hơn nữ (Mean = 3,5148). Sự khác biệt này có thể do xuất phát từ đặc điểm tính cách nam dám đương đầu sự rủi ro cao hơn nữ.

5. Kết luận

Kết quả cho thấy cả 5 yếu tố trong mô hình lý thuyết đều có ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên tại TP. Hồ Chí Minh được sắp xếp theo trình tự mức độ quan trọng từ cao xuống thấp: Giáo dục khởi nghiệp; Nguồn vốn; Đặc điểm tính cách; Nhận thức tính khả thi và Chuẩn chủ quan. Ngoài ra, cũng đã tìm thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về ý định khởi nghiệp của sinh viên TP. Hồ Chí Minh theo giới tính.

Hạn chế của nghiên cứu này là chưa kiểm định được mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên tại TP. Hồ Chí Minh. Để kiểm định mối quan hệ giữa các yếu tố trong mô hình nghiên cứu, nên sử dụng công cụ kiểm định mô hình cấu trúc tuyến tính SEM sẽ cho kết quả nghiên cứu chính xác cao hơn. Hơn nữa, do thời gian thực hiện nghiên cứu tương đối ngắn nên số lượng cỡ mẫu nghiên cứu chưa thật sự lớn, do vậy tính đại diện cho tổng thể còn hạn chế. Các nghiên cứu trong tương lai có thể gia tăng cỡ mẫu quan sát cũng như xem xét thêm các yếu tố rào cản cản trở ý định khởi nghiệp kinh doanh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tiếng Việt

[1] Phan Anh Tú và Giang Thị Cẩm Tiên (2015). Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi sự doanh nghiệp: Trường hợp sinh viên Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Cần Thơ. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 38, 59- 66.

Tiếng Anh

[1] Ajzen, I. (1991). The theory of planned behavior. Orgnizational Behavior and Human Decision Processes, 50, 179-211.

[2] Autio, E., Keeley, R. H., Klofsten, M., Parker, G. G. C. & Hay, M. (2001). Entrepreneurial Intent among Students in Scandinavia and in the USA. Enterprise & Innovation Management Studies, 2(2), 145-160.

[3] Fishbein, M., & Ajzen, I. (2010). Predicting and changing behavior: The reasoned action approach. New York: Psychology Press (Taylor and Francis).

[4] Hair, J. F., Black, W. C., Babin, B. J. & Anderson, R. E. (2013). Multivariate data analysis, 7th ed. Harlow: Pearson.

[5] Linan, F. & Chen, Y.-W. (2009). Development and Cross-Cultural Application of a Specific Instrument to Measure Entrepreneurial Intentions. Entrepreneurship: Theory & Practice, 33(3), 593-617.

[6] Linan, F., Rodríguez-Cohard, J. & Rueda-Cantuche, J. (2011). Factors affecting entrepreneurial intention levels: a role for education. International Entrepreneurship and Management Journal, 7(2), 195-218.

[7] Luthje, C. & Franke, N. (2003). The ‘making’ of an entrepreneur: Testing a model of entrepreneurial intent among engineering students at MIT. R&D Management, 33(2), 135.

[8] Malebana, J. (2014). Entrepreneurial intentions of South African rural university students: A test of the theory of planned behaviour. Journal of economics and behavioral studies, 6(2), 130-143.

FACTORS AFFECTING THE ENTREPRENEURIAL

INTENTION OF STUDENTS:

THE CASE STUDY OF STUDENTS STUDYING

IN HO CHI MINH CITY

• Master. NGUYEN THI BICH LIEN

Faculty of Business Administration, Nguyen Tat Thanh University

ABSTRACT:

This study identifies the factors affecting student's intention to start a new business in Ho Chi Minh City, thereby proposing policy implications to promote the entrepreneurship of students. This study’s findings show that there are 5 factors affecting the entrepreneurial intention of students in Ho Chi Minh City, including personality characteristics, standard subjective, awareness feasibility, capital and entrepreneurship education.

Keywords: Influencing factors, entrepreneurial intention, students, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2020]