Xu hướng bảo hộ thương mại quốc tế hiện nay và những thay đổi cần thiết trong nội dung giảng dạy môn Kinh tế quốc tế tại Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

THS. ĐÀO THỊ THU HIỀN, THS. VÕ VƯƠNG BÁCH, THS. PHẠM THỊ THÙY TRANG  (Bộ môn Quản trị kinh doanh quốc tế - Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

TÓM TẮT:

Trong thời kỳ hội nhập và liên kết quốc tế diễn ra mạnh mẽ, tự do hóa thương mại trở thành nguyên tắc chung phổ biến, được các quốc gia tuân thủ khi xây dựng chính sách thương mại. Trong giảng dạy chuyên ngành kinh tế, các giáo trình và tài liệu tham khảo cũng khẳng định xu hướng phát triển của tự do thương mại. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã thực hiện chính sách bảo hộ thương mại trong quan hệ kinh tế quốc tế. Các nhà kinh tế dự báo, xu hướng bảo hộ thương mại trong thời gian tới sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, cản trở hệ thống thương mại toàn cầu cũng như đe dọa đà phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới và thậm chí có thể làm đảo ngược tiến trình toàn cầu hóa. Do vậy, việc nghiên cứu và giảng dạy kinh tế, đặc biệt là môn học Kinh tế quốc tế, cần có những thay đổi để sinh viên bắt kịp những xu hướng thực tế và liên hệ đúng lý thuyết với thực tiễn. Bài viết nghiên cứu về xu hướng bảo hộ thương mại quốc tế hiện nay và những thay đổi cần thiết trong nội dung giảng dạy môn Kinh tế quốc tế tại Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Từ khóa: Bảo hộ thương mại, giảng dạy kinh tế, kinh tế quốc tế, xu hướng bảo hộ, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

1. Giới thiệu

Chính sách thương mại quốc tế (TMQT) của một quốc gia bao gồm hệ thống các quan điểm, nguyên tắc và công cụ để thực hiện TMQT nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô đã định. Thế giới hiện nay tồn tại hai quan điểm song song và kết hợp về TMQT, đó là quan điểm tự do với các nguyên tắc của TMQT tự do và TMQT bảo hộ với các công cụ bảo hộ.

Quan điểm TMQT tự do được coi là xu hướng chính của TMQT, bởi những lợi ích hướng đến người tiêu dùng khi hàng hóa và dịch vụ được tự do di chuyển giữa các quốc gia, giữa các khu vực (không còn rào cản và thuế bằng 0) và các Chính phủ gần như không can thiệp vào thị trường hay sản xuất hàng hóa trong nước (không có tài trợ, ưu đãi hay phân biệt đối xử). Các liên kết kinh tế hiện nay như Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN),… đều coi tự do thương mại là một nguyên tắc bắt buộc cho các thành viên tham gia. Hiện nay, các giáo trình và tài liệu tham khảo để nghiên cứu, giảng dạy và học tập môn học Kinh tế quốc tế đều khẳng định điều này.

Chính sách bảo hộ thương mại là chính sách thương mại trong đó Nhà nước sử dụng các biện pháp bảo vệ thị trường nội địa trước sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu, đồng thời nhằm nâng đỡ các nhà kinh doanh trong nước có điều kiện mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài.

Với mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước, giải quyết tình trạng thất nghiệp và bảo vệ an ninh quốc gia, nhiều nước lại có xu hướng thực hiện các công cụ bảo hộ như thuế, rào cản kỹ thuật để hạn chế TMQT với các nước khác, thậm chí, rút khỏi các liên kết quốc tế như Liên hiệp Anh rời khỏi liên minh châu Âu (EU). Đây là một xu hướng mới, có cả những tác động tích cực và tiêu cực. Do việc phân biệt đối xử, nâng đỡ hoặc đặt ra rào cản mà các công cụ bảo hộ sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế quốc gia và kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, mục đích của các nước theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ là kích thích nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa nội địa, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của nước đó, đồng thời tránh được thâm hụt thương mại với các đối tác trong quan hệ trao đổi thương mại giữa hai bên. Chính những điều này đã làm cho bảo hộ thương mại tưởng chừng chỉ tồn tại trong quá khứ giờ lại trở thành một xu hướng mới. Và làm cho những nghiên cứu, bài giảng về kinh tế trước đây, nếu không được cập nhật nhanh chóng sẽ trở nên lạc hậu, không gắn kết thực tế.

2. Phương pháp nghiên cứu

Nhóm tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính trong quá trình thực hiện bài viết.

Phương pháp thảo luận nhóm: Nhóm tác giả hiện đều là giảng viên tại Bộ môn Quản trị Kinh doanh quốc tế, Khoa Quản trị Kinh doanh – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và giảng dạy môn Kinh tế quốc tế nhiều năm, do vậy, có nhiều thảo luận về đề tài tìm hiểu.

Phương pháp nghiên cứu tài liệu: Phục vụ cho công việc nghiên cứu và giảng dạy, nhóm tác giả thường xuyên thu thập dữ liệu thứ cấp từ đó, phân loại, phân tích tài liệu phục vụ cho việc thực hiện đề tài.

3. Kết quả nghiên cứu và kiến nghị

3.1. Xu hướng bảo hộ thương mại trong những năm gần đây

Theo Global Trade Alert (GTA), kể từ khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 đã có thêm 4.000 biện pháp bảo hộ thương mại mới được áp dụng gồm: biện pháp phòng vệ thương mại, tăng thuế, rào cản địa phương, trợ cấp phí xuất khẩu, và các phân biệt đối xử. Xu hướng bảo hộ trở nên rõ ràng hơn so với những năm trước đó. Chỉ riêng trong 10 tháng đầu năm 2015, GTA đã ghi nhận 539 biện pháp bảo hộ, nhiều hơn so với 407 biện pháp bảo hộ trong cùng kỳ năm 2014 và 183 biện pháp được triển khai trong 10 tháng đầu năm 2012.

Tại châu Âu, xu hướng bảo hộ thương mại thể hiện rõ nét nhất khi nước Anh tổ chức trưng cầu dân ý (Brexit) vào năm 2016, và hiện Anh đã chính thức rời EU, tạo ra các điều kiện, cơ hội để nước Anh đàm phán thương mại song phương với các đối tác mới trên phạm vi toàn thế giới.

Tại Mỹ, ngay từ khi tranh cử Tổng thống năm 2016, Ông Donald Trump luôn nêu ra khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết”. Ngày 23/1/2017, Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ và 11 nước trong khu vực đã ký, đồng thời, chủ trương đàm phán và thúc đẩy các hiệp định thương mại song phương thay vì đa phương nhằm phát huy lợi thế của Mỹ và gia tăng lợi ích của Mỹ trong thương mại quốc tế; thúc đẩy xu hướng gia tăng bảo hộ và sẵn sàng tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng mà Mỹ có lợi thế để bảo vệ sản xuất trong nước. Chỉ trong năm 2017, Mỹ khởi xướng 02 vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ (với pin năng lượng mặt trời và máy giặt). Ngày 8/3/2017, Tổng thống Mỹ ban hành quyết định áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu thép và nhôm dưới hình thức tăng thuế nhập khẩu. Lý do áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu thép và nhôm bằng chính sách tăng thuế nhập khẩu được chính quyền Tổng thống Trump đưa ra là vì “an ninh quốc gia”.

Bảo hộ thương mại đã lên đến đỉnh điểm, tính đến thời điểm hiện nay là xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc chính thức nổ ra khi quyết định của Chính quyền Tổng thống Mỹ áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao đã chính thức có hiệu lực từ ngày 6/7/2018 và Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp đáp trả. Hiện không ai có thể đoán chắc cuộc xung đột thương mại này sẽ kéo dài bao lâu, cũng như mức độ tác động của nó. Trung Quốc vốn được đánh giá là hưởng lợi từ thương mại tự do, cũng đang theo đuổi chính sách giảm nhập khẩu từ các nước bằng các biện pháp bảo hộ những mặt hàng, sản phẩm sản xuất ở trong nước.

Báo cáo về biện pháp thương mại của G20 cho thấy, từ tháng 10/2015 đến tháng 5/2016, các nền kinh tế G20 đã áp dụng 145 biện pháp mới về hạn chế thương mại, trung bình mỗi tháng áp dụng 21 biện pháp, trong đó chủ yếu là các biện pháp chống bán phá giá.

Hội nghị thượng đỉnh G7 và G7 mở rộng từ ngày 08-09/6/2018 tại Canada đã ra tuyên bố chung khẳng định vai trò cốt yếu của hệ thống thương mại quốc tế dựa trên các quy định, nêu rõ sự cần thiết của thương mại toàn cầu “tự do, công bằng và cùng có lợi” và “nỗ lực giảm các hàng rào thuế quan, các hàng rào phi thuế quan và các khoản trợ cấp của chính phủ”. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi Tuyên bố chung.

3.2. Những nội dung cơ bản trong môn học Kinh tế quốc tế được giảng dạy tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Kinh tế quốc tế là môn học cơ sở ngành của sinh viên khối Kinh tế và Sinh viên ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Nguyễn Tất Thành. Đây là môn học cung cấp những kiến thức cơ bản về kinh tế quốc tế - những kiến thức vô cùng quan trọng và cần thiết cho sinh viên trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ như hiện nay: các lý thuyết về kinh tế quốc tế, thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế, lợi ích của mậu dịch quốc tế; hiểu biết về các nỗ lực của Việt Nam và các quốc gia khu vực, thế giới trong liên kết kinh tế quốc tế. Trong khối kiến thức chung về kinh tế quốc tế, xu hướng tự do thương mại được nhấn mạnh như là một xu hướng tất yếu trong việc khu vực hóa - toàn cầu hóa và quốc tế hóa các mặt của đời sống kinh tế.

Sinh viên được tìm hiểu về các liên kết kinh tế tiêu biểu: Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) với nguyên tắc điển hình là tự do hóa thương mại.

3.3. Những thay đổi và cập nhật cần thiết trong nội dung giảng dạy môn học Kinh tế quốc tế tại Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Khi xu hướng bảo hộ thương mại trở nên mạnh mẽ hơn, khi các tài liệu học tập và tham khảo chưa thực sự phổ biến và theo kịp thực tế, giảng viên giảng dạy đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối lý thuyết và thực tiễn. Đối với nội dung chính sách thương mại, nhóm tác giả kiến nghị những cần thiết sau đây trong nội dung giảng dạy:

(i) Bổ sung xu hướng bảo hộ thương mại quốc tế trong nghiên cứu chung về kinh tế quốc tế, sử dụng các ví dụ thực tế minh họa (Mỹ, Bretxit, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, …) để làm rõ xu hướng này;

(ii) Phân tích các lợi ích mà quốc gia tìm kiếm khi thực hiện bảo hộ thương mại, liên hệ các lợi ích đó với thương mại quốc tế tại Việt Nam (Dịch chuyển đầu tư và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam,…);

(iii) Phân tích các tác động tiêu cực của bảo hộ thương mại với quốc gia, thế giới và các cuộc chiến thương mại quốc tế đang diễn ra hiện nay (Thương mại Mỹ - Trung, và những ảnh hưởng đối các doanh nghiệp trên thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam).

(iii) Cập nhật và đưa vào bài giảng các kết quả báo cáo, nội dung thảo luận trong các bài hội nghị khoa học, hội thảo quốc gia, các buổi tọa đàm kinh tế của các chuyên gia về vấn đề TMQT về bảo hộ thương mại.

Các chương trình đào tạo của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành thường xuyên được cải tiến, bổ sung nhằm phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động cũng như các thay đổi của thực tiễn tại thời điểm đào tạo. Theo đó, khi xu hướng bảo hộ thương mại phổ biến trở lại và đang diễn ra khá mạnh mẽ, gây ảnh hưởng nhiều đến quan hệ kinh tế quốc tế và các xu hướng khác của kinh tế quốc tế, cần thiết phải có những thay đổi như kiến nghị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Pierre Lemieux. (2018). What's Wrong with Protectionism? Answering Common Objections to Free Trade. Rowman & Littlefield Publishers, Incorporated;
  2. Hoàng Thị Chỉnh (chủ biên), (2015), Giáo trình kinh tế quốc tế, NXB Thống kê;
  3. Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Nguyễn Tất Thành (2016), Đề cương môn học Kinh tế quốc tế, Chương trình đào tạo cử nhân Quản trị kinh doanh,Tp. Hồ Chí Minh.Kỷ yếu Diễn đàn hội nhập Kinh tế Kinh tế quốc tế Việt Nam năm 2017
  4. Trung tâm WTO (2019), Chủ nghĩa bảo hộ thương mại có thể gây sức ép đối với tăng trưởng Việt Nam, , website truy cập ngày 10/11/2019:

http://www.trungtamwto.vn/chuyen-de/14200-chu-nghia-bao-ho-thuong-mai-co-the-gay-suc-ep-doi-voi-tang-truong-cua-viet-nam

  1. Lê Quang Thuận, Nguyễn Thị Phương Thúy (2018), Xu hướng bảo hộ thương mại trên thế giới và kiến nghị đối với Việt Nam, Tạp chí Tài chính, website truy cập ngày 10/11/2019

http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/xu-huong-bao-ho-thuong-mai-tren-the-gioi-va-kien-nghi-doi-voi-viet-nam-301021.html

Current international trade protection trends and necessary changes in the teaching content of International Economics of the Faculty of Business Administration, Nguyen Tat Thanh University

Master. Dao Thi Thu Hien

Master. Vo Vuong Bach

Master. Pham Thi Thuy Trang

Department of International Business Management, Faculty of Business Administration Nguyen Tat Thanh University 

ABSTRACT:

During the rapid trends of international integration and linking, trade liberalization became a common principle followed by all nations when they develop their trade policies. Textbooks and references of economics education also indicate the development trend of free trade. However, in recent years, many countries have implemented trade protectionism policies. Economists warn that the trend of trade protectionism in the coming time will become stronger, hindering the global trading system and threatening the world economic growth recovery momentum, even reversing globalization. Therefore, it is important for the studying and teaching economics, especially the subject of International Economics, to keep up with pcurrent trade trends to help students gain practical knowledge. This paper is to present the current international trade protection trends and necessary changes in the teaching content of International Economics of the Faculty of Business Administration, Nguyen Tat Thanh University.

Keywords: Trade protection, teaching economics, international economics, protectionist trends, Nguyen Tat Thanh University.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22, tháng 9 năm 2020]