Xuất khẩu chính ngạch - giải pháp xuất khẩu bền vững cho nông sản Việt Nam

PGS.TS. HÀ VĂN SỰ (Trường Đại học Thương mại) - TS. TRỊNH THỊ THANH THỦY (Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương)

TÓM TẮT:

Là quốc gia có nhiều tiềm năng và lợi thế trong sản xuất và xuất khẩu nông sản, đến nay xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã được xếp vào danh sách 15 nước xuất khẩu hàng nông sản lớn nhất thế giới. Trong đó, quốc gia láng giềng Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu nông sản hàng đầu của Việt Nam.

Trong trao đổi, mua bán, xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung, nông sản nói riêng, nhiều thương nhân, doanh nghiệp Việt theo thói quen và tập quán thực hiện buôn bán theo hình thức tiểu ngạch, nên thường xuyên gặp rủi ro và ở vào vị thế bất lợi. Vì vậy, chuyển hướng sang xuất khẩu chính ngạch theo thông lệ quốc tế, đặc biệt đối với hàng nông sản là lựa chọn tất yếu đối với doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao hiệu quả và tính bền vững trong xuất khẩu. Đây cũng là chủ đích của bài viết khuyến nghị tăng cường thực hiện phương thức xuất khẩu nông sản chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, trên cơ sở làm rõ tình hình xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong thời gian qua và xác định những vấn đề đặt ra.

Từ khóa: xuất khẩu, chính ngạch, nông sản, Trung Quốc, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam là đất nước có lịch sử và truyền thống lâu đời về sản xuất nông nghiệp, đến nay, phát triển kinh tế nông nghiệp vẫn là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Những đóng góp của kinh tế nông nghiệp trong công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập là vô cùng to lớn và ngày càng tăng. Với trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, phát triển kinh tế nông nghiệp không chỉ tạo ra công ăn việc làm, thu nhập, duy trì ổn định xã hội, mà còn tạo ra giá trị gia tăng đóng góp trong tăng trưởng kinh tế, là nôi dung dưỡng, bệ đỡ khi các lĩnh vực khác của nền kinh tế gặp trục trặc và bất ổn. Đặc biệt, những năm qua, sản xuất và xuất khẩu nông sản đã tạo nên những dấu ấn quan trọng, giúp khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu nông sản thế giới.

Năm 2020, đóng góp của vào GDP của ngành Nông-lâm-Thủy sản (14,7%) đứng thứ ba, chỉ sau công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ. Hầu hết kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn theo xu hướng tăng trưởng liên tục với giá trị gia tăng trong xuất khẩu được cải thiện.  

2. Tình hình xuất khẩu nông sản của Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020

Thực thi đường lối đa phương hóa và đa dạng hóa trong hội nhập quốc tế về kinh tế, cùng với nhiều nỗ lực trong đàm phán, ký kết và thực thi các cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa với số lượng đối tác của Việt Nam ngày càng tăng trong thời kỳ mở cửa, hội nhập.

Đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu, trong giai đoạn 2010 - 2020, khi xem xét nhóm hàng xuất khẩu là nông lâm thủy sản chính[1] (là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có kim ngạch lớn trong nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản xuất khẩu), kim ngạch xuất khẩu tăng từ 19,22 tỷ USD năm 2010 tăng lên 40,08 tỷ USD năm 2020 với nhịp tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 7,6%. Mặc dù cả thế giới chịu tác động của đại dịch Covid-19, nhưng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng này đều tăng. Cụ thể là,  nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 12,4 tỷ USD (chiếm 30,9% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chính), tiếp đến là hàng thủy sản đạt 8,4 tỷ USD (chiếm 21,0%), hàng rau quả đạt 3,3 tỷ USD (chiếm 8,2%); hạt điều đạt 3,2 tỷ USD (chiếm 8,0%), gạo đạt 3,1 tỷ USD (chiếm 7,8%), cà phê đạt 2,7 tỷ USD (chiếm 6,8%), cao su đạt 2,3 tỷ USD (chiếm 5,9%), sắn và sản phẩm từ sắn đạt 1,0 tỷ USD (chiếm 2,5%). (Hình 1)

Nếu năm 2010, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chính được xuất khẩu đến 72 quốc gia và vùng lãnh thổ, thì đến năm 2020 đã được xuất khẩu đến 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 2 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ (chiếm 27,46% tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản chính, năm 2020) và Trung Quốc (chiếm 20,90%). Cùng kỳ, Việt Nam xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản sang các thị trường đối tác lớn khác, như: EU (9,15%), ASEAN (8,58%), Nhật Bản (8,34%), Hàn Quốc (5,02%), Anh (2,0%), Úc (1,68%), Canada (1,62%). (Hình 2)

3. Tình hình xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc giai đoạn 2010 - 2020

Trong xu hướng tăng trưởng chung về xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhịp tăng trưởng bình quân của kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam qua các năm luôn đạt mức tăng trưởng dương trong suốt giai đoạn 2010 - 2020. Theo đó, cùng với Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn luôn là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn và quan trọng nhất của Việt Nam. Từ năm 2010, cũng là khi Khu vực thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA) được thiết lập, quy mô và kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc tăng nhanh và ổn định, từ 2,92 tỷ USD năm 2010 lên 8,38 tỷ USD năm 2020, với nhịp độ tăng bình quân hàng năm đạt 11,1%/năm trong giai đoạn 2010 - 2020. (Hình 3)

Trong năm 2020, những mặt hàng nông, lâm, thuy sản chủ lực của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc bao gồm: rau quả, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng thủy sản, sắn và sản phẩm từ sắn, hạt điều và gạo; chiếm 94,9% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chính của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Trong đó, rau quả là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất,  đạt kim ngạch 1,84 tỷ USD (chiếm 22,0% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản chính của Việt Nam sang Trung Quốc); tiếp đến là cao su đạt 1,83 tỷ USD (chiếm 21,9%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD (chiếm 14,3%); thủy sản đạt 1,18 tỷ USD (chiếm 14,1%); sắn và sản phẩm từ sắn đạt 928,8 triệu USD (chiếm 11,1%), hạt điều đạt 510,7 triệu USD (chiếm 6,1%) và gạo đạt 463,0 triệu USD (chiếm 5,5%).

Những số liệu trên cho thấy, Trung Quốc là thị trường có vị trí rất quan trọng đối với xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Vì vậy, bất kể sự điều chỉnh hay thay đổi nào trong chính sách nhập khẩu của Trung Quốc cũng đều tác động mạnh mẽ đến tới sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường nước láng giềng này.

Xuất khẩu chính ngạch trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc

Trong trao đổi, mua bán, xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung, nông sản nói riêng, trong đó có rau quả tươi giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhiều thương nhân, doanh nghiệp Việt theo thói quen và tập quán thực hiện buôn bán theo hình thức tiểu ngạch. Đối với nhiều doanh nghiệp, trao đổi buôn bán và xuất khẩu nông sản tiểu ngạch vẫn được ưu tiên lựa chọn và duy trì xuất khẩu tiểu ngạch do thủ tục dễ dàng (mua bán trao tay), thuế suất thấp, không cần hóa đơn, chứng từ thanh toán hay hợp đồng ngoại thương như xuất khẩu chính ngạch, mà chỉ cần khai tờ khai tiểu ngạch và chịu chi phí biên mậu, chi phí vận chuyển thường thấp hơn so với xuất khẩu chính ngạch. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp, cá nhân vẫn lợi dụng hình thức xuất nhập khẩu tiểu ngạch để tránh thuế, hoặc thuê người dân cư trú ở vùng biên vận chuyển và mua bán để nhập lậu, trốn thuế. Với hình thức xuất nhập khẩu này, thường mang tính ổn định thấp, rủi ro cao, người xuất khẩu dễ rơi vào thế bị ép giá.  

Để xuất nhập khẩu ổn định, thường xuyên, lâu dài, tránh được rủi ro, đặc biệt với những thương vụ lớn, số lượng và trị giá xuất nhập khẩu cao thì cần thực hiện theo hình thức xuất nhập khẩu chính ngạch. Với hình thức này, hoạt động xuất nhập khẩu được thực hiện theo các điều khoản của hợp đồng xuất nhập khẩu được thiết lập trên cơ sở các quy định và thông lệ quốc tế cũng như căn cứ pháp lý của các quốc gia tham gia.

Mặc dù xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong thời gian qua tăng trưởng liên tục cả về số lượng và kim ngạch theo cả phương thức chính ngạch (qua các cửa khẩu chính và cửa khẩu quốc gia, quốc tế) và tiểu ngạch (qua các cửa khẩu phụ, cặp chợ biên giới, đường mòn, lối mở), nhưng hàng năm cứ đến mùa vụ nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, nhất là trái cây tươi bị ùn tắc tại vùng biên giới, gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ và xuất khẩu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều đó, đã gây ra nhiều hệ luỵ, tác động tiêu cực tới cả sản xuất, lưu thông phân phối, đời sống xã hội và môi trường.

Do tập quán, thói quen mua bán trao đổi giữa hai với nước có chung đường biên giới với nhiều cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc gia, của khẩu phụ, đường mòn, lối mở, nên trong nhiều năm qua, các loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc phần lớn theo phương thức tiểu ngạch. Trái cây xuất khẩu thường được làm thủ tục nhập khẩu theo hình thức là sản phẩm mua bán trao đổi của cư dân biên giới và được miễn thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, hình thức này phụ thuộc nhiều vào thương lái Trung Quốc, thương nhân Việt Nam dễ bị chèn ép giá bên cạnh tình trạng ùn ứ, ách tắc tại cửa khẩu mỗi khi Trung Quốc ngừng thu mua, tạm đóng cửa khẩu, thay đổi quy định nhập khẩu. 

Từ cuối năm 2018 đến nay, sau khi có sự thay đổi cơ cấu tổ chức (một số cơ quan kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản xuất nhập khẩu được chuyển về Tổng cục Hải quan), Trung Quốc đã chuyển mạnh sang hướng nhập khẩu chính ngạch một số mặt hàng nông sản của Việt Nam. Đối với trái cây nhập khẩu sẽ phải căn cứ vào Công lệnh số 68 (2/2018) về “Biện pháp quản lý ngăn chặn kiểm dịch tại cửa khẩu” và “Những  quy định  có liên quan đến Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch, kiểm nghiệm đối với hoa quả của Thái Lan qua nước thứ 3 nhập khẩu vào Trung Quốc” của phía Trung Quốc. Cục Kiểm nghiệm, kiểm dịch xuất nhập cảnh Quảng Tây (GXCIQ) gửi thông báo cho các đơn vị nhập khẩu của Trung Quốc liên quan đến chất lượng và quản lý truy xuất nguồn gốc sẽ áp dụng từ ngày 01/04/2018. Thông tin chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhập khẩu phải bao gồm các nội dung sau: (i) Trên bao bì (thùng, kiện) nhất thiết phải dùng tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Anh; ghi rõ tên hoa quả; nơi sản xuất, nơi đóng gói hoặc số hiệu/mã code; (ii) Đơn vị nhập khẩu phải ghi tất cả tin tức dán bên trên mã vạch, mã bảo vệ, đóng dấu, niêm phong.

Trong khi Trung Quốc thực hiện một số quy định mới (năm 2018), siết chặt hơn đối với nhập khẩu một số loại rau quả từ Việt Nam và tăng cường kiểm soát chất lượng các mặt hàng rau quả nhập khẩu, nhiều nhà sản xuất và doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn, lúng túng, do chưa kịp thích nghi và đáp ứng theo các quy định và tiêu chuẩn để được xuất khẩu chính ngạch rau quả vào Trung Quốc. Cụ thể là, sản phẩm nông sản xuất khẩu cần có truy xuất nguồn gốc, đăng ký vùng trồng; đăng ký các nhà sản xuất bao gói; có ghi nhãn,... Đối với một số loại quả còn áp dụng quy định chi tiết, như: dưa hấu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải dùng xốp lưới; mít dùng giấy dai Kraft, bao bì có in thông tin truy xuất; chuối dùng thùng giấy, túi nhựa để bọc trái đều phải in truy xuất nguồn gốc.

Gần đây, nhu cầu của thị trường Trung Quốc sụt giảm sau các biến động kinh tế và tác động của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang ngày càng tăng cường thực thi pháp luật, các chính sách thương mại biên giới theo hướng chính quy, nề nếp, trên cơ sở các quy định, chính sách đã ban hành với trọng tâm là tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định của Trung Quốc đối với hoạt động nhập khẩu nông sản trên tuyến biên giới đất liền, thông qua các biện pháp như truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước diễn biến tình hình trên, với chủ trương nhất quán định hướng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc theo phương thức chính ngạch, thông qua nỗ lực đàm phán giữa 2 bên, tính đến tháng 12/2020, Việt Nam có 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc (thanh long, chuối, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, măng cụt, dưa hấu, mít). Tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc 9 loại trái cây này đạt 1,61 tỷ USD năm 2020, chiếm 90,9% tổng giá trị xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc và chiếm 56,9% tổng giá trị xuất khẩu trái cây của Việt Nam, chiếm 49,1% tổng xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Có thể thấy, 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là những mặt hàng xuất khẩu quan trọng, đóng góp lớn trong tăng trưởng xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Trong giai đoạn 2010 - 2020, kim ngạch xuất khẩu 9 loại trái cây này có tốc độ tăng trưởng cao, trung bình tăng 43,5%/năm, từ 43,2 triệu USD năm 2010 tăng lên 1,61 tỷ USD năm 2020. Thực tế đã chỉ ra, khi xuất khẩu chính ngạch, việc ký kết hợp đồng với những điều khoản cụ thể về thời gian, địa điểm, cũng như phương thức giao hàng, thanh toán, trong đó cũng quy định trách nhiệm và quyền lợi rõ ràng, sẽ tạo ra các điều kiện thuận lợi, minh bạch cho cả hai bên theo thông lệ xuất nhập khẩu của thế giới. Thực hiện xuất khẩu chính ngạch cũng đòi hỏi phải thay đổi, tổ chức lại từ khâu sản xuất, đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, sẽ đem lại các điều kiện và lợi thế cho cả nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Với tiềm năng, lợi thế trong trồng trọt và xuất khẩu 9 loại trái cây này, cùng với phương thức xuất khẩu chính ngạch, trong tương lai, xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tăng trưởng và phát triển theo hướng bền vững. Đồng thời sẽ tạo tiền đề cho hai bên tiếp tục đám phán để mở rộng zoom cho xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam. (Hình 4)

Khuyến nghị: Tăng cường chuyển sang xuất khẩu chính ngạch nông sản

Trong thời gian tới, Trung Quốc tiếp tục áp dụng những quy định liên quan đến hoạt động ngoại thương. Cụ thể, một số quy định được Trung Quốc áp dụng từ đầu năm 2022, như: Lệnh số 248 về việc ban hành "Quy định về Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Lệnh số 249 về việc ban hành các "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" của Hải quan Trung Quốc. Đây là những quy định không hoàn toàn mới, nội hàm và tính chất của những quy định này phù hợp với yêu cầu và xu thế chung của thế giới mà ngay cả Việt Nam cũng áp dụng. Bên cạnh đó, việc ban hành, áp dụng những quy định này hoàn toàn phù hợp với vị thế của một nền kinh tế lớn hàng đầu trên thế giới, với yêu cầu ngày càng cao về các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, được cung cấp bởi các doanh nghiệp có năng lực, uy tín và chất lượng. Nội dung của những quy định này cũng đã được các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam, đặc biệt Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo, đưa ra cảnh báo, cũng như thông tin kịp thời đến doanh nghiệp để cùng với nông dân và các nhà sản xuất trong nước thay đổi để liên tục giữ vững và phát triển quan hệ thương mại với thị trường giàu tiềm năng này.

Diễn biến của đại dịch Covid -19 và những hệ lụy của nó còn phức tạp và khó lường, cũng như chiến lược “Zero Covid” của Trung Quốc đang gây ra nhiều cản trở và khó khăn cho thương mại giữa 2 nước, đặc biệt là đối với thương mại hàng nông, lâm, thủy sản. Để thương mại hàng nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục dòng chảy và đem lại lợi ích hài hòa cho các bên tham gia, trách nhiệm chính thuộc về tất cả các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại này.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, một mặt, tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lý cho cả sản xuất và xuất khẩu nông sản, mặt khác, tích cực và chủ động đàm phán, ký kết nghị định thư với phía Trung Quốc để phía bạn sớm chấp nhận mở rộng danh mục các mặt hàng nhập khẩu chính ngạch từ Việt Nam. Đồng thời tiến tới ký kết chấp nhận kiểm dịch lẫn nhau (tránh tình trạng phía bạn vẫn tiến hành kiểm dịch 100% lô hàng dẫn đến thời gian thông quan lâu và phát sinh thêm chi phí);

Cơ quan quản lý nhà nước các cấp, cùng với chính quyền địa phương thông tin, phổ biến và hướng dẫn kịp thời tới nhà sản xuất và doanh nghiệp về nhu cầu và yêu cầu đối với nông sản của nước nhập khẩu. Đặc biệt định hướng doanh nghiệp chuyển hẳn sang phương thức xuất khẩu chính ngạch, theo thông lệ kinh doanh quốc tế, tránh được nhiều rủi ro và bất ổn từ phương thức xuất khẩu tiểu ngạch;

Các tổ chức xúc tiến thương mại cùng với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài giúp các doanh nghiệp Việt tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời thông tin và hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu trong xuất khẩu và nhu cầu của thị trường nhập khẩu;

Các Hiệp hội ngành hàng phát huy vai trò cầu nối doanh nghiệp với thị trường, với cơ quan quản lý và với các đối tác thương mại, thông tin và giúp doanh nghiệp chuyển đổi hẳn sang thực hiện xuất khẩu chính ngạch, đặc biệt với nông sản tươi sống.

Với doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu, đồng hành cùng bà con nông dân để có sản phẩm chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, cần chủ động chuyển hẳn sang phương thức xuất khẩu chính ngạch nếu muốn tiếp tục thành công trên chặng đường kinh doanh dài lâu.

Bên cạnh thị trường truyền thống, để tránh rủi ro và thu được hiệu quả cao hơn trong xuất khẩu nông sản, xuất khẩu chính ngạch sang đa dạng các thị trường, trong đó khai thác các thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do vẫn đang và sẽ luôn là lựa chọn thông minh và bền vững của các chủ thể kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1]Cà phê; cao su; chè; gạo; gỗ và sản phẩm gỗ; hàng rau quả; hàng thủy sản; hạt điều, hạt tiêu; phân bón các loại; sản phẩm từ cao su; sắn và sản phẩm từ sắn; thức ăn gia súc và nguyên liệu; sản phẩm mây, tre, cói và thảm

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thị Phong Lan, 2017, Quản lý nhà nước đối với xuất khẩu nông sản ở Việt Nam trong hội nhập quốc tế, luận án tiến sĩ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
  2. Tổng cục Hải quan (2020), Số liệu xuất nhập khẩu các năm từ 2010 - 2020.
  3. Trịnh Thị Thanh Thủy & Phùng Thị Vân Kiều (2020). Xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam trong thập niên 2010 và giải pháp, Tạp chí Nghiên cứu Công nghiệp và Thương mại, số 43 .
  4. Đức Duy, (2020), Nông sản Việt: Đi theo hướng chính ngạch để xuất khẩu bền vững”, https://www.vietnamplus.vn/
  5. VTV (2021), Quy định mới về nông sản Việt Nam vào Trung Quốc, https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/quy-dinh-ve-nong-san-viet-nam-vao-trung-quoc-782611.html

Exporting via official channels - The sustainable solution for exporting Vietnamese agricultural products

Assoc.Prof.Ph.D Ha Van Su1

Ph.D Trinh Thi Thanh Thuy2

1Thuongmai University

2Vietnam Institute of Strategy and Policy for Industry and Trade

Abstract:

Having many potentials and advantages in the production and export of agricultural products, Vietnam is ranked among top 15 agricultural exporters in the world. China, a neighboring country of Vietnam, is the biggest agricultural importing market for Vietnam.

For goods trading in general and agricultural products trading in particular, many Vietnamese traders and enterprises export their products via unofficial channels. Hence, they often face risks and disadvantages. Shifting to export agricultural products via official channels in accordance with international practices is an inevitable choice for Vietnamese traders and enterprises to improve their performance and make the country’s export sustainable. This paper presents the current Vietnam’s export of agricultural products to China and determines issues that Vietnam is currently facing, thereby making some recommendations for strengthening the export of agricultural products to China via official channels.

Keywords: export, official export, agricultural products, China, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 4 năm 2022]