Vừa qua, để thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào thị trường Australia, Bộ Công Thương đã có chương trình tư vấn các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu loại trái cây này, đồng thời tư vấn xây dựng thương hiệu từ khâu bao bì để nhận diện sản phẩm cho đến đảm bảo chất lượng của trái sầu riêng “made in Việt Nam”.
Cụ thể, đối với loại đông lạnh nguyên quả nên có tem nhãn hiệu và lưới bao quanh để dễ xách. Ngoài ra, việc trang bị lưới bằng sợi bàng, lục bình càng gây được ấn tượng sinh thái, thân thiện, bảo vệ môi trường. Còn với sầu riêng đông lạnh nguyên múi nên có hộp giấy và màu trong suốt để khách hàng dễ dàng nhìn thấy múi sầu riêng vàng ánh sang trọng xứng đáng với tên gọi “quả vua”.
Mặc dù, sầu riêng là loại trái cây được đánh giá là khá “kén khách”, nhưng nếu biết làm hình ảnh, thương hiệu tốt, thì tiềm năng xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang không chỉ Australia mà còn nhiều quốc gia khác là rất lớn. Người gốc châu Á tại nhiều quốc gia có thói quen thưởng thức sầu riêng đông lạnh quanh năm và dùng để chế biến cho một số món ăn.
Người dân ở các nước phương Tây cũng bắt đầu trải nghiệm vị ngọt và mùi vị mới lạ do chiến lược quảng bá sầu riêng của Việt Nam đã gây được chú ý. Điều quan trọng, một khi đã tạo dựng được thương hiệu, khẳng định được chất lượng, sự an toàn theo tiêu chuẩn của quốc gia nhập khẩu, nhất là các nước khó tính, dự báo sầu riêng Việt Nam sẽ được nhiều thị trường quan tâm trong thời gian tới.
Trước đó, một số loại trái cây khá quen thuộc đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước như chuối, xoài, vải thiều, nhãn, thanh long... cũng đã được rất nhiều DN xuất khẩu chú trọng xây dựng thương hiệu. Đây là những mặt hàng có thế mạnh trong nhóm hàng rau, quả xuất khẩu Việt Nam đang được nhiều nơi ưa chuộng, trong đó có các thị trường khó tính bậc nhất thế giới là Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU. Đến nay, sản phẩm trái cây tươi Việt Nam đã được phân phối tại một số hệ thống siêu thị và cửa hàng bán lẻ nước ngoài và được người dùng đón nhận.
Riêng với trái vải thiều xuất sang thị trường Nhật Bản, sau khi chuyên gia Nhật tiến hành trực tiếp kiểm tra hệ thống xử lý khử trùng, lô vải thiều chính vụ Bắc Giang đã lần đầu được xuất khẩu qua đường hàng không và có mặt tại hệ thống siêu thị Nhật Bản. Với mẫu mã đẹp, đảm bảo các yêu cầu chất lượng, kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm nên vải thiều Bắc Giang đã được nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá rất cao về chất lượng. Đây là khởi đầu thành công và mở ra cơ hội xuất khẩu rất lớn cho quả vải thiều tươi đến với các thị trường khó tính khác.
Ngoài ra, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, Nhật Bản là quốc gia vẫn đẩy mạnh nhập khẩu nhiều chủng loại trái cây, rau củ từ Việt Nam do người tiêu dùng Nhật rất ưa chuộng những loại trái cây này. Theo nhận định của các chuyên gia, đây là thị trường có tiềm năng xuất khẩu cao đối với nhiều loại trái cây tươi của Việt Nam, các DN cần chú trọng đầu tư, giữ vững thương hiệu và thị phần.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu rau quả tháng 6 đầu năm 2020 của Việt Nam ước đạt 285 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,79 tỷ USD, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2019 do thị trường Trung Quốc có giá trị xuất khẩu giảm (đây là thị trường chiếm hơn 60% giá trị xuất khẩu của mặt hàng rau quả của Việt Nam).
Tuy nhiên, hầu hết các thị trường khác đều có giá trị xuất khẩu tăng như Thái Lan đạt 68 triệu USD chiếm 4,5% thị phần, tăng 233,4%; Hàn Quốc đạt 67,4 triệu USD chiếm 4,5%, tăng 21,8%; Mỹ đạt 62 triệu USD chiếm 4,1%, tăng 6,1%; Nhật Bản đạt 57,7 triệu USD, chiếm 3,8%, tăng 15,5%...
Bên cạnh đó, châu Âu (EU) cũng cam kết mở cửa mạnh cho rau quả Việt Nam trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với việc xóa bỏ 94% trong số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm Việt Nam có lợi thế. Vì vậy, khi Hiệp định này có hiệu lực, dự báo mặt hàng trái cây xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng cả về kim ngạch và giá trị xuất khẩu.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn nhận định, việc xây dựng hình ảnh và làm thương hiệu hiện vẫn còn là khâu yếu của các DN Việt Nam. Vì vậy, ngoài việc đầu tư vào nghiên cứu, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, đáp ứng yêu cầu của bạn hàng, các DN xuất khẩu cần chú trọng hơn nữa đến quảng bá, tiếp thị, tạo dấu ấn riêng cho trái cây Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.