Theo số liệu mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giá trị xuất khẩu rau quả năm 2019 ước đạt 3,74 tỷ USD, giảm 1,9% so với năm 2018.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam với hơn 65% thị phần. Nguyên nhân xuất khẩu rau quả sụt giảm là do sự sụt giảm tại thị trường Trung Quốc.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, xuất khẩu rau quả sụt giảm trong năm qua là do Trung Quốc đã siết chặt tiểu ngạch, chỉ nhập khẩu hàng chính ngạch. Nhiều mặt hàng rau quả có lợi thế của Việt Nam chưa được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nên phải thúc đẩy tiêu thụ nội địa hoặc gia tăng chế biến.
Điều đáng nói, ở một số thị trường lớn khác, xuất khẩu rau quả Việt Nam lại tăng trưởng mạnh. Cụ thể, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 137,7 triệu USD, tăng 9,2%; Hàn Quốc đạt 119,4 triệu, tăng 14,2%; Nhật Bản đạt 112,4 triệu USD, tăng 14,4%...
Những loại quả có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam đến nay đã thâm nhập hầu hết các thị trường “khó tính” bậc nhất thế giới, chiếm khoảng hơn 30%, trong đó có những thị trường tăng trưởng mạnh như: Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Canada…
Tuy nhiên, hiện nay cũng đã xuất hiện những đối tác cạnh tranh với Việt Nam như: Campuchia đã xuất khẩu được xoài vào Hàn Quốc; Trung Quốc đã mở rộng diện tích trồng thanh long...
Do đó, theo Bộ NN&PTNT, nếu ngành trái cây Việt không thay đổi, không cải tiến chất lượng thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu. Ngoài yếu tố chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người nông dân phải sản xuất hàng hóa ở quy mô lớn để đáp ứng được những đơn hàng lớn của nhà nhập khẩu. Từ nhiều năm nay, đây vẫn là bài toán khó với ngành hàng trái cây Việt Nam.