Rút gần khoảng cách và nâng cao hiệu quả giao thương
Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường hiệu quả, thời gian qua Bộ Công Thương đã tập trung thúc đẩy phương thức xúc tiến thương mại (XTTM) trên môi trường số.
Theo thống kê sơ bộ trong năm 2021, Bộ Công Thương đã trực tiếp triển khai, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương tổ chức trên 1.000 hội nghị dưới hình thức trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên cả nước, hàng triệu phiên giao thương trực tuyến, hỗ trợ hàng triệu lượt doanh nghiệp thực hiện XTTM trực tuyến.
Việc tham gia hoặc tổ chức hàng loạt các hội chợ, triển lãm quốc tế có quy mô lớn trong nước và nước ngoài cũng được Bộ Công Thương tổ chức trên môi trường số. Riêng Chuỗi Chương trình tư vấn, cung cấp thông tin cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam về thị trường xuất - nhập khẩu trực tuyến và trực tiếp triển khai từ ngày 15/11/2021 đã hỗ trợ trên 2.000 lượt cơ quan, doanh nghiệp. Chuỗi Chương trình đã cung cấp các thông tin cập nhật, hữu ích, giải đáp các khó khăn vướng mắc nảy sinh để hỗ trợ cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp trên cả nước, qua đó góp phần phát triển xuất nhập khẩu bền vững.
Kết quả của hoạt động XTTM trên môi trường số đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ, rút ngắn khoảng cách và thời gian, đồng thời tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng, qua đó đóng góp vào thành tích xuất khẩu tích cực của cả nước trong 02 năm qua.
Các hoạt động XTTM phát triển thị trường trong nước cũng được đẩy mạnh. Ngay từ đầu năm 2021, Cục XTTM đã trao đổi với các địa phương dự báo nguồn cung sản phẩm, đặc biệt nhóm hàng nông sản để xây dựng kế hoạch XTTM, chủ động các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tránh việc ùn ứ hàng nông sản vào vụ, hỗ trợ các địa phương tổ chức hàng chục hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản chuẩn bị vào vụ tại thị trường trong nước, thông qua kết nối các nhà cung ứng nông sản địa phương với các hệ thống siêu thị, các sàn giao dịch thương mại điện tử, đơn vị mua hàng của các nhà phân phối quốc tế, các doanh nghiệp thu mua chế biến nông sản, qua đó góp phần giảm tình trạng được mùa mất giá và ùn ứ nông sản.
Hoạt động XTTM đã hỗ trợ các địa phương, đặc biệt các địa phương thực hiện giãn cách xã hội tìm kiếm nguồn cung đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân tại vùng dịch.
Với những hoạt động nổi bật, hiệu quả, công tác XTTM trên môi trường số được đánh giá là một trong những sự kiện, hoạt động tiêu biểu của ngành Công Thương năm 2021.
Tập trung phát triển hệ sinh thái xúc tiến thương mại số
Nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động XTTM trên môi trường số, hiện nay nhiều ứng dụng đang được lên kế hoạch phát triển, hoặc đang được từng bước thiết kế gồm nền tảng hệ sinh thái XTTM số; nền tảng kết nối giao thương trên môi trường số áp dụng công nghệ mới, hỗ trợ việc tìm kiếm thông tin, cơ hội kinh doanh trong nước và quốc tế; nền tảng hội chợ, triển lãm; nền tảng định danh điện tử cho doanh nghiệp XTTM… Qua đó nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thông tin, đối tác kinh doanh trên môi trường số.
Một số nền tảng đã phát triển cơ bản gồm Hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành XTTM; hệ thống đào tạo trực tuyến (E-learning) với một số mô-đun cơ bản, tích hợp các kho học liệu nhằm nâng cao năng lực XTTM; hệ thống truy xuất nguồn gốc XTTM (iTrace247); nền tảng bản đồ XTTM sản phẩn nông sản có tiềm năng xuất khẩu.
Một số nền tảng được phát triển dưới dạng liên kết và hợp tác với các đối tác quốc tế như với Cổng thông tin hướng dẫn xuất nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp (hợp tác với Trung tâm thương mại quốc tế - ITC), Hệ thống cảnh báo thương mại phiên bản tiếng Việt (Hợp tác với ITC và WTO).
Trong năm 2022 và thời gian tiếp theo, để phát triển XTTM số hiệu quả hơn, Cục XTTM tập trung thực hiện một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm.
Một là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM thông qua việc xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch hành động triển khai Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030”.
Đồng thời triển khai có hiệu quả các nền tảng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng được yêu cầu của hoạt động XTTM trong tình hình mới: giúp đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm nông sản, thủy sản, gia súc gia cầm của các địa phương có sản lượng mùa vụ lớn trên các nền tảng thương mại điện tử, mặt khác giúp địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hai là, bám sát tình hình thực tiễn, thường xuyên liên tục rà soát tình hình triển khai nhiệm vụ để tham mưu kịp thời, hiệu quả cho Lãnh đạo các cấp trong triển khai, điều hành nhiệm vụ.
Ba là, đẩy mạnh kết hợp và lồng ghép các nguồn lực, từ trung ương đến địa phương, trong nước với quốc tế để triển khai hoạt động XTTM gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu ở các cấp độ từ quốc gia đến ngành và sản phẩm.
Bốn là, tổ chức triển khai các hoạt động XTTM, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương theo hình thức phù hợp với tình hình mới nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối các nhà cung cấp, doanh nghiệp Việt Nam với đối tác, doanh nghiệp, nhà nhập khẩu, nhà đầu tư nước ngoài, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, để huy động và chuẩn bị tốt các nguồn lực triển khai cho hệ thống XTTM số, Cục XTTM sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, cán bộ phụ trách XTTM của các địa phương, hiệp hội nhằm nâng cao năng lực tiếp cận các hình thức XTTM trực tuyến mới; đồng thời thông qua các lớp đào tạo, cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng, nhu cầu xuất - nhập khẩu đến các doanh nghiệp.